VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những chuyến đi từ Nhà số 4 (NGUYỄN HỮU QUÝ)

Chủ Nhật, 14/08/2011 09:21

Cuộc đời tôi bắt đầu chuyển sang trang khác khi bước qua cổng Nhà số 4 – tạp chí Văn nghệ quân đội có cặp đại già trầm tư đứng gác hai bên. Đó là vào ngày 9 tháng 3 năm 1997. Thực ra, quyết định điều động tôi về Văn nghệ quân đội của Bộ Quốc phòng ký từ tháng 12 năm trước nhưng do công tác bàn giao ở đơn vị nên đến ngày đó tôi mới có mặt ở tạp chí.

Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã 14 năm. 14 năm ấy, tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn với Nhà số 4, nơi mà trước đây một người cầm bút vốn làng nhàng tỉnh lẻ như tôi chưa bao giờ mơ đặt chân vào. Trời thương hay được các liệt sỹ phù hộ (do viết một số bài thơ về các anh chị: Bông huệ trắng; Khát vọng Trường Sơn) như bạn bè thường nói nên tôi mới “thành” như ngày nay? Và, tôi cũng mang cái tâm cảm ấy trong hành trình sáng tác, trong cuộc đời mình nên khi trường ca Vạn lý Trường Sơn xuất bản tôi đã mang vào nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn ở thượng nguồn sông Bến Hải để thắp hương hóa vàng như một cách báo cáo, tri ân trước anh linh những người lính hy sinh cho Tổ quốc.

14 năm ấy, khi ngoảnh lại quá khứ tôi cảm nhận được khá đầy đặn hạnh phúc mình có khi được là đồng đội gần gũi của những nhà văn nổi tiếng như Dũng Hà, Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung, Nam Hà, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bảo, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Trần Đăng Khoa, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình…và sau này là những Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Quốc Trung, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hòa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thanh Tú, Thái Nam Anh, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Minh Tâm…Hai họa sỹ tên Hải, một họ Quách tên lót Đại, một họ Nguyễn tên lót Xuân cũng để lại trong lòng tôi nhiều thương mến. Cũng vậy, nhiều anh chị em nhân viên hành chính như Phạm Huy Tưởng, Lê Hồng Quân, Nguyễn Xuân Kiểm, Trần Thị Lâm, Trần Thị Bình, Vũ Thị Thơm, Phạm Như Quỳnh, Duy Quang…đã cho tôi những tình cảm đẹp. Bây giờ, có bác đã thành cỏ xanh miên man mặt đất, có bác là ngọn khói mong manh bay lên trời, có anh chị đã nghỉ hưu, có người đang tại ngũ.

Đêm nằm, nghĩ ngợi gần xa, không thể không tự vấn về ứng nhân xử thế của mình. Bởi, cuộc đời có dài lắm đâu chứ! Tướng Dũng Hà mới hôm nào còn vạm vỡ hồng hào, gặp gỡ đàn em là thích nói nhiều, nói sôi nổi mà nay đã thành người thiên cổ. Họa sỹ Quách Đại Hải gầy gò, chưa xa lắm, còn thi thoảng lên phòng tôi “xin” chén rượu Ba Đồn nhâm nhi nhắc chuyện thời chiến tranh nơi quê bọ. Mới hôm nào anh còn hát chèo i hi và tường thuật bóng đá trên chuyến xe lên Điện Biên cho chúng tôi nghe và khi về hưu, chăm chút cho 4 cái vui thích của mình là “vẽ, viết, vườn, vợ” mà nay cũng ra đi rồi.

Cuộc đời có dài lắm đâu chứ! Mới ngày nào tôi đặt chân vào Nhà số 4, tóc chưa sợi bạc, rụt rè xách chai rượu Kim Long sang mừng căn hộ mới của anh Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu ở 8 Lý Nam Đế mà nay đầu đã hoa râm mặt mũi nhàu nhĩ lắm rồi. Vô vàn em chân dài giữa chốn Hà thành kính cẩn chào ông, chào bác. Còn nhớ anh Ngô Vĩnh Bình dắt cái thằng lớ ngớ là tôi sang quân y báo Quân đội làm quen để khi nhức đầu sổ mũi còn biết chỗ xin thuốc. Nhớ Khoa “cuội” đưa tôi và Trần Thanh Hà đi ăn cơm bụi ở quán Gầm cầu mà hắn ta không thèm gọi cho tôi một cốc bia, chén rượu nào và thi sĩ thần đồng quá nổi tiếng này ung dung lôi từ trong túi xách ra một chai nước mắm miền Trung cực ngon chiêu đãi chúng tôi ăn cho đỡ nhớ quê. Nhớ Ban Thơ yêu dấu của tôi thời ấy, sao mà ấm áp đến thế. Các nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc thực sự coi tôi như em, rất nghiêm khắc trong biên tập nhưng lại hay “chiều” tôi, ưu tiên cho tôi trong bình xét khen thưởng hàng năm. Bây giờ và mai sau, trong tâm cảm của tôi các anh vẫn là những Hiền nhân; tuy làm người khó mà mười phân vẹn mười, không mắc tật này cũng chứng khác. Tôi có lớn lên được chút nào cũng đều có phần đóng góp của các anh, những nhà thơ mang áo lính ấy. Đấy là tôi nói thực lòng, không xã giao đãi bôi, vì đến độ quá ngũ thập tri thiên mệnh này, đó là điều không nên. Nguyễn Đức Mậu hay nói với tôi: làm nghề biên tập phải công bằng và vô tư; tác giả có mắng mỏ mình mà thơ họ hay thì vẫn phải đăng. Đấy là anh nói khi tôi còn là biên tập viên thơ, lính của anh. Anh Vương Trọng cũng hay góp ý cho tôi, về biên tập cũng như sáng tác. Có bài thơ tôi làm xong đưa anh đọc, Vương Trọng góp ý thẳng thắn: Mình thấy Quý viết như thế này là hơi tùy tiện, phần đầu và phần sau không kết dính nhau, bài thơ này có thể tách thành hai bài được. Nói thật, tôi lớn dần lên cũng một phần nhờ những góp ý trực tiếp như vậy. Làm văn chương cốt yếu phải có tài song khi tài năng có hạn mà được sống và viết trong môi trường như Văn nghệ quân đội theo tôi là may mắn. Đó là không gian của sáng tạo, nơi tập hợp nhiều nhà văn có tiếng của đất nước, nơi lui tới của khá đông bè bạn cầm bút, mình dễ được khơi nguồn cảm hứng và có thời cơ học hỏi về nghề.

14 năm qua, từ Nhà số 4 này tôi có nhiều chuyến đi bổ ích. Những chuyến đi bồi đắp thêm vốn sống và cảm hứng sáng tạo văn học. Cứ nhớ, nhớ lâu chuyến đi thực tế đầu tiên của tôi và nhà văn Đỗ Viết Nghiệm xuống sư đoàn 312 mang tên Chiến Thắng viết về tân binh. Theo nhiệm vụ mà Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân giao là tôi làm thơ và Đỗ Viết Nghiệm viết bút ký. Hai anh em lóc cóc lên đường, xuống đơn vị đi hết chỗ này sang chỗ khác, từ thao trường đến nhà ở, nhà ăn mà vẫn chẳng thấy xuất hiện ý thơ, tứ thơ nào. Lo quá! Nhiệm vụ ban đầu Tổng biên tập giao mà không hoàn thành thì xấu hổ lắm. Hay, ta chuyển sang “trả bài” bằng văn xuôi nhỉ. Không được, đấy là phần của Đỗ Viết Nghiệm. Đang loay hoay liệu tính thì Đỗ Viết Nghiệm nhận quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đại diện Văn nghệ quân đội phía Nam nên không viết bài kịp. Thế là tôi xin phép viết bút ký lấy tên Khẩu súng B40, cây đàn gỗ và những chàng lính trẻ. Bài bút ký được in ngay vào số tháng 5 năm 1997. Bài văn xuôi đầu tiên in Văn nghệ quân đội. Trong giao ban, được phó Tổng biên tập phụ trách nội dung Lê Thanh Nghị biểu dương. Sướng quá, sướng ngơ ngẩn, sướng âm ỉ đến mấy tuần liền. Nhớ, nhớ mãi chuyến đi Hà Giang năm 1998. Tôi được phân công đưa các cây bút trẻ - học viên lớp viết văn do Văn nghệ quân đội mở - đi thực tế ở vùng cực bắc xa xôi heo hút này. Thiếu úy Nguyễn Đình Tú, lúc ấy chưa về Tạp chí ta, rất thư sinh đẹp trai (chứ không phải là “Tú Béo” như bây giờ) cũng có mặt. Lúc này, tôi đưa con gái ra Hà Nội học lớp 8 mới được một tuần. Lên đường đúng rằm tháng tám, Trung thu. Thương con lắm nhưng không thể thoái thác nhiệm vụ. Chiều hôm trước dẫn con ra Hàng Mã mua đèn ông sao, trống cơm và ra chợ Hòe Nhai mua bưởi, na về bày cỗ. Đêm mười bốn, hai bố con lên sân thượng đón Trung thu trước. Cũng nến, cũng đèn ông sao, cũng mâm quả, con hát véo von, bố đánh trống tùng tùng. Thương con, sống mũi cứ cay cay. Chuyến đi vào mùa mưa, đường sá lầy lội sạt lở, trơn trượt khá nguy hiểm. Đoạn đường vào đồn Bạch Đích và Phó Bảng chênh vênh trơn như đổ mỡ, lái xe sợ không an toàn nên bảo anh em xuống đi bộ. Lên Bạch Đích gặp đồn trưởng Bằng cười như nứa vỡ, thích thú khi thấy cây đào nở hoa sớm, rượu uống theo kiểu cạn chén bắt tay. Về, viết được bút ký Nở sớm hoa đào Bạch Đích và bài thơ Với một lần Hà Giang in Văn nghệ quân đội. Nguyễn Đình Tú có bút ký Bên cột mốc số 9 rất sinh động và tươi trẻ in Văn nghệ quân đội sau đó được giải thưởng của Bộ đội Biên phòng cùng với bút ký Nở sớm hoa đào Bạch Đích của tôi.Tôi với Sương Nguyệt Minh cũng gắn bó với nhau trong không ít lần đi thực tế. Vào đèo Đá Đẽo, miền Tây Quảng Bình viết về bộ đội công binh rà phá bom mìn để làm đường Hồ Chí Minh CNH-HĐH. Chuyến đi có thêm nhà văn Nguyễn Thị Như Trang và Quỳnh Linh. Ăn, ở, sinh hoạt cùng bộ đội giữa rừng. Thấy tận mặt những quả bom phá 3000 bảng Anh, những rổ bom bi, những quả sát thương chưa nổ bị anh em ta đào lên và vô hiệu hóa. Nghe được câu chuyện tình cảm động của một chiến sỹ công binh quê Lương Sơn, Hòa Bình với một cô gái ở Quảng Bình. Hai người yêu nhau tha thiết và đã hẹn ngày ra mắt gia đình. Anh chiến sỹ hy sinh trong khi tháo gỡ bom, cô gái xin gia đình chịu tang như phận sự của một người vợ. Những câu chuyện, chi tiết ấy đã đi vào bút ký của Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Như Trang, Quỳnh Linh rất xúc động và sau chuyến đi gian khổ mà ấn tượng này tôi cũng làm được bài thơ Những cảnh rừng còn nhiều bom đạn địch. Trong trận lụt lịch sử năm 2000 ở Thừa Thiên Huế tôi cũng với Sương Nguyệt Minh bay nhờ máy bay quân sự vào nơi đó. Một chiếc cánh quạt AH cũ kỹ (Nguyễn Hòa nói đùa là sót lại từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 của Liên Xô) chở hàng cứu trợ và hai nhà văn mang quân phục. Ngồi bên những thùng mì tôm, nước lọc và cả bánh chưng tôi chỉ nghe u u, ì ì tiếng động cơ. Bầu trời âm u. Vào miền Trung mây mù tràn cả vào khoang hàng hóa mịt mờ, xám xịt. Máy bay lượn chục vòng vẫn không hạ cánh được. Lo. Vợ con đang vất vả, thơ dại. Có mệnh hệ gì thì mình an phận là “liệt sỹ” rồi nhưng hai thằng cu Tý; Tý anh, Tý em của Sương Nguyệt Minh, bé Mai Sao, bé Hòa Bình và cu Minh của tôi còn bé lắm, thơ dại lắm. Mình mất, vợ có thể tìm được chồng mới nhưng con cái thì vĩnh viễn mất cha. Nghĩ mà nao lòng, xót dạ. Trời! Ra đi mà không một lời trăng trối với người thân yêu. Lúc ấy hai đứa tôi làm gì có điện thoại để gọi về nhà vĩnh biệt. Có ra đi thì sẽ ra đi trong im lặng. Vô cùng im lặng. Ầm một phát, trong một sát – na, thế là thân xác tan vào không trung, hồn ta hồn bạn, Sương Nguyệt Minh ạ, sẽ thành mây trắng lang thang muôn nơi. May. Cuối cùng máy bay cũng hạ cánh được xuống sân bay Phú Bài. Sống rồi. Ha ha. Hai thằng ôm nhau. Cười. Lại xin nhờ trực thăng lên A Lưới. Lần này có thêm Quỳnh Linh (bay vào trước). Lại chui vào mây, lại len lỏi qua núi. Máy bay hạ cánh, dân xúm đen xúm đỏ. Mì tôm, nước lọc, thuốc men bốc ra. Dân mắc kẹt lụt ào vào xin quá giang về Huế. Chen chúc. Ồn ã. Không sao dẹp được. Tôi bị dân dẫm tụt cả giày, văng mất mũ. Sương Nguyệt Minh áo bị dân túm rách toạc một tay. Quỳnh Linh bị túm chặt như một con tin. Dở khóc. Dở cười. May. Cuối cùng cũng dẹp yên. Máy bay phành phạch bốc lên. Sau chuyến đi chúng tôi đều có bài và giải thưởng báo chí toàn quốc năm đó Văn nghệ quân đội được trao giải A tập thể cho những bài viết về bão lụt (gồm Nguyễn Bảo, Sương Nguyệt Minh, Quỳnh Linh, Nguyễn Hữu Quý).

Chuyến đi Trường Sa cũng cho tôi nhiều ấn tượng khó phai. Sau 15 ngày lênh đênh trên lãnh hải thân yêu của Tổ quốc, qua nhiều đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa tôi viết được khá nhiều bài bút ký, thơ và cả chuyện tình dưới đáy ba lô.

Những chuyến đi từ Nhà số 4 tuy vất vả gian khổ nhưng thật có ích cho người cầm bút. Bây giờ, tuổi không còn trẻ, sức không còn sung nhưng cái máu xê dịch trong tôi vẫn đầy. Mỗi khi nghe ai gọi đi đâu đó trong lòng lại rạo rực, xốn xang. Những chuyến đi khởi hành từ Nhà số 4 vẫn còn hấp dẫn tôi biết mấy!

Tháng 4 năm 2011

NGUYỄN HỮU QUÝ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)