VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Phía trước tôi – nhà số 4 (LÊ LỰU)

Thứ Hai, 11/07/2011 08:12

Chúng tôi có ba người. Thêm là con cụ từ giữ đình làng. Dân con chú họ tôi và tôi. Cả làng bảo: có ba anh bảnh trai và khỏe nhất cùng trúng tuyển đợt nghĩa vụ này (tháng 2/1959) là làng Trung Hòa ta vinh dự quá.

Ba bà mẹ chúng tôi cũng thấy “mát mặt”. Các cụ cười mếu máo dặn: khi nào đến đơn vị nhất quyết ba anh em phải “keo sơn” không được rời nhau ra, nhỡ có chuyện gì!

Đại đội tân binh chúng tôi toàn là thanh niên ba xã ngoại bối của huyện Khoái Châu. “Oai oai như phủ Khoái”.. Ba xã năm nào cũng lụt, không trồng được lúa. Những cái dạ dày quen chứa đựng toàn khoai lang, dong giềng và bánh đúc ngô phình ra rất to nên những tháng đầu ở đại đội tân binh mỗi bữa ăn ba bát sắt Trung Quốc to bằng bát yêu tầu lèn chặt cơm vẫn không thấy thấm tháp gì. Năm giờ rưỡi chiều ăn cơm, bẩy giờ tối nghe đọc báo bụng đã sôi èo ẽo. Ở nhà ngô khoai, không thịt thà, chả có chất gì nhưng đói là có nắm ngô rang, củ khoai sống lèn vào bụng. Đằng này tròn trọt ba bữa cơm mà bữa nào dạ dày lỏng lẻo chỉ thấy lưng lửng. Thành ra dân vùng đói lại không chịu được đói. Ba đứa bàn nhau tối thứ bảy, mỗi đứa trốn về nhà mang ít khoai lang và ngô lên nhờ anh nuôi nấu, rang để “chống đói”.

Từ Đồ Sơn về Hải Phòng, từ Hải Phòng về Phố Nối và từ Phố Nối về nhà. Chỗ nào bám sau xe thực phẩm của đơn vị, chỗ nào nhảy tầu, chỗ nào chạy bộ? Tính toàn làm sao 6 giờ chiều thứ bẩy đi, đúng 9 giờ tối chủ nhật phải có mặt ở đơn vị để điểm danh. Cả một tuần ba quả tim đập vụng trộm, ba cái mặt nghiêm trọng thậm thụt thì thào, mọi phương án, mọi tình huống đã được bàn đi, tính lại thật kỹ càng. Đến khi cùng reo lên: “Hay quá. Chắc rồi” thì ba cái mặt lại đưỡn ra vì không thằng nào dám đi. Tôi quen thuộc đường. Thêm đã gánh cau con cho bố đi bộ hàng dăm bảy chục cây số. Dân hiền lành có đi đâu vài ba ngày cũng không ai nghi ngờ gì. Đứa nào cũng có “thế mạnh” có thể đi được, nhưng đứa nào cũng sợ đơn vị biết. Mình bị kỷ luật đã đành, mẹ ở nhà sẽ đau đớn và nhục nhã như thế nào khi cả làng biết con mình bỏ đơn vị trốn về. Thế là ba thằng như ba kẻ tội phạm cúi đầu mặc niệm cho cái ý định đã chết. Rồi, sau đấy giận nhau. Thằng nào cũng nghĩ bụng: hai đứa thuận lợi hơn mình mà chả thằng nào chịu đi. Chúng nó chỉ muốn xui dại mình. Cả một tuần không thèm nhìn mặt nhau.

Do dằn dỗi nghi kỵ nên cả ba thằng quên cái đói hàng ngày.

Ba tháng huấn luyện tân binh xong. Mỗi đứa về một tiểu đoàn, hàng tháng trời không gặp được nhau. Lại thấy nhớ. Nhớ và ân hận, đứa nào cũng nhận thấy mình “thù nó” là vô cớ.

Nghĩ đến chuyện bàn nhau đi trốn tôi liền viết một cái không biết là gì nhưng cứ ghi là “truyện ngắn sâu sắc” gửi lên tạp chí Văn nghệ quân đội. Hôm nhận được cái “thư thủng” cả hai đầu không cần bóc cũng đọc được hết nội dung bên trong. Ngoài tên tôi và tên truyện “tôi định trốn” viết mực xanh còn toàn chữ in sẵn. Chữ ký của đồng chí chủ nhiệm Văn Phác cũng in sẵn. Tôi vừa mừng, vừa buồn. Buồn vì “truyện của đồng chí không sử dụng được”. Mừng vì có cái để khoe. Cả đại đội đều biết tôi đã viết được truyện ngắn sâu sắc, được hẳn chủ nhiệm tạp chí gửi thư riêng. Tự nhiên tôi thấy mình “oai” hẳn lên. Tuy “không sử dụng được” nhưng lại “Mong đồng chí tiếp tục cộng tác với chúng tôi.”

Nhờ có dòng chữ in sẵn này, tôi liều viết thư trình bày hoàn cảnh, rồi xin tòa soạn chỉ cho những thiếu sót và hướng cách viết. Khi về làm biên tập ở tạp chí tôi mới nhận biết loại truyện như truyện của tôi mỗi ngày nhận được hàng rổ, chỉ cần một nhân viên hành chính xé phong bì, liếc qua vài dòng đầu: “Truyện ngắn sâu sắc đăng báo tòa soạn và trị sự tạp chí Văn nghệ quân đội số 4 Lý Nam Đế Hà Nội, dây nói 254370” là có thể toàn quyền quyết định vứt vào sọt không cần phải đắn đo.

Vậy mà ngày ấy sau 26 ngày gửi thư đi tôi nhận được thư trả lời của toà soạn. Thư toàn “chữ tươi” viết bằng mực tím chứ không phải “chữ khô” in sẵn.

Nhà văn Từ Bích Hoàng viết thư cho tôi. Thật không ngờ. Không thể ngờ nhà văn lại viết thư cho tôi. Không biết nhà văn Từ Bích Hoàng là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ mà bỏ công viết cho tôi lá thư ba trang với những lời lẽ như cha mẹ dặn dò con, thầy dạy trò, anh chị bảo ban em, hai đồng chí tâm tình với nhau: “… Thời gian tập luyện ở thao trường vất vả mà đồng chí vẫn tranh thủ ngày đêm để viết truyện làm anh chị em tòa soạn cảm động lắm. Riêng tôi thấy sự đam mê của đồng chí cũng là rất đáng biểu dương đấy. Thời gian này đơn vị ta học tập những khoa mục gì? Sức khỏe của đồng chí thế nào? Chú ý không được cậy mình là thanh niên dồi dào sức lực mà phí phạm nó vào những việc không cần thiết nhé. Chắc rằng đồng chí đang phấn đấu trở thành một chiến sĩ thông tin giỏi toàn diện phải không? Như thế là tốt lắm. Anh chị em trong tòa soạn chúng tôi rất vui nếu biết rằng đồng chí trở thành chiến sĩ thông tin giỏi.

Còn việc góp ý kiến với truyện “Tôi định trốn” của đồng chí thì cứ bình tĩnh đã nhé. Đồng chí hay đọc báo, tạp chí và sách ở câu lạc bộ đại đội không? Phải chịu khó đọc nhiều nữa. Đọc được nhiều là rất tốt. Nó là một cách học tập thiết thực đấy. Đọc rồi ta mới phân biệt xem giữa tin tức và truyện ngắn nó khác nhau như thế nào. Một cái tin kéo dài bằng những chữ chung chung thì không phải là truyện (truyện “của đồng chí có độ một ngàn chữ thì đến 218 chữ chung chung như: tinh thần hăng hái, tinh thần đấu tranh, tinh thần chịu đựng… Quyết tâm khắc phục, quyết tâm vươn lên, quyết tâm phấn đấu… Xung phong hàng đầu, xung phong tình nguyện, xung phong gương mẫu, xung phong ủng hộ”…) Như thế có nói được điều gì đâu. Tin thì không có số liệu. Truyện thì phải có chuyện gì đấy “như thật” chứ không phải “như bịa”. Lại phải có “người” nữa. Người thì phải có hình thù, là đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay người lớn. Tính nết, ăn nói, đi đứng như thế nào, phải viết cụ thể ra chứ không phải “các chiến sĩ tân binh” chung chung đến cái tên cũng không có. Chẳng hạn như ba chiến sĩ tân binh ấy tên của từng người là gì? Vì sao họ định trốn? Vì sao họ lại không trốn? Đồng chí viết “chúng tôi”, “một chiến sĩ tân binh” rồi lại “một chiến sĩ tân binh”, “ba chiến sĩ tân binh”. Họ quyết tâm khắc phục đấu tranh với những sai trái cùng nhau xung phong tình nguyện… Chẳng thấy có một việc làm gì cụ thể, một lời ăn tiếng nói cụ thể. Nhưng thôi, ta nói chuyện ấy nhiều cũng chưa giải quyết được gì, có phải không? Đồng chí cứ bình tĩnh đã nhé. Chúng tôi biết đồng chí có rất ít thời gian viết truyện. Trước mắt, đồng chí tìm đọc cuốn kinh nghiệm viết tin của thông tin viên báo quân đội nhân dân. Trong đó người ta hướng dẫn rất cụ thể 6 yếu tố của một cái tin. Cứ theo hướng dẫn mà học viết tin cho đơn vị cũng là tốt lắm. Nếu việc tìm tài liệu có khó khăn và trong bước đầu tập viết có gì vướng mắc đồng chí cứ viết thư trao đổi với tòa soạn nhé. Mong… Chúc đồng chí…”

Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của nhà văn tôi đã tự tìm được sách và học cách viết từ “6 yếu tố của một bản tin”.

Tháng 2 -1961, tôi được đi dự đại hội đoàn toàn quân. Những ngày nghỉ ở trạm 66 tôi thường đi bộ đến báo quân đội gặp anh Lê Thiện, anh Trương Đương và đến 61 Cửa Đông gặp anh Lê Khắc Sĩ, anh Trung Sơn ở phát thanh quân đội để gửi tin và nhận nhuận bút từ một đồng đến một đồng rưỡi một tin. Độ này tôi đã thông thạo “6 yếu tố” và viết được dùng nhiều tin. Tôi đang chuyển sang tập viết tin “sâu” và phóng sự nên rất thèm gặp thầy. Tất cả những lần đi, về từ trạm 66 ra báo quân đội và đài phát thanh đều đi qua nhà số 4 Lý Nam Đế, trụ sở của tạp chí Văn nghệ quân đội. Lần nào tôi cũng muốn vào “trình bày quá trình” và cảm ơn nhà văn Từ Bích Hoàng, người thầy đã đặt cho tôi bước chân đầu tiên đúng sức mình. Nhưng, run quá. Ngày ấy không thờ cúng lễ bái như bây giờ mà cái cây đại trước tòa nhà “mái cong” vẫn như một chốn thâm nghiêm linh thiêng không thể sàm sỡ. Những Nguyễn Ngọc Tấn và Thanh Tịnh, những Chính Hữu, Từ Bích Hoang và Vũ Cao, những Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc, những Hữu Mai và Hồ Phương… như những ông thánh văn chương của lính lúc bấy giờ đâu có phải chuyện đùa.

Những lần he hé mắt nhìn qua hàng rào song sắt có che tôn trông thấy những ông “thánh” đi ra, đi vào cũng cười nói như những người thường mà không dám nhìn lâu, không biết ai vào ai, cũng không dám gặp ai mà hỏi xin vào gặp nhà văn Từ Bích Hoàng để “trình bày” là mình đã viết được tin đủ 6 yếu tố.

Sau này có dịp được ở cạnh anh Từ Bích Hoàng, mà tôi vẫn không dám “trình bày” sự xúc động của mình khi nhận được thư chỉ bảo của anh. Vì rằng đồng chí “bí thư chi bộ suốt đời” của chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự “trình bày” của tôi rằng: lá thư của anh đã thổi bùng trong tôi sự say mê trong cả đời tập viết của mình. Rồi đồng chí sẽ băn khoăn hàng tháng trời với câu hỏi, hỏi lại tôi: À thế à? Ngày ấy tôi có khuyên Lựu đừng nên viết truyện mà nên học viết tin? Thôi chết, thế thì tôi có lỗi quá. Này, nói nghiêm túc ra thì tôi có khuyết điểm lớn đấy nhé. Đúng rồi. Tôi khuyết điểm quá. Lựu hãy…

Chắc chắn là anh Từ Bích Hoàng không thể biết rằng chính từ những mẩu tin đủ “6 yếu tố” ấy tôi đã trở thành người viết, được về làm chiến sĩ viết văn dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh trong nhiều năm. Còn tôi, tôi cũng không thể “trình bày” hết với anh. Có “trình bày” anh cũng chỉ: “À, không phải như thế nhé. Tôi không làm được việc gì có ích với Lựu nhiều như thế đâu”.

Sống bên những bậc đàn anh đức độ như thế, nghiêm túc lao động sáng tạo và chăm lo cho người khác lặng lẽ như thế, tôi thấy suốt đời mình vẫn chỉ đứng ngoài cái bảng sắt tây vuông kẻ chữ lớn: tòa soạn và trị sự tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế, dây nói 254370.

LÊ LỰU

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)