VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Một trưởng ban trị sự thật đặc biệt (VƯƠNG TRỌNG)

Thứ Sáu, 20/05/2011 15:33

Ngày tôi mới về công tác, anh em ở Toà soạn gọi đùa tạp chí Văn nghệ quân đội là tạp chí Văn đội quân Nghệ, bởi đội ngũ nhà văn quê Nghệ Tĩnh công tác ở đây thật đông đúc, như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Hải Hồ, Nam Hà, rồi thêm Lê Thành Nghị, tôi và Anh Ngọc. Ban trị sự chỉ dăm người thì hai người quê Nghệ Tĩnh là bác Mạn và Doãn Trung. Khi biết anh Doãn Trung không phải là nhà văn, mà là trưởng ban trị sự, tôi rất ngạc nhiên, vì từ hồi học cấp hai, bọn học trò lớp tôi đã từng chuyền tay nhau đọc một quyển tiểu thuyết viết về quân chí nguyện Trung Quốc trên chiến trường Triều Tiên, mà bìa quyển sách đề Doãn Trung dịch, một đứa bạn trong lớp chê nhà xuất bản quên in hoa chữ dịch, vì cậu ta nghĩ rằng, tác giả quyển sách là Doãn Trung Dịch, làm cho cả lớp được một trận cười.!

Thì ra anh Doãn Trung trước kia cùng xã Thuần Trung, huyện Đô Lương với tôi, sau đó mới tách ra hai xã là Trung Sơn và Đà Sơn kề nhau, nhưng anh đi bộ đội rất sớm, nên về cơ quan tôi mới được gặp. Không phải nhà văn, là trưởng ban trị sự nhưng trong cơ quan tạp chí không ai biết nhiều loại ngoại ngữ như anh. Phần lớn các nhà văn thời ấy chỉ giỏi tiếng Pháp, một số người biết thêm tiếng Anh như Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nhị Ca… nhưng nhiều lắm cũng chỉ hai thứ tiếng. Còn Doãn Trung sử dụng thành thạo bốn loại ngoại ngữ chính là Trung, Pháp, Anh, Nga. Không biết anh học từ khi nào, nhưng cả bốn ngoại ngữ đó anh đều có thể và đã từng dịch sách, kể cả trường ca là thể loại khó dịch nhất. Dạo đó anh đang tranh thủ thời gian học thêm tiếng Nhật. Với anh, dịch sách hoặc học ngoại ngữ nói chung là phải tranh thủ, vì nhiệm vụ của anh là trưởng ban trị sự. Thời đó công nghệ in ấn còn lạc hậu, bài vở phải chuẩn bị trước ba tháng so với thời điểm phát hành, hơn nữa số lượng tạp chí rất lớn, có khi lên tới mười vạn bản mỗi kỳ, công việc của ban trị sự rất bận rộn. Là người hết sức thông minh, Doãn Trung thông thạo nhiều lĩnh vực, kể cả công việc in ấn, nhiều lần đề xuất với nhà in cách cắt và xén giấy, tiết kiệm được khá nhiều. Anh là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội sử dụng máy tính điện tử, loại máy cầm tay bây giờ em học sinh nào cũng sử dụng được, nhưng lúc đó các nhà văn quân đội chỉ thấy cái máy đó ở Doãn Trung. Với chiếc máy tính trong tay, anh có thể tính rất nhanh các bài toán kinh tế phức tạp và đưa ra ngay kết quả, không chỉ liên quan đến các chi phí trong công tác in ấn phát hành báo chí, mà ngay cả những chuyện đột xuất. Tôi nhớ, vào đầu năm 1974, Duy Khán, Nguyễn Đức Mậu, Gia Dũng và tôi được phân công ở một căn phòng rộng, vốn là một hội trường nhỏ ở khu văn công Mai Dịch. Theo yêu cầu của chúng tôi, cơ quan đồng ý cho ngăn đôi căn phòng ấy ra thành hai phòng nhỏ, mỗi phòng hai người. Vật liệu để ngăn là cót ép đóng vào khung tre. Anh Doãn Trung bảo tôi về đo chiều rộng, chiều cao của căn phòng và nói cho anh biết. Rồi anh cùng Phạm Hồ lái chiếc xe Bắc Kinh đít vuông đi mua tre, cót ép và mấy ống giang để chẻ làm lạt buộc. Anh tính toàn thế nào, không những cót ép vừa vặn, mà ngay cả tre và lạt giang khi làm xong cũng vừa đủ, không thừa một mẩu nào!

Anh Doãn Trung là người làm trưởng ban trị sự trong một thời gian dài, ở giai đoạn kinh tế nước ta cực kỳ khó khăn. Ngoài việc lo khâu in ấn, phát hành, anh chú ý cải thiện đời sống cho anh em trong cơ quan một cách hết sức cụ thể và hiệu quả. Anh xoay đâu ra cho anh em mỗi người một tháng vài cân thịt, một loại thực phẩm hết sức quý hiếm. Tôi nhớ có một lần tôi mang ba cân thịt nạc sang bếp báo Quân đội giã nhờ để làm ruốc cho con, mấy chị nuôi quân hết sức ngạc nhiên bàn tán, không hiểu tôi có thể tìm đâu được nhiều hàng quý hiếm đó, hay là tiết kiệm phiếu thịt cả năm trời? Mà tiêu chuẩn "thịt Doãn Trung" (như anh em thường nói đùa) đó, chúng tôi được hưởng đến mấy năm liền. Ngoài ra thỉnh thoảng còn được phân phối mũ cối Trung Quốc, lốp xe Phượng Hoàng, hai món hàng độc thời ấy, bán mỗi thứ có thể cải thiện đời sống được vài tháng. Riêng lốp xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc, không chỉ anh em trong tạp chí được cấp, mà ngay cả hai mươi học viên quân đội của trường Viết văn Nguyễn Du cũng mỗi người được một đôi. Những ngày đó nhiều người chúng tôi chỉ lo khi anh Doãn Trung bị cấp trên điều đi nơi khác (vì ai cũng tin anh thừa năng lực để làm việc lớn hơn) thì anh em không biết sống thế nào. Nhưng anh Trung không hề chuyển đi đâu cả, chúng tôi còn được nhờ dài dài. Năm 1975, tôi cùng Duy Khán, Gia Dũng đi B. Hàng tháng anh Trung đều đặn mang lương về trao tận tay cho vợ tôi ở Hải Phòng, một việc như anh quen làm suốt mười năm với hai nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và Nam Hà ở Nghệ An…

Cứ mỗi lần nhớ lại anh Doãn Trung, một con người thông minh, đầy năng lực nhưng gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời, tôi thường nghĩ tới ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú. Phát minh Khoán của Kim Ngọc bây giờ ai cũng thấy là công, nhưng thời ấy bị coi là tội. Doãn Trung cũng đã bị coi là tội khi có những liên kết và việc làm nhằm phát triển kinh tế, nếu bây giờ nhìn lại, chắc phải ghi nhận đó là công. Đấy là bi kịch của những người đi trước thời đại!

Tháng 5 năm 1975, anh Doãn Trung vào với chúng tôi, khi đó vừa tiếp quản ngôi nhà của một viên đại tá nguỵ ở đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn, khi y đưa gia đình chạy sang Mỹ. Cơ quan tiếp quản nhà, đồng thời tiếp thu luôn cả chiếc ô tô viên đại tá này để lại. Doãn Trung vào được vài hôm, bỗng rủ anh em đi chơi Sài Gòn bằng ô tô chính anh Trung lái. Không ai dám lên xe ngồi, vì chưa ai từng thấy anh học lái ô tô bao giờ. Riêng tôi yên tâm lên chiếc xe Mát-đa, để anh Trung lái đi, vì tôi tin ở anh, dù chỉ mới tập vài buổi, nhưng vài buổi đối với anh có thể bằng vài tuần, thậm chí vài tháng đối với người khác. Để trả công cho sự dũng cảm dám ngồi xe anh lái của tôi, anh lái mấy vòng trong phố đông, rồi lái ra bến Bạch Đằng chiêu đãi tôi…một bữa kem! Hai chúng tôi ngồi ăn kem mà nhìn ánh điện rực rỡ trên những khách sạn mười mấy tầng trên đường Nguyễn Huệ. Tôi nhìn anh, ngẫm nghĩ rồi nói:

- Anh bây giờ mới vào Sài Gòn là muộn, chứ nếu người như anh mà vào sớm, khách sạn cao nhất nơi đây không phải của ai khác, mà là của anh!

Doãn Trung mắt kính lấp loá, mỉm cười, không bình luận gì, bảo tôi lên xe về sớm, bởi thành phố mới giải phóng về muộn không nên…

Năm mươi năm tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn quân đội đã thành một đội ngũ, và trưởng ban trị sự cũng khá nhiều người kế tiếp nhau, Doãn Trung chỉ là một trong dây chuyền đó. Nhưng với tôi, anh là một trưởng ban trị sự thật đặc biệt.

VƯƠNG TRỌNG


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)