Đó là nơi tập hợp, giới thiệu tác phẩm của các cây bút khắp chiến trường miền Nam và nhiều người sau này thành những nhà văn chuyên nghiệp.
Nguyễn Thi cùng với các nhà văn của tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng đã tổ chức nhiều trại viết để bồi dưỡng cho các cây bút trẻ. Theo nhà văn Anh Đức, người vào miền Nam trước Nguyễn Thi mấy tháng, và những năm ở chiến trường hai người sống gần nhau, Nguyễn Thi không phải là người được giao chức tước gì quan trọng, nhiệm vụ của nhà văn là sáng tác văn học và làm tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Chính Nguyễn Thi là người kết nối rất chặt với các cây bút ở đơn vị cơ sở và các nhà văn ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Nguyễn Thi từng tâm sự với Anh Đức là dù ở chiến trường bom đạn khốc liệt cũng cần có sự giao lưu giữa các nhà văn để tạo nên cảm hứng sáng tác. Rồi chính Nguyễn Thi đã đề xuất với Cục chính trị Miền, kết hợp với Hội Văn nghệ Giải phóng mở trại viết văn đầu tiên ở Nam Bộ. Các cây bút trẻ khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây đã về dự. Cùng thời gian này, Trung ương cục miền Nam mở Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn miền, các nhà văn được phân công viết. Nguyễn Thi viết về Nguyễn Thị Út, và cho ra mắt tác phẩm Người mẹ cầm súng; Lê Anh Xuân, vừa ở miền Bắc lội bộ sáu tháng ròng, vượt Trường Sơn vào, gặp chị Quyên, vợ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, viết trường ca Nguyễn Văn Trỗi; và các nhà văn khác như Thanh Giang, Võ Trần Nhã, mỗi người viết về một người anh hùng hay dũng sỹ diệt Mỹ.
Viết về người anh hùng, chiến sỹ thi đua có nghĩa viết về người tốt, việc tốt, nghiêng về cảm hứng ngợi ca, thể hiện cái đẹp. Ca ngợi cái đẹp cũng là đẩy lùi cái xấu. Người mẹ cầm súng được đông đảo bạn đọc khắp nước chào đón, đã góp phần khích lệ lòng yêu nước. Trường ca Nguyễn Văn Trỗi cũng được giới nghiên cứu đánh giá cao.
Thời bấy giờ, thanh niên, sinh viên ưu tú đều vào bộ đội, ra chiến trường đánh giặc, cảm hứng yêu nước thường trực trong mỗi người, hầu như đơn vị nào cũng có người làm thơ, viết văn. Văn nghệ Quân giải phóng chính là cái nôi đào tạo nhà văn. Các cây bút trẻ từ đơn vị cơ sở như Nguyễn Ngọc Mộc, Văn Lê, Thái Vượng, Trần Mạnh Hảo, Trần Ninh Hồ... và các cây bút thành danh như Triệu Bôn, Nam Hà... mới bổ sung vào tập hợp thành đội ngũ sáng tác hùng hậu cho tạp chí. Cùng với Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung, cũng là nơi tập hợp nhiều tài năng lớn, Văn nghệ Quân giải phóng ở Nam Bộ đã tạo nên đội ngũ nhà văn có tính chuyên nghiệp cao.
Nhà văn ở chiến trường thường được biên chế vào cơ quan Cục chính trị, Bộ Tư lệnh Miền, vì vậy muốn đi thực tế phải luôn bám sát đơn vị ở tuyến đầu. Các nhà văn quân giải phóng sống như những chiến sỹ, họ ra tận chiến hào, tham gia những trận đánh, chiến dịch lớn. Điều này không chỉ tạo nên phẩm chất của mỗi nhà văn chiến sỹ mà còn giúp họ tích lũy vốn sống, thiếu nó trang viết chỉ là những khái niệm hay chất liệu giả chứ không có hồn vía. Các tác phẩm của nhà văn thời bấy giờ sống mãi chính là nhờ ở chất liệu thực. Nguyễn Thi hy sinh đã để lại nhiều truyện ngắn, bút ký xuất sắc, và một cuốn tiểu thuyết viết dở nhưng đã hứa hẹn tác phẩm đồ sộ tương lai.
Sau giải phóng, nhiều nhà văn đã viết được những tác phẩm hay. Với tiểu thuyết Đất trắng Nguyễn Trọng Oánh đã mô tả được tính khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở thời điểm 1968. Các nhân vật của tiểu thuyết này hầu như có thực trong đời như Năm Truyện, Ba Thêm, và cả tên phản bội Tám Hà… Cho dù tập hai bộ tiểu thuyết này đã có sự lặp ý và không còn sự “bùng nổ” như tập đầu nhưng Đất trắng vẫn là tác phẩm quan trọng của văn học chiến tranh Việt Nam. Nam Hà viết bốn tập tiểu thuyết Đất miền Đông, hai tập Tam giác Sắt và nhiều tập ký sự khác. Tiểu thuyết Nam Hà bám sát vào chiến sự, đường dây truyện nương theo sự phát triển của cách mạng miền Nam qua từng trận đánh, chiến dịch và sự phát triển của các đơn vị chủ lực cấp sư đoàn, quân đoàn. Chất tiểu thuyết có phần nghiêng về ký sự. Văn Lê viết nhiều thể loại tiểu thuyết, trường ca, kịch bản phim tài liệu và gần đây là kịch bản phim truyện. Ở thể loại nào anh cũng gặt hái những thành công nhất định. Sau hòa bình, Triệu Bôn viết khá nhiều, truyện ngắn, truyện dài của anh nghiêng về bút pháp ký sự. Triệu Bôn cũng là cây bút ký sự khá thành công. Thanh Giang, Võ Trần Nhã đều cho ra mắt những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu chống Mỹ…
Văn nghệ Quân giải phóng là một trong những cái nôi đào tạo các cây bút trẻ có năng khiếu văn chương thành nhà văn chuyên nghiệp. Phải chăng, các nhà văn từ tạp chí Văn nghệ Quân đội ra chiến trường đã mang theo truyền thống của một tạp chí luôn coi trọng nhân tài văn học
NGUYỄN QUỐC TRUNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn