VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Chớp mắt đã mười năm.

Thứ Sáu, 01/04/2011 00:35

1.

Gần 10 năm tôi về Văn Nghệ Quân Đội. Mười năm so với một đất nước, một dân tộc rất ngắn nhưng so với cuộc đời một con người thật là dài. Tôi lại không hề thấy dài; thời gian trôi đi rất nhanh. Chớp mắt đã mười năm!

Bao nhiêu buồn vui. Lúc con người mình trong suốt, thánh thiện dại dột như đứa trẻ. Lúc thấy mình xốc vác nông nổi, một chút tham, một phần ích kỷ, một thoáng bay bổng trữ tình, một tí tếu táo... cái gì cũng có, lẫn lộn, đan xen, đục ngầu. Người ngợm chưa già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Vẫn còn cái cảm giác xa vời lạc lõng như thể tôi chọn nhầm nghề, chọn nhầm nơi làm việc; cái nơi làm việc của mình nó ở đâu đâu ấy, chứ không phải cái nhà thâm u, cổ kính, trầm mặc và sang trọng này.

Ngày đầu dự giao ban biên tập, lén nhìn các bậc Tiên liệt: Nguyễn Thi, Thanh Tịnh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Oánh... ngự trên tường; rồi dụt dè ngó các Ông lớn ngồi bên cạnh: Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu...; tôi cứ như người trong mơ, chỉ thiếu nước bẹo hai ngón tay vào đùi để nhớ là mình đang tỉnh. Cái ông viết Thời xa vắng làm thổn thức bao trái tim thiếu nữ một thời; cái ông mới tám tuổi ranh đã được giun dế, chó mèo, kiến đen kiến lửa rước trên đầu rồi rồng rắn nhau lên tận cung trăng. Ông cứ ngồi ở đấy, ngồi mãi không chịu xuống; bây giờ đang ngồi bên cạnh mình đây.

Bỗng chốc sởn gai ốc và thấy mình nhỏ nhoi bé tí như hạt vừng.

Giao ban biên tập xong, mặc cảm tự ti chưa hết thì ông Trung Trung Đỉnh kéo tôi vào phòng làm việc. Ông Đỉnh mặc áo thổ cẩm màu lam. Một cái nỏ, túi đựng tên, bình rượu cần chỉ còn vỏ không. Có cảm giác như ông kéo cả núi rừng Tây Nguyên về ngự ở Nhà số 4 - Lý Nam Đế. Ông bê hũ rượu sành rót ra chén uống nước. Dụt dè, tôi làm quen. Cạch. Cụng chén rất kêu. Ông Trung Trung Đỉnh thở dài bất chợt, bảo:

- Chúng mày về đây rồi, sau này khiêng chúng tao đi Văn Điển.

Hớp rượu trong miệng tôi chát đắng. Một câu nói bao nhiêu hàm nghĩa? Tôi ngơ ngác chẳng hiểu ra làm sao.

- Thì chúng tao khiêng ông Nguyễn Trọng Oánh, ông Nguyễn Minh Châu rồi. Mươi năm nữa, chúng mày khiêng chúng tao chứ còn gì nữa.

Hoá ra, sự việc rất nhọc lòng, nhưng cũng đơn giản. Và tôi đã kịp nói một câu có thể là thất lễ:

- Bác và em, chẳng biết thế nào đâu. Có khi bác lại khiêng em trước đấy.

Cái ngày đầu về Văn nghệ Quân đội đến bây giờ cũng đã gần 10 năm. Nhờ trời, ông Trung Trung Đỉnh và tôi chưa có ai phải khiêng ai, vẫn mạnh khoẻ, viết nhì nhằng. Nhưng ở phòng họp biên tập, lại thêm chân dung bác Mai Ngữ, Hải Hồ ở tuổi xưa nay hiếm đã ngự lên bức tường vôi lạnh đến ghê người...

Vẫn biết quy luật sinh lão bệnh tử, không ai tránh khỏi. ở cái nước Nam này, có ông thì văn thơ đi trước người ở lại, có bà thì người đi trước văn lưu danh với đời. Chẳng biết thế nào mà lần. Tôi lại nghĩ đến lượt mình, một ngày nào đó, chú Phùng Văn Khai, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy Nguyễn Đình Tú, cô Đỗ Bích Thúy, Quỳnh Linh... khiêng tôi lên xe đi Văn Điển. Bàn tay nào ấm nóng? Có bàn tay nào vô hồn hờ hững vịn vào quan tài tôi không? Và họ cũng sẽ rước ảnh tôi lên bức tường vôi lạnh lẽo ấy.

Bỗng nhiên, mọi bon chen ham hố đời thường chợt tan biến và lòng tôi thanh thản đến vô cùng.

2.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quyển Văn nghệ Quân đội là vào khoảng tháng 9 năm 1977 khi ấy tôi là lính trơn vừa chân ướt chân ráo từ dưới đại đội được điều lên làm “lính cảnh” Phòng Chính trị - Lữ đoàn.

Hồi đó, tôi đóng quân tít ở biên giới Tây nam, đang rập rình sắp đánh nhau to, lính binh nhất tiền ít, thời gian ít, một tuần được nghỉ chủ nhật, ai ra ngoài doanh trại phải mang theo cái “Giấy ra vào cổng” và chỉ trong tỉ lệ 10%; có nghĩa là tiểu đội 10 người chỉ một người ra khỏi hàng rào dây kẽm gai. Anh chàng nào ham chơi cầm cái “tích kê” ấy đi cả ngày thì coi như toàn tiểu đội cấm trại. Sống đời lính xa nhà buồn vui thoắt đến chợt đi, làm anh nhân viên Văn hoá văn nghệ Lữ đoàn ngoài việc đóng đinh, leo thang treo khẩu hiệu ra không í ới đàn sáo, đọc sách báo thì chẳng biết làm gì. Tôi chọn cho mình cái thú đọc sách báo, đọc âm thầm trong các buổi trưa mùa hạ xứ Tây Ninh nóng kinh hồn, đọc lặng lẽ dưới ngọn đèn bão le lói ở góc hầm dã chiến với cảm giác bóng dáng chiến tranh rờn rợn đang đến gần.

Dạo đó, tôi còn trẻ người non dại, sách báo rất ít nên gặp cái gì cũng đọc; đọc cái gì cũng thấy hay. Tôi bị chinh phục, bị mê hoặc ngay bởi truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn của nhà văn Thái Bá Lợi. Có cảm giác cái truyện ngắn đó như người bạn lớn bất ngờ ập đến và ở mãi cùng tôi, chân thành, sâu sắc, ẩn chứa một nỗi đau không nói thành lời. Có thể nói: Tôi yêu Văn nghệ Quân Đội bắt đầu từ truyện ngắn ông Thái Bá Lợi.

Chiến tranh có những quy luật riêng của nó rất khó cắt nghĩa thành lời. ở chiến trường rất hay bắt gặp những hình ảnh người lính mang theo tiểu thuyết Dấu chân người lính của ông Nguyễn Minh Châu, hoặc đọc Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trong lúc nghỉ giữa chặng đường hành quân. Có một đời sống tinh thần, có một dòng sông văn thơ tươi xanh chảy mãnh liệt giữa khói lửa, đạn bom tơi bời, cái chết kề cận bên.

Tôi có một người bạn lính cùng làng hy sinh ở chiến trường Căm Pu Chia. Hôm ấy, tiểu đội của bạn tôi bị phục kích bất ngờ khi đang đi trên cây cầu bắc qua dòng sông nhỏ ven đô Phnôm Pênh. Đạn bắn thẳng chéo cánh xẻ rất gần làm bạn tôi quay người như con gà chọi say rượu trước khi gục hẳn và ngã hất xuống dòng sông. Khoảng hai giờ sau, đơn vị tôi mới tìm thấy xác đồng đội. Và thật bất ngờ khi mai táng xong, kiểm tra di vật tử sỹ chúng tôi bắt gặp một quyển Văn Nghệ Quân Đội trong ba lô sũng nước và máu đỏ có ba lỗ đạn xuyên. Quyển Văn Nghệ Quân Đội in bài thơ dự thi Bài thơ không biết nháp của Đoàn Minh Tuấn. Ông trung tá chính uỷ Lữ đoàn đã lệnh giao cho Ban Tuyên huấn hong khô trước khi chuyển về nước để đưa vào phòng truyền thống.

3.

Tình yêu Văn Nghệ Quân Đội được nuôi dưỡng và lớn dần thêm khi tôi tiếp tục đọc Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư; Đêm nguyệt thực của Trung Trung Đỉnh; Mười lăm năm mưa xói của Trần Đức Tiến... Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội mê dụ tôi lúc nào chẳng biết nữa.

Tôi in truyện ngắn Nỗi đau dòng họ đầu tiên trên Văn Nghệ Quân Đội. Trước đó, viết gửi đi nhiều nơi nhưng chẳng báo nào in, đến cái tên trong hộp thư hồi âm cũng không có. Nhưng cuối cùng lọt qua mắt xanh của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông Trường viết thư cho tôi, thông báo nếu không có gì thay đổi sẽ in vào tháng 8 năm 1992; ông động viên tôi viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa. Lúc đó, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã rất nổi tiếng với tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Quả thật, tôi rất mừng vui! Cái ông Kễnh này đồng cảm với tác phẩm của mình hay thương thằng lính ở đơn vị lọ mọ viết văn? Quả thật, ông Trường đã giữ tôi lại với văn chương, nếu không in truyện ngắn Nỗi đau dòng họ ở VNQĐ thì chắc tôi đã chán nản bỏ đi buôn rồi.

Nhưng truyện ngắn đầu tiên của tôi viết về xung đột triền miên đẫm máu giữa hai dòng họ lại có một số phận trần ai. Tạp chí in ra phát hành khắp nơi. Làng tôi vốn là nơi có truyền thống “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, người làng đi bộ đội đóng quân ở khắp nước. Người ta tới tấp gửi Tạp chí VNQĐ in truyện ngắn Nỗi đau dòng họ về nhà. Chuyện loang ra hàng xã hàng huyện. Và đơn kiện của cả hai dòng họ ký chung gửi về toà soạn. Những chỗ viết thật như đã xảy ra thì người ta bảo bêu diếu quê hương dòng họ. Những đoạn hư cấu thì họ bảo xuyên tạc bóp méo sự thực...

Hoang mang. Lo lắng. Và chán chường. Tôi như đứa trẻ bước đầu tiên đã vấp ngã. Biên tập và in xong Nỗi đau dòng họ thì ông Nguyễn Khắc Trường chuyển sang Báo Văn Nghệ nhận chức Trưởng phòng Văn xuôi; ông Khuất Quang Thụy vừa sang tuổi 42 được đôn lên làm Trưởng ban Văn tạp chí. Ông Thụy chịu phiền hà rắc rối hậu Nỗi đau dòng họ. Sau này ở gần ông Thụy, tôi nhận thấy ở ông toát ra một điều không phải ai cũng có: Thông minh. Và cứ khi nào khó khăn xảy ra, với người khác tưởng chừng như bất lực thì với ông nhà văn họ Khuất này bao giờ cũng nảy ra ý kiến có tính chất “vạch thời đại”, biến phức tạp thành đơn giản, biến cái nặng nề như trái núi thành cái nhẹ tênh như nắm bông gòn... Có lẽ vì thế mà thiếu tướng nhà văn Hồ Phương cử ông Thụy về đơn vị gặp tôi để bàn cách giải quyết vụ này cho êm thấm.

Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên gặp tác giả của Trong cơn gió lốc, của Chiến tranh không phải trò đùa trong một tình thế dù lòng bất ổn, vẫn thấy nhẹ nhõm. Ông Thụy mặc bộ thường phục hơi cũ, da ngăm ngăm đen, người chắc nịch như cây sến, mặt hiền lành nhưng in đầy dấu vết của sự vất vả lam lũ. Trong ông giống bác thợ đóng cối xay hơn là một nhà văn đang rất nổi tiếng. Hình như ông đi họp báo ở đâu đó, nhậu tưng bừng, mặt đỏ. Và điều thú vị nhất là ông đi cùng một cô phóng viên rất trẻ. Thề có trời đất! Lần đầu tiên, tôi biết ông Thụy và cũng là lần đầu tiên tôi giáp mặt một cô gái đẹp. Mắt to tròn, ướt át. Nước da trắng bóc. Không ra e ấp ngây thơ, cũng không phải lọc lõi từng trải, chỉ thấy sự thanh tân, trang nhã. Một ông thợ đóng cối xay lấm láp bên cạnh một cô gái xinh xắn có vẻ đẹp thiên nga trắng ngần chẳng biết là hoài phí hay tôn vinh cái đẹp? Nhưng chính người đẹp như dòng suối mát trong, thơm tho tưới mát câu chuyện căng thẳng đến ngột ngạt và gỡ rối cho chúng tôi. Tôi phải làm bản tường trình. Công văn, thư từ gửi đi đi lại lại cho hai dòng họ. Thanh minh. Giải thích. Rằng: Văn chương có tính hư cấu chứ không phải bài phóng sự người thật việc thật... Rằng tác giả...vv và vvv... Nhà văn Hồ Phương gặp gỡ và nhờ một vị Tướng lĩnh rất có uy tín ở làng tôi đứng ra giải quyết giúp. Cuối cùng, trời yên, biển lặng; nhưng tôi cũng phải mất ba năm mới dám về làng. Sau cái “nạn văn chương” này, tôi mới nghiệm ra một điều vụng dại hiển nhiên ai cũng biết: Văn chương là cuộc đời mà cũng không phải cuộc đời.

4.

Năm 1999, vào dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng Điện Biên Phủ, tôi cùng nhà văn Nam Hà, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý làm cuộc hành trình ngược Tây Bắc. Hồi đó chưa làm lại đường số 6, hàng trăm cua tay áo đặt gương cầu. Kinh hãi nhất là lúc vượt dốc Pha Đin, vượt đèo Lũng Lô, xe bật đèn vàng, đi chậm hơn rùa và như bơi trong biển sường mù dày đặc, sơ sểnh một chút là xe rơi xuống vực; chỉ đến khi về Điện Biên rồi mới biết mình còn sống.

Chiều chủ nhật nghỉ, tôi nhẩn nha ra khỏi Nhà khách Uỷ ban nhân dân tỉnh tìm thợ cắt tóc, thửa cái đầu ngay ngắn để sáng hôm sau làm cuộc đối thoại với ông chủ tịch tỉnh. Thị xã miền rừng hiu hắt buồn. Đường phố lớn có nhiều công sở nên không có cửa hàng cửa hiệu và người buôn bán vặt; thỉnh thoảng một cái xe máy chạy rồ qua. Vài ông bơm vá xe, mấy cô bán ngô nướng rong, một anh thợ cắt tóc ế khách ngồi thiu thiu ngủ. Có lẽ tôi là khách cuối ngày và cũng là khách duy nhất của buổi chiều, anh thợ mừng vội vã quàng tấm vải màu cháo lòng ngấm mồ hôi bao nhiêu người cũng chẳng biết. Tôi là người hay chuyện, ngồi cắt tóc khó chịu vô cùng. Một cái thằng cha lạ hoắc ở đâu đó dám sờ tai, nắm tóc, vỗ đầu mình giữa trời đất thanh thiên bạch nhật ngang nhiên cứ như đi vào chỗ không người. Giá như các lần cắt tóc trước tôi đã huyên thuyên gợi chuyện, hỏi thăm quê quán, nghề nghiệp và nhất định những ông thợ quyền uy đó cũng sẽ hỏi lại cho xã giao chủ khách mặn mà. Nhưng hôm đó tôi nhăn mặt nhăn mũi, cố chịu đựng cuộc hành đầu. Tiếng tông đơ kêu rèo rẽo. Tiếng đánh kéo tách tách. Lưỡi dao cạo dài 12 phân sáng loáng sồn sột từ trán, má... sang gáy. Màu thép loang loáng, lưỡi dao cạo mỏng dính đi đến đâu lạnh gai người đến đấy. Cuối cùng cũng cắt xong, tôi móc túi trả tiền. Anh thợ cắt tóc có vết sẹo dài trên má mới lật cái tấm bìa cát tông bị gió đẩy đổ và chỉ dòng chữ nguệch ngoạc: A đây rồi! B. cắt tóc ngoáy tai, bảo: Lần sau tóc cợp, anh cứ đến tôi nhé.

Cuối chiều, nhà thơ Hải Yến ở Hội Văn Nghệ đến chơi. Tôi kể cho Yến nghe: Thời trai trẻ, đánh nhau ở biên giới Tây nam, tôi viết báo và ghi địa chỉ ở dưới bài. Báo Tiền phong in, sau đó nhận được hàng trăm thư kết bạn ở khắp mọi miền đất nước. Tôi có kết bạn với cô giáo M.T ở đây. Thư đi thư về đến hàng trăm lá mà hai người chưa hề gặp nhau, chỉ biết mặt qua ảnh kỷ niệm. Thư cô giáo viết: Anh! Nếu có dịp mời anh đến quê em. Em sẽ đưa anh đi thăm đền thờ người anh hùng khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất; em sẽ đưa anh đi trên triền đồi mùa xuân hoa ban nở trắng rừng. Em tin rằng anh sẽ yêu đất và người quê em và anh sẽ không về nổi dưới xuôi..”

Năm tháng thời gian đã xa, bây giờ hình như cô giáo đã đi lấy chồng. Tôi rất muốn gặp, xem người ấy còn nhớ cái thằng lính binh nhất ngày xưa không? Yến có cách nào tìm ra cô giáo không? Tôi kể về câu chuyện viết thư qua cả ngàn cây số của chúng tôi. Hải Yến kêu trời kêu đất. Hoá ra, M.T là bạn của Hải Yến. Một sự tình cờ ngẫu nhiên. Yến bảo: M.T đã lấy chồng, có con, gia đình ấm êm, hạnh phúc. Bỗng một ngày, chồng nàng vô tình phát hiện được một tập thư đóng dấu từ Gò Dầu - Tây Ninh. Họ đã chia tay không hiểu vì lý do gì? Có thể chồng nàng ghen, ghen với những lá thư kết bạn. Nàng ở lại một thị trấn sơn cước nuôi con dạy học; chàng về Điện Biên sống cô đơn một mình với hòm đồ cắt tóc. Đột nhiên Hải Yến nói như reo lên:

- Anh B. chồng cũ chị M.T đang cắt ở phía bên kia đường kia kìa.

Tôi xây xẩm mặt mày. Tấm biển cát tông ghi dòng chữ: A đây rồi! B. cắt tóc ngoáy tai trắng toát hiện lên trước mắt tôi. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ngẩn người không tin đó là chuyện thật đang rành rành xảy ra. Tôi bỗng thấy lạnh người và cảm ơn trời đất đã bịt miệng tôi khỏi huyên thuyên. Tôi mà toang toác xưng danh nhà báo, tên là thế nọ, làm ở chỗ kia; thì rất có thể cái tai tôi đã rời khỏi đầu bởi lưỡi dao cạo sắc lạnh lúc ban chiều rồi...

Nhà thơ thường hay mủi lòng và xúc động bởi những chuyện tình dang dở, ngay đêm ấy, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thức trắng đêm viết tác phẩm Mưa phía hoa ban. Nửa tháng sau Mưa phía hoa ban in ở trang Chuyện tình dưới đáy ba lô của Phụ san Văn Nghệ Quân Đội do đại tá nhà văn Chu Lai giữ chuyên mục.

Biết nói gì hơn? Cuộc đời làm báo ở Văn Nghệ Quân Đội đã cho tôi những chuyến đi, chuyến đi nào cũng nỗi niềm được mất và thấm đẫm buồn vui.

5.

Tháng 5 năm 1996, lần đầu tiên tôi được đi dự Trại viết Văn Nghệ Quân Đội ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Viết lúc ấy là một cực hình đối với tôi, bởi sau cái “nạn văn chương” Nỗi đau dòng họ tôi như cây non bị bão, chột không ra hoa, tôi hầu như không viết được nữa. ở Trại viết đến ngày thứ 3 mà đầu óc vẫn mụ mị, trong khi đó các nữ sỹ Trần Thanh Hà, Như Bình cứ viết rào rào. Rất sốt ruột và ngượng với chính bản thân mình. Người ta nuôi ăn, ngủ nghỉ chỉ việc viết mà không xong. Cuối trại Tổng kết không nộp quyển thì biết ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Đúng lúc tôi rơi vào trạng thái thiếu tự tin, hoang mang, bất lực thì Tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Nguyễn Bảo phó tổng biên tập xuống Đồ Sơn thăm trại viên. Ông Huân đeo quân hàm trung tá, gương mặt hiền lành, có cảm giác ai cũng bắt nạt được và cũng không ai dám bắt nạt. Ông đến tận phòng tôi hỏi han gia đình, vợ con. Ông bảo:

- Lần này, Minh cố lên, dấn thêm một bước.

- Em rất sợ trắng tay. Ngượng lắm.

- Không! Cố bứt lên Minh ạ. Em hãy đứng hẳn lên vai của mình đi.

Còn nhà văn Nguyễn Bảo, trong một lúc tâm tình, ông bảo:

- Trong quân đội hiện nay hiếm người viết văn lắm. Bọn mình chịu khó đi tìm lắm mà chưa thấy ưng ý ai. Thực lòng, bọn mình đang rất hy vọng số anh em quân đội ở Trại viết xuất hiện trong cuộc thi truyện ngắn lần này.

Tôi lặng im. Buông một tiếng thở dài. Chỉ có vậy thôi. Và đêm ấy tôi lao vào viết. Cả trại sáng tác lao vào viết, hai giờ sáng tôi buông bút giải lao. Ngoài biển không lặng, sóng vỗ oằm oặp. Tôi đi ngoài hành lang, ngó phòng nào cũng thấy anh em cần mẫn viết. Thế rồi truyện ngắn Bản kháng án bằng văn cũng ra đời. Tôi đem tác phẩm đến cho ông Trưởng trại Lê Lựu duyệt. Ông Lê Lựu có cái tính khác người không bao giờ chịu đọc tác phẩm của ai ở Trại mà bắt anh em ngồi đọc cho ông nghe. Và tôi đã chịu những giây phút cực hình ấy. Ông nằm xoài ở giường, mắt lim dim như người ngủ. Tôi thao thao đọc, luyến láy xuống trầm lên bổng. Năm phút. Mười phút. Hai mươi phút trôi qua. Ông vẫn chẳng rằng. Lim dim. Nằm thẳng. Thẳng duỗn im lìm như khúc lim già cứng đanh. Chán quá! Đã đến lúc vừa đọc tôi vừa nghĩ: Ông lớn đếch thèm nghe văn mình. Ông lớn đang ngủ khì. Ông ấy ngủ khì vì đêm qua ông đánh cờ tướng suốt đêm với nhà văn Nguyễn Bảo và ông ấy không thắng ván nào... Đã thế thì em đọc cho nó xong chuyện để em còn nghỉ khoẻ. Bác cứ ở đây nằm mà ngáy. Tôi đọc bỏ chữ. Tôi đọc bỏ câu... Đang trạng thái lim dim, ông Lê Lựu mở choàng mắt:

- Cái gì? Cậu đọc lại đoạn vừa rồi. Câu cú gì mà lộn xộn, tối nghĩa thế.

Tôi hơi chột dạ. Sau khi đọc lại nghiêm ngắn chỉn chu thì lại láu cá phịa ra một đoạn khác hết sức chắp vá, đầu ngô mình sở. Tác giả của Thời xa vắng ngồi phắt dậy:

- Đoạn này cậu viết như cục cứt ấy. Đến học trò lớp 3 cũng không viết thế.

Tôi lặng thinh ân hận và chịu trận. Ông thao thao nói về đoạn mở, đoạn kết, về chi tiết này hay, chi tiết kia không ổn. Ông chỉ cho tôi hơn hai mươi tính từ cần phải bỏ. Ông bảo: “Cậu hãy giết những tính từ trong văn cậu như giết những con rệp đực.” Trời đất ơi! Rệp nào giết chả được mà phải phân biệt rệp đực rệp cái. Tôi mới ngộ ra một điều: Không có cái gì qua mắt ông. Cái kiểu nằm nghe thiu thiu ngủ chỉ là hình thức. Nằm nghe mà hiểu tinh tường tác phẩm còn hơn người đạo mạo trước khi ngồi ngay ngắn đọc văn chương phải tắm rửa sạch sẽ, sửa mình và đốt hương trầm mà chẳng hiểu mô tê.

Đêm hôm ấy, khoảng 12 giờ khuya trong khi nhà văn Nguyễn Bảo đang đọc bản thảo truyện ngắn Cơm vua của anh Đỗ Viết Nghiệm, nhà thơ Vương Trọng đang đọc Khát vọng Trường Sơn của anh Nguyễn Hữu Quý thì tôi rủ ông Lê Lựu đi uống rượu chén ở cổng. Dạo đó, chúng tôi đều nghèo, rất ít tiền, chỉ dám ngồi quán cóc uống rượu cuốc lủi. Nửa tuần rượu đưa môi với lạc rang ế để lâu ỉu sìu, có hạt mốc, tôi dụt dè thưa:

- Em xin hỏi thật. Bác đọc em từ năm 92, bác thấy em có viết được không?

- Cậu hỏi thế là có ý gì?

- Em hỏi thật, bác cũng phải nói thật. Đừng an ủi vì sợ em buồn. Em viết được là em theo đến cùng. Bác bảo không viết được là em bỏ bút đi buôn. Em không thể cứ đi theo cái mà mình không bao giờ có. Huyễn hoặc, mất công lắm. Hoài phí một đời. Làm việc khác có tiền nuôi con, ích lợi hơn, bác ạ...

Ông trầm ngâm một lát rồi bảo:

- Minh cũng giống như mình. Giống ở cái sự trời cho mình chỉ 1%, cần phải lam lũ cày cuốc 99% cộng với gặp may thì mới thành. Chúng mình không giống bọn cái Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà... xuất hiện một cái là như ngôi sao vụt sáng trên bầu trời, ấn tượng ngay. Nhưng mà Minh ơi! Đường dài mới biết ngựa hay. Minh viết được đấy, Minh cứ cố đi, như người đào giếng ấy, cuốc trúng mạch là nước ngầm phun lên.

Tôi nghe ông từ dạo ấy, và tôi đã cày, đã rong chơi mê mải rồi lại cuốc, đào. Tôi vẫn chưa gặp mạch nước ngầm. Tôi chẳng may mắn? Không! Tôi là kẻ bất tài.

6.

Phòng làm việc của tôi bây giờ, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng sống và viết. Tôi đặt ảnh ông trên tường. Ông đội mũ be rê màu xám đen giản dị, gương mặt hiền nhân hậu, tươi rạng. Nhưng tôi vẫn nhận ra đằng sau sự lành hiền ấy là cái đáo để của một nhà văn lớn nhìn sâu vào cõi đời và nỗi đau phảng phất, quặn thắt giãi bày trên trang giấy chưa hết.

Những trưa mùa đông giá rét, tán cây nhãn xào xạc và lá đại già run rẩy trong lạnh lẽo trước sân. Gió đuổi nhau ràn rát trên mái ngói âm dương ngôi nhà số 4. Tôi nằm co ro trên đi văng. Giấc ngủ khi nông khi sâu và chẳng có trưa nào trọn giấc. Trong trạng thái mơ hồ tôi thấy nhà văn Nguyễn Minh Châu hiện về. Ông lặng thinh không nói, chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Tôi cảm thấy sự bất lực, buồn bã của ông. Tôi muốn nói rằng: Ông ra đi đã gần 20 năm rồi, nhưng Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Bức tranh... vẫn ở lại nơi dương thế. Sao ông còn phải nhọc lòng?

Ông vẫn không nói. Người chết không bao giờ nói được. Ta chỉ cảm nhận được người chết nghĩ gì. Không phải ông cầu mong trời đất cho ông sống thêm 5 , hay 10 năm nữa để ông viết một tác phẩm đồ sộ nào đó, mà ông đang lo âu. Ông đã đọc lời ai điếu cho một thời văn học minh hoạ mà bây giờ có kẻ còn minh hoạ hơn cả ngày xưa ông sống. Không phải! Tôi đồ rằng ông đang buồn vì không ai hiểu mình và ông đang rất cô đơn...

Bỗng tôi thức dậy. Căn phòng vắng vẻ đến rợn người. Tôi nhìn ảnh ông. Đôi mắt nheo nheo như đang cười. Nụ cười ấm nóng giữa trưa mùa đông buốt giá. Ông vẫn độ lượng với tôi, mặc dù có lúc tôi tưởng tượng ra ông trách mắng tôi rằng cái thằng này lười nhác, thời gian trôi không đợi tuổi; còn trẻ trung gì nữa đâu.

Tôi nhớ đến ông, nhớ đến những ngày ông bệnh trọng, giáo sư Phan Cự Đệ nói với đám học trò chúng tôi: “Anh Nguyễn Minh Châu đang ốm nặng, có lẽ không qua khỏi. Anh chị nào cần tài liệu gì về ông thì đến thăm ông và hỏi đi kẻo không kịp đâu.” Một đám học trò không quen thuộc, chỉ kính trọng tác giả đã liều lĩnh và chân tình đến thăm ông tại giường bệnh. Trong số bạn bè tôi, có một cô gái đã làm luận văn về truyện ngắn của ông, và hứa rằng sẽ mang bản luận văn còn vụng về, thô giản đến tận giường bệnh tặng ông. Ông cười hiền, động viên, ông bảo ông hy vọng và cố chờ... Nhưng rất tiếc, cái luận án nhỏ bé của bạn tôi khi bảo vệ xong thì ông đã đi xa hơn một tháng rồi. Bạn tôi – cô gái mảnh mai đã sụt sịt khóc và cô hoá tập luận văn. Than thì ở lại dương thế, linh hồn tập luận văn nhỏ bé theo khói gửi xuống thế giới bên kia cho ông. Cô gái nhỏ - bạn tôi có một niềm tin chân thành trong sáng rằng ông sẽ đọc.

Khi tôi về Nhà số 4 thì ông đã đi xa lâu lắm rồi. Tôi hình dung bước chân ông nhẩn nha bước rất khẽ lên cầu thang gỗ. Ông ngồi vào phòng và gò lưng viết. Bên ngoài sân lá cây đại già rụng tơi bời, ngoài đường Lý Nam Đến thỉnh thoảng tiếng xe máy lại rồ lên bất chợt. Mặc, ông cứ ngồi lặng lẽ, âm thầm viết.

Tôi về Văn Nghệ Quân Đội được thêm nhiều người bạn mới. Có người còn ở lại, có người đã bỏ tôi đi; bỏ đi vì bệnh tật, bỏ đi vì dứt khoát phải bỏ đi... Nhưng mà tôi vẫn được an ủi, tôi đang được sống quây quần. Tôi lại nhớ những người đã đi khỏi Nhà số 4. Bước chân này nhẹ nhàng? Bước chân kia trĩu nặng. Ông Lê Lựu đã chuyển đi. Ông Trung Trung Đỉnh, ông Trần Đăng Khoa, ông Nguyễn Trí Huân cũng ra khỏi nhà số 4 rồi... Đi như những người trước đã từng đi. Bước chân đi mà lòng chẳng muốn. Bởi các ông quá yêu quân đội, quá yêu Nhà số 4.

Tôi thảng thốt nhận ra: Ngôi nhà cổ có những mái đao cong vút lên trời xanh trầm mặc, thâm u đang âm thầm đổ bóng lên người tôi. Không! Tôi đang chui, đang lần mò, ngụp lặn dưới bóng ngôi nhà này và tự tôi không ra khỏi cái bóng râm lớn rợp mát ấy...

Tôi hình dung đến một ngày đầu tháng 3 rét mướt. Bàn họp Ban biên tập trống huếch trống hoác. Bao nhiêu năm đánh giặc làm thơ, nay các ông trở về với đời thường. Mới ngày nào chân ướt chân ráo về Nhà số 4, tôi gặp các anh còn đang tuổi tráng niên. Vậy mà, bây giờ tất cả đã về già, đầu pha sương tóc bạc.

Chớp mắt đã mười năm.

Sương Nguyệt Minh.

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)