VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Câu thơ hay của một chiến binh già

Thứ Sáu, 01/04/2011 00:35

Cách đây chừng 20 năm, tôi là biên tập viên thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong hàng trăm, hàng ngàn bài thơ gửi về dự thi, tôi có được đọc chùm thơ của tác giả Hàn Thái Lang. Chùm thơ viết tay, nét chữ nắn nót, cẩn thận từ dấu phẩy đến các cách đoạn trong thơ. Tác giả tự giới thiệu ông là bộ đội thời đánh Pháp, ông làm thơ từ những năm 1950 -1954, làm thơ để ghi lại những kỷ niệm buồn vui đời quân ngũ. Trong chùm thơ, có câu đọc một lần là tôi nhớ:

Gối đầu bảy ngày gạo

Nhìn sao rơi đỉnh mùng

Hồi kháng chiến đánh Pháp, đánh Mỹ, người chiến sĩ hành quân thường mang theo gạo để ăn đường. Gạo được cho vào chiếc bao vải dài (còn gọi là ruột tượng hay bao gạo), có thể vắt chéo ngang vai khi hành quân, có thể dùng để gối đầu khi nằm ngủ. Câu thơ trên tác giả viết về hình ảnh người chiến sĩ sau cuộc hành quân, đêm nằm gối đầu lên bao gạo nhìn thấy “sao rơi đỉnh mùng”. Ý thơ nói được cuộc sống gian khổ nhưng đầy chất lãng mạn, lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ thời đánh Pháp. Với chất liệu ấy, người làm thơ diễn đạt được như thế là tài lắm. Bình thường ra thì viết Gối đầu trên bao gạo, nếu thơ câu thơ sẽ chẳng có gì đáng bàn vì nó chỉ thuộc dạng trung bình, người làm thơ biết quan sát hiện thực cuộc sống. Nhưng tác giả biết Gối đầu bảy ngày gạo thì câu thơ vừa ảo, vừa thực. Những từ ngữ thường ngày chợt chớp lên, sáng lên lấp lánh. Thế mới biết, cách sử dụng từ ngữ trong thơ thật biến ảo khôn lường. Có khi thêm một chữ này, bớt một chữ khác, thêm hoặc bớt, thay đổi, gọt giũa, đảo từ lại mang đến hiệu quả bất ngờ mà chính người làm thơ cũng không lường hết được. Vì như câu thơ của nhà thơ Hoài Anh: Chín năm rừng lòng vẫn thủ đô cũng là câu thơ hay, hàm xúc, giàu tính khái quát. Nhưng chỉ cần thêm một từ (ở) thì câu thơ lại trở nên bình thường một câu văn xuôi: Chín năm (ở) rừng lòng vẫn thủ đô. Bàn về nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong thơ, nhà thơ Mai a viết

Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ

Mới thu về một chữ mà thôi

Những chữ ấy làm cho chuyển động

Triệu buồng tim trong hàng triệu năm dài

Làm biên tập, cái thú nhất là được tiếp xúc với bạn bè, được đọc nhiều thơ của những nhà thơ cao niên đến những cây bút mới bước vào nghề. Đọc họ, tôi tự rút ra bài học cho mình. Thơ tầm tầm bậc trung thì dễ quên, thơ hay hoặc tứ lạ thì đôi lần cũng nhớ, bất kể tác giả quen mình hay chưa gặp mình. Có khi nhớ một lần rồi quên, có khi nhớ mãi.

Lại nói về tác giả Hàn Thái Lang, chùm thơ ông gửi cuối cùng đã nhận giải thưởng cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi trao giải thưởng, ông bị yếu, có “ủy nhiệm” cho người vợ về nhận thay. Tôi còn nhớ địa chỉ của ông ở phố Cũ thị xã Cao Bằng. Một lần lên Cao Bằng công tác, tôi có đọc cho nhà thơ Y Phương và nhà thơ Trần Hùng nghe hai câu thơ ông viết. Y Phương và Trần Hùng đều tấm tắc khen hay. Theo dòng địa chỉ, tôi dành hẳn một buổi chiều đến thăm nhà tác giả Hàn Thái Lang. Đó là buổi chiều lất phất mưa, tôi tìm được tới nhà ông thì nhà khóa cửa, hàng xóm bảo ông đi vắng. Tôi không có duyên may được gặp tác giả Hàn Thái Lang, chỉ nghe nhà thơ Y Phương tả đôi nét về hình dáng, diện mạo. Gần hai chục năm trôi qua, dù chưa biết mặt ông, nhưng tôi mãi nhớ câu thơ ông viết. Vâng, đó là câu thơ hay của một thời mà đến giờ đọc lên tôi vẫn có được vẹn nguyên niềm xúc động.

Nguyễn Đức Mậu


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)