Từ tháng 9 năm 1979, tôi được chuyển công tác từ Báo Quân đội nhân dân sang Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thế là lại thêm một công dân xứ Nghệ gia nhập vào cái đại gia đình vốn đã khá đông người Nghệ Tĩnh này. Không biết có phải vì cái “giọt nước tràn ly” này hay không, mà trong cuộc họp đầu tiên tôi được ra mắt Văn nghệ quân đội và cũng là dịp cấp trên đến công bố Ban lãnh đạo mới của cơ quan (gồm nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, một người Nghệ An, làm quyền Tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Chí Trung, người gốc Thừa Thiên và nhà văn Xuân Thiều, người Hà Tĩnh, làm Phó Tổng biên tập), sau khi nhà thơ Chính Hữu, Cục phó Cục tuyên huấn (cũng là một người Nghệ An), đọc quyết định bổ nhiệm công tác cho ban lãnh đạo mới của tạp chí, mọi người đang cười đùa chúc mừng nhau vui vẻ, thì nhà văn Nguyễn Khải liền lên tiếng góp vui bằng một câu tưng tửng: Này, các ông các bà ơi, ban nãy anh Nguyễn Đức Mậu có nói với tôi (là anh Mậu nói đấy nhé), rằng trước đây chúng mình còn trẻ trung, đầu óc minh mẫn, nói năng khúc chiết, dạo này có tuổi rồi, đầu óc có vấn đề, đôi lúc còn nói nhịu, Văn nghệ quân đội không nói, lại cứ nói thành...Văn... đội quân Nghệ!
Mọi người hưởng ứng ầm ĩ, mà vui nhất là mấy nhà văn, nhà thơ gốc gác xứ Nghệ (tức là gồm cả Nghệ, Tĩnh như cách hiểu xưa nay). Chơi chữ thế thì thánh thật! Thế mới biết cái ghê gớm đến oái oăm của tiếng Việt, xoay dọc xoay ngang gì cũng chỉ có bốn chữ không hơn. Chỉ thấy lý thú, vui vẻ, chứ tuyệt nhiên không cấn cái điều gì. Vì ở đâu không biết, chứ ở cái cơ quan văn nghệ của quân đội này, không bao giờ có chuyện bè phái theo kiểu địa phương chủ nghĩa ( nói đổ sông đổ bể, có lúc nào đó mắc mớ, mâu thuẫn với nhau tý chút, thì chưa chừng lại là giữa những người cùng quê với nhau, thế mới lạ). Câu thành ngữ mới do nhà văn Nguyễn Khải “lăng xê” này lan truyền khá nhanh, và mặc nhiên gắn thêm một nét đặc thù nữa cho cái cơ quan văn nghệ vốn đã có khá nhiều giai thoại và rất được công chúng yêu mến này.
Đúng là đã có cả một “đội quân Nghệ” trong Văn nghệ quân đội dạo ấy. Này nhé, không kể nhà thơ Chính Hữu là quan chức cấp trên của Văn nghệ quân đội, thì số dân Nghệ Tĩnh hiện diện ở đây, kể cả anh Doãn Trung trưởng phòng hành chính và bác Mạn công vụ thì là 11 người, vừa tròn một tiêu đội, chiếm ngót nghét một nửa quân số của cơ quan! Văn nghệ quân đội là bộ mặt văn nghệ của toàn quân, cũng là của toàn quốc với hơn 60 tỉnh thành, mà quân số của một tỉnh thôi (lúc Nghệ, Tĩnh còn chưa tách tỉnh) đã lên đến ngần ấy thì mật độ đúng là dày đặc. Và nếu như mỗi cơ quan, cũng giống như mỗi con người, có một phẩm chất, một tính cách riêng, thì tôi nghĩ rằng, trong những nhân tố làm nên phẩm chất đặc thù của Văn nghệ quân đội trong suốt nửa thế kỷ tồn tại, chắc chắn có sự đóng góp của đạo quân đến từ xứ sở Sông Lam núi Hồng với cái “chất Nghệ” khó lẫn của mình.
Viết về sự đóng góp này là một điều lý thú và chắc phải cần tới cả một cuốn sách, với một bài báo nhỏ thế này thì chỉ là để xới chuyện ra cho vui. Vậy rốt cuộc, cái chất Nghệ mà các nhà văn, nhà thơ xứ Nghệ mang đến cho Văn nghệ quân đội là gì vậy? Cần cù, chịu khó, lấy công làm lãi ư? Chắt bóp, tằn tiện kiểu “cá gỗ” ư? Hay là hiếu học, ham hỏi? Hay là khảng khái, trực tính đến gàn quải “ngang cành bứa”? Hay là thâm trầm, sâu sắc, lắm lý sự? Hay bảo thủ, khăng khăng giữ lấy nếp nhà? Hay hóm hỉnh, đậm chất “uy-mua”? Hay là..., Hay là...còn gì nữa? Những phẩm chất ấy mỗi người một vẻ, chắc ít nhiều đều có cả. Xin được nói ngay rằng, trừ tôi là một con dân xứ Nghệ tự thấy rất thiếu ý thức gìn giữ bản sắc quê hương và thường bị các bạn gọi là “mất gốc” một cách không oan ức gì, thì đại đa số các nhà văn nhà thơ xứ Nghệ ở đây đã phát huy hết những phẩm chất tốt đẹp của quê hương trong công việc cũng như trong cuộc sống, để lại những dấu ấn khó phai cho ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, dù cho thời gian có trôi qua 50 năm, 70 năm, hay lâu hơn nữa, là tôi nghĩ thế.
Đó là hình ảnh một Nguyễn Minh Châu tài hoa và thâm trầm, bên ngoài thì lặng lẽ, khiêm nhường đến nhút nhát, nhưng bên trong là cả một núi lửa sục sôi những tình, những ý, những khát khao kiếm tìm và đổi mới cả chất liệu và bút pháp, những trăn trở thường trực về đời, về nghề cho đến tận khi nằm liệt trên giường bệnh, một con người lao động sáng tạo đúng với câu cách ngôn phương Tây “mười lăm phút trước khi chết vẫn còn sống”.
Đó là một Nguyễn Trọng Oánh chân chất và chân thực đến mộc mạc và tối giản cả trong đời lẫn trong văn, một lão nông tri điền trên trang viết, hấp dẫn người đọc không bằng vẻ hào nhoáng của ngôn từ và trí tưởng tượng, mà bằng vẻ xù xì, thô ráp vốn có của đời sống, đọc vào là thấy tin, thấy yêu ngay. Những ai đã đọc tiểu thuyết “Đất trắng” với trường đoạn miêu tả nhân vật Tám Hàn, một cán bộ cao cấp quân đội chiêu hồi địch, chắc sẽ ít nhiều kinh ngạc vì vào thời điểm ấy một thực tế trần trụi và nhạy cảm đến thế đã được ngòi bút trung thực của nhà văn phơi bày ra dưới ánh sáng một cách giản dị biết chừng nào. Mực thước và ngỡ khô khan đúng kiểu một ông đồ Nghệ, nhưng ở nhà văn này, chính cái tình đã chắp cánh cho cái tài và vốn sống phong phú đã phần nào hỗ trợ đắc lực cho trí tưởng tượng.
Đa tình thì luỵ đến thơ, còn giàu vốn sống thì không thể không mượn đến văn xuôi. Bởi thế nên Nguyễn Trọng Oánh làm thơ trước rồi đến với văn xuôi sau, còn một ông đồ Nghệ khác, nhà văn Xuân Thiều, thì dường như cùng lúc mang cả hai tố chất. Văn của Xuân Thiều giàu chất thơ, và thơ ông thì lại giàu chất...văn. Với nhà văn này, chi tiết là xác, còn tình cảm và ý tưởng là hồn, cả hai quấn quýt, hoà trộn để tạo nên những cơ thể sống lừng lững, tức là những tác phẩm của ông vậy. Không chỉ vẽ chân dung cuộc sống trong những cuốn sách, ông còn vẽ chân dung ngay đồng nghiệp, đồng chí và đồng liêu của mình bằng thứ ngôn ngữ của các ông đồ - những câu đối. Thứ ngôn ngữ thâm nho này của Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Sách... quả đã tạo nên một thú chơi nghệ thuật tao nhã và cao sang mà Văn nghệ quân đội đóng góp cho đời sống văn học nước nhà của một thời chưa xa.
Một người Nghệ mà đầu óc minh mẫn, phát ngôn khúc chiết, giàu tính lý luận vào cỡ hàng đầu cơ quan, ấy là nhà văn Hải Hồ. Ông được mọi người gán cho biệt danh thân mật là “ông Lý Mèo”, vì thích nói lý và nói lý rất tài, dẫn chứng có đầu có đuôi, lô gích chặt chẽ, dẫn dắt có nghề, nên đã đấu khẩu là giành thế thượng phong, ít khi chịu bó miệng lai hàng. Dĩ nhiên, những cuộc đấu khẩu ở đây chẳng qua đùa bỡn là chính, nhưng tài năng ấy lại phát huy thực sự đắc địa là trong những buổi thảo luận chính trị nghiêm túc và trang trọng mà không năm nào đơn vị không tiến hành dăm bảy cuộc. Vào những thời khắc cam go ấy, hễ bước vào phòng họp mà thấy có mặt nhà văn lão thành Hải Hồ ngồi đó cười ruồi là cánh đàn em chậm mồm chậm miệng như chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Ai nấy đều nhìn ông tin cậy và âu yếm: cứu tinh đây rồi, khỏi lo gì nữa.
Còn cần cù cuốc bẫm cày sâu ư? Liệu có ai sánh kịp Nam Hà tiên sinh? Số đầu sách của tiên sinh đến giờ này dồn lại, chất lên dễ đã cao ngang thắt lưng, cuốn nào cũng dày, cuốn nào cũng nặng, muốn đọc văn ông cho kỹ lưỡng là phải có động tác chuẩn bị, tích luỹ lương thảo đủ dùng cho một tuần trở lên mới dám ngồi vào bàn cầm lấy một cuốn. Những người lười biếng như tôi thực lòng chỉ biết ngả mũ từ xa. Đọc sách của ông như ngồi trên cao quan sát một trận đánh lớn, vừa có cái tầm bao quát của cả chiến dịch vừa không bỏ sót một chi tiết, một số phận nào. Nhưng kỳ lạ nhất là tất cả thần thái ấy lại được cô đọng vào trong vẻn vẹn mấy câu thơ ông làm từ thuở vượt Trương Sơn vào Cực Nam Trung Bộ, mấy câu thơ đẹp vào hàng tiêu biểu cho thơ thời chống Mỹ:
Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp hơn hoa hồng, rắn hơn sắt thép
Phút chia tay không hề rơi nước mắt
Nước mắt để giành cho ngày gặp mặt...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nói rằng chính vì những câu thơ như thế mà ông đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.
Không chỉ cần cù viết, mà còn cần cù đi là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Cánh chim không mỏi này luôn luôn ẩn hiện bất ngờ kiểu lai vô ảnh, khứ vô hình, dấu chân rải khắp ngoài Bắc trong Nam, trên rừng dưới biển. Trong một dịp gặp gỡ mới cách nay mấy tháng, nhà văn thiếu tướng Dũng Hà, nguyên Tổng biên tập Văn nghệ quân đội, đã gật gù mà phong tặng cho nhà thơ bốn chữ vàng: “Quốc nội vô song”! “Vô song” ở đây theo ý ông Dũng Hà là để ghi công nhà thơ xứ Nghệ này không biết bằng cách nào mà trong mấy năm lại đây đã sản xuất hơn 160 kịch bản và thuyết minh cho đủ loại từ phim tài liệu dài ngắn, đến các chương trình nghệ thuật lớn bé phục vụ các cuộc hội hè đình đám trên phạm vi toàn quốc vào những thời điểm trọng đại. Trong khi đó, thơ ông vẫn ra đều đều ba năm đôi tập, mà đó là thứ thơ không bao giờ cam chịu nằm yên, cứ trăn trở kiếm tìm không nghỉ không nguôi như bản chất của cây bút này từ thuở nào còn đầu xanh tuổi trẻ.
Cùng quê Hà Tĩnh với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là một thư sinh nho nhã, học vấn cùng mình – nhà thơ, nhà phê bình văn học, tiến sĩ ngữ văn Lê Thành Nghị. Nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai, ông là kẻ sĩ của thời Tây học, cứ từ tốn thế mà viết phê bình đều đặn, mà làm thơ hết tập nọ đến tập kia, cũng lại cứ từ tốn, nhẹ nhàng thế mà luôn tay giật giải của Hội Nhà văn hết lần này sang lần khác.
Người Nghệ làm văn nghệ ở đất này cần cù là thế, nghiêm túc là thế, nhưng tuyệt nhiên không phải lúc nào cũng chỉ một bộ dạng nhăn nhó, mặt khó đăm đăm, mà ngược lại còn rất thích cười và biết cười. Nếu như Văn nghệ quân đội vốn đã là một...nhà cười, với tiếng cười ha hả hồn nhiên của nhà thơ Vũ Cao, tiếng cười hóm hỉnh thâm thuý của nhà thơ Thanh Tịnh, cái cười tủm kết hợp đưa tay che miệng của nhà thơ Duy Khán v.v..., thì đội quân Nghệ cũng vinh dự đóng góp vào đấy hai chuyên gia tầm cỡ trong làng cười chuyên nghiệp là các nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh và Vương Trọng. Hình như ngoài tư duy thơ ra, thì trong đầu hai ông này là những cái kho bất tận chứa chất những chuyện buồn cười, những lời ngộ nghĩnh, chỉ đợi thời cơ là bật ra ngay tắp lự. Còn nhớ, có lần cả cơ quan đang xếp hàng đợi chia cá biển, thứ cá được ướp đá mang từ Hải Phòng lên, phải lấy búa phang như bổ củi mới lấy được cá ra để chia nhau, đến lượt Phạm Ngọc Cảnh cầm được...cục cá từ tay bác Mạn trao cho, nhà thơ kiêm kịch sĩ liền dơ lên khoe ngay với người bạn tâm giao là nữ nhà văn Nguyễn thị Như Trang đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại: Mình đã là dân cá gỗ, lại vớ ngay được khoản cá đá, sướng chưa!
Còn với nhà thơ Vương Trọng, người đồng nhật, đồng nguyệt, đồng tuế với tôi, thì khỏi phải nói. Ông là một tác nhân gây cười thường trực mà bất cứ chuyến công tác nào mọi người cũng muốn có ông trong đoàn của mình. Có lẽ vì gồm trong tên mình danh tính của cả hai bậc văn nhân sáng láng trong “Đoạn trường tân thanh” mà ngoài chức danh nhà thơ, ông còn là một nhà Kiều học và...kỳ học, với niềm đam mê cụ Nguyễn Tiên Điền và thú chơi cờ tướng tao nhã, tức là thiên hạ có bốn thứ tài hoa thì ông đã chiếm mất hai. Chuyện pha trò và chơi chữ của thi sĩ họ Vương thì đã hữu xạ tự nhiên hương từ lâu, có kể cũng không hết. Bài đã dài, chỉ xin ôn lại một câu chơi chữ của ông mà tôi thực lòng bái phục và còn nhớ đến bây giờ: Số là dạo ấy anh em Văn nghệ quân đội còn đói lắm, quanh năm cày cuốc cũng chỉ đủ ngày ba bữa dưa muối, vậy nên cứ dài cổ đợi đến cữ cuối năm để có thêm khoản thu nhập đột xuất từ công việc hoàn tất khâu cuối cùng trong công đoạn sản xuất lịch sổ tay của cơ quan. Mọi việc khác thì máy móc đã làm xong, chỉ còn động tác cuối cùng là lồng bìa giấy của cuốn lịch vào bìa ni lông thì phải nhờ đến tay người. Và thế là cả cơ quan Văn nghệ quân đội phòng nào cũng chất đống những lịch là lịch. Các nhà văn, nhà thơ tiếng thế mà dẻo tay ra phết, lồng sổ cứ nhanh thoăn thoắt như rồng bay phượng múa, lại còn kết hợp đọc thơ, tán chuyện râm ran cả một vùng như nhà có đám. Và đó là dịp tốt để “chàng Vương” bật ngay vế đối bất hủ: Người được lồng sổ như chim sổ lồng!
So với Văn đội quân Nghệ, câu này xem ra cao tay cũng chả kém, nếu không nói còn riết róng hơn một bậc – xoay dọc xoay ngang gì cũng chỉ có hai chữ mà thôi.
Viết thêm: Theo quy luật của tuổi tác, sắp rồi, một thế hệ nhà văn xứ Nghệ cùng các đồng nghiệp cùng trang lứa sẽ rời Văn nghệ quân đội để làm cái việc tạm gọi là “rửa tay gác kiếm”, hay nói nôm na là “về nhà đuổi gà cho vợ”, mang theo những kỷ niệm buồn vui của một thời chung sống bên nhau dưới mái nhà số 4 Lý Nam Đế khó quên. May thay, con chị nó đi con gì nó lớn, đội quân Nghệ ở nơi đây vẫn được nối gót bởi hai cây bút giàu tiềm năng và mang đậm bản sắc quê hương: Nhà văn chuyên cần và dẻo dai Nguyễn Quốc Trung đang cắm chốt ở phía Nam và nhà văn trẻ Nguyễn Thế Hùng thế hệ 7X vừa từ đồng bằng sông Cửu Long về gia nhập vào hàng ngũ Văn nghệ quân đội. Một kỷ nguyên mới của Văn nghệ quân đội đang mở ra, và một lần nữa, trong đội ngũ ấy vẫn có mặt những đứa con đến từ xứ Nghệ.
ANH NGỌC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn