Từ những năm 1970, tôi đã được đọc tạp chí Văn nghệ quân đội. Lúc bấy giờ tôi đang học cấp ba ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bộ đội hành quân vào Nam thường nghỉ lại ở nơi này mấy hôm, võng bạt mắc ngang dọc nhà dân. Những lúc rảnh rỗi, các anh bộ đội, phần đông còn rất trẻ hay mang tạp chí Văn nghệ quân đội ra đọc. Tôi còn nhớ những quyển tạp chí thời chiến tranh khổ nhỏ hơn bây giờ, giấy lại đen, chữ in không được sắc nét lắm.
Vốn là học sinh mê đọc sách tôi lân la làm quen rồi mượn các anh Văn nghệ quân đội để đọc. Những truyện ngắn, bài thơ in trên tạp chí làm cho tôi thích thú và yêu văn chương hơn. Những cái tên Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Đỗ Chu, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Chu Lai... dần dà quen thuộc với chúng tôi.
Giữa năm 1974, khi trở thành lính Trường Sơn (Đoàn 559) thì Văn nghệ quân đội là món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi. Hàng tháng, tôi mong tờ tạp chí do quân bưu chuyển đến như trẻ con mong chờ quà chợ của mẹ. Hầu như, tôi đọc không sót một số tạp chí Văn nghệ quân đội nào.
Năm lớp 10 (hệ 10 năm) tôi đã bắt đầu tập làm thơ và như kẻ điếc không sợ súng, cứ viết được bài nào là gửi cho Hội văn nghệ Quảng Bình. Năm 1975 số Văn nghệ Quảng Bình đầu tiên in bài thơ Mưa của tôi có những câu rất tự nhiên như “Mưa rơi dây muống vườn cà / Cây tre ướt lá, con gà ướt lông”. Vào lính, tôi càng ham làm thơ hơn và hay gửi đến báo Trường Sơn. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời ấy làm việc ở đây. Nào ngờ, trên một số báo, Trường Sơn in cho tôi một chùm 3 bài thơ là Cô gái mở đường, Gió... và một bài gì nữa tôi quên mất tên. Bài Cô gái mở đường chỉ có 4 câu nên đến bây giờ tôi còn nhớ mồn một: Là em đấy ư cô gái mở đường / Vành mũ cứng xanh đủ che hồng khuôn mặt / Bàn tay em tạo dáng hình đẹp nhất / Con đường hôm nay, con đường mai sau. Lòng lâng lâng khi cầm trên tay tờ báo Trường Sơn có hai chữ Kính biếu, tôi đọc đi đọc lại không chán ba bài thơ của mình và thoáng nghĩ đến một địa chỉ văn học quen thuộc: tạp chí Văn nghệ quân đội.
Vẫn biết rằng có thơ in ở Văn nghệ quân đội chẳng dễ dàng chút nào nhưng tuổi trẻ thường hay liều lĩnh nên từ thời binh nhất tôi đã có thơ gửi tạp chí này. Gửi mãi, gửi hoài mà chẳng thấy bài mình được đăng, nản lòng lắm.
Tết Bính Thìn 1976, Văn nghệ quân đội được quân bưu chuyển đến sớm hơn một tháng. Tôi giở ra, cha mẹ ơi gì thế này; bài thơ Trên đường hành quân của tôi được chọn in vào số Tết nguyên đán cùng với các bài thơ Sài Gòn đêm giao hưởng của Anh Ngọc, Từ con đường đi bằng chân đất của Hải Bằng; Chiếc khăn của Lê Văn Vọng; Hoa trên đường của Khuất Quang Thuỵ; Đường bay của Xuân Sách; Nắng lên cao của Võ Văn Trực; Tranh gà của Phạm Ngọc Cảnh... Tôi thực sự không tin vào mắt mình nữa và khi biết đó là sự thật mười mươi thì chao ôi, sự sung sướng ngây ngất chẳng biết để đâu cho hết. Hiện nay, nếu có tiền muốn in một hay nhiều tập thơ cũng là chuyện nhỏ nhưng cái thời văn chương còn trong sáng đó có được một bài thơ in ở Văn nghệ hay Văn nghệ quân đội là cả một sự kiện đối với người cầm bút. Bài thơ đầu tiên của tôi in Văn nghệ quân đội tuy rằng ý tứ cũng chẳng đến nỗi nào nhưng viết còn thật thà lắm: Tiếng chim điểm nhịp hành quân / Cờ lau mở trận trắng ngần gió bay / Hương hoa rừng khéo nở đầy / Đọng trên sắc áo dạn dày nắng sương.../ Phải chăng qua những nẻo đường / Ở đâu đất cũng yêu thương tận lòng / Ông cha vạn thủa anh hùng / Hoá thành sông núi nhịp cùng ta đi.
Tôi cứ tưởng rằng sau bài thơ in số Tết Bính Thìn thì con đường tôi đến với Văn nghệ Quân đội sẽ hanh thông lắm. Nhầm! Tôi đã nhầm. Bao nhiêu bài thơ tôi gửi đến tạp chí đều bặt vô âm tín. Từ tháng 2 năm 1976 đến tháng 11 năm 1995 tôi không hề được in một bài thơ nào ở Văn nghệ quân đội nữa. Tôi nghĩ thầm “mình nguyện làm một bạn đọc chung thuỷ của Văn nghệ quân đội thôi, còn trở thành cộng tác viên của tạp chí như mong ước lâu nay thì khó quá”. Thơ tôi gửi về tạp chí thưa dần, thưa dần rồi ngưng hẳn. Tưởng mọi chuyện đã được an bài như thế, nào ngờ đâu năm 1995 sau khi đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn về, trong một đêm thao thức bồn chồn hình ảnh những bông huệ trắng đặt dưới tượng đài Tổ Quốc ghi công ám ảnh tôi và tôi viết được bài thơ Bông huệ trắng khá dài, trong đó có những câu mình rất tâm đắc: Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay / giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu / những người lính trở về xòe tay trên bếp khói / giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm / những người lính trở về đánh rạ dọn rơm / giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng / những người lính trở về cười ngượng nghịu / giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa…. Chần chừ mãi, mấy tháng sau tôi mới gửi đến Văn nghệ quân đội. Gần tháng sau, tôi nhận được thư nhà thơ Vương Trọng, đại ý: anh khen bài thơ Bông huệ trắng và nói rõ tạp chí sẽ in vào số tháng 12 (năm 1995). Anh hỏi tôi có phải là bộ đội không, hiện nay ở đâu, làm gì và nhắc tôi đừng gửi bài thơ này cho báo nào nữa. Tôi khấp khởi chờ đợi số tạp chí ra và lòng sung sướng vô biên khi Bông huệ trắng được in gần như trọn vẹn trên Văn nghệ quân đội, hết hai trang giấy. Kết quả còn có hậu hơn, khi bài thơ ấy được Văn nghệ quân đội trao tặng thưởng tác phẩm xuất sắc nhất năm 1995 và báo Văn nghệ in lại vào số báo đầu năm 1996. Toà soạn gửi về cho tôi một tấm giấy chứng nhận và 500 nghìn đồng tiền thưởng. Thật nghiêm ngắn và chu đáo biết bao.
Từ Trên đường hành quân đến Bông huệ trắng là hai mươi năm. Hai mươi năm tôi chỉ có hai bài thơ được in ở Văn nghệ quân đội. Không thể nói là ít hay bình thường. Chỉ biết cả hai bài thơ đều được in và bài Bông huệ trắng được tặng thưởng là trên sự lựa chọn vô tư, công tâm của những người làm biên tập của toà soạn. Lúc ấy, các anh không hề biết tôi là ai bởi như Trần Đăng Khoa sau này gặp tôi đã nói đùa “Văn nghệ quân đội đã móc Nguyễn Hữu Quý từ rừng xanh núi đỏ ra”.
Khi đã là người của Nhà số 4, tôi luôn dặn mình phải công tâm, cẩn trọng trong biên tập, chớ để tình riêng len vào công việc chung. Nói như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì “ai đó có chửi mình nhưng thơ người ta hay thì vẫn cứ in cho họ”. Trong những cuộc thi của Văn nghệ quân đội có tác giả đến nhận giải chúng tôi mới biết mặt họ. Làm cho bạn viết, bạn đọc tin mình, đó là điều chúng tôi hằng tâm niệm.
Thấm thoắt đã mười ba năm, kể từ ngày tôi khoác ba lô bước qua cổng Nhà số 4 có hai cây đại già nổi tiếng để làm biên tập viên, rồi trưởng ban thơ và bây giờ là cán bộ sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu hứng khởi chán nản, bao nhiêu may mắn rủi ro đã trải qua nhưng những kỷ niệm đẹp như 20 năm 2 bài thơ in Văn nghệ quân đội không thể nào quên được. Những kỷ niệm tốt đẹp chắc chắn sẽ sống lâu hơn tất cả, mãi mãi là những vầng sáng lấp lánh trong tôi với ngôi Nhà số 4 này.
Nguyễn Hữu Quý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn