VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà số 4 và tôi

Thứ Sáu, 01/04/2011 00:35

Tôi biết đến Văn nghệ Quân đội từ những ngày học cấp 2. Hồi ấy có một đơn vị thuộc Sư đoàn 308 về làng tôi… đóng gạch. Anh chính trị viên đại đội mê mệt một chị ở làng. Chị này đẹp, và kiêu, đã từng cho bao công tử làng nếm mùi thất tình. Thế mà chị lại đổ cái rầm trước chàng trung úy nghèo với những cuốn Văn nghệ Quân đội làm “vũ khí”. Nhờ chị mà tôi được “đọc ké” Văn nghệ Quân đội. Những truyện ngắn mang một phong vị rất riêng của Tạp chí khiến chú nhóc nhà quê là tôi “sướng mê man”.

Khi nhập ngũ, tôi luôn tìm Văn nghệ Quân đội. Nhưng đối với một chú lính mới như tôi, việc sở hữu một cuốn Văn nghệ Quân đội là điều… hoang tưởng. Tạp chí phát hành mỗi tháng một kì tới cấp đại đội, nhưng nó luôn “bị” các thủ trưởng “quản lí chặt chẽ”.

Vào một khuya tháng 1 năm 1989 tôi mở radio thì chương trình đọc truyện đã phát được quá nửa. Dù không được nghe từ đầu, nhưng tôi vẫn cảm thấy cái truyện hay đến ám ảnh. Kết thúc, nghe giới thiệu “Các bạn vừa nghe nghệ sĩ Kim Cúc đọc truyện ngắn Con thú bị ruồng bỏ của nhà văn Nguyễn Dậu in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 12 – năm 1988” thì tôi tiếc đến ngẩn ngơ. Tôi biết mình đã bỏ lỡ rất nhiều truyện hay trên Văn nghệ Quân đội. Và ý chí quyết tâm phải sở hữu những quyển Tạp chí cứ lớn dần trong tôi. Nhưng sở hữu bằng cách nào? Tôi đã tính đủ cách, và cuối cùng hạ quyết tâm: Phải trở thành cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội để được… nhận báo biếu!

Tôi bắt tay vào thực hiện ý định ấy bằng một động cơ cháy bỏng. Tôi tìm mọi cách, kể cả… “chôm” từ thư viện để có những số Văn nghệ Quân đội về đọc. Đọc kĩ bằng tâm thế học nghề. Và số Tạp chí tháng 4 – 1999 đã trở thành số Văn nghệ Quân đội đặc biệt nhất đối với tôi vì có chuyên đề bàn về truyện ngắn của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên... Sau khi đọc xong bài viết của những tác giả bậc thầy, tôi đã có ý niệm thế nào là truyện ngắn và quyết tâm thử sức.

Truyện ngắn đầu tiên tôi gửi Văn nghệ Quân đội phải 2 tháng sau mới nhận được hồi âm. Trong thư, sau khi thông báo truyện ngắn Người về cất nước sống Gianh của tôi đã được in, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh: Hiện nay lực lượng viết trong quân đội rất hiếm (hai chữ rất hiếm được gạch chân tới 3 cái), đề nghị bạn tiếp tục viết và cộng tác với Văn nghệ Quân đội.

Khỏi phải nói tâm trạng của tôi lúc ấy vui sướng tới cỡ nào. Mấy tuần liền tôi cứ sống như trên mây. Khi nhận được báo biếu, đọc những dòng chữ viết bằng mực tím nét chữ rất đẹp ghi rõ họ tên mình, tôi càng ngất ngây.

Vậy là ngọn lửa đam mê viết lách trong tôi đã được khới bùng. Tôi lao vào viết ào ào. Thời ấy chưa có Internet, mỗi khi viết xong một truyện tôi phải thuê đánh máy rồi photo cho vào phong bì gửi đi.

Đến bây giờ nghĩ lại tôi luôn cảm thấy ngượng vì thời ấy mình “quấy nhiễu” Văn nghệ Quân đội quá mức. Tôi đã liên tục “nã” điện thoại quân sự ra toà soạn, và bao giờ tôi cũng nhận được một giọng nói cực kì nhẹ nhàng dịu ngọt của chị Lâm văn thư: Ôi, em là Đỗ Tiến Thụy ở Tây Nguyên à? Em cần gặp biên tập viên à. Em đợi máy để chị đi gọi nhé!

Sau này tôi mới biết, mỗi lần như thế chị Lâm đã phải leo 3 tầng gác để gọi biên tập viên. Và các biên tập viên cũng phải từ tầng 3 “hạ sơn” xuống phòng trị sự để tiếp điện thoại. Vậy mà các anh các chị không hề tỏ ra khó chịu, luôn vui vẻ ân cần.

Việc liên lạc của cộng tác viên với biên tập viên “vất vả” là vậy. Và việc liên lạc của các biên tập viên với cộng tác viên ở các đơn vị cũng “gian truân” không kém. Tháng 7 năm 2002, phải mất hàng chục lần điện thoại vào Sư đoàn 10 mà nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng không gặp được tôi (vì tôi đi công tác suốt, có ngồi một chỗ đâu). Thế mà khi gặp được, anh lại chỉ nói với tôi mỗi một câu ngập ngừng đầy bí ẩn: “Chú đã đặt được một chân vào… nhà số 4!”

“Đặt được một chân vào nhà số 4!” là cách nói bóng gió, chứ Nhà số 4, ngôi nhà được xếp vào hàng đẹp nhất Hà Nội, được bạn đọc ví là “ngôi đền thiêng”, được nhà thơ Xuân Quỳnh coi là “địa chỉ thứ hai của Hội Nhà văn” này tôi đã đặt được cả hai chân vào theo nghĩa đen rồi. Và ngay lần đầu tiên tới đây tôi đã có một kỉ niệm đặc biệt.

Đó là năm 2000, sau vài truyện được in trên Văn nghệ Quân đội, một lần ra Hà Nội công tác tôi đã đánh liều tìm đến đường Lý Nam Đế. Cũng phải lượn lờ qua lại mãi mới dám “rón rén” bước vào. Đón tôi tại phòng khách là nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Anh em đang hỏi han mấy câu xã giao thì từ ngoài hành lang ló vào một khuôn mặt rất... ruộng đồng. Mái tóc rối mù như rơm. Hàm răng nhuộm khói thuốc lào đen nhức hạt na. Nụ cười thơ thới đúng kiểu một lão nông hiếu khách. Lê Lựu, tác giả của tiểu thuyết Thời xa vắng nổi tiếng! Tôi thầm reo lên trong bụng, nhưng miệng không biết ăn mắm ăn muối gì mà lại dại dột thốt lên một câu chào lễ phép: Cháu chào bác Lê Lựu ạ!

Khuôn mặt nông dân đang phởn phơ của Lê Lựu chợt tối rầm. Ông quay ngoắt 1800 bỏ đi không một lời đáp lại. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thấy thế hấp tấp nhắc tôi: Em phải gọi Lê Lựu là... anh!

Vừa lúc đó thì Lê Lựu quay lại. Ông ra tủ thư cầm về một xấp sách báo, đi ngang qua phòng khách mà mặt vẫn "nhìn đất... nhìn trời... nhìn thẳng". Tôi lấy hết can đảm chào to hòng chuộc lỗi: Em chào… anh Lê Lựu ạ!

Tức thì Lê Lựu dừng tắp như một chiếc xe công nông thắng gấp, quay ngoắt 900 rẽ vào phòng khách. Giọng nói ám khói thuốc lào cất lên rổn rảng: A, chào cậu! Cậu là Đỗ Tiến Thụy hả? Ở Tây Nguyên mới ra hả? Tốt tốt tốt!...

Thế rồi Lê Lựu kéo chúng tôi sang quán số 5 Lý Nam Đế, đối diện toà soạn uống bia, chuyện như pháo tết…

Một ngày chủ nhật năm 2002, trong lúc tôi đang ở đơn vị thì một chiếc xe U-oát biển đỏ chở hai ông đại tá quân hàm quân hiệu sáng quắc thắng gấp trước nhà tôi ở làng quân nhân Đăkbla, Kon Tum. Trước đó nhà tôi chỉ toàn có ô tải dừng bánh, và tới thăm nhà chỉ toàn là bạn bè lái xe và sĩ quan cấp uý. Thế nên khi thấy hai ông đại tá lễ mễ bê quà vào nhà vồn vã tặng và ân cần hỏi han mấy đứa nhỏ thì vợ tôi kinh hãi lắp bắp: Các… thủ trưởng có… nhầm nhà không ạ? Đến khi hai ông tự giới thiệu là nhà văn từ Hà Nội vào tìm Đỗ Tiến Thụy thì vợ tôi… càng nghi ngờ, vội vàng đạp xe vào đơn vị gọi tôi về.

Hoá ra là hai nhà văn Trung Trung Đỉnh và Sương Nguyệt Minh. Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói với tôi: Sau khi viết được truyện ngắn Gió đồng se sắt thì chú đã đặt được một chân vào nhà số 4. Chân kia chú phải đặt vào… Trường Viết văn Nguyễn Du!

Đến lúc ấy thì tôi hiểu, các anh đã có ý “nhổ” tôi khỏi đơn vị đưa về Văn nghệ Quân đội nhưng phải qua cái “ải” là một trường đại học.

Năm đó tôi đã 32 tuổi. Việc đi học Trường Viết văn Nguyễn Du là một việc khó khăn. Kiến thức phổ thông đã bỏ 14 năm, trong khi khoá 7 Nguyễn Du đã đến ngày tuyển sinh, không có thời gian ôn văn hoá, chắc gì đỗ. Nếu trượt thì không những khó có thể về Văn nghệ Quân đội mà còn thật khó quay về đơn vị cũ. Tôi nêu băn khoăn ấy, lập tức nhà văn Trung Trung Đỉnh bảo: Chú yên tâm. Cả Nhà số 4 sẽ làm “cổ động viên” cho chú!

Và ngay tuần sau tôi nhận được điện thoại của Đại tá nhà văn Bùi Thanh Minh thông báo Phòng Văn hoá - Văn nghệ, Tổng cục Chính trị đã làm công văn gửi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đề nghị cho tôi được đi thi rồi. Nhưng có lẽ công văn sẽ đến muộn, chú cứ… bí mật đi thi cho kịp ngày! (Đây là cách xử lí tình huống rất linh hoạt của Phòng Văn hoá - Văn nghệ Quân đội, dù cách làm này sẽ khiến các anh vất vả rất nhiều về các thủ tục hành chính quân sự cho một quân nhân đi học các trường ngoài quân đội như tôi).

Tôi gấp rút mua một cuốn đề văn mẫu ngồi trên xe đọc ngấu nghiến. Ra tới Hà Nội thì chỉ còn 4 ngày nữa là tới kì thi. Tôi đã vô cùng cảm động vì Văn nghệ Quân đội đã dành hẳn một phòng cho tôi có chỗ ôn bài. Tối nào nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng sang trò chuyện trao đổi kinh nghiệm thi cử. Những ngày đó tôi đã xác định chỉ còn đủ thời gian để nắm hết ý mỗi đề, cố gắng lấy điểm 5 mỗi môn. Trong gần trăm đề văn mẫu, tôi ngại nhất là đề về Hàn Mặc Tử. Ngoài bài Đây thôn Vĩ Dạ ra tôi chưa được đọc thêm bài nào của ông. Tôi nêu băn khoăn ấy, lập tức nhà văn Nguyễn Đình Tú về lục giá sách và mang cho tôi mượn cuốn Thơ điên. Tôi đã đọc mê mải trong đêm cuốn thơ cũ ấy mà trong lòng dậy lên một cảm xúc kì lạ. Tôi đã nhập tâm những bài thơ của Hàn rất nhanh, và đúng như linh cảm mách bảo, đề thi Văn năm đó đã ra đúng về bài Đây thôn Vĩ Dạ. Nhờ thuộc khá nhiều bài trong tập Thơ điên nên tôi đã đưa được nhiều câu thơ để minh hoạ cho những nhận định về thơ Hàn, đủ điểm để bước qua vòng thi văn hoá.

Đối với Trường Viết văn Nguyễn Du, Văn nghệ Quân đội luôn là một bà đỡ nhân hậu. Các nhà văn nhà thơ Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy… đều tới tham gia giảng bài và trao đổi kinh nghiệm sáng tác rất nhiệt tình. Nhà số 4 Lý Nam Đế luôn là địa chỉ tin cậy để học viên Nguyễn Du lui tới gửi bài, thực tập, giao lưu... Toà soạn đã đều đặn dành mỗi số 2 cuốn tạp chí cho học viên đọc. Văn nghệ Quân đội còn cấp học bổng cho một số học viên có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập và sáng tác tốt…

Học chưa hết năm thứ 4 tôi đã được nhà văn Khuất Quang Thụy, khi đó là Phó Tổng biên tập yêu cầu làm đơn xin về Văn nghệ Quân đội. Ngày ra trường, trong khi các học viên khác lo cuống lên về chỗ ở chỗ làm thì tôi được Văn nghệ Quân đội “ứng” trước cho một phòng ở, đợi quyết định điều động của Bộ. Đây không phải là sự ưu ái đối với riêng tôi, mà ngay từ những ngày chống Mỹ các nhà văn nhà thơ Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu…, sau này là các nhà văn Dạ Ngân, Đỗ Bích Thuý… cũng đã được Văn nghệ Quân đội cho mượn những “phòng chờ” như thế.

Ngay ngày đầu tiên là người của Văn nghệ Quân đội, nhà văn Ngô Vĩnh Bình nói với tôi: Nhiệm vụ của các chú về sau là phải giữ được thương hiệu Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Khuất Quang Thụy thì nói: Việc đầu tiên của chú là phải tạo dựng cho mình một mạng lưới cộng tác viên riêng. Nhà văn Sương Nguyệt Minh thì bảo: Chú phải tạo được cho mình một “sức hút bản thảo”… Mỗi người nói một ý lấp lửng, nhưng đều nhằm vào cộng tác viên. Lúc đó tôi mới “ngộ” ra, việc quan tâm chăm sóc của Văn nghệ Quân đội với tôi không phải là cá biệt, mà nằm trong chiến lược phát triển mạng lưới cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội. Tôi đã hiểu ra rằng, bằng tấm lòng chân tình của các nhà văn áo lính, những người làm Văn nghệ Quân đội đã biến ngôi Nhà số 4 trở thành một mái ấm văn chương để bạn viết cả trong và ngoài nước hướng về. Và chính đội ngũ cộng tác viên hùng hậu tài năng nhiều thế hệ đã góp phần quan trọng để làm nên cái thương hiệu Văn nghệ Quân đội suốt hơn 55 năm qua.


ĐỖ TIẾN THỤY

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)