VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Tôi đi học viết văn

Thứ Bảy, 07/05/2011 14:14

Lần đầu tiên trong đời, tôi một mình khăn gói đón xe đò, nhảy tàu hoả vượt hơn hai ngàn cây số ra Hà Nội. Hành trang mang theo là những nỗi vui mừng, buồn lo lộn xộn, ngổn ngang. Vui vì lần này được ra Thủ đô, dù trước đó tôi không dám nghĩ tới, có lẽ Hà Nội trong tôi là một nơi nào đó xa xôi lắm mà tôi không hề có dịp hoặc không thể có điều kiện để đi! Vui nữa là sẽ được gặp các nhà văn, nhà thơ mà chỉ biết tên khi đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội hoặc các tập sách có trong thư viện. Còn lo là không biết… đường, biết cách sinh hoạt của người Hà Thành, khác giọng nói cũng lo nữa. Rồi học hành sao đây, mình có ai quen không? Ôi đủ thứ cứ nhảy nhót trong đầu tôi suốt ba ngày hành trình. Khi đứng trước cửa nhà số 4 - Lý Nam Đế, thằng trung sĩ tôi cứ lóng nga lóng ngóng “đòi” gặp anh Nguyễn Hoà, bởi trong chuyến vào Nam công tác trước đó ba tháng, anh ghé Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã “phát hiện” ra tôi vừa được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tỉnh Cần Thơ (tôi không biết mặt anh do hôm đó tôi đi nhận giải thưởng). Và cũng chính anh Nguyễn Hoà đã giới thiệu tôi dự lớp “Bồi dưỡng Sáng tác Văn học toàn quân khoá I” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Cái hồi hộp, ngơ ngác như “Hai Lúa đi Sài Gòn” ngày ấy giờ nghĩ lại bỗng dưng cười một mình, dù thời gian trôi qua đã tám năm tròn!


Phải! Tôi nhớ tám năm trước có 33 cán bộ, chiến sĩ từ khắp các đơn vị quân - binh chủng trong toàn quân được tập trung dự lớp ba tháng. Các chú, các anh ở Tạp chí nói đây là lần tập hợp đầu tiên từ sau trại viết Vân Hồ năm 1976 đến nay. 33 học viên ấy đầy đủ cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác, cao nhất cả tuổi đời và tuổi quân là thượng tá Nguyễn Quang Trường (Quân khu 9) và thấp nhất là tôi - trung sĩ. (Xin nói thêm một chút, đúng ra là 34 học viên, trong đó có anh Trần Hoài (Quân khu 4), trong thời gian nghỉ phép từ Quảng Trị ra… dự thính, hết phép anh trở về đơn vị, hiện nay anh là phóng viên báo Quân khu 4). Tôi nhìn các anh học cùng lớp mà thấy… thèm, vì phần lớn họ đều có tác phẩm in trên báo hoặc tạp chí của trung ương và địa phương. Có anh đã xuất bản sách như: thượng tá Bùi Thanh Minh (Quân khu 3), thiếu tá Nguyễn Anh Nông (BCH QS tỉnh Hoà Bình), thiếu uý Thôn Trung Phương (Hải Quân)… Có anh đang dần khẳng định tài năng của mình như: thượng tá Nguyễn Tiến Hải (Cục Dân vận), thượng tá Nguyễn Quang Trường (Quân khu 9), Khánh Chi (trung tá Nguyễn Chí Khanh, Quân khu 5); thiếu tá Phùng Kim Trọng (Quân khu 2); thiếu uý Phùng Văn Khai (Truyền hình QĐ)… Chị Quỳnh Vân (tức Đoàn Thanh Bình, CNV, Phòng không - Không quân) vừa đăng truyện ngắn Có một nỗi niềm trên Phụ san Văn nghệ Quân đội được nhà văn Chu Lai nhận xét “Nồng nã hương vị cuộc đời”! Trước đó, anh thiếu uý Nguyễn Đình Tú (Quân khu 3) đã đoạt hai giải nhất cả thơ và truyện ngắn “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền Phong hồi anh còn là sinh viên trường Luật... Trời ạ, nhìn lại mình chưa có vốn liếng gì trong cái nghiệp văn chương, cảm thấy… mắc cỡ gần chết!


Các chú, các anh ở Tạp chí bảo, đại khái là đối với người viết văn, tuổi tác mới chỉ là một yếu tố cho dù tuổi tác đi liền với sự trải nghiệm, đi liền với những ngọt ngào và cay đắng, thành công và thất bại của những ai theo đuổi nghiệp văn chương. Có thể sau khoá học này sẽ có người không có tác phẩm nào, điều đó không quan trọng, cái chính là trong thời gian ba tháng vừa học lý thuyết vừa trao đổi kinh nghiệm, vừa đi thực tế vừa dự trại viết, mỗi học viên sẽ củng cố thêm tiềm năng văn chương của mình. Biết đâu, năm bảy năm sau, những ai chưa viết hôm nay sẽ bật lên toả sáng trên văn đàn Việt Nam. Văn chương là vậy, đừng gượng ép! Ấy là các chú, các anh nói vậy chứ học viên nào lại không muốn sau khoá học có tác phẩm “đứng” trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vã lại, cảm thấy áy náy khi nghĩ: người ta nuôi mình ăn học mà xong khoá chẳng có tác phẩm nào cũng kỳ kỳ, ngài ngại chứ? Trung uý Đào Hữu Sáng (Hải quân) đêm nào cũng thức đến 3 - 4 giời sáng, viết đi viết lại tới lúc mòn mỏi lăn ra ngủ trên chiếc giường đầy bản thảo. Đại uý Nguyễn Thành Phú (Biên phòng) nằm sấp trên giường lặng lẽ với một loạt ký về người chiến sĩ Biên phòng Quảng Trị đầy nắng và gió Lào. Thiếu tá Lê Phi Hùng (Phòng không - Không quân) thả hồn “bay” cùng đồng đội trên bầu trời Tổ quốc… Tôi cũng mày mò viết, cái đầu tiên là… Chuyện tình dưới đáy ba lô “Một lần dã ngoại”! Viết xong, tôi gởi cho Phụ san Văn nghệ Quân đội. Hai ngày sau tôi nhận được bản thảo cùng nhận xét của nhà văn Chu Lai: “Chuyện tình… không cần kết thúc. Có thể là một chút vương vấn, bâng khuâng, kết!”. Nếu tôi nói không buồn là dóc. Nhà văn Chu Lai bảo: “Cứ viết về sông nước Nam bộ, bao nhiêu điều hay đang chờ cháu đấy!”. Lần này tôi viết truyện ngắn, rặt “mùi” Nam bộ. Cắm cúi, lọ mọ viết suốt mấy đêm liền đờ dẫn cả người mới xong “Tiếng vọng hôm qua”. Sau khi nhà văn Khuất Quang Thụy đọc xong, “phán” một câu làm tôi muốn quảy ba lô trở về miền Nam: “Cháu viết chưa thành truyện, nhân vật còn mờ nhạt lắm. Cố gắng viết cái khác nhé!”. Có nhiều điều tôi không thể quên được qua những lần trên lớp cũng như những giờ nghỉ, được nghe các nhà văn, nhà thơ đã và đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội kể chuyện “bếp núc” văn chương, tôi còn nhớ mãi lời khuyên “Văn chương là vậy, đừng gượng ép!”.


… Trong thời gian học có một tuần đi thực tế và 20 ngày xuống nhà nghỉ Đồ Sơn sáng tác. Tôi, Nguyễn Đình Tú và Đại uý Nguyễn Trọng Quyết (Tăng - Thiết giáp) được nhà thơ Nguyễn Hữu Quý dẫn đường đi tuyến biên phòng Hà Giang. Khi xuống Đồ Sơn, tôi và Tú ở cùng phòng, phòng bên cạnh là Nguyễn Thành Phú và đại uý Trần Văn Sơn (Quân đoàn 1). Mỗi lần viết, dù chỉ xong một đoạn chúng tôi đều đọc cho nhau nghe để góp ý, sửa chữa. Anh Tú đã viết lâu từ thời còn học cấp 3, lại nhiều thể loại nên có kinh nghiệm hơn, loáng một cái đã xong bút ký “Bên cột mốc số 9” khá ấn tượng. Anh Phú hoàn chỉnh hai bài ký với cái tên rất… thơ “Pha Long sẻ ngược mây trời” và “Mường Khương đá núi ngàn chông”. Và tôi, trầy trật lắm mới “đẻ” được bút ký đầu tay viết về bộ đội biên phòng Hà Giang là “Cảm nhận Tà Kha” và “Dáng sa mộc”. Nộp bài viết sau chuyến đi thục tế xong, anh Tú quay sang viết truyện ngắn, làm thơ, cái gì cũng hay. Phần tôi, được nhà văn Nguyễn Thị Như Trang chỉ từng chút một khi sắp xếp chi tiết, cả từng câu chữ trong lời thoại Nam bộ lúc cô đọc truyện ngắn “Mùa này mía chẳng trổ bông” của tôi. Còn truyện ngắn “Khúc dạ cổ” thì được nhà văn Khuất Quang Thụy góp ý từ lúc bản thảo viết tay, xoá lung tung chưa kịp đánh vi tính…


Mới đó mà 8 năm rồi, giờ nghĩ lại kỷ niệm nào cũng thơm thảo, ngọt ngào. Tuy có những điều chưa nói ra hoặc không tiện nói ra, nhưng ba tháng ngắn ngủi ấy đã giúp tôi “lớn” lên, dù rằng trong văn chương, tôi vẫn còn lầm lũi phía sau. Lầm lũi phía sau nghĩa là tôi vẫn con ở “vạch xuất phát”, vẫn “dậm chân tại chỗ” bên cạnh những học viên lớp “Bồi dưỡng Sáng tác…” 8 năm trước, giờ đây nhiều người đã trở thành nhà văn và giữ cương vị mới như: Nguyễn Tiến Hải (Nhà xuất bản QĐND), Bùi Thanh Minh (Cục Tư tưởng - Văn hoá), Nguyễn Đình Tú (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)… Một số về các cơ quan báo chí như: Thuận Thắng, Lê Phi Hùng (Báo QĐND); Trọng Thiết, Đào Hữu Sáng (Báo Hải Quân); Quỳnh Vân (Báo Phòng không - Không quân); Thái Nam Anh (Nhà xuất bản QĐND)…


Bây giờ, do điều kiện công tác và cả khả năng văn nghiệp của mình nên tôi viết rất chậm, nhưng mỗi khi nhớ về lớp “Bồi dưỡng Sáng tác Văn học toàn quân khoá I”, những kỷ niệm, những lời khuyên chân thành của các chú, các anh lại thôi thúc tôi cầm bút. Có điều, nếu tác phẩm của tôi hôm nay làm phai dần niềm hy vọng về “thằng Út Nam bộ” của các nhà văn, nhà thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội thuở ấy thì xin xem đó là nỗi hàm ơn về những gì đã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về trang sách và cả trang đời trong thời gian tôi đi học viết văn 8 năm về trước!


HỒ KIÊN GIANG


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)