Năm 1982, sau khi tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du, một đội hình trẻ trung “những nhà văn trung uý” trưởng thành từ các chiến trường đánh Mỹ ồ ạt “đổ bộ” về Nhà số 4, tạo nên một sinh khí mới cho ngôi đền văn chương vốn rất ít biến động này.
Nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó còn rất trẻ, đẹp trai cường tráng, nhiệt huyết chứ…chưa ít tóc như bây giờ. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường còn diện chiếc quần xanh rất ấn tượng của lính không quân và vẫn còn giữ bút danh khởi nghiệp đầy nắng gió là Thao Trường. Nhà văn Nguyễn Trí Huân hồi đó còn rụt rè e thẹn như một nàng dâu mới về nhà chồng chứ chưa có được phong độ thủ lĩnh rất chững chạc như ngày hôm nay. Còn tôi, hồi đó còn gầy tong teo và vẫn chưa cắt được duyên nợ với những cơn sốt rét rừng…
Đón chúng tôi về, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, quyền Tổng biên tập lúc đó đã gặp riêng từng người, quán triệt nhắc nhở từng đường ăn nét ở trong cơ quan đến cái sứ mệnh trọng đại của một nhà văn quân đội. Nhà văn Nguyễn Minh Châu thì chân tình nói: “Nhà ngày có hai thứ phải được coi là gia bảo: đó là tài năng và sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Giữ được hai thứ đó thì mới ra Văn nghệ quân đội”. Nhà thơ Duy Khán thì tặc lưỡi: “Cứ về đây rồi khắc biết!”. Nhà thơ Thu Bồn dí dỏm: “Từ nay mỗi khi liên hoan nhà này phải ngả hai con cầy rồi! Mà này, tụi bay có đứa nào biết mần thịt cầy không đấy?”
*
* *
Khi chúng tôi được về nương náu dưới mái văn chương cổ kính củaVăn nghệ quân đội thì ở đây ngẩng mặt lên đã có thể thấy “một bầu trời đầy sao” với những tên tuổi lừng lẫy đã và đang làm việc ở ngôi nhà này. Họ là những tài năng lớn của văn học nước nhà như Vũ Cao, Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Phùng Quán, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ, Mai Ngữ, Duy Khán, Lê Lựu, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Thu Bồn, Nhị Ca, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Vương Trọng, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu…Tuy vậy, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất trong những dịp tụ tập bên bàn trà vào mỗi buổi sáng, hay cùng ngồi hóng mát dưới giàn nho trong cái khoảng sân thơ mộng ở phía sau ngôi biệt thự số 4, thì chuyện văn chương lại thường được nói đến rất ít! Các văn huynh của bọn tôi chỉ thích dành những khoảng thời gian rỗi rãi đó để nóí chuyện phiếm, chuyện đời, chuyện nhặt dọc đường đi thực tế hay chuyện tiếu lâm hiện đại. Tuy vậy, đọc sáng tác của nhau thì rất nghiêm túc, đọc xong các anh thường có ý kiến rất sòng phẳng, rõ ràng. Có một lần sau buổi họp hành gì đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gọi tôi ra một góc, với thái độ rất nghiêm trọng, hỏi: “Này, tớ nghe nói ngoài truyện ngắn ra cậu còn viết cả tiểu thuyết nữa,phải không?” Tôi rụt rè đáp: “Vâng ạ, em cũng có mạo muội viết cả tiểu thuyết nữa? Nó chưa đâu ra đâu nên không dám tặng sách các anh”. “Bậy, cậu cứ khiêm tốn giả vờ!Tớ nghe nói cậu nhiều năm ém ở một sư đoàn chủ lực có nhiều vốn sống nên viết về lính trận rất bợm, tớ cũng muốn đọc thử xem sao?”. Hôm sau tôi vội rón rén mang tới phòng anh cuốn tiểu thuyết Trong cơn gió lốc xuất bản từ những năm trước với hi vọng được ông anh nhà văn nổi tiếng ngó qua và chỉ cho vài đường cơ bản thì tốt quá. Tôi cũng nghĩ rằng có lẽ cái sự đọc của ông anh cũng không thể nhanh chóng được, vì văn mình đâu có phải loại dễ đọc gì cho cam? Ai ngờ chỉ vài ngày sau, vào một buổi chiều trời se lạnh, khi tôi đang ngồi trong gian phòng nhỏ của mình dưới dãy nhà ngang của toà soạn mải mê gõ như bổ củi trên chiếc máy chữ cà khổ, thì nghe tiếng gõ cửa.Tôi miễn cưỡng ra mở cửa phòng và sửng sốt khi thấy nhà văn Nguyễn Minh Châu với chiếc áo khoác lửng màu ghi sậm và chiếc mũ nồi đen quen thuộc, anh nở nụ cười hiền hậu, liếc vào trong phòng để chắc chắn chỉ có mình tôi rồi hỏi: “Tớ vào ngồi với cậu một lúc được không?” Tôi vội vàng mời anh vào và rối rít lục tìm một ấm trà, thứ mà thời ấy tôi cũng không luôn có sẵn. Biết vậy nên anh Châu vội xua tay: “Thôi, chè cháo làm gì, mình ngồi nói chuyện vui một lát thôi mà” Rồi anh vào chuyện ngay: “Này, mình đã đọc xong cuốn tiểu thuyết của ông rồi. Kể ra thì cũng được đấy. Lâu lắm mới có một cuốn sách viết trực tiếp về người lính, về mặt trận mà dễ đọc như vậy. Đó là thứ văn mà chỉ những người trong cuộc, những người được nhìn thấy chiến tranh ở góc độ cận cảnh như các ông mới viết được. Và phải có tài quan sát nữa. Ông là người có tài quan sát đấy. Nhiều chi tiết rất thú vị, đọc cứ sởn cả gai gà lên ấy…” Đó là những lời khen thực lòng, chắc vậy. Và tiếp theo “…Nhưng đọc ông xong mình cứ tiếc mãi. Viết như thế này thì tốn vốn sống lắm, tốn nguyên liệu lắm, đại lãng phí đấy. Cậu viết như một thằng nhà giàu đi chợ vậy. Có tiền rủng rỉnh trong túi, thứ gì cũng mua, cũng vơ vào, thành ra cứ chất chồng chất đống cả lên. Đọc sách của cậu, bạn đọc có thể thích, nhất là bạn đọc từng là lính, từng trải qua chiến tranh sẽ rất thích. Nhưng một nhà văn có nghề đọc sách của cậu thì sẽ rất bực mình vì sự lãng phí vốn sống, lãng phí chi tiết. Nói thật, mớ của nả này mà rơi vào tay những người có nghề thì họ có thể viết được tới ba cuốn tiểu thuyết! Nếu như cậu chỉ định viết một vài cuốn để chơi thôi thì không nói làm gì, chứ nếu cậu định làm nghề thì phải tiêu pha cho cẩn thận. Cái vốn sống mà ông tích luỹ được là quí lắm, là đủ để làm nên cả một sự nghiệp. Nhưng ông phải nhanh chóng vượt qua được thời kì viết theo bản năng, viết chỉ trông cậy vào vốn sống trực tiếp thì mới thành người được!” Đó là lần thứ nhất nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc và phê bình tác phẩm của tôi. Năm sau tôi có in một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh nữa, nhưng xem chừng nó vẫn chưa vượt qua được cái tạng lấy thịt đè người - nghĩa là lấy vốn sống làm căn cốt cho tác phẩm, nên tôi cũng không dám đưa ông đọc. Đến tận khi cuốn tiểu thuyết mỏng “Góc tăm tối cuối cùng” được xuất bản tôi mới lại dám mang sách tới tặng ông. Nhận cuốn sách mỏng nhẹ, chỉ có hơn trăm trang in ông mỉm cười hóm hỉnh: “Lần này xem ra ông có vẻ nhẹ tay hơn rồi nhỉ.” Và ông đọc, chỉ hai hôm sau ông đã khen: “Đây mới đích thực là một cuốn sách hay của ông…Nhưng, cũng có thể nó không được đại chúng hoan nghênh lắm đâu. Nếu như chưa có sự “cởi trói” của cụ Nguyễn Văn Linh thì những cuốn sách như thế này còn lâu mới ra được. Mấy năm trước thì…có cho kẹo ông cũng chả dám viết thế này! Nhà văn chúng mình kể cũng hèn…nghĩ như thế này thì nghĩ được từ lâu rồi, mà viết thì sao cứ rón ra rón rén. Điều cốt tử là mỗi nhà văn phải tự cởi trói cho mình rồi tham gia vào cái sự cởi trói cho toàn xã hội, chứ không phải ngồi chờ ai đó ban phát tự do cho”. Đó không chỉ là lời khen ông dành cho tôi, mà chính là một lời bình luận về vị thế của nhà văn với thời cuộc khá sâu sắc của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu mà tôi không bao giờ quên. Đó cũng chính là thời kì nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tự cởi trói để có được không chỉ những tác phẩm vào loại xuất sắc trong sự nghiệp của mình mà ông còn có những bài viết rất quan trọng về lao động nhà văn và tự do sáng tạo với những ý tưởng rất mới mẻ, có ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuyển động của văn học nước ta thời kì đổi mới.
*
* *
Tôi được gặp nhà văn Nguyễn Khải lần đầu tiên là sau ngày 30-4 năm 1975, tại căn cứ Đồng Dù, nơi mà vào ngày 29-4 sư đoàn chúng tôi đã có một trận đánh dữ dội, tiêu diệt sư đoàn 25 của quân ngụy, mở toang cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, khi anh cùng đoàn nhà văn, nhà báo quân đội tới thăm và lấy tài liệu sáng tác ở sư đoàn (Cùng đi còn có cả nhà thơ, nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà báo Tư Đương và một số người nữa).Vì từ mấy năm trước tôi đã là cộng tác viên của Văn nghệ quân đội nên khi tôi rón rén bước vào nhà khách tự giới thiệu thì các anh nhớ ra liền, chỉ có điều anh Nguyễn Khải hơi ngạc nhiên khi thấy tôi đen nhẻm và gầy tong teo. “Đọc văn của cậu bọn mình cứ hình dung cậu phải cao lớn, vạm vỡ lắm…ai ngờ…” Khi biết tôi hiện nay là nhân viên của Ban tuyên huấn sư đoàn được phân công giúp các anh thâm nhập thực tế đơn vị, lấy tài liệu, anh Khải mừng lắm: “Thế thì tốt quá…Cậu cũng viết lách rồi, cậu sẽ biết bọn tôi cần cái gì? Chứ …nghe mấy ông cán bộ chính trị nói cả buổi mới lọc ra được vài chi tiết thì mệt lắm”. Thế là trong những ngày đoàn các anh ở thăm sư đoàn tôi được đặc cách phân công làm hướng đạo, đưa các anh đi xuống các đơn vị, gặp gỡ những cán bộ chiến sỹ có thành tích chiến đấu xuất sắc trong hai chiến dịch vừa qua, đưa các anh đi thăm căn cứ Đồng Dù. Bên cửa mở, nơi hàng chục chiến sỹ của trung đoàn 48 đã ngã xuống tôi rưng rưng kể cho các anh nghe về cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra tại nơi này, về tổ chiến đấu Đông, Lý, Hợp, dũng sĩ Vũ Thanh Sơn (người sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang), chỉ cho các anh thấy những chiếc xe tăng của ta bị bắn cháy còn nằm bên cửa mở và về sự hi sinh dũng cảm của những người chiến sỹ xe tăng khi đột phá qua cửa mở. Khi biết anh Khải đang chuẩn bị tài liệu để viết “một cái gì đó” về chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là cuộc truy kích lịch sử của sư đoàn 320 trên đường số 7, tôi đã dẫn anh xuống trung đoàn 64, gặp các “nhân chứng” đều là bạn bè của mình, trong đó có dũng sĩ Nguyễn Vy Hợi (người sau này được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang).Trong khi đóng vai người dẫn đường cho các anh, tôi cũng tinh quái tìm mọi cách để học lỏm vài ba ngón nghề, nhất là cách “làm tài liệu ”của nhà văn Nguyễn Khải. Tôi đặc biệt ấn tượng về cách anh tiếp cận và hỏi chuyện các cán bộ, chiến sỹ. Bằng cách nào đó, anh nhanh chóng xoá đi mọi khoảng cách khiến mọi người trở nên thân thiện cởi mở, anh không bao giờ đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn đại loại như: “Đồng chí đã suy nghĩ như thế nào trước khi hành động như vậy?” Anh chỉ đơn giản gợi mở và cùng họ bàn luận về những sự kiện đã xảy ra, và đặc biệt anh không chỉ biết nghe họ mà còn biết cách nói cho họ nghe những điều mà chắc chắn họ hứng thú, điều này thì anh đặc biệt giỏi, vì thế khi anh tới đâu là lúc đầu không khí còn nghiêm nghị, chỉ một người khai thác và một nhân chứng được mời đến, nhưng chỉ một lát sau là mọi người cứ tự động kéo đến vây quanh anh, tranh nhau nói, tranh nhau kể; khi thì tranh cãi ầm ĩ, đỏ mặt tía tai, khi thì lại lặng phắc để nghe anh kể chuyện. Nghệ thuật tiếp xúc với bộ đội, với các nhóm công chúng đến như vậy thì thật là tài. Và chính vì thế mà anh cũng gặt hái được nhiều. Sau này đọc cuốn Kí sự Tháng ba Tây Nguyên tôi lại càng sửng sốt hơn, vì ở đó vừa có tất cả những gì mà anh đã nghe được, đọc được, ghi được lại vừa như không còn một dấu vết gì của những cụôc trò chuyện phỏng vấn ấy nữa. Đó chính là lao động của nhà văn và cũng là sáng tạo của nhà văn. Một buổi chiều, tôi ghé qua nhà khách thăm anh, thấy anh nằm trên chiếc ghế xích đu (chiến lợi phẩm thu được từ văn phòng của chuẩn tướng Lý Tòng Bá, sư đoàn trưởng sư đoàn 25 ngụy) anh đang đọc một cuốn sách bằng tiếng Pháp, dưới đất còn chất cả một đống sách báo cũ của địch, tiếng ta có, tiếng Tây có. Thấy tôi vào, anh cười chỉ đống sách báo đó và bảo: “Đó cũng là một cách đi thực tế đấy cậu ạ”. Mình tìm được một số báo chí của bọn địch để lại, đọc để cập nhật lại tin tức vào hồi tháng ba vừa rồi xem phía bên kia họ nghĩ gì, làm gì, bình luận gì về những sự kiện ấy. Nhất là để biết xem trong khi bom đạn mù trời như thế thì dân tình ở trong này khốn khổ ra sao? Là nhà văn, nhất là nhà văn viết về chiến tranh phải biết tất cả những cái đó!” Đó chính là một bài học rất bổ ích mà nhà văn Nguyễn Khải đã vô tình truyền lại cho tôi về cái cách mà mỗi nhà văn tiếp cận với thực tế cuộc sống.
*
* *
Nhà số 4 hồi đó còn có một nhân vật rất độc đáo mà ai cũng mến yêu. Đó là nhà thơ Duy Khán. Hồi đó anh Duy Khán đang sáng tác rất sung sức, không ngày nào bọn tôi không được nghe một bài thơ mới mà theo anh tất cả đều có thể nổi tiếng mới chết chứ! Nhưng hoá ra anh còn là một cây bút viết văn xuôi rất tài hoa. Bài bút kí Biển thức anh viết về chuyến đi Trường Sa của mình là một bút kí văn học rất hay, rất lãng mạn và thơ mộng. Không biết sau này có còn ai viết về biển về Trường Sa hay được đến thế nữa không? Nhưng phải đến khi anh cho in tập truyện Tuổi thơ im lặng thì chúng tôi mới thật sự sửng sốt về tài văn của anh. Sau này tập truyện của anh nhận được giải thưởng Hội nhà văn nhưng với anh Duy Khán thì đó chỉ là chuyện vặt, anh không coi văn xuôi là công việc của mình, thậm chí tôi luôn có cảm giác anh hơi coi thường cánh văn xuôi phàm phu tục tử chúng tôi. Tôi chưa được nghe anh khen một nhà văn nào một cách nghiêm túc ngoài cái câu: “Tay ấy nó viết bợm lắm!Nên đọc…nên đọc!” Anh Duy Khán chỉ có một khuyết điểm duy nhất là đã để cho con ma men nó hành hạ, thao túng. Rượu là niềm vui của anh nhưng cũng là nghiệp chướng mà anh phải mang theo cho tới cuối đời. Ngày nào anh cũng say nhưng có điều tôi chưa bao giờ thấy anh say hay mượn chén giả say mà nói nặng ai lấy một lời, chứ chưa nói gì đến chuyện rượu vào lời ra nói bậy chửi càn. Khi đã say anh thường cố gắng lần mò về được đến cái giường của mình và lăn ra ngủ. Một thời gian khá dài tôi và anh cùng ở dưới dãy nhà ngang. Đêm đêm tôi ngồi viết, cứ tới ngoài mười giờ là lại nghe thấy tiếng cánh cửa phòng anh Duy Khán kêu ình ình.Tôi vội mở cửa chạy ra và thường thấy anh đang dùng đầu hoặc khuỷu tay nện vào cánh cửa. Tôi vội lần túi áo, túi quần anh tìm chìa khoá rồi mở cửa, dìu anh vào nhà. Anh lần tới cái giường cá nhân, lăn ình ra một cách khoan khoái, rồi ngủ. Sáng hôm sau lại tỉnh táo như không, thậm chí có hôm anh còn dậy sớm chạy thể dục. Có một hôm tôi dậy sớm, thấy phòng anh vẫn còn khoá, tôi tự nhủ có lẽ đêm qua anh ngủ ở đâu đó không về, chuyện đó ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Anh uống say rồi ngủ lại nhà bạn rượu, cũng có lần anh ngủ ngoài ghế đá vườn hoa Hàng Đậu, chuyện đó cũng có thể không ai biết nếu anh không hồn nhiên kể ra: “Đêm qua mình nằm ngoài vườn hoa Hàng Đậu, ghế đá êm, gió mát. Ngủ ngon ghê!” Còn hôm nay thì anh không ngủ ở vườn hoa, mà…ngủ ngay ngoài cổng cơ quan. Chẳng là đêm qua anh đi uống với bạn ở xa, đi xe đạp, lúc về đã say ngả say nghiêng, anh dắt được xe tới cổng cơ quan, dựa được cái xe nằm ngang vào cổng sắt nhưng không làm sao mà mở được cổng. Vừa say vừa buồn ngủ rũ ra, anh liền ngả lưng nằm ngang cổng, phía bên ngoài cái xe đạp rồi…ngủ luôn. Nhưng có điều lạ là say đến thế nhưng ý thức cảnh giác của anh vẫn rất cao. Bằng chứng là anh còn nhớ luồn một chân qua gióng xe, rồi luồn qua cổng sắt thành một cái khoá để bảo vệ chiéc xe hiệu Phượng hoàng của mình. Khi chúng tôi chạy thể dục buổi sáng, ra tới cổng cơ quan, nhìn thấy cảnh ấy không ai nhịn được cười. Chúng tôi vội mở cổng, trước hết là gỡ cái xe đạp ra khỏi chân anh, đưa vào dựa trước cửa phòng, rồi ra mới đánh thức anh dậy. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt hồn nhiên đến lạ lùng của anh vào lúc đó. Đang ngủ ngon, bị đánh thức, anh mở choàng mắt nhìn chúng tôi ngơ ngác giây lát rồi hồn nhiên hỏi: “Đã sáng rồi cơ à? Đúng rồi, phải dậy tập thể dục. Tập thể dục nhiều mới có sức khoẻ, cậu ạ”.Nói rồi anh vươn vai đứng dậy…và bắt đầu chạy thể dục thật. Chạy được một vòng, khi về đến trước cửa phòng mình, nhìn thấy chiếc xe đạp anh đứng sững lại nhìn rồi không khỏi ngạc nhiên thốt lên thành tiếng: “Quái lạ nhỉ…Sao đêm qua nó vào được mà mình thì lại không vào được?!”
*
* *
Những kỉ niệm về Nhà số 4 và những câu chuyện về những con người từng sống và làm việc ở nơi đây thì nhiều không kể xiết. Với riêng tôi, những kỉ niệm đó luôn sống động và sẽ mãi mãi là một tài sản lớn. Trong cuộc đời của một người viết văn, thật hạnh phúc khi được sống và làm việc dưới mái nhà văn chương ấm cúng này, bên cạnh những con người tuyệt vời ấy. Thời gian trôi đi, từ mái nhà này sẽ lần lượt có những người ra đi và cũng liên tục có thêm những người mới đến. Có một điều có thể an ủi chúng ta là những kí ức về một con người luôn lâu dài hơn chính cuộc đời mỗi con người.Vì thế những gì mà thế hệ đi trước để lại cho chúng ta sẽ vẫn còn mãi và sẽ được truyền lại cho thế hệ mai sau.
KHUẤT QUANG THỤY
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn