VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Niên giám Văn nghệ Quân đội

Thứ Hai, 09/05/2011 10:15

1957

Tháng giêng, tạp chí Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ra mắt số đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội, tháng năm tạp chí chính thức ra mắt bạn đọc rộng rãi trong cả nước với tôn chỉ: Là tờ tạp chí sáng tác và bình luận văn nghệ của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nơi hội tụ của các nhà văn quân đội và bạn viết cả nước; đồng thời là một địa chỉ phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ

Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí gồm các nhà văn: Văn Phác (chủ nhiệm), Vũ Cao, Lưu Trùng Dương, Minh Giang, Từ Bích Hoàng, Mai Văn Hiến (hoạ sĩ), Nguyễn Khải, Hữu Mai, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Hà Mậu Nhai, Đỗ Nhuận (nhạc sĩ), Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương, Vũ Sắc, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Ngô Thông, Xuân Thiêm, Tạ Hữu Thiện, Thanh Tịnh (thư ký toà soạn).

Tạp chí gồm 76 trang, khổ 19. 27cm, ra hàng tháng. Trụ sở toà soạn đặt tại số 4- phố Lý Nam Đế (Hà Nội) - một con phố nằm sát tường thành cổ Hà Nội, trước đây gọi là phố tướng Giốp.

1959

Ngay sau khi cuộc đấu tranh chống tư tưởng sai lầm Nhân văn giai phẩm đã ngã ngũ, tạp chí đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn đầu tiên “Viết về đời sống bộ đội trong hoà bình” hai năm 1958-1959. Kết quả: Giải nhất, không có; Giải nhì được trao cho các tác giả: Anh Mộng với truyện ngắn Tôi bị hy sinh, Xuân Khánh với Một đêm, Phù Thăng với Con những người du kích, Lê Sỹ Thắng với Sang sông, Quang Hà với Theo đường dây số 6.

Do có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ đường lối Văn nghệ của Đảng, phục vụ kịp thời bạn đọc, được nhân đân và bộ đội yêu mến, tin cậy, tạp chí đả được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

1963

Quán triệt nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về chuyển hướng cách mạng miền Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội được giao nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn, bồi dưỡng những cây bút có khả năng và điều kiện đi chiến trường, “ đi B’’, sau chuyến đi của Thanh Giang, Thu Bồn...là chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyên Ngọc. Đây là những nhà văn đi B đầu tiên của tạp chí. Tiếp đó làn lượt là những chuyến đi “B dài” của Văn Phác (Tám Trần), Nam Hà (Trúc Hà), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Lưu Trùng Dương...các chuyến đi “B ngắn’’ của Hữu Mai, (Trần Mai Nam), Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Xuân Sách (Lê Hoài Đăng), Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam), Hồ Phương (Hồ Huế), Nguyễn Khải, Triệu Bôn, Thanh Tịnh, Hải Hồ, Nguyễn Minh Châu...

Sau khi đồng chí Văn Phác được phái vào chiến trường, nhà thơ Thanh Tịnh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập), nhà thơ Vũ Cao được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội.

1964

Các nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Thanh Giang, Nguyễn Trọng Oánh, Võ Trần Nhã, Minh Khoa...dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Văn Phác (lúc này là Chủ nhiệm cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam) đã cho xuất bản tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng tại chiến trường Nam Bộ. Sau đó, ở chiến trường Khu 5, các nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Tứ, Vương Linh...cũng được giao nhiệm vụ xuất bản tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ.

Có thể coi các tờ Văn nghệ Quân giải phóng xuất bản ở chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ cứu nước là “cánh tay nối dài”, là những nhánh nhỏ của Văn nghệ Quân đội.

1965

Tạp chí Văn nghệ Quân đội đổi khổ, từ khổ 19x27 cm sang khổ 15x19 nhỏ hơn cho phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu của bộ đội ta tại chiến trường. Với khổ nhỏ này, tạp chí Văn nghệ Quân đội có thể nằm gọn trong “túi cóc’’ của chiếc balô dã chiến; đồng thời với việc đổi khổ, tạp chí còn tăng thêm trang, mở thêm mục...và phát hành với số lượng rất lớn, từ 150.000 – 180.000 bản/ kỳ. Phần bìa, minh hoạ, trình bày vẫn do các hoạ sĩ Huy Toàn, Văn Đa, Quang Thọ, Hà Trì...thay nhau đảm nhiệm.

Các tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyên Thi, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Chuyện làng Rapồng của Nguyễn Thiều Nam (Xuân Thiều)

được trao Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu – giải thưởng của UBTƯ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

1968

Ngày 9 tháng 5, nhà văn Nguyễn Thi hy sinh trên đường Minh Phụng (nay là đường Nguyễn Thi, thành phố Hồ Chí Minh ) trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, 1968, của quân và dân ta vào sào huyệt của Mỹ – Nguỵ

1970

Nhà thơ Vũ Cao, thay nhà thơ Thanh Tịnh (về hưu) làm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Từ Bích Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.

1973

Hội Nhà văn Á–Phi trao Giải thưởng Hoa sen (Lôtus) cho nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Thu Bồn vì có những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta. Đó là các tác phẩm Đường chúng ta đi, Đất Quảng , Bài ca chim Chơ rao.

1977

Một số nhà văn từ các tờ Văn nghệ Quân giải phóng và Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ trở về Hà Nội. Các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyên Chí Trung được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội (nhà văn Nguyễn Trọng Oánh làm Phó Tổng phụ trách, thường trực). Nhà thơ Vũ Cao chuyển ngành ra Hội Văn nghệ Hà Nội (Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội). Thư ký Toà soạn là nhà văn Hải Hồ. Đây là thời kỳ “nhà số 4” tập trung đông nhà văn nhất với rất nhiều tên tuổi: Nam Hà, Xuân Sách, Nguyễn Minh Châu, Mai Ngữ, Lê Lựu, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Nguyễn Bảo (văn xuôi), Duy Khán, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Gia Dũng (thơ), Nhị Ca, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Lê Thành Nghị (lý luận –phê bình), Hà Trì, Trương Hạnh (hoạ sĩ). Trưởng ban Trị sự là dịch giả Doãn Trung, trước đó là Phương Đình Lợi, Đào Lộc Bình, Minh Thước, sau đó Phạm Ngọc Cảnh, Trương Hạnh, Phạm Huy Tưởng, Lê Hồng Quân.

1980

Tập trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam

1981

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn lần thứ hai do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức hướng tới Kỷ niệm 25 năm tạp chí ra số đầu tiên (1957-1982). Giải nhất được trao cho Nguyễn Thị Minh Thư với truyện ngắn Có một đêm như thế.

1982

Một loạt các nhà văn trưởng thành từ cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (khoá 1) được bổ sung về toà soạn Văn nghệ Quân đội: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thuỵ, Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường), sau đó là Trung Trung Đỉnh, trước đó là Hồng Diệu (từ BTL Thông tin), Ngô Vĩnh Bình (từ Quân khu Thủ đô) cũng đã có mặt ở “nhà số4”.

Nhà văn Dũng Hà, nguyên là Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Đặc công được bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Hồ Phương là Phó Tổng biên tập.

Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của nhà văn Nguyễn Khải được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

1984

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần thứ 3 nhân Kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội (1944-1984). Giải nhất: Khuất Quang Thuỵ với truyện ngắn Anh Sức, Lê Thị Thanh Minh với truyện ngắn Cha con và Lương Hiền với Tiếng bom hoà bình.

Tác phẩm Nguyễn Thi – gương mặt còn lại (tập tiểu luận) của Nhị Ca được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

1986

Tiểu thuyết Đất trắng của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và tập truyện ngắn Gíó từ miền cát của nhà văn Xuân Thiều được trao Giải thưởng Hội Nhà văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng ban Thơ được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ.

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn lần thứ 4 nhân Kỷ niệm 30 năm tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giải nhất được trao cho Trần Quốc Huấn với các truyện ngắn Vùng biển thẳm, Người đi đêm không sợ ma, Bên ấy trước có người ở.

Tiểu thuyêt Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu được Giải thưởng Hội Nhà văn.

1989

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 bầu ra Ban chấp hành mới gồm 9 nhà văn, trong đó có 6 người từng và đang công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội là Vũ Tú Nam (Tổng Thư ký), Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Chính Hữu, Hữu Mai, Hữu Thỉnh.

Các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh với tiểu thuyết Đất trắng, Khuất Quang Thuỵ với tiểu thuyết Không phải trò đùa, Nguyễn Đức Mậu với tập thơ Hoa đỏ nguồn sông, Vương Trọng với tập thơ Những ngày xa, Nguyễn Minh Châu với toàn bộ những sáng tác về cuộc Kháng chiên chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Trí Huân với tiểu thuyết Chim én bay, Hữu Mai với tiểu thuyết Ông cố vấn được trao Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng lần thứ nhất (1985-1989).

Tạp chí Văn nghệ Quân đội được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

1990

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn và thơ (1989-1990). Giải nhất truyện ngắn được trao cho Y Ban với Bức thư gửi mẹ Âu CơChuyện một người đàn bà. Giải nhất về thơ, không có.

Nhà văn Hồ Phương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội được thăng quân hàm Thiếu tướng.

1991

Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh được điều động ra làm Tổng Biên tập tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Nguyễn Trí Huân được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

1992

Nhà văn Dũng Hà, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội được thăng quân hàm Thiếu tướng.

1993

Nhà văn Nguyễn Trí Huân được bổ nhiệm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, các nhà văn Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.

1994

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn (1992-1994) do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Giải nhất được trao cho nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ với hai truyện ngắn Hậu thiên đườngMùa đông ấm áp.

Các nhà văn Hữu Thỉnh với trường ca Biển, Nguyễn Đức Mậu với tập thơ Hoa đỏ nguồn sông, Vương Trọng với Đảo chìm, Chu Lai với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, Ngô Vĩnh Bình với Nẻo vào văn học (tiểu luận- phê bình), Lê Thành Nghị với Văn học sáng tạo và tiếp nhận, Xuân Thiều với tập truyện ngắn Xin đừng gõ cửa, Nam Hà với bộ tiểu thuyết Đất miền Đông được trao Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng lần thứ 2 (1989 – 1994).

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 đã bầu nhà thơ Hữu Thỉnh làm Phó Tổng Thư ký nhà văn Nguyễn Trí Huân làm Uỷ viên BCH hội.

1995

Tập thơ Thư mùa đông của Hữu Thỉnh được Giải thưởng Hội Nhà văn.

1996

Kết thúc cuộc thi truyện ngắn chào mừng Kỷ niệm 40 năm tạp chí VNQĐ (1957-1997) giải nhất được trao cho Trần Thanh Hà với chùm truyện ngắn Miền cỏ hoang, Bà Thỏn, Sông có dài.

1998

Xuất bản tờ Phụ san tạp chí Văn nghệ Quân đội, 24trang, mỗi tháng hai kỳ, sau tăng lên mỗi tháng ba kỳ bên cạnh tờ tạp chí ra hàng tháng

Nhà văn Nguyễn Khải được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn với tập Truyện ngắn và Tạp văn.

1999

Tập thơ Cánh rừng nhiều đom đóm bay của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được trao Giải thưởng Hội Nhà văn.

Các nhà văn: Nguyễn Bảo với tập truyện ngắn Qùa tặng, Nguyễn Thị Như Trang với tập Chuyện thời con gái, Hồng Diệu với tập tiểu luận- phê bình Nhà văn, trang sách, Trung Trung Đỉnh với tiểu thuyết Lạc rừng được trao Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng lần thứ 3.

Nhà thơ Hữu Thỉnh được Giải thưởng văn học ASEAN (Giải thưởng văn học Đông- Nam Á).

Kết thúc cuộc thi sáng tác văn học Hướng tới Giao thừa thế kỷ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1998-1999), về truyện ngắn, giải Nhất, Đỗ Bích Thuý với chùm truyện Ngải đắng ở trên núi, Sau những mùa trăng, Đêm cá nổi. Bút ký và Thơ, không có giải Nhất.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội được phong quân hàm Thiếu tướng. Như vậy, “nhà số 4’’đã có 4 nhà văn cấp tướng là Văn Phác, Hồ Phương, Dũng Hà, Nguyễn Chí Trung.

2000

Tháng 4, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6, các nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Thanh Quế, những nhà văn đã và đang công tác ở Văn nghệ Quân đội được bầu vào Ban chấp hành Hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu làm Tổng Thư ký, nhà văn Nguyễn Trí Huân làm Phó Tổng thư ký.

Nhà văn Nguyễn Khải được nhận Giải thưởng ASEAN.

Kết thúc cuộc thi Thanh niên với Lịch sử cách mạng do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (từ tháng 3 – 2000). Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến dự và trao giải đặc biệt cho Bộ đội Trường Sa, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương ĐTNCS Hồ Chí Minh đả trao 3 giải nhất cho Quân chủng Phòng không- Không quân, Bộ đội Biên phòng và Quân đoàn 4.

Ngày1 tháng 9, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 392KT/CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2) về văn học- nghệ thuật cho các nhà văn Nguyên Thi với các tác phẩm Người mẹ cầm súng, Trăng sáng, Đôi bạn, Ở xã Trung Nghĩa; Nguyễn Minh Châu với Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành; Nguyển Khải với Xung đột, Gặp gỡ cuối năm, Cha và con và...

2001

Ngày 21 tháng 8, Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật cho 174 tác phẩm, cụm tác phẩm, trong đó có 12 nhà văn đã và đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội là Thu Bồn, Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Vũ Cao, Hồ Phương, Xuân Thiều (nhà văn Nguyên Ngọc có đơn từ chối không nhận giải thưởng).

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được nhận Giải thưởng văn học ASEAN.

Kết thúc hoạt động xuất bản tờ Phụ san Văn nghệ Quân đội sau 4 năm với 123 số để chuyển sang xuất bản tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2 kỳ/ tháng vào năm 2002.

Ban Biên tập Tạp chí VNQĐ được kiện toàn: Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân, các Phó Tổng Biên tập Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, các ban: văn xuôi, Khuất Quang Thuỵ- trưởng ban, Trung Trung Đỉnh, Đỗ Bích Thuý, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú; ban thơ, Nguyễn Đức Mậu – trưởng ban, Nguyễn Hữu Quý; ban Lý luận- Phê bình, Ngô Vĩnh Bình- trưởng ban, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoà, Phạm Thu Quỳnh; ban sáng tác- phóng viên Nam Hà, Chu Lai, Anh Ngọc, Lê Lựu, Vương Trọng, Quách Đại Hải ; ban hành chính – trị sự, Lê Quân- trưởng ban, Vũ Thị Thơm, Trần Thị Bình, Trần Thị Lâm; biên tập trang văn học nưóc ngoài, Hồng Diệu; mỹ thuật, Xuân Hải; nhạc Minh Quang; thường trực phía Nam, Đỗ Viết Nghiệm- trưởng đại diện, Nguyễn Quốc Trung.

2002

Kỷ niệm 45 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản số đầu tiên (1. 1957- 1. 2002). Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tạp chí Văn nghệ Quân đội vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Xuất bản Tạp chí Văn nghệ Quân đội hai kỳ/ tháng. Số đầu phát hành vào ngày 10, số cuối tháng phát hành vào ngày 20. Số lượng phát hành 28 – 30. 000 bản/ số. Cả tháng xấp xỉ 60. 000 bản.

2004

Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944- 2004), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học – nghệ thuật (lần thứ 5) cho 16 tác giả loại A, 52 tác gỉa loại B, 66 tác giả loại C và 81 tác giả loại khuyến khích thuộc các thể loại Văn học, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, âm nhạc và báo chí.

Riêng văn học ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có các nhà văn: Nguyễn Đức Mậu với tập thơ Bầy chim lá màu vàng, Khuất Quang Thuỵ với tiểu thuyết Những bức tường lửa (giải A), Nam Hà với Ngày rất dài, Nguyễn Bảo với Ảo ảnh, Chu Lai với Khúc bi tráng cuối cùng, Ngô Vĩnh Bình với Chuyện thơ, chuyện đời; Nguyễn Hữu Quý với Sinh ở cuối dòng sông (loại B), Sương Nguyệt Minh với Trong cơn đại hồng thuỷ, Vương Trọng với Hơi thở rừng hồi (loại C).

Về báo chí, Ngô Vĩnh Bình và Sương Nguyệt Minh được Giải khuyến khích.

Kết thúc Cuộc thi Thơ và Ký do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trong hai năm 2002-2004. Kết quả, giải nhất- về thơ, không có, giải nhì thuộc về Vũ Bình Lục, Nguyễn Thị Trà Giang và Trần Kim Hoa; về ký, nhất Lương Ngọc An với Những người thợ săn trên biểnĐất đai thầm kể, Đỗ Tiến Thuỵ với Ở nơi rừng thẳm, Ngô Khắc Tài với Hoài niệm ÔTàsóc.

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2003 (xét tặng năm 2004) không có giải A, giải B trao cho Trần Mạnh Hảo với Thơ lục bát, Lê Thành Nghị với Mùa không gió, InsaRa với Lễ tẩy trần tháng tư, Lê Văn Thảo với Cơn giông, Vương Trí Nhàn với tập Cây bút, đời người và Trần Đình Hiến với bản dịch tập Đàn hương hình.

Bộ Quốc phòng tổ chức Chương trình đầu tư sáng tác về dề tài chiến tranh cách mạng với thể loại tiểu thuyết sử thi và nghiên cứu văn học. Ngay từ những ngày đầu phát động, đả có 30 nhà văn đăng ký tham dự. Trong đó đa phần là các nhà văn ở “ nhà số 4”.

2005

Các nhà văn Nguyễn Hoà, Trung Trung Đỉnh, Trần Đăng Khoa...chuyển công tác ra báo Nhân Dân, báo Văn nghệ, ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đại hội Đảng bộ tạp chí Văn nghệ Quân đội lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2005-2010) đã bầu các đồng chí Nguyên Bảo, Nguyễn Trí Huân, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hữu Quý, Khuất Quang Thuỵ vào BCH Đảng uỷ. Đồng chí Nguyễn Bảo được bầu làm Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Bảo, Ngô Vĩnh Bình và Đỗ Bích Thuý được cử đi dự Đại hội Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị

2006

Nhà văn Nguyễn Trí Huân được điều động (biệt phái) ra làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Từ tháng 5 năm 2005, nhà văn Nguyễn Bảo làm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Các nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng (Tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du), Phùng Văn Khai (Truyền hình Quân đội) về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội. tổng kết cuộc thi truyện ngắn nhân Kỷ niệm 50 năm tạp chí ra số đầu tiên. Nhà văn Vũ Xuân Tửu được trao giải Nhất với chùm truyện: Chuyện ở bản Piat, Cỏng hò, Bí mật cuốn gia phả.

2007

Ngày 18 tháng Giêng, Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội. được tổ chức tại Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư chúc mừng. Cũng tại lễ kỷ niệm, tạp chí đã trao giải cho các tác giải thưởng trong cuộc thi truyện ngắn.

Các nhà văn Hồng Diệu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Chu Lai, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu nhận quyết định về hưu.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Trong số 158 tác giả được Giải thưởng Nhà nước có 11 nhà văn đang và đã công tác tại Tạp chí VNQĐ là: Thanh Tịnh, Nhị Ca, Phùng Quán, Nam Hà, Phạm Ngọc Cảnh, Chu Lai, Vương Trọng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thuỵ, Trung Trung Đỉnh.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý được phân công nhiệm vụ Thư ký Toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú giữ chức trưởng ban Văn xuôi thay cho nhà văn Sương Nguyệt Minh chuyển sang ban sáng tác.

2008

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà phê bình văn học Đoàn Minh Tâm chuyển về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hải giữ chức Trưởng ban trị sự.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng được phân công nhiệm vụ Thư ký Toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

2009

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú được đề bạt giữ cương vị Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình làm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội thay cho nhà văn Nguyễn Bảo về nghỉ hưu.

2010

Tạp chí Văn nghệ Quân đội tiến hành tổng kết cuộc thi truyện ngắn và thơ 2008 – 2009. Về truyện ngắn không có giải nhất. Giải nhì được trao cho tác giả Nguyễn Phú với chùm tác phẩm: Rau cay, Đồi lau sau hoa tím, Nam Ninh với chùm tác phẩm: Chuyện không có trong báo cáo, Mắt trẻ thơ; Nguyễn Anh Vũ với chùm tác phẩm: Cửa Bắc, Ngủ giữa hoa sen. Về thơ, giải nhất được trao cho tác giả Nguyễn Linh Khiếu với chùm tác phẩm: Hoa mộc miên biên giới, Mưa rơi dọc Cam Ranh, Những thiếu nữ đứng khóc ở Mỹ Sơn.

Đại hội Đảng bộ tạp chí Văn nghệ Quân đội lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2010-2015) đã bầu các đồng chí Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Xuân Hải, Đỗ Bích Thúy vào BCH Đảng uỷ. Đồng chí Ngô Vĩnh Bình được bầu làm Bí thư. Các đồng chí Ngô Vĩnh Bình và Nguyễn Đình Tú được cử đi dự đại hội đảng bộ Tổng cục Chính trị

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa giữ chức Trưởng ban lý luận phê bình.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương giữ chức Trưởng ban thơ.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật, nhà văn Uông Triều về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)