Vốn yêu văn chương nên ngoài vẽ vời ra tôi rất thích viết lách. Với lại đã từ lâu sống, gắn bó với lớp viết văn quân đội đầu tiên ở Vân Hồ tôi rất quý sự tài hoa trong câu chữ của họ nên khi được về “cái nôi Đại Bàng” như tôi thường nói với anh Huân và một bước rẽ hợp lý trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật. “Văn họa là tương liên” mà – nên tôi cảm ơn các anh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhã ý mời tôi về làm họa sĩ cho tờ tạp chí.
Số tạp chí đầu tiên, tôi vô cùng lo lắng. Đây coi như thử thách của mình. Tôi làm ngày làm đêm. Làm ở nhà, làm ở cơ quan. Khi mang đi giao nhà in và được ký nhận xong xuôi tôi vừa mừng vừa sốt ruột, mãi cho đến cái ngày “báo mẫu” về. Ôi, đứa con tinh thần với làng văn đầu tiên của mình là đây! Vuông thành sắc cạnh, thơm mùi giấy mực, sung sướng biết bao khi các anh chị em xem đều khen nó đẹp và mang dấu ấn mới. Vậy là tôi đã được gia nhập hang ngũ văn nghệ sĩ của ngôi nhà số 4 nổi tiếng là cái “Boongke” văn nghệ mà trải qua chưa đầy một tháng thử việc. Xúc động lắm chứ khi cùng ngồi họp biên tập và giao ban với những đàn anh và bè bạn vốn rất nổi tiếng qua hai cuộc kháng chiến. Gần đây quá rồi cụ “Tú hói” Xuân Thiều một thời làm tôi xúc động đến gai người chỉ qua hai truyện ngắn Đôi vai và Gieo mầm. Anh Trọng Oánh cha đẻ của Đất trắng, anh Mai Ngữ tác giả của Dòng sông phẳng lặng viết rất hay về một vùng công giáo quê tôi. Anh Phạm Ngọc Cảnh – thật không ngờ lại là Vũ Ngàn Chi – tác giả của những bài thơ hay mà lính thành cổ 72 chúng tôi rất thích. Ông Mùa lạc Nguyễn Khải hay mang sổ bút sang buồng tôi ghi chép những câu ngạn ngữ ca dao mà trong “mớ kiến thức rau lợn” của tôi rất sẵn và bao giờ cũng trả nhuận bút bằng chai Vạn lực…. Những ngày tháng đó, cái xưởng vẽ nho nhỏ của tôi núp dưới giàn nho mát rượi luôn đầy ắp tiếng cười trong hương thơm tỏa ngát của trà và rượu làng Vân.
Ai quên chứ tôi thì chẳng quên mùa hè 1990 cơ quan cho tất cả đại gia đình gồm dâu, rể, con, cháu đi nghỉ mát một tuần ở Sầm Sơn. Lão “Giang Mình Sài” thật nhiệt tình sốt sắng “nhặt được” ở đâu một con xe “thương binh nặng” chở tất tật năm mươi người, lúc vào xứ Thanh thì không có chuyện gì. Các chị, các cháu được ngồi nghề còn mấy ông văn thơ cùng họa sĩ rúc xuống cuối xe hò hát, kể chuyện tiếu lâm làm cả xe cười vui quên đi cái nóng trong mùi dầu ma dút và những cú xóc bạt mông. Rồi đến biển mới thật sướng, các cháu lần đầu tiên thả sức vẫy vùng cùng sóng xanh, bận nhất là ông Nghị, bà Phi, con mới ba tuổi phải mang bếp dầu từ Hà Nội vào để… nấu cháo. Ông Huân, bà Trâm khá hơn nhưng cũng hú hồn hú vía chạy suốt bờ cát tìm con. Xúc động nhất là bí thư mới của Thanh Hóa – Lê Huy Ngọ - nghe tin có đoàn nhà văn văn nghệ Quân đội vào cũng đáp xe từ thị xã xuống thăm và không quên kèm theo mấy “quả bom Tha Đa”. Lúc đi thì thuận như thế, lúc về thì ôi thôi, qua “mấy ngày ra biển” anh “thương binh nặng” bắt đầu giở trò, hơn một trăm cây số anh ta lăn ra chết lâm sàng tới ba lần. Có lần tới hơn hai giờ dưới cái nắng hè xứ Thanh hầm hập, những gia đình có cháu bé đành bỏ xe chạy lấy người, mạnh ai bắt xe ngoài. Ai trụ lại được thì tìm bãi ỏ bụi cây cố gắng nằm, ngồi chờ mặt trời chiếu đến đâu thì trốn đến đấy… rồi đêm khuya cũng ì ạch về tới Hà Nội. Đúng là một chuyến xe bão táp, một chuyến đi nhớ đời.
Vốn được ông trời ban cho cái tính nhớ dai lại hay mân mi quá khứ, thích sống bằng kỷ niệm, đến bây giờ hình ảnh cơ quan, hình ảnh các anh chị trong ngôi nhà số 4 rợp bóng hồng xiêm, có giàn nho mướt xanh như ngọc, có hương thơm của “hai cụ” đại già cớ hiện về trong tôi như những cuốn phim tài liệu quý giá. Viết ra bao nhiêu và bao giờ cho hết… Rời vị trí để hưởng chế độ “người vạn đại” đã mấy năm rồi nhưng tình văn nghĩa nghệ giữa cơ quan và tôi đâu có phai… Tháng đôi lần lên trao bài và nhận nhuận bút từ những bài viết nho nhỏ xinh xinh vẫn được các anh, chị, các em, các cháu đón tiếp ân tình như ngày xưa, nâng trên tay chén trà Trinh của chị Giới, chị Bình, chị Thơm, anh Phố mà bâng khuâng nhớ về một thuở chưa xa.
Ngày nay cơ quan đã đổi thịt thay da nhiều từ hạ tầng cho đến nhân sự. “Cụ Hà”, “Cụ Phương” nghỉ đã lâu, anh Nguyễn Trí Huân chuyển ra ngoài. Anh Nguyễn Bảo lên Tổng biên tập, anh Nghị, anh Thụy giữ cương vị Phó tổng biên tập. Đội ngũ mới đầy triển vọng được chọn về thật trẻ khỏe và tài năng, những cây bút sắc sảo: Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Thu Quỳnh, Nguyễn Bình Phương, Phùng Văn Khai là lớp nghệ sĩ kế cận thật đáng tự hào với truyền thống “nhà số 4” , “cái nôi Đại Bàng”.
Kỷ niệm lần thứ 55 ngày ra số báo đầu tiên, tự hào là một trong những người đã đóng góp rất nhỏ công sức một thời cho quyển tạp chí, cũng có lúc xót ra với những gì mình chưa làm được, giờ đây thanh thản vui với “viết, vẽ, vườn, vợ” càng nhớ về những ngày sôi động của mười tám năm qua, lòng tủ nhủ lòng, nếu có kiếp sau sẽ lại về với Văn nghệ Quân đội.
QUÁCH ĐẠI HẢI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn