VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Đường về nhà số 4 (XUÂN SÁCH)

Thứ Ba, 14/06/2011 15:37

Từ năm 1957 khi tờ tạp chí Văn nghệ quân đội thay đổi khuôn khổ và phát hành rộng rãi, thì tòa soạn – Ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế Hà Nội trở thành “địa chỉ đỏ” của những người lính ôm mộng văn chương. Hồi ấy tôi ở Hải Phòng làm tờ báo của Quân khu Tả Ngạn. Mỗi khi có dịp lên Hà Nội thế nào cũng tìm đến Nhà số 4. Lòng hồi hộp như con chiên sắp bước vào thánh đường, mong gặp mặt các vị “cha xứ”, rụt rè đưa một bài viết và nghe mấy lời khuyên nhủ. Đúng ra với kiến trúc của ngôi nhà thì nó giống một ngôi chùa. Sau này có hôm anh Thanh Tịnh và tôi đã tiếp mấy bà già nông thôn đem đồ lễ đến cúng Phật. Nhà tu hành Thích Thanh Tịnh (chúng tôi gọi đùa anh như vậy) có đôi tai dài như tai Phật chắp hai tay trước ngực lễ phép: “Thưa các thí chủ! Nơi này là doanh trại quân đội ạ”. Kể ra có thể nói ngôi nhà này là nơi tu luyện của những nhà văn mặc áo lính. Từ chú tiểu Thị Kính, nhiều vị đã được lên sư thầy, sư bác, lên hòa thượng trong làng văn.

Xin trở lại chuyện của tôi. Năm 1960, phòng Văn nghệ với tạp chí mở trại sáng tác văn. Tôi được gọi vào cùng với Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, Xuân Khánh, Trúc Hà (Nam Hà bây giờ) Hồ Khải Đại... Hồi đó mùa hè, bọn tôi đánh trần ra viết với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, hăng hái như những chú ngựa non háu đá. Viết rào rào như tằm ăn rỗi. Anh Xuân Thiêm ở phòng Văn nghệ làm trại trưởng, còn tôi không hiểu vì lẽ gì được cử làm trại phó. Cuối trại anh Từ Bích Hoàng thay mặt tạp chí đến trại gặp hai vị trưởng phó bàn việc chọn một số anh em về công tác tại tạp chí. Ai sẽ được chấm vào sổ Thiên Tào? Anh Từ Bích Hoàng đưa ra hai người để hỏi ý kiến chúng tôi đó là Xuân Khánh và Trúc Hà. Anh Xuân Thiêm và tôi đồng ý. Cuộc họp kết thúc. Tôi bị hẫng như người rơi xuống vực. Vì sao mình không được chọn? Mãi tới lúc ra về anh Từ Bích Hoàng với giọng nói nhỏ nhẹ vỗ vai tôi: “Còn anh thì tạp chí đã chọn rồi, anh trở về Quân khu, ít hôm nữa sẽ có giấy điều động của Tổng cục Chính trị”. Sướng còn hơn ngày cưới vợ...

Tuy nhiên Quân khu lại không đồng ý. Tôi đang làm tờ báo mà tòa soạn chỉ có hai người, phải làm đủ mọi việc từ viết bài, biên tập đến in ấn và phát hành. Do đó mà trở thành người quan trọng không thể đi được. Các anh ở tạp chí bày mưu gửi công văn về Quân khu đề nghị cho tôi về tạp chí để sửa chữa sáng tác viết ở trại, với hy vọng Quân khu sẽ cho đi. Về tạp chí tôi thấy Xuân Khánh và Trúc Hà ở đấy rồi, mặt mày tươi rói. Một tháng sau Quân khu lại triệu tôi về. Thế là vỡ mộng.

Nhưng vận may còn mỉm cười với tôi. Ban Tuyên huấn Quân khu thay trưởng ban. Thủ trưởng mới, anh Hồng Lĩnh nói với tôi: “Quân khu rất cần cậu, nhưng về lâu về dài thì cậu lên đó mới tung cánh được. Quân khu đã đồng ý cho cậu đi”.

Thế là chỉ sau một ngày bàn giao công việc, tôi vác ba lô về Nhà số 4 nhập hộ khẩu thường trú.

Đến nơi chưa kịp nhận chỗ ở, anh Vũ Cao với tiếng cười phóng túng đã nói: “Ông về đây như về nhà có gì phải nói, bây giờ tạp chí đang cần những bài bút ký, phóng sự viết về lực lượng vũ trang trong thời bình. Ông ở Quân khu đã quen với dân quân, đi đi và viết”.

Ngay hôm sau tôi vác ba lô đi và cứ thế suốt hai mươi năm vừa đi vừa học vừa viết. Hai mươi năm ở Ngôi nhà số 4 có bao nhiêu chuyện, nhưng để sau, nếu trời còn cho sống và cho viết.

Điều có thể nói là hai mươi năm ấy tôi đã có được vốn liếng quý báu trong hành trang trên đường đời và đường văn.

10-1996

XUÂN SÁCH

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)