VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Văn chương bắt đầu từ đó (NGUYỄN KHẢI)

Thứ Năm, 26/05/2011 09:07

Tháng 8-1955, tôi và một số anh làm báo của nhiều quân khu và sư đoàn được Tổng cục Chính trị triệu tập về trại viết truyện anh hùng quân đội. Họp xong, cả bọn đang đứng ở ngoài hành lang nhìn ngó, bàn tán, lính quân khu mới lên Tổng cục thấy cái gì cũng hay, cũng lạ, cũng muốn hỏi. Những người tôi muốn hỏi, muốn xem mặt nhiều lắm. Họ là những tác giả được bạn đọc trong quân đội ngưỡng mộ từ lâu, nhát là với chúng tôi đang tập làm văn làm báo: Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm… Nhưng tôi chưa từng nghe tên Thanh Tịnh. Trong kháng chiến, anh thường tới các đơn vị thuộc các đại đoàn chủ lực biểu diễn độc tấu, vừa là đọc thơ, vừa là kịch độc diễn, một thể loại nghệ thuật rất độc đáo, đứng đâu, ngồi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể biểu diễn được, nghe nói được bộ đội rất hoan nghênh. Được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952), thơ văn của anh đến với quần chúng không qua chữ in, báo chí mà bằng con người thật, với tài kể chuyện, tài ứng khẩu nhưng những người ở xa như chúng tôi thì không được biết. Cho nên tôi mới thắc mắc khi thấy một ông bộ đội cao to ngoài bốn chục tuổi, có một chiếc răng vàng ở khóe miệng, lại đi đôi giày săng đá cỡ đại, đang kể một chuyện gì đó chắc là buồn cười lắm vì thấy mấy anh làm báo của sư đoàn 308 và 304 đứng vây quanh cười ầm ầm. Tôi bèn hỏi Phùng Quán, cũng là một nhân vật nổi danh của ngày ấy tôi mới được làm quen mấy bữa trước: “Ông ấy là ai thế? Cũng là dân văn nghệ à?”. Phùng Quán nhìn tôi như một cậu phán tòa sứ nhìn anh dân quê: “Cậu thật không biết ông ấy là ai à? Cậu đã đọc truyện ngắn của Thanh Tịnh chưa?”. “À, Thanh Tịnh thì biết, hồi nhỏ có đọc mấy cái truyện ngắn Quê mẹ, Ngậm ngải tìm trầm… có có thuộc mấy đoạn trong bài thơ Trường học làng tôi”. Tôi vẫn nói hết sức ngớ ngẩn: “Ông ấy là Thanh Tịnh à? Thanh Tịnh cũng ở trong quân đội à?”. Với tôi, ngày ấy một người đã già, đã ngoài bốn chục tuổi mà vẫn là bộ đội thì thật lạ lùng.

Đầu năm 1957, tạp chí Văn nghệ Quân đội chính thức ra mắt bạn đọc miền Bắc, đặt trụ sở tại nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Chúng tôi từ giã cuộc sống doanh trại ra phố ở, chỉ khi vào thành họp mới mặc quân phục. Với đám lính trẻ chúng tôi, mười năm sống theo quân kỷ, đi đâu, làm gì đều có đồng đội, bỗng chốc được mặc áo sơ mi trắng mùa hè, áo vét – tông mùa rét, đạp xe lòng vòng mỗi sáng đi ăn phở, uống cà phê, ngồi bao lâu cũng được nếu như không có cuộc họp nào, cảm thấy sự tự do cho riêng mình là quá nhiều, vừa khoan khoái vừa bâng khuâng, nghĩ lại cuộc sống gò bó trước đây cũng hãi. Còn với anh Thanh Tịnh thì sao? Anh hơn chúng tôi gần hai chục tuổi, đã làm nhiều nghề tự do trước cách mạng, dạy học, làm báo, hướng dẫn du lịch, đi đâu làm gì đều theo ý thích của mình, dẫu đã có vợ con vẫn là một người hoàn toàn tự do. Người quen sống theo ý mình, sống trong tự do lại tình nguyện tòng quân (1949) sống với bộ đội suốt những năm kháng chiến, bây giờ hòa bình rồi vẫn cứ là “ông bộ đội”, vẫn nằm giường cá nhân, ăn cơm tập thể là sao?

Anh Thanh Tịnh là người viết truyện ngắn có tên tuổi trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị trước cách mạng, cùng thời với Thạch Lam, Hồ Dzếch nhưng anh viết ít hơn hai người kia. Tôi ngờ rằng văn chương đối với anh chưa hẳn là niềm say mê suy nhất, anh chưa hết lòng phục vụ nó, chỉ biết có nó, sống vì nó. Anh có quá nhiều sự đam mê. Nghề dạy học cũng là một cái mê, nghề hướng dẫn du lịch cũng rất mê, làm báo cũng mê,biểu diễn độc tấu và đóng kịch hình như anh mê hơn cả. Anh không thể sống một mình mà phải luôn luôn có bè bạn, không thể làm việc trong lặng lẽ mà phải luôn luôn đứng trước đám đông, sống trong đám đông hò hát, nói chuyện vui và biểu diễn độc tấu. Suốt những năm đánh Pháp, anh không viết được bao nhiêu mà đi là chính, sáng tạo ra nghệ thuật độc tấu vừa đi vừa viết vừa diễn. Anh có nói với tôi: bài độc tấu đầu tiên là bài Bắn cả hai, làm ở gần chùa Trầm vào mùa xuân năm 1947. Chiến thắng sông Lô thì có bài Ai biết không sông Lô/Nơi nước sông xây mồ/Quân hung tàn tham ô/ Sông Lô/Hoan hô/ Ai biết không sông Lô/Nơi lũ quân hung đồ/Trời bập bềnh nhấp nhô/Sông Lô/ Hoan hô. Những bài thơ để đọc trước đám đông, hiểu được ngay và được hưởng ứng tức thì. Tác giả hoan hô thì bộ đội đứng nghe có thể hô liền theo: hoan hô. Người diễn và người nghe lập tức hòa làm một. Chỉ tiếc là đến nay chả còn mấy ai nhớ. Rồi anh diễn kịch, đóng vai đao phủ trong vở Đề Thám xuất quân của Thế Lữ, rồi đóng vai mật thám trong vở Cụ Đạo và sư ông do anh gợi ý và Thế Lữ dàn dựng. Thật tội nghiệp, người hiền lành vui vẻ thế mà toàn nhận các vai sát thủ. Anh nói vui: “Chả là người mình cao lớn, giọng nói lại vang to, dễ gây được ấn tượng khủng khiếp”.

Thời trước đâu phải chỉ có một mình Nguyễn Tuân là thích xê dịch, giang hồ. Còn có Nguyễn Bính, Thanh Tịnh và mấy người khác nữa. Có điều Nguyễn Tuân đi đâu, ở đâu đều viết, nhất cử nhất động cùng mọi biến thái trong tâm hồn lãng tử ông đều dàn ra trên trang giấy, vần vò, mân mê, lộn trái lật phải từng chi tiết, từng cảnh huống nên cái thế giới riêng của cá nhân được mở rộng đến vô cùng. Nhưng văn của Nguyễn Tuân làm sao đọc trước đám đông được, đọc trước bộ đội xuất kích được. Nó là cái thiệt của ông, để bù lại, văn ông sống lâu hơn, ngày càng có nhiều bạn đọc hơn. Còn thơ độc tấu của Thanh Tịnh thì phục vụ rất đắc lực trong các chiến dịch, khiến người lính vui hơn, hăng hái hơn, nhẹ nhõm hơn trước lúc bước vào trận chiến. Đó là cái được của anh, là sự sáng tạo độc đáo của anh nhưng cho đến nay mấy ai còn nhớ những bài thơ đó? Đến ngay tác giả cũng quên lời thơ của bài độc tấu đầu tiên của mình kia mà. Tôi nghiệm ra, trong giới viết lách, anh nào ham nói, lại nói quá hay, tức là cái nghệ thuật nói phát triển thì cái nghệ thuật viết cứ tàn lụi dần. Vì ham nói sẽ ngại viết lắm. Trong những năm làm chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội, công việc không thể nói là quá bận nhưng anh chỉ làm những bài thơ nhỏ, viết những mẩu chuyện ngắn, đọc thì rất thích nhưng lại mau quên. Làm báo cũng thích hơn ngồi viết vì nó là công việc của một tập thể, một tập thể trong tòa soạn và một tập thể lớn hơn giữa tờ báo và bạn viết và bạn đọc. Còn viết luôn luôn là công việc lặng lẽ của một người phải có thói quen sống một mình, ngẫm nghĩ một mình và dàn dựng, gọt giũa tác phẩm một mình. Có nhiều anh phải làm công việc quản lý trong nhiều năm, để tự trấn an thường nói: “Để lúc có điều kiện rảnh rỗi mình sẽ ngồi viết”, tức là vẫn có thể viết chỉ cần có thời gian thôi. Rốt cuộc, tới ngày được hoàn toàn rãnh rỗi, vẫn đạp xe đi chơi dài dài, một năm, hai năm, đã sáu bảy năm mà chưa bắt đầu được cái tác phẩm mình hằng ấp ủ. Là do đã mất thói quen sống một mình, làm việc một mình rồi. Anh Thanh Tịnh cũng thế, khi đã thôi làm chủ nhiệm tạp chí để tập trung vào sáng tác, anh vẫn thích đi đây đi đó, đến nhà người này người nọ, anh không đến thì bạn bè lại đến, lúc nào cái phòng riêng của anh cũng đầy ắp người, đầy ắp tiếng cười, mù mịt khói thuốc lá, vui như thế thì anh viết vào lúc nào?

Cuối năm 1956, sau nhiều thất bại trong viết lách, tôi đi Thái Bình, lúc về viết được truyện ngắn Nằm vạ. Nếu truyện đó được tạp chí chấp nhận vui vẻ thì tôi ở lại làm người viết chuyên nghiệp. Còn nếu bị trả lại hoặc bắt sửa thế này sửa thế kia, phải chiếu cố mới có thể dùng thì tôi xin trở về quân khu ba làm nghề tuyên huấn là nghề cũ và làm anh viết văn nghiệp dư. Anh Thanh Tịnh đọc bản thảo rồi nói ngay với tôi: “Viết được đấy Khải ạ. Có cái riêng rồi đấy”. Quả nhiên, tòa soạn chấp nhận không chỉ vui vẻ mà còn khen là truyện viết tốt. Thế là qua được cửa ải ban đầu, từ người viết báo thành người viết văn. Tôi đã tìm ra cái vía của tôi và tiếp tục mở rộng cái vía ấy trong nhiều năm tới. Tôi là người thành công chậm so với bạn viết cùng lứa nhưng khi đã viết được vài cái được bạn đọc và bạn nghề khen thì lại quên ngay xuất phát điểm của mình. Trong khi chuyện trò, trong nói năng nơi này nơi kia đã có chút ngạo khí, hình như vấn đề gì cũng có thể đặt bút viết được và viết cho hay cũng chả có gì là khó. Rồi tụ tập nhau chê bai văn người này với văn người kia. Anh Thanh Tịnh nghe cả nhưng không nói gì, chỉ có một lần anh bảo tôi: “Viết chưa hay là do chưa tìm được cái mạch riêng của mình, chứ là người cầm bút, ai mà chả có một chút tài. Như Khải ấy…’ Nghe mà ngượng chín mặt. Có lẽ, trong những tật xấu của tôi, anh Thanh Tịnh ghét nhất là cái thói hay nhận xét vội vã và quyết đoán về nhiều sự ở đời. Vì tôi còn trẻ, chưa từng trải nhiều, vốn hiểu biết xã hội chỉ là cái biết của một nhà văn đã được nhà nước và quân đội nuôi nấng đủ đầy, một năm vài lần vác bút đi tìm hiểu thực tế. Nó khác xa với một người phải tự nuôi mình, nuôi vợ con trong muôn vàn khó khăn, chìm nổi của một đời người. Nên trong trang viết, trong chuyện trò thiếu hẳn sự đồng cảm, lòng rộng lượng. Hẹp hòi, khe khắt một cách vô lý với đồng loại. Viết thế làm sao mà hay. Sống thế làm sao có bè bạn. Cho nên anh mới vừa cười vừa hỏi: “Hình như chưa bao giờ Khải biết buồn là gì nhỉ?” Tôi vội vã trả lời: “Biết chứ, đời em thuở nhỏ đâu có mấy ngày vui” – “Mình biết Khải cũng đã từng nói nhưng thấm gì! Đời còn dài lắm, rồi cũng sẽ biết thế nào là những nỗi buồn của một đời người. Văn chương đích thực bắt nguồn từ đó…”

Vâng, đúng là phải sống nhiều, phải già đi mới biết thế nào là những cái buồn. Chỉ về già tôi mới hiểu được phần nào cái buồn của anh Thanh Tịnh. Anh đã xa cuộc sống gia đình từ tháng 12-1946. Đầu tháng 12, anh từ Huế ra Hà Nội dự Đại hội Văn hóa toàn quốc rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ Hà Nội, anh theo bạn lên Chèm, Vẽ rồi từ làng Vẽ đến núi Trầm, từ đó cứ ngược lên mãi. Cuối năm 1954, anh trở về Hà Nội, vẫn ở trong doanh trại, ăn cơm bàn dài, nằm giường dãy. Lũ chúng tôi, kẻ trước người sau cũng dời bỏ anh, dời bỏ cuộc sống tập thể, lấy vợ đẻ con với bao nhiêu lo lắng của đời thường. Anh là người xa vợ con lâu nên rất biết cái giá trị của những ngày được sống với vợ con. Chúng tôi tuổi còn trẻ, coi vợ con là cái nghĩa vụ ở đời, thoát được lúc nào là thoát, lại lăn vào với bạn bè cười đùa hò hét, nhiều đêm bỏ cả vợ con lên cơ quan ngủ cho vui, nói chuyện với vợ, đùa giỡn với con mãi cũng chán, còn trò chuyện với bạn thì mỗi ngày mỗi chuyện, niềm vui là bất tận. Anh Thanh Tịnh thường khuyên tôi: “Những việc lặt vặt trong nhà cái gì làm được thì làm đừng dồn hết cho vợ, đừng xem nó là nghĩa vụ mà là niềm vui. Nhiều người mong có mà đâu được”. Từ Tết năm 1947, Tết đầu tiên của toàn quốc kháng chiến, anh Thanh Tịnh chưa bao giờ được ăn Tết với gia đình. Một nửa nước được độc lập anh vẫn ăn Tết với bạn bè, tối 30 lập bàn thờ trong phòng làm việc, có bánh chưng, hoa quả và một cái lọ cắm nhang, nhang thắp suốt mấy ngày Tết. Cả nước được độc lập, anh vẫn sống một mình ở Hà Nội, ăn Tết một mình với bè bạn và lũ đàn em chúng tôi. Vợ anh đã đi lấy chồng từ nhiều năm trước, con gái định cư ở nước ngoài, con trai cùng vợ con sống ở Nha Trang nhưng anh chỉ về thăm con cháu một năm vài ngày rồi lại đi chứ không ở với con, dầu anh đã nghỉ hưu rồi. Phải chăng anh đã mất thói quen sống với gia đình, sống với con cháu?

Nghe nói trước khi mất anh có đọc một câu thơ với ai đó, một câu thơ nhức buốt về những ngày cuối của một tuổi già: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (Đường nhỏ gió lạnh thổi dồn vào một người).

NGUYỄN KHẢI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)