VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Kỷ niệm nhỏ - niềm vui lớn (HỒ PHƯƠNG)

Thứ Hai, 04/07/2011 08:19

Đã 55 năm trôi qua, tạp chí Văn nghệ quân đội tròn 40 tuổi. Anh em trong tạp chí có thể vui mừng và tự hào vì đây là một trong số rất ít tạp chí văn nghệ của Việt Nam đã có một đời sống bền vững, dù đã trải qua không ít khó khăn và những sự kiện phức tạp trên mặt trận văn học và nghệ thuật suốt mấy thập kỷ vừa qua.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập tạp chí thật là vui, dẫu là những ngày đầu còn không ít ấu trĩ, bỡ ngỡ kể cả ngây thơ và lãng mạn. Bây giờ nhiều tuổi rồi, con người trở nên lịch lãm hơn và dường như cũng khó tính hơn, nhưng tất cả những kỷ niệm thời trẻ trung trong buổi đầu của tạp chí vẫn cứ làm mình luôn luôn rung động, và tin rằng mình cũng đã làm được ít nhiều điều gì đó tốt đẹp, có những gì đã lỡ, đã hỏng thì cũng đã qua rồi, không cách gì làm lại được, và cũng coi đó là chuyện lịch sử.

… Những ngày đầu, tổ chức và cách làm việc của ban biên tập trong tạp chí Văn nghệ quân đội (hồi đó thường gọi là tòa soạn) còn mang nhiều dấu ấn của thời chiến, và sự hăng bốc của tuổi trẻ. Hồi đó trừ các anh Thanh Tịnh, Vũ Cao, Xuân Thiêm, Từ Bích Hoàng, Vũ Sắc đã trên 30 tuổi, còn hầu hết anh em khác chỉ sàn sàn như nhau với tuổi trung bình là 25. Hồi đó ban biên tập làm việc và tổ chức theo kiểu không chuyên, với chế độ thay phiên nhau lần lượt làm biên tập và làm phóng viên – cứ sáu tháng hoặc một năm một lần. Năm nay tôi ở “nhà”, “giữ gôn”, anh đi làm phóng viên. Sang năm, nhất định phải tới lượt tôi được đi. Tôi muốn dùng từ “được” vì hồi đó anh nào cũng đều rất ham đi, ham viết, mặc dầu hồi đó đi làm phóng viên, đi thực tế đâu có nhiều thuận lợi như bây giờ. Hồi đó chưa có chuyện các đơn vị, các địa phương chủ động mời nhà văn, nhà báo về viết và đón tiếp như thượng khách. Hồi đó đã đi là mình phải tự lo liệu lấy tất cả. Cả cơ quan chỉ có một chiếc xe đạp kiểu Pháp còn tàm tạm. Hai ba chiếc khác toàn của Tiệp, loại xe “trâu” cao lênh khênh, vác nặng hơn cùm. Anh nào thấp bé đi không nổi, vì không chống chân được xuống đất. Vậy mà “cần lắm” mới được mượn đi công tác. Xe đạp riêng còn cực hiếm. Đi làm phóng viên hồi đó nghiêm lắm. Anh Văn Phác chủ nhiệm đã quy định: phải cắm sâu, mỗi tháng anh em chỉ được về Hà Nội một lần, và chỉ một vài ngày để họp chi bộ, lĩnh lương và thăm vợ con, cha mẹ (nếu ai có gia đình ở Hà Nội). Sau đó lại ba lô, xuống cơ sở luôn. Còn nhớ, một lần tôi về Hà Nội, thấy đứa con đầu lòng đang ốm quá, thương con không sao dứt đi ngay được, vợ thì suốt ngày phải làm tối mày tối mặt ở xí nghiệp… Do đó, đã nấn ná ở lại thêm mấy ngày. Nào ngờ có ông bạn trong tòa soạn tình cờ nom thấy, về báo cáo luôn: “Hồ Phương vẫn còn chơi ở Hà Nội”…

Nói là xuống cơ sở, nhưng cũng có những yêu cầu, những quy định rất nghiêm chỉnh, không thể tùy hứng, tùy tiện. Anh Vũ Cao thường xuyên xuống sư đoàn 312, còn tôi ở 308 nay lẽ cố nhiên lại được phân công về 308 bám sát. Nhiều anh khác cũng tương tự như vậy. Riêng anh Nguyễn Khải được rộng rãi hơn đôi chút, vì mọi người biết anh vốn có nhiều cảm hứng và cả sự hiểu biết khá về nông thôn, cho nên tuy được phân công xuống khu 3 (nơi anh đã sống và làm việc suốt cuộc kháng chiến chống Pháp) anh Khải vẫn được đi rộng ra và viết cả về các vấn đề nơi thôn xóm, kể cả vùng công giáo mà anh cũng khá quen thuộc.

Những chuyến đi phóng viên nói chung đều khá hào hứng, dầu phương tiện đi lại, như trên đã viết, rất thiếu thốn. Chủ yếu là đi xe lửa, hoặc xe buýt. Có xe đạp mang theo đỡ vất vả, không có xe đạp, thường còn phải ba lô cuốc bộ từ ga vào tới nơi các đơn vị đóng quân, xa có khi tới hai chục cây số… Mỗi khi đi xuống cơ sở như vậy, tiền nong rất hạn hẹp. Có khi chỉ có vài đồng để lại cho vợ ở nhà nuôi con, còn mình mang đi cũng chỉ đủ tiền tàu xe. Tiền tiêu vặt lắm khi chỉ có một vài đồng. Bây giờ nghĩ lại cũng lạ: bao nhiêu năm sống và đi như vậy, mà ở nhà vợ vẫn cứ xoay xỏa nuôi được con, còn mình đi “thiên sơn vạn thủy” mà chưa hề một lần bị gãy càng xe ở dọc đường hoặc tông phải bà bán bánh đa, xô phải cô bán trứng… Nghĩ lại cũng hoảng: giá xảy những chuyện như vậy, có lẽ cũng chỉ có một nước là chắp tay xin lỗi. Lấy gì mà đền? (Phải xin nói rõ: hồi đó quân đội chưa có lương, mà chỉ có phụ cấp tiêu vặt hàng tháng, quy thành gạo, khoảng 10kg hoặc 15kg gì đó).

Xuống đơn vị, anh Vũ Cao cũng như tôi và nhiều anh khác; thường xuống nằm ở một tiểu đội, với ý thức; để có thể gần gũi, sâu sát anh em hơn. Dứt khoát không sống như khách của các ban chỉ huy. Sống đúng như lính. Sáng sớm cũng dậy theo kẻng, cũng tập thể dục với anh em, cùng ăn miếng cơm chan tí nước mắm để lót dạ, rồi cùng ra thao trường gội nắng, tắm mưa (lẽ cố nhiên chúng tôi chỉ kiến tập) tối về lại cùng anh em sinh hoạt, khi thì kiểm điểm phòng gian bảo mật, buổi thì động viên thi đua, thời đó là như thế. Sự ấu trĩ thật dễ thương, chứ không hề đáng trách. Tôi vẫn chưa quên một lần anh Vũ Cao nói với tôi: “Gay nhất là cái tắm! Mùa đông, trong làng có quá ít giếng chỉ có vài chiếc để dành cho dân và bộ đội lấy nước ăn. Mình phải cùng anh em ra đồng tắm ở những chiếc giếng hoặc mương nước bốn bề trống trải, gió bấc cắt xương. Anh em họ trẻ thì không sao. Mình lớn rồi, cứ tồng ngồng đứng múc nước giội, rét thấy ông bà ông vải”… Tôi cười. Tôi cũng vậy thôi. Đời lĩnh mà! Cười và cho qua hết. Cái khổ, cái nghèo, hồi đó dường như là sự tất nhiên.Vì đế quốc, vì phong kiến, vì chiến tranh mà!... Thế đấy, là sản phẩm của một thời bao cấp, con người không những đã quen sống, quen nghĩ như vậy, mà đôi khi còn tin thậm chí tự hào đấy là cách sống và cách nghĩ tốt nhất, đẹp nhất và cả đúng nhất! Có lẽ cùng vì vậy, trong những điều kiện chưa nhiều thuận lợi và chưa mở mang, nhưng anh em vẫn rất ham đi ham viết, đã viết được khỏe và khá tốt nữa. Một loạt những bài ký sự sắc sảo của anh Nguyễn Khải với tựa đề “Xung đột” đã ra đời vào dịp đó. Vũ Cao với những bài thơ thật hay, trong đó có “Đứng gác bên cầu”, Nguyên Ngọc với các truyện ngắn xinh xắn, đầy mơ mộng trong tập “Rẻo cao” và Hồ Phương với các truyện ngắn “Trường hợp đồng chí Hạp”, “Người ra về”, “Câu chuyện một gia đình” kể cả “Cỏ non” cũng được viết vào hồi đó. Và không thể không nhắc tới Nguyễn Ngọc Tấn với những truyện ngắn rất sâu, rất hay trong đó có “Im lặng”, “Trăng sáng”, “Đôi bạn”…


Đến khi chuyển về “giữ gôn” làm biên tập, ai ai cũng nhận thức đầy là trách nhiệm phải làm, chứ không mấy hào hứng. Nhưng đã làm thì ra làm. Một trong những việc dễ thương của anh em làm biên tập thuở ấy là: rất chịu khó viết thư trả lời, góp ý với bạn viết. Gần như là không bỏ sót một ai. Đã có nhiều bức thư không phải chỉ nói chuyện bài vở, mà mở rộng sang cả những vấn đề tình cảm. Biên tập viên và bạn viết đã trở thành những đôi bạn qua thư. Đã có những chuyện thú vị như: sau khi tạp chí thành lập được một hai năm, các anh Xuân Thiều mới từ phòng Văn nghệ sang, Nguyễn Minh Châu từ dưới Khu 3 về, Nam Hà từ giáp tuyến ra… các anh vẫn còn giữ được những “lá thư biên tập” của những anh làm biên tập viên đã gửi cho mình góp ý sửa bài. Nay cũng trở thành “đồng nghiệp”, thành bạn cùng cơ quan, thật là vui.

Làm công tác biên tập thuở ấy cũng rất nghiêm. Dường như không có chuyện nể nang nhau quá nhiều trong bài vở, càng không thấy có sự “móc ngoặc”. Rất trong sáng. Cho mãi tới thời chống Mỹ mới có một anh làm biên tập do muốn nhờ cậy một quan chức nọ xin cho em mình việc làm nên đã ép đăng một bài kém chất lượng. Việc này đã được anh em thẳng thắn (nhưng nhẹ nhàng) góp ý. Từ đó coi như bài nào đã được đăng đều xứng đáng với chất lượng của nó. Thời trong sáng ấy rõ ràng càng tuyệt đối không có chuyện biên tập viên “lừa” ban lãnh đạo, bằng cách hết lời bốc thơm bài viết của bạn hẩu, (mà đó lại là bài đã biết chắc chắn là gay cấn) để rồi ban lãnh đạo sơ ý cho “lọt lưới”. Nhân phẩm và ý thức trách nhiệm trong của người biên tập tạp chí đã sớm có từ đó, từ “cái thuở ban đầu” ấy. Và nó đã trở thành truyền thống, một trong những truyền thống tốt đẹp của chúng ta.

Cách thức đọc duyệt của lãnh đạo tạp chí, buổi đầu cũng còn thô sơ. Chỉ được cái vui. Ấy là tất cả mọi bài vở đều đem ra hội nghị bàn tròn của ban biên tập, đọc cùng nghe chung và cùng góp ý kiến. Cái kiểu tập thể dân chủ “công xã” ấy cũng may thay đã bị bỏ đi sau có một, hai năm gì đó.

Cũng vẫn chuyện biên tập thuở ban đầu đó dường như không có những “nhà văn”, “nhà thơ”, nhà “trí giả” tỏ ra hào phóng năng lui tới tìm biên tập viên để mời nhậu lớn, nhậu nhỏ. Thường chỉ nhận được những tình cảm thực sự ưu ái, ấm áp của anh chị em, mỗi khi họ đến tòa soạn. Lẽ cố nhiên, trong nghề biên tập, cổ kim bao giờ cũng vậy, không phải chỉ toàn chuyện vui. Cũng lắm buổi điên đầu hoặc có buổi hoảng sợ nữa. Đã có những vị cộng tác viên tới làm dữ vì đã không đăng bài của vị đó, hẳn là đã “có ác tâm”, chí ít cũng là do “dốt nát”. Vậy, dốt nát thì xin nhận và nhận ngay. Nhưng “ác tâm” thì nguy! Có lần một vị cao lớn như hộ pháp gặp tôi, chỉ mặt: “Anh còn làm khó dễ cho tôi, hãy coi chừng đó!”. Kinh thật!

Trong anh em biên tập thời đó người thường nổi tiếng lịch sự hay bỏ tiền túi ra mời cộng tác viên cà phê đó là anh Hữu Mai. Người thường tâm sự rủ rỉ sâu và cởi mở với cộng tác viên là Nguyễn Minh Châu. Người nổi tiếng đọc tinh, sắc là Nguyễn Khải. Dễ dãi là anh Vũ Cao. Tỉ mỉ chu đáo là anh Từ Bích Hoàng… Mỗi anh mỗi phong cách, như đã cùng tạo nên một phong cách chung của tạp chí Văn nghệ quân đội là rất chân tình, rất biết quý trọng và giúp đỡ đối với bạn viết, bạn đọc (đặc biệt là bạn trẻ). Câu nói của Xuân Quỳnh xưa đã là một dẫn chứng coi như điển hình: “Tạp chí Văn nghệ quân đội là ngôi nhà thứ hai của tôi”.

… Cho tới hôm nay cộng tác biên tập, phóng viên của tạp chí đã ngày càng tốt hơn nhiều. Uy tín tờ báo càng lớn, thì niềm vui và tự hào của tất cả những ai đã góp phần xây dựng và phát triển nó cũng càng nhiều thêm.

HỒ PHƯƠNG

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)