VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà số 4, ngày tôi tới "định cư"! (NGUYỄN HÒA)

Thứ Hai, 27/06/2011 14:13

Đầu năm 1980, đang đóng quân ở biên giới phía Bắc, tôi được đơn vị cho về tranh thủ qua nhà. Xuống ô tô ở Bến Nứa, tôi đeo “ba lô lộn ngược” định đến Hàng Than đi tàu điện ra Bờ Hồ, từ đó về nhà ở Thanh Xuân. Tạt vào quán nước cạnh bến xe, thấy bày bán loại thuốc lá đen đen, bé tý lại dài ngoằng. Tôi hỏi, bà chủ quán bảo: “Thuốc mo”. Tò mò, tôi mua luôn một điếu, rồi vừa đi vừa phì phèo. Ai dè thuốc nặng, tôi bị say đứ đừ, người choáng váng, mắt thì thấy hoa cà hoa cải. Bước thấp bước cao, tôi cũng đến được vườn hoa Hàng Đậu. Tìm một gốc cây xà cừ, ngồi dựa một lát cho bớt say, tôi quyết định đi dọc theo phố Lý Nam Đế ra Cửa Nam, tiện thể ghé vào hỏi thăm cô bạn học cùng lớp từ thuở bé là con gái Thiếu tướng Trần Công Mân ở số 6 phố Lý Nam Đế. Rẽ vào phố và đi được một đoạn, thấy có ngôi nhà rất đẹp, lại có hai cây hoa đại khá to, trên bức tường cạnh cổng gắn tấm biển mang dòng chữ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thế là tôi tỉnh hẳn. Bụng bảo dạ, hóa ra đây là trụ sở của cái Tạp chí mà tháng nào mình cũng đọc! Ngó vào ngôi nhà có vẻ thâm nghiêm ấy mãi cũng ngại, nên tôi vừa đi vừa ngoái cổ nhìn, quên luôn cả ý định vào hỏi thăm cô bạn. Thời ấy, tôi chưa nghĩ đến chuyện ngày nào đó sẽ tham gia làng văn, nên ngoái cổ vì ngưỡng mộ chứ không phải vì ao ước. Bởi tôi biết trong ngôi nhà ấy có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, lại có Hồ Phương, Dũng Hà và nhiều nhà văn mà tôi đã tác phẩm của các anh từ ngày tôi còn nhỏ, đến khi trở thành “bộ đội Cụ Hồ” thì càng được đọc các anh nhiều hơn. Chẳng là từ khi nhập ngũ đến lúc đó, tôi chủ yếu làm anh nhân viên Câu lạc bộ của Ban Tuyên huấn Sư đoàn, nên tháng nào cũng có Văn nghệ Quân đội để đọc. Thời còn làm anh lính “trấn ải lưu đồn” ở Lạng Sơn, nhiều hôm lên “chốt”, tôi thấy bộ đội đọc những cuốn Văn nghệ Quân đội vàng khè vì bụi đất, sờn hết các góc. Có nơi, bộ đội còn dỡ “gáy” cuốn Tạp chí, chia thành mấy phần nhỏ, để mọi người cùng đọc...

Thế rồi, không biết trời đất run rủi thế nào, năm bảy năm sau cái ngày đi qua và ngó nghiêng, tôi lại loay hoay cầm bút viết lý luận, phê bình văn học. Để rồi một ngày đầu năm 1998, tôi nhận quyết định về làm việc tại Nhà số 4. Thực tình thì trước đó, tôi đã tới Văn nghệ Quân đội nhiều lần. Lúc đến gửi bài, lúc qua chơi, lúc dự họp. Cuối năm 1997, khi Tạp chí ra Phụ san, hàng tuần tôi đã đến cùng anh em chuẩn bị cho số đầu tiên. Nhưng tới khi cầm Quyết định về công tác tại Tạp chí, trong tôi lại có cảm xúc hoàn toàn khác. Quyết định ấy đã cấp cho tôi tư cách thành viên, để từ đó, dù là “đàn em” nhưng tôi lại được làm đồng nghiệp của Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình,... được bá vai bá cổ “ông ông tôi tôi” với... Trần Đăng Khoa! Nghĩ lại, tôi vẫn buồn cười vì trước cái năm 1998 ấy, tôi chỉ là kẻ có bài vở “bị” biên tập, chưa bao giờ “được” biên tập bài vở của ai. Vậy mà khi giao nhiệm vụ, anh Nguyễn Trí Huân bảo: “Chú cố gắng ra làm việc sớm, không chờ đến khi có quyết định, lo đặt bài vở, biên tập cho tờ Phụ san”. Thế đấy, tôi nhận nhiệm vụ trong khi chưa biết biên tập là làm việc gì, chưa biết các ký hiệu biên tập, chưa bao giờ viết một sapô (chapeau)! Chưa biết thì học, ngại hỏi trực tiếp thì tôi học lỏm, xem anh em làm thế nào thì làm theo. Học lỏm được một thời gian, tôi cũng có vẻ thành thạo, đã biết muốn in nghiêng phải ghi ký hiệu gì, khi muốn xuống dòng thì phải làm sao... Về sau, tâm sự với anh Vương Trọng, tôi kể chuyện này và tỏ vẻ tý tởn vì cái ngón học lỏm của mình. Anh Vương Trọng bảo: “Về đây ai cũng thế chú ạ, không có ai dạy cho ai, mỗi người đều tự học hỏi rồi làm!”. Rồi tôi nghiệm ra, ở ngôi Nhà số 4 ấy, mọi việc đã trở thành nền nếp, mỗi người đều tự ý thức về sự cần thiết trong công việc, từ đó tìm ra cách thức làm việc của mình.

Có một chuyện lý thú là khi tôi chuyển về công tác tại Nhà số 4 thì Việt Nam đã gia nhập mạng Internet toàn cầu từ 1996, nhưng hầu như anh em trong cơ quan đều có thái độ e dè, thậm chí có anh còn dị ứng với Internet. Tôi cũng chẳng hơn gì, một dạo thấy cỗ máy tính để bàn mà mắt cứ lấm la lấm lét, chẳng dám thò tay vào bàn phím, e nhỡ có việc gì thì làm hỏng hết máy móc của người ta. Các anh khác cũng vậy, mà xưa nay chuyện văn nghệ sĩ khó thích ứng với khoa học kỹ thuật vốn là chuyện thường tình. Như ở Văn nghệ Quân đội thời điện thoại di động còn là của hiếm, nhạc chuông chưa phong phú như bây giờ, đến tiếng nhạc chuông điện thoại di động mà có anh vẫn quên. Một buổi sáng, mấy anh em đang trà lá ở phòng khách, bỗng tiếng chuông điện thoại của ai đó réo rắt. Tôi thấy nhà nhà văn Nguyễn Bảo, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà văn Lê Lựu cùng đứng dậy và ý tứ bước ra hành lang. Các anh ra ngoài rồi mà tiếng chuông vẫn kêu, hóa ra là chuông báo từ điện thoại di động của... nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn còn đang ngồi khề khà trong phòng. Khi ba anh trở vào, chúng tôi cười lăn cười lóc. Lần khác, do phải đi công tác gấp mà Tòa soạn lại cần bài vở, tại cuộc họp của Ban Biên tập, nhà văn Lê Lựu hứa như đinh đóng cột: “Các anh yên tâm, viết xong là tôi... chát về ngay”. Mọi người cười ồ. Ngỡ anh em không tin, anh càng quả quyết: “Viết thì lâu chứ... chát thì mấy!”.

Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp cá biệt, như nhà thơ Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Một thời đi đâu anh cũng kè kè máy tính xách tay, thậm chí có lúc hai vai đeo lủng liểng hai chiếc, một to, một nhỏ. Chưa kể nhà thơ còn có niềm đam mê mãnh liệt với các loại phương tiện máy móc điện tử, thay điện thoại đời mới, thay máy ảnh kỹ thuật số, thay camera như… thay áo! Khoảng cuối năm 1998, thấy nhà thơ cắp nách một cuốn giáo trình tin học dày cộp, tôi rất tò mò. Từ tò mò tôi chuyển sang trêu chọc. Trần Đăng Khoa không phật ý mà còn nhắc nhở: “Học dần đi là vừa, kẻo có ngày ông phải học tôi đấy!”. Sau đó anh quảng bá với tôi về “i meo” với “đao loát”, lại kể “trên mạng” có cái này, “trên mạng” có cái kia,... làm cho tôi càng tò mò, sinh ra băn khoăn, tự thấy nếu không biết thì kể cũng kỳ. Một hôm tôi hỏi riêng Trần Đăng Khoa nên làm thế nào. Vậy là anh “xổ” luôn một lô xích xông, nào là ích dụng với tiện lợi, tuyệt vời với cực hay. Anh còn rút từ trong cặp ra một xấp các loại catalogue in hình những chiếc máy tính xanh xanh, đỏ đỏ kèm theo một lô, một lốc những thông số kỹ thuật mà anh càng giảng giải tôi càng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Sau bài thuyết trình, anh tiếp tục động viên tôi gia nhập thế giới tin học. Tôi tỏ vẻ ngần ngại: “Lớn tuổi rồi...”. Trần Đăng Khoa sốt sắng: “Để tôi dạy cho!”. Tôi chỉ ậm ừ. Tới khi cơ quan cấp cho một chiếc máy vi tính, tôi đem ngay về nhà. Lắp đặt xong xuôi đâu vào đấy, anh thợ hướng dẫn cho vài điều cơ bản, tôi gục gặc đầu ra vẻ sành sỏi, am hiểu. Đợi khi anh thợ ra khỏi cửa, trước con mắt ngạc nhiên của cả nhà, tôi lấy một tấm vải hoa phủ lên máy và tuyên bố: “Không ai được thò tay vào đây!”, làm như chiếc máy tính thuộc về một thế giới khác. Thế là mấy ngày liền, trong nhà tôi thi thoảng lại có người nhẹ nhàng vén tấm vải hoa lên để kính cẩn ngắm nhìn cái mỗ máy vạn năng mà chưa biết nó vạn năng như thế nào! Và cỗ máy ấy chắc sẽ còn yên vị lâu lâu nếu tôi không chịu khó theo học “ông thầy” Trần Đăng Khoa.

Chẳng là do biết tôi đã có máy tính, Trần Đăng Khoa càng nhiệt tình thúc bách tôi học nghề. Vốn biết anh bạn là người đôi khi hơi bông phèng nên tôi chỉ ậm ờ. Sau nể quá, đành cố một lần leo bốn vòng cầu thang lên “thư phòng” của Trần Đăng Khoa (hồi ấy anh chưa lấy vợ, nhà vẫn ở khu tập thể 12 Lý Nam Đế). Dẫn tôi vào phòng, Trần Đăng Khoa kéo ghế trịnh trọng ngồi trước bàn vi tính, miệng nói: “Đây là khởi động”, đồng thời nhấn tay vào CPU và bảo tôi chờ đến khi cái đồng hồ cát biến mất mới được làm việc. Sau đó, chàng hướng dẫn đây là con chuột, đây là bàn phím. Vào My Documents xong đâu đấy, chàng gõ mấy chữ rồi nói: “Đại khái thế”. Tôi hỏi, muốn gõ chữ Â thì làm thế nào? Chàng lấy một tờ giấy và viết: â = a + a, ă = a + w, ô = o + o, đ = d + d,... rồi nhường ghế để tôi ngồi “gõ”. Sau khoảng 15 phút, “ông thầy” rất sung sướng vì thấy học trò gõ được mấy hàng chữ đâu ra đấy. Thế là Trần Đăng Khoa liền kết thúc chương trình đào tạo tin học văn phòng đầu tiên, và hình như cũng là chương trình cuối cùng, để chuyển sang phần đi... ăn “cơm bụi”. Từ đó, mỗi khi bàn đến tin học mà có mặt cả hai anh em, bao giờ Trần Đăng Khoa cũng tự hào giới thiệu: “Tôi dạy vi tính cho lão Hòa suốt!”. Nhiều người không tin hỏi lại, tôi gật đầu mà họ vẫn không tin. Thôi thì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dẫu hôm nay chẳng gì tôi cũng gõ bàn phím bằng tám ngón tay, chứ không như “ông thầy” của tôi vẫn còn đang thoả mãn với trình độ mổ cò nhoay nhoáy với hai tay hai ngón!

Với một quân nhân đã có 32 năm quân ngũ, thì bảy năm làm việc tại Văn nghệ Quân đội không phải là dài. Nhưng với một người làm lý luận, phê bình và làm báo như tôi thì về nghề nghiệp, đó là khoảng thời gian quan trọng và hữu ích. Nhờ những ngày sống, làm việc tại Văn nghệ Quân đội mà tôi có điều kiện được gần gũi nhiều nhà văn, nhà thơ. Rồi từ sự gần gũi, tôi mới hiểu thêm về lao động văn học, biết chia sẻ với nỗi vất vả của lao động chữ và hơn tất cả, là niềm tự hào được sống trong một môi trường đã được tạo dựng nên từ các thế hệ “nhà văn - chiến sĩ” đúng với ý nghĩa của khái niệm này. Với mỗi người, sống và làm việc ở đâu cũng có những niềm vui, có cả những nỗi buồn, những điều chưa vừa ý, đó là sự thật. Nhưng nếu lấy những nỗi buồn, những điều chưa vừa ý làm tiền đề để hồi suy, người ta sẽ khó lòng tìm được sự bình yên cho tâm trí, chưa nói là các kỷ niệm dễ trở nên nặng nề. Tôi viết như vậy vì tôi nghĩ, điều quan trọng là dấu ấn sâu sắc để lại, là sự trưởng thành. Rời Văn nghệ Quân đội đến nay là tròn sáu năm, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ Nhà số 4 là “cơ quan cũ”, mà luôn coi đó cũng là ngôi nhà của mình, nơi đã góp phần làm nên sự trưởng thành của chính tôi. Sau sáu năm, Văn nghệ Quân đội của tôi đã khác trước. Khác trước không chỉ một đội ngũ nhà văn, nhà thơ trẻ trung và tài năng, khác trước còn ở việc giờ đây, niềm mơ ước một thời của những người như tôi đã trở thành hiện thực. Bởi Văn nghệ Quân đội giờ đã ra mỗi tháng hai số, lại có Văn nghệ Quân đội điện tử với nội dung sinh động, phong phú. Vậy là, mới ngày nào những nhà văn - chiến sĩ còn e dè với máy tính điện tử, với Internet thì giờ đây, đồng đội của tôi có khả năng làm chủ. Thế là mừng, thế là thêm tin tưởng. Và bởi vậy, tôi càng tự hào vì có một thời tôi đã tới “định cư”, được làm công dân của Nhà số 4 phố Lý Nam Đế - Hà Nội!

NGUYỄN HÒA



 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)