Lần đầu tiên tôi đến ngôi nhà số 4, trụ sở tạp chí Văn nghệ quân đội là lần đi họp những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất ở hội trường câu lạc bộ quân đội hiện nay, cuộc họp được tổ chức vào mùa thu 1957. Vinh dự cho những người viết văn trẻ toàn quân là được Bác Hồ tới thăm và nói chuyện. Đây là lần đầu chúng tôi được gặp Bác, nhìn thấy Bác và nghe Bác nói chuyện trực tiếp. Trong cuộc hội nghị đó, chúng tôi còn được nghe đồng chí Trường Chinh nói chuyện về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng, đồng chí Tố Hữu nói chuyện sáng tác văn học, đồng chí kể quá trình làm bài thơ Người con gái Việt Nam, nghe tham luận của Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc và nhiều nhà văn quân đội khác. Chúng tôi ở ngay doanh trại trong thành, từ nơi ở, những buổi tối, chúng tôi băng qua những vườn chuối, theo lối đi ngoắt ngoéo vào ngôi nhà số 4 từ phía sau. Từ tháng 2 – 1957, ở đơn vị chúng tôi đã được đọc tạp chí Văn nghệ quân đội. Đối với những người viết trẻ ở đơn vị, tờ tạp chí vô cùng quan trọng, ngoài nhu cầu thẩm mỹ, tờ tạp chí còn như sách giáo khoa về nghề nghiệp, chúng tôi đọc và học cách làm thơ, cách viết truyện ngắn. Hưởng ứng cuộc vận động viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, phòng chính trị quân khu triệu tập một số anh em viết văn trẻ ở các đơn vị về Vinh. Chúng tôi mượn nhà dân làm nơi ăn ở và viết. Tôi viết được ba truyện: Đôi bạn, Dưới chân đỉnh Long Phù và Chuyện một người cha. Một tháng viết liền ba chuyện cũng là nhiều. Tôi gửi chuyện Dưới chân đỉnh Long Phù ra Hà Nội, mấy tháng sau thấy truyện được đặt tên cho tập sách “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” của nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Đó là truyện đầu tiên của tôi được in vào một tập sách. Dĩ nhiên là vô cùng sung sướng. Trong thời gian này, viết văn, làm thơ đã thành một nhu cầu, một công việc cuối ngày và những ngày chủ nhật. Tôi là trung đội trưởng một trung đội bộ binh, nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng thấy một số bài thơ của tôi đăng trên báo Cứu quốc, những bài ký, truyện ngắn đăng trên báo Quân đội nhân dân, có tên trong danh sách những người viết văn trẻ của quân khu, hội viên hội văn nghệ khu 4 nên đơn vị thông cảm và giúp đỡ tạo điều kiện cho tôi sáng tác.
Năm 1958, tạp chí Văn nghệ quân đội mở cuộc thi truyện ngắn viết về bộ đội trong xây dựng hòa bình, đây là cuộc thi truyện ngắn đầu tiên của tạp chí. Đơn vị tôi đang khai thác đá để xây dựng doanh trại, trong những ngày nghỉ tôi viết truyện ngắn Tuổi hăm hai và gửi dự thi. Tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn cũng mở cuộc thi truyện ngắn, tôi gửi dự thi truyện Đôi bạn. Đầu năm 1959 hội nghị những người viết văn trẻ toàn miền Bắc khai mạc ở Thái Hà ấp – Hà Nội. Những người viết văn trẻ của quân khu 4 có tôi và Xuân Thiều – Xuân Thiều đã từ trung đoàn 269 về lữ đoàn 341 bảo vệ giới tuyến, làm chủ nhiệm câu lạc bộ lữ đoàn. Hai cuộc thi truyện ngắn đã kết thúc. Truyện ngắn Tuổi hăm hai được giải của tạp chí Văn nghệ quân đội và truyện ngắn Đôi bạn được giải của tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn. Trong những ngày ở Hà Nội tôi sửa chữa thêm bốn truyện ngắn khác, cùng với hai truyện ngắn được giải, tập hợp thành một tập truyện ngắn lấy tên là Chuyện một người cha gửi nhà xuất bản Văn học. Cuối năm 1959 tôi được đơn vị tuyển chọn đi học nước ngoài. Trong tư tưởng tôi diễn ra những suy nghĩ gay gắt. Quân đội đang từng bước xây dựng chính quy, hiện đại, đi học nước ngoài lúc này là niềm mơ ước của bao nhiêu sĩ quan, mặt khác tôi lại vừa nhận được thư của anh Minh Huệ và Xuân Hoàng biên tập viên nhà xuất bản Văn học, báo tin tập truyện của tôi sẽ xuất bản vào quý I năm 1960. Tập truyện ngắn đầu tiên trình làng, như vậy con đường viết văn cũng đã mở ra trước mắt tôi. Tôi đã mầy mò, cặm cụi viết gần chục năm, đến bây giờ mới in được một tập truyện ngắn. Tôi hiểu văn học – nghệ thuật giống như một sân khấu giữa đời, không có cửa vào, không có cửa ra. Để độc giả biết tên mình, nhớ được tên mình đâu phải dễ. Khắc nghiệt thế, liệu có theo được không? Hay lại nửa đường đứt gánh?
Đầu năm 1960 tôi cùng với mấy sĩ quan trong lữ đoàn được chọn đi học nước ngoài có lệnh tập trung ở quân khu, rồi ra Hà Nội chuẩn bị lên Lạng Sơn học văn hóa và ngoại ngữ. Trong những ngày ở trạm 66, tôi đến tạp chí, các anh biết tin tôi đi học nước ngoài khuyên tôi nên về Văn nghệ quân đội. Anh Văn Phác chủ nhiệm tạp chí nói với tôi: “Cấp trên sẽ nghiên cứu nguyện vọng của cậu, nếu cậu muốn theo con đường viết văn, muốn về Văn nghệ quân đội, thì tạp chí sẽ đề nghị lên Tổng cục, Tổng cục đề nghị với Quân khu. Tổng cục đã chỉ thị cho phòng văn nghệ tổ chức một trại viết cho những người viết văn trẻ toàn quân, cậu có thể xin tham gia trại viết.” Được lời như cởi tấm lòng, tôi đề đạt nguyện vọng về Văn nghệ quân đội và tham gia trại viết. Những ngày chờ đợi ở trạm 66 thật khó ngủ. Hai tuần sau tôi nhận được quyết định thôi không đi học nước ngoài và về dự trại viết toàn quân. Trong thời gian này, Tổng cục cũng đã điều đồng chí Xuân Thiều, chủ nhiệm câu lạc bộ lữ đoàn về phòng văn nghệ. Trại viết toàn quân mở ở Phương Liệt, huyện Thanh Trì, đây là cơ ngơi một đại địa chủ. Tham gia trại viết đều là những người có tác phẩm đăng trên tạp chí: Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, Vinh Tú, Văn Dân, Dân Hồng, Mai Vui, Xuân Sách, Xuân Khánh… hầu hết đều viết tiểu thuyết. Tôi viết tiểu thuyết Cuộc chiến đấu mới viết về bộ độ bảo vệ giới tuyến huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Biết tôi viết tiểu thuyết về bộ đội trong hòa bình anh Từ Bích Hoàng xuống thăm trại và cho tôi mượn bản thảo tiểu thuyết Mạnh hơn nguyên tử của một nhà văn Liên Xô cũng viết về bộ đội Xô viết trong hòa bình. Tôi đọc ngấu nghiến, học tập được khá nhiều về cuốn tiểu thuyết này. Cuối trại, nghiệm thu tác phẩm, cuốn tiểu thuyết của tôi còn phải sửa chữa nhiều. Bế mạc trại, tôi, Xuân Sách, Xuân Khánh được điều về bổ sung cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi ở tổ văn xuôi. Anh Văn Phác chủ nhiệm tạp chí gặp ba chúng tôi, anh nói: “Các cậu đã là thành viên chính thức của tạp chí rồi, các cậu cần phải học tập nhiều, học tập cách viết của những đồng chí đã có tác phẩm, học tập làm công tác biên tập, công tác bạn đọc, đặc biệt cần đi thực tế để có những bài viết mới”. Trong gần bốn năm ở tổ văn xuôi của tạp chí, tôi đọc, học và đi khá nhiều, viết cũng khá nhiều truyện ngắn, một số truyện đăng trên tạp chí, một số truyện đăng trên báo Quân đội nhân dân, nhưng số truyện hỏng cũng không ít. Năm 1962 tôi xin chữa tiểu thuyết Cuộc chiến đấu mới. Tôi gần như viết lại hoàn toàn nhưng vẫn chưa ưng ý. Tôi quyết định sang năm 1963 sẽ sửa chữa tiếp. Thời gian này ở tòa soạn đã có một sự kiện mới: Nguyễn Ngọc Tấn và Nguyên Ngọc đã được lệnh chuẩn bị vào lại chiến trường miền Nam. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam sau đồng khởi phát triển rất nhanh. Nhiều lần đi thực tế ở các sư đoàn, trung đoàn chủ lực, tôi đã thấy các đơn vị tuyển chọn chiến sĩ, cán bộ, thành lập những tiểu đoàn bổ sung vào các chiến trường. Cuộc chiến đấu mới để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã là một hiện thực lớn lao rồi, nhưng vấn đề tôi đặt ra trong tiểu thuyết Cuộc chiến đấu mới vừa sửa chữa xong đã lạc hậu. Chiến trường đã cần sự có mặt của văn nghệ sĩ. Sau Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn chắc sẽ đến lượt tôi vào chiến trường. Tôi trẻ nhất ở tạp chí, chưa có gia đình riêng, người yêu thì mới dập dạp, chơi vơi, không có gì ràng buộc cả. Tôi sẵn sàng chờ đến lượt mình. Đầu năm 1964, tôi nghe tin có một đoàn cán bộ chiến trường Nam Trung Bộ ra Hà Nội, đoàn ra đồng chí Sáu H tham mưu trưởng dẫn đầu. Nguyên Ngọc vào chiến trường khu 5, Nguyễn Ngọc Tấn vào chiến trường Nam Bộ, còn khu 6 (Nam Trung Bộ) chưa có ai. Tôi bắt đầu tìm hiểu về chiến trường cực Nam. Quả nhiên, một buổi sáng tháng 5/1964, tôi vừa tập thể dục và tắm xong đã thấy anh Vũ Cao phó chủ nhiệm đến cơ quan. Anh đến sớm hơn mọi ngày. Thấy tôi anh nhìn có vẻ chăm chú, anh vẫy tay, tôi đến gần, anh gần như nói thầm: “ăn sáng xong vào phòng mình có việc quan trọng đấy”. Việc quan trọng? Tôi đoán ngay là việc gì rồi, tuy vậy tôi vẫn thấy hồi hộp, tôi bỏ bữa ăn sáng, sang phòng anh Vũ Cao. Anh đã pha sẵn ấm chè, anh rót cho tôi một chén “uống đi”. Tôi đặt chén chè trên tay, nhìn anh chờ đợi. “Cậu đi B được không?” “Tôi đi được, nhưng đi chiến trường nào anh?” “Khu 6 – Nam Trung Bộ. Chiến trường xin Tổng cục một đoàn văn hóa – văn nghệ. Nhưng cậu có khó khăn gì không? Đi lâu dài đấy, giống như Nguyên Ngọc và Nguyễn Ngọc Tấn”. “Tôi còn mẹ già ở quê nhưng em trai tôi ở công an vũ trang, tôi sẽ bàn với cậu ấy. Tôi xin phép về thăm mẹ ít ngày”. “Chuyện ấy được thôi, nhưng phải giữ bí mật, cậu cứ nói là cậu đi học nước ngoài, cậu đi rồi, bọn mình sẽ vào thăm cụ, dần dà nói cho cụ biết”.
Đoàn văn hóa – văn nghệ bổ sung vào chiến trường khu 6 gồm cán bộ khung một đoàn văn công (kịch, múa, nhạc), một tổ quay phim, một tổ chiếu bóng, một họa sĩ, một tiểu đội giáo viên văn hóa, tôi được Tổng cục chỉ định làm chính trị viên đoàn và bí thư chi bộ. Đồng chí nhạc sĩ Phong Kỳ ở đoàn văn công Tổng cục làm đoàn trưởng. Đồng chí Toản quay phim làm đoàn phó. Đoàn thành lập xong, đồng chí Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã gặp ban chỉ huy đoàn, đồng chí dặn dò nhiều điều, với tôi, đồng chí nói: “Vào trong chiến trường sống và chiến đấu cùng đồng chí, đồng bào, viết ngắn, viết kịp thời cổ vũ cuộc chiến đấu. Nhớ ghi chép, tích lũy để sau này viết dài về chiến tranh.” Chúng tôi tập trung ngay ở đoàn kịch nói quân đội ăn bồi dưỡng và tập mang gạch. Trước ngày đoàn lên đường vào Thọ Xuân – Thanh Hóa nhận trang bị đợi ngày vào Nam, tạp chí tổ chức bữa tiệc tiễn chân tôi ở cửa hàng ăn Phú Gia, trong một phòng ăn riêng. Toàn thể các thành viên của tạp chí đều có mặt. Sau đó gia đình các anh Hồ Phương, Hữu Mai, Xuân Thiều, Hải Hồ, Doãn Trung lần lượt mời tôi tới nhà ăn cơm. Các anh các chị gắp thức ăn cho tôi, các chị nói vui: “Chú yên tâm lên đường vào Nam, ngày chiến thắng trở về, nếu chú chưa có người yêu trong đó, chúng tôi sẽ tìm cho chú một cô hết ý”. Còn các anh thì trao đổi thêm với tôi về cách lấy tài liệu, ghi chép và dặn viết được gì thì gửi ra ngay. Những bữa cơm tiễn biệt ấy vô cùng ấm áp, xúc động, cho đến bây giờ, đã ba mươi hai năm nhưng tôi vẫn nhớ nét mặt từng anh, chị, nhớ từng món ăn trong những bữa cơm chia tay ấy.
Hồi đó việc đi B vẫn còn phải giữ bí mật, với văn nghệ sĩ phải đổi bút danh. Bút danh tôi là Trúc Hà, quê tôi nằm bên bờ con sông Lam nổi tiếng thơ mộng, làng tôi rất nhiều tre. Cái tên Trúc Hà tôi chọn từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học. Nguyên Ngọc lấy tên mới Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Ngọc Tấn lấy tên mới Nguyễn Thi (Thi là tên con trai anh tấn), Lê Khâm lấy tên mới là Phan Tứ, Bùi Đức Ái lấy tên mới là Anh Đức.Tôi chưa biết lấy tên mới là gì, tôi chưa vợ con, người yêu còn chơi vơi. Một hôm Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng bên xưởng phim quân đội sang, Xuân Thiều dưới phòng văn nghệ, Xuân Sách tới, tất cả kéo vào phòng làm việc cũng là phòng ở (phòng Nguyễn Đức Mậu đang ở bây giờ). Tôi nêu ý kiến về tên mới. Phù Thăng nói ngay: “Đi B tức là vào Nam. Ông tên Hà, lấy tên mới là Nam Hà, đúng quá và đẹp quá rồi còn gì.” Tất cả đều hoan hô. Bút danh Nam Hà ra đời từ đó. Ngày tôi chuẩn bị vào Thanh Hóa, anh Thanh Tịnh tặng tôi một con dao nhíp, một chiếc bật lửa, mấy chục viên đá lửa và một cái lọ con con nhét đầy bông đã tẩm dầu. Anh nói: “Chiếc bật lửa và con dao nhíp là hai vật không thể thiếu trong những tháng vượt Trường Sơn và những năm ở rừng. Hà giữ mà dùng, miềng cũng tặng Ngọc và Tấn những thứ này”. Còn chú Doãn Trung thì mấy buổi đi lùng ở chợ trời mới tìm mua được một chiếc hăng gô của Pháp, chú còn sắm cho tôi hai đôi tất – loại tất của cầu thủ đá bóng – chú bảo rừng lắm vắt, đừng để vắt hút máu. (Chú Doãn Trung có họ bên ngoại – tôi là bậc cháu). Ngày cuối cùng tôi về chào mọi người để khuya vào Thanh Hóa là một ngày chủ nhật. Cơ quan chỉ còn anh Mạn công vụ và anh Thanh Tịnh. Tôi gửi chìa khóa chiếc tủ con doanh trại cấp phát, trong có bản thảo, sách, một vài đồ dùng, chiếc thẻ thương binh và sổ thương tật, còn quân phục tôi để hết cho anh Mạn dùng. Tôi nhờ anh Mạn coi giúp chiếc tủ. Tôi sang phòng anh Thanh Tịnh, anh nói: “Hà đi theo miềng”. Tôi theo anh xuống cầu thang, anh dắt chiếc xe đạp Stecling, cỡ vành 700, không chắn bùn, không chắn xích, anh bảo tôi ngồi phía sau, anh đèo tôi ra phố Hàng Da và đưa tôi vào một quán cà phê: “Miềng biết Hà không uống được rượu. Tiễn nhau một chén quan hà. Thì Hà uống cà phê vậy – Tiễn nhau một ly cà phê để thương để nhớ nghe Hà!”.
Sau hơn 7 năm ở chiến trường Nam Trung Bộ và ba năm ở chiến trường miền Đông, tháng 8/1974 tôi được ra Bắc chữa bệnh. Biết tin tôi đang ở đoàn an dưỡng ở Thường Tín, tòa soạn đã cử chú Doãn Trung cùng đồng chí Hồ lái xe xuống đoàn an dưỡng làm thủ tục đưa tôi về lại tạp chí. Khi tôi xuống xe trước cổng nhà số 4 hầu như tất cả các đồng chí ở tạp chí đều có mặt. Mọi người nhìn tôi và cười rồi lần lượt ôm chặt lấy tôi, còn tôi thì rưng rưng nước mắt. Tạp chí liên hệ với bệnh viện 103, tôi xuống viện làm cuộc tổng kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh.
Trong đời công tác và chiến đấu của mỗi người đều có những bước ngoặt, những cái mốc đáng nhớ. Tôi về Văn nghệ quân đội là một bước ngoặt, tôi đi chiến trường là một cái mốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đọng lại trong tôi những ấn tượng không bao giờ phai: “Lâu dài quá, ác liệt quá, gian khổ và anh hùng quá”. Còn tạp chí Văn nghệ quân đội với tôi là lớp học, là bàn đạp, là bệ phóng, là chỗ dựa, là niềm tin và hơn hết, đó là một gia đình lớn”
NAM HÀ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn