VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những chuyện tình nghĩa (VƯƠNG TRÍ NHÀN)

Thứ Ba, 21/06/2011 09:03

Đỗ Chu và Phạm Tiến Duật, Lê Lựu và Triệu Bôn, Nguyễn Khắc Phục và Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh và Mỹ Dạ, vv… Bây giờ đây các anh các chị ấy đã là những nhà văn trưởng thành, mỗi người có sau lưng dăm bảy cuốn sách, một số chỉ lo viết, một số lại gánh vác các trọng trách ở một tờ báo, một hội nhà nghệ nào đó. Nhưng có một thời – khoảng hai chục năm trước đây – các anh các chị vẫn được gọi bằng một cái tên chung: các nhà văn trẻ, những cây bút thuộc một lượng trẻ, mạnh mẽ sôi nổi, chứng tỏ sinh khí của văn học những năm chống Mỹ. Con đường mỗi người đi đến một nghề nghiệp có những nét riêng, không ai giống ai. Nhưng do xuất hiện gần như cùng thời, trưởng thành cùng thời, nên giữa tất cả vẫn có những nét chung với tờ tạp chí mà đầu năm 1987 đây sẽ là kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của mình – tạp chí Văn nghệ quân đội. Do có may mắn công tác ở bộ phận nghiên cứu – phê bình – thời sự văn học của tạp chí trong gần như suốt thời chống Mỹ, nên tôi có ghi nhớ được một số chi tiết về người và việc. Nhắc lại những kỉ niệm đó ở đây, cái cảm tưởng chung nhất đến với tôi là chúng ta – cả những người viết và tờ tạp chí, chúng ta cùng có quyền tự hào vì một thời mình đã sống hồn nhiên, trong sáng vầ đầy tình nghĩa với nhau. Sở dĩ tôi dám viết theo lối tách riêng nói về từng người một vì biết rằng trong mỗi câu chuyện, đều có bóng dáng chung của nhiều người chúng ta trong đó.

Đỗ Chu

Ngay từ những năm 1963, 1964, một số truyện ngắn xuất sắc của Đỗ Chu như Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Chiến sĩ quân bưu đã được in ra trên Văn nghệ quân đội trong sự chào đón khá nồng nhiệt của những người cầm bút và đông đảo bạn đọc. Người ta chia sẻ với nhau một hy vọng: liệu có phải đây là những khúc dạo đầu của một tài năng? Bởi vậy, khi được biết Đỗ Chu đi bộ đội, nhiều cây bút cũ ở tạp chí như Hồ Phương, Hữu Mai, Hải Hồ… đều tỏ ý vui mừng, và động viên Đỗ Chu viết thường xuyên cho tạp chí. Tôi còn nhớ cái cảm giác bao trùm trong những lần theo Đỗ Chu đến với tạp chí tự nhiên thế, y như thổ công ở đây từ lâu. Cho đến sau này, khi tôi đã về làm quân của anh Nhị Ca, nghĩa là một thứ người của nhà này rồi, cái cảm giác đó vẫn còn theo tôi không dứt. Bởi mặc dù chỉ xuất hiện ở đây chốc lát, nhưng con người dong dỏng cao trong bộ quân phục áo xanh lá cây, quân xanh lục đó – hồi ấy, Đỗ Chu ở Bộ tư lệnh phòng không không quân – hầu như có thể “lăn” vào mọi phòng, trò chuyện một cách thân mật với mọi biên tập viên và các nhà văn thuộc biên chế cơ quan. Anh bảo rằng số báo vừa ra truyện này được, truyện kia chưa được. Anh lưu ý trại viết nọ có cậu X. nào đó viết cái truyện khá lắm, các ông nên lấy mà đăng cho nó đi. Lối nói của Đỗ Chu rành rọt, dứt khoát, đôi khi có pha thêm chút hài hước và bao giờ cũng ráo riết thắt buộc; giọng của Đỗ Chu vang, khỏe nên Đỗ Chu ngồi đâu, trong số tám cái phòng của gác hai nhà số 4 Lý Nam Đế này, là chỗ đó sôi nổi hẳn lên. Tuy không có thì giờ ngồi “tán” như anh em, nhưng các đồng chí phụ trách cơ quan lúc ấy anh Vũ Cao, anh Từ Bích Hoàng đôi khi cũng ghé qua, vành mắt trìu mến tỏ ý khuyến khích cuộc trò chuyện là vui khi thấy mối quan hệ giữa tạp chí với anh em công tác viên có được sự thân mật cần thiết. Theo như cách nói của Vũ Cao thì ở Đỗ Chu và tất cả những bạn trẻ khác lúc ấy đều có một vẻ giống nhau, một thứ “nhốn nháo cách mạng” nó toát ra cái hồn nhiên, tự do, suồng sã không biết sợ… trong cách ăn nói cư xử, nó cũng là điều kiện tốt để các anh phát huy hết sức trẻ trong việc biểu hiện tâm lý tình cảm đồng đội và những thanh niên cùng lứa.

Khi một lớp nhà văn trẻ hình thành thì cũng là lúc họ đặt ra cho văn học nhiều vấn đề cùng suy nghĩ, và đấy là điều đã xảy ra với các cây bút trẻ hồi chống Mỹ. Có lẽ vì thế, nên trong một số câu chuyện tay đôi, tay ba giữa Mai Ngữ và Xuân Sách, Hải Hồ và Nguyễn Minh Châu, v.v… cũng như trong một số buổi họp cơ quan, Đỗ Chu và các bạn khác vẫn luôn luôn được nhắc tới. Các nhà văn lớp trước thấy lại con đường đến với văn học của mình qua sự quan sát lớp nhà văn trẻ mới hình thành. Riêng Đỗ Chu thì lại càng được nhắc nhở nhiều: Người này nhìn thấy ở Đỗ Chu cái duyên riêng của lớp người trẻ, nên đọc bao giờ cũng thấy cuốn hút. Người khác bảo cái đó thì ai cũng có, bởi ai mà chả có lúc sôi nổi vào nghề; vậy với Đỗ Chu, phải xem con đường phát triển lâu dài ra sao, bằng chứng là trong một số bài ký, tác giả Phù Sa đã có phần viết theo lối quen tay, văn vẻ cứ kêu toáng lên, mà nội dung chả có gì. Trong khi thành thật khuyên Đỗ Chu tu dưỡng cho tốt, thành người chiến sĩ tốt, ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu mà một người làm nghề “tự do” thường có (như tự kiêu, xa đơn vị, xa anh em), đồng thời nhiều người động viên Đỗ Chu đi những chuyến dài ngày vào với các đơn vị tuyến trong, để, biết đâu, nhờ thế, có những tác phẩm vững chãi hơn, sức lực hơn. Và Đỗ Chu đã đi thật, trong đó, chuyến đáng nhớ nhất, là lần anh cùng với Nguyễn Trí Huân vào với các đơn vị thanh niên xung phong, cao xạ pháo đường 20 hồi cuối năm 1968. Sau chuyến đi này trở về Đỗ Chu dự trại viết toàn quân, viết Ráng đỏ, để gửi đăng Tạp chí Tác phẩm mới, số đầu ra mắt, tháng 4-1968), sang khổ nhỡ (dùng từ 1969 đến 1973). Ghi chép trên một chặng đường in liền trong một số, tới 50 trang in. Tôi nhớ hôm Đỗ Chu đến chơi, anh Vũ Cao cũng đứng đấy nói đùa: “Số này, ông Chu ông ấy nằm ềnh ra suốt mấy chục trang còn gì”. Nói chung, thấy Đỗ Chu đi về bình yên, lại viết được ai cũng mừng. Một lần nào đó cô Điệp, cô đánh máy xinh đẹp của cơ quan, mới từ văn công chuyển về cũng bảo: “Cầm truyện của anh Chu trên tay, em cứ phải đọc cho hết rồi mới đánh máy được”.

Phạm Tiến Duật

Trong mấy năm đầu chống Mỹ, 1965-1968 Phạm Tiến Duật công tác ở cục vận tải quân sự, nghĩa là ở ngay Hà Nội và rất gần Hà Nội, nhưng thơ anh lại được mọi người chú ý nhiều. Sau khi được tặng giải nhất trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1969-1970 (với các bài Lửa đèn, Gửi em, cô thanh niên xung phong) tiếng tăm của Phạm Tiến Duật, nếu không sợ quá, có thể bảo “nổi lên như cồn”, đâu đâu cũng nghe bàn tán đến thơ anh, thì Phạm Tiến Duật phần nhiều lại công tác ở các mặt trận phía trong, đoàn 500, đoàn 559, và chỉ thỉnh thoảng mới ghé về Hà Nội. Trong “Một lần tới Thủ đô” đó, đợt từ tháng 5 đến tháng 9-1970, nhà thơ ở tạm ngay trong một căn buồng trên gác hai tòa soạn tạp chí. Trong những ngày ấy, mấy cô hành chính của cơ quan “chạy cứ gọi là long đầu gối” vì khách khứa, điện thoại của Phạm Tiến Duật. Có điều, anh em trong cơ quan cũ cũng vui vì đã chứng tỏ được tấm lòng ưu ái của mình với những tài năng đang công tác ở các đơn vị phía trước.

Tuy không luôn luôn có mặt ở tạp chí như Đỗ Chu, nhưng Phạm Tiến Duật những năm ấy – nhất là từ 1970 trở đi – cũng luôn luôn được mọi người nhắc nhở tới. Về cách sống, cách đi, cách quan hệ với mọi người cũng có, không những được các anh biên tập thơ săn đón, dặn gửi bài mà Phạm Tiến Duật còn “chinh phục” được nhiều anh em viết văn xuôi trong tòa soạn. Chính Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Mai Ngữ lại rất hay bàn đến thơ Phạm Tiến Duật. Một buổi tối, theo nhã ý của nhà thơ Chế Lan Viên lúc ấy là trưởng tiểu ban thơ Hội nhà văn Việt Nam, Nguyễn Khải đưa Duật lại chơi tác giả Ánh sáng và phù sa ở 51 Trần Hưng Đạo, hồi đó là khoảng đầu năm 1970.

Lê Lựu

Trong một bài viết về con người Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân có dẫn lại nhận xét của nhà văn Pie Abraham sau một lần tiếp tác giả Những ngày thơ ấu tại khách sạn Thống Nhất: “Nguyên Hồng đã đưa vào phòng khách sạn thành phố tất cả những phù sa quý giá của đồng ruộng ven sông Hồng”. Mỗi lần nhớ tới ấn tượng những lần đầu gặp Lê Lựu ở số 4 Lý Nam Đế, trong những năm chống Mỹ, tôi cũng muốn kêu lên như vậy. Nghĩa là luôn luôn tôi cảm thấy Lê Lựu cũng từ một trận địa nào đó trở về. Đã đành hồi đó, tất cả chúng tôi đều ăn mặc đơn sơ hơn bây giờ, và chúng tôi lại là bộ đội, quần áo mang trên người không gì khác là bộ quân phục chưa chữa chạy gì cả. Song tại sao, bên cạnh những Thao Trường, Nguyễn Trí Huân, Tô Hoàng, v.v… Lê Lựu trông vẫn có vẻ bùn đất hơn, quần ống thấp ống cao như đang vất vả một việc gì đó, và chỉ rẽ vào chỗ chúng tôi chơi một loáng rồi lại phải về làm việc ngay. Mà cái cách đến chơi của Lê Lựu cũng khác thường. Trong lúc mọi người trò chuyện, anh sẵn sàng nằm lăn ra sàn, vẻ lơ mơ như đang rất thèm nghỉ sau những ngày bận bịu. Còn văn chương chữ nghĩa là của mọi người, mình đâu có biết! Cố nhiên để ý thì thấy trong khi lơ mơ như vậy, Lê Lựu vẫn lắng nghe đủ chuyện và có thể tối hôm ấy, trở về, lại cày thật lực bản thảo. Âu cũng là những thói quen của mỗi người, chẳng có gì là lạ!

Mỗi lần nhắc tới sụ trưởng thành của Lê Lựu, nhà phê bình Nhị Ca lúc ấy là vị huynh trưởng đầy kinh nghiệm của tôi vẫn nhắc tới đoạn văn ngắn Tết làng Mụa, nó là tác phẩm đầu tiên của Lê Lựu đăng trên Văn nghệ quân đội. Hình như các anh Nhị Ca, Nguyễn Khải, Xuân Thiều… đã bắt gặp Lê Lựu ở một trại viết do Quân khu tổ chức, và đã mang tác phẩm ấy của Lê Lựu trở về với một hy vọng còn lờ mờ. “Ấy vậy mà từ Tết làng Mụa đến Người về đồng cói, khoảng cách có ai ngờ nào?!. Khi nêu lên sự trưởng thành vượt bậc của Lê Lựu, ý Nhị Ca muốn nói đến những tận tụy trau dồi nghề nghiệp của tác giả trẻ này, lấy đó làm bài học cho lứa tuổi chúng tôi. Nhưng về phần mình, chính Lê Lựu cũng hiểu rằng không thể có sự trưởng thành kia nếu không có sự tận tình giúp đỡ của những người viết lớp trước. Trong một lần gặp gỡ gần đây với một người bạn viết phê bình văn học, nhân dịp Thời xa vắng ra đời – cuốn Thời xa vắng mà riêng tôi tin là một bước ngoặt trong đời sáng tác của Lê Lựu – nhà văn tác giả Người về đồng cói, Phía mặt trời... còn nhắc lại kỷ niệm: một lần Lê Lựu dẫn Nguyễn Khải về một xã nọ, cùng tác giả Xung đột đi gặp từ bí thư, chủ tịch đến các nhân vật nổi tiếng trong xã. Sau mỗi lần gặp gỡ, Nguyễn Khải lại nói cho Lê Lựu nghe những nhận xét của riêng mình, những thu hoạch nghề nghiệp của riêng mình. Có phải bất cứ người viết nào, lúc mới vào nghề, cũng được một bậc đàn anh tận tình dìu dắt như vậy?

Triệu Bôn

“Mùa xuân năm nay, tôi lại tiễn hai người bạn, hai đồng chí viết văn trẻ lên đường vào mặt trận.

Anh là người chiến sĩ đã mười lăm tuổi quân. Bề ngoài trông anh ai cũng biết ngay là một người lính thực thụ. Trong bộ quân phục quen thuộc, anh đã trải qua nhiều đơn vị, làm nhiều công việc khác nhau. Anh ví von: “Tôi bắt tay vào việc viết văn giống như một người đã đi chu du nhiều nơi và cuối cùng tìm được mảnh đất xem chừng mình làm ăn có thể khấm khá hơn cả”. Từ những câu chuyện anh kể, thấy toát ra một niềm tự tin lớn lao nhưng không phải là bốc đồng. Bảo đảm cho mỗi trang, mỗi dòng của anh hàng trăm con người và sự việc mà anh đã gặp và bây giờ còn thiết tha kể lại, như chuyện của chính mình vậy. Tôi biết rằng truyện anh viết còn bập bõm chỗ được chỗ không. Nhưng với tấm lòng anh, tôi hiểu dưới tay anh có những trang thực sự là văn học.

Còn anh, tuổi quân chưa mấy, mới gặp thấy còn nguyên dáng dấp và lời nói của một học sinh cấp ba. Mơ ước từ lâu của anh là viết văn và anh hiểu con đường đi tới sự mơ ước của mình là lặn lội vào thực tế. Anh đã vào bộ đội, với một tâm tình thành kính và nghiêm trang. Sau một thời gian thử thách – anh đã được đồng chí, đồng đội công nhận như một người lính cầm bút, những mong đóng góp một tiếng nói mới vào công việc văn nghệ quân đội. Ở đâu thì anh cũng vẫn là một người chiến sĩ trẻ lần đầu xung trận, vụng về mà hăm hở, cả quyết mà đơn giản. Ai cũng biết anh chưa làm được gì nhiều nhưng lại thấy có nhiều hứa hẹn.

Mấy ngày trước hôm chia tay, chúng tôi đã ngồi tính lại công việc ngày qua, lo liệu khó khăn sắp tới…”.

Trên đây là đoạn mở đầu cho một bài viết của tôi, bài Hy vọng bắt đầu từ những chuyến đi, in trên Văn nghệ quân đội số 5-1971. Người chiến sĩ trẻ mà tôi nhắc ở phần sau đoạn văn là Nguyễn Trí Huân. Quả thật hồi ấy Nguyễn Trí Huân chưa làm được gì nhiều, nhưng anh đã được mọi người rất quý. Trước khi đi B, Nguyễn Trí Huân tập trung ở 83 Lý Nam Đế, và người đèo xe đạp đưa Nguyễn Trí Huân từ số 4 sáng số nhà 83 cùng phố ấy là anh Từ Bích Hoàng bấy giờ là phó chủ nhiệm tạp chí. Kể ra việc này ai cũng làm được, nhưng phải tự tay mình làm, anh Hoàng mới yên tâm. Nội một chuyện đó thôi, đủ hiểu cái tha thiết của lớp người đi trước, với các cây bút trẻ mới trưởng thành về sau, là như thế nào?

Cả một đội ngũ đông đảo…

Chỉ tính riêng trong phạm vi quân đội thôi lực lượng những người viết trẻ trưởng thành trong những năm chống Mỹ đã rất đông đảo, và như người nào cũng có viết cho Văn nghệ quân đội, đến Văn nghệ quân đội chơi, trò chuyện, bởi vậy, khi muốn nhớ lại, ít chuyện ngày ấy trong tâm trí tôi không khỏi cùng lúc thấy lẫn lộn nhiều kỷ niệm: Chắc Nguyễn Đức Mậu cũng không ngờ là cái phòng hiện nay anh đang ở trên gác 2 số 4 Lý Nam Đế cũng là căn phòng anh từng ghé lại thăm anh Nhị Ca, sau một đợt đi Lào trở về; giữa những người “lính văn phòng” chúng tôi, quả thật Mậu năm ấy nổi bật lên ở vẻ lính chiến thực thụ và anh có rất nhiều điều để kể với mọi người, Nguyễn Duy hồi ấy ở một đơn vị rất hào hiệp với giới văn nghệ là Bộ tư lệnh Thông tin, nhiều lần Nguyễn Duy đã đến rủ anh em viết văn làm thơ ở tạp chí đi thâm nhập các đơn vị thông tin. Thao Trường và Dương Duy Ngữ, Trần Nhương và Phạm Đức, Đình Kính và Chu Văn Mười…người nào chả có lúc bước qua cái cửa rộng của cửa số 4 Lý Nam Đế: người đến đưa bài, người đến mời các nhà văn ở đây tới nói chuyện cho một trại viết nào đó; và giản dị hơn, có người chỉ đến để chơi, để nghe không khí sáng tác có gì lạ, nhất là trước một chuyến đi xa, trong lòng không khỏi có chút dự định…

Chẳng những các bạn mực áo lính mà ngay từ ngày ấy, các cây bút trẻ khác cũng luôn luôn coi Văn nghệ quân đội như gia đình, lui tới trò chuyện. Bây giờ đây, nói tới Nguyễn Khắc Phục, người ta nghĩ đến kịch bản phim anh mới viết, đến bộ tiểu thuyết nhiều tập Bay qua cõi chết trong đó có tập đầu gây nhiều xôn xao: Học phí trả bằng máu. Hình như lâu lắm Phục không viết truyện ngắn! Nhưng có một thời tên tuổi anh gắn liền với những thiên truyện trên dưới chục trang inVăn nghệ quân đội, mà cái nổi nhất là Hoa cúc biển đăng ở số 4-1969. Năm ấy, nhà văn còn là một cán bộ kỹ thuật hằng hải, tận dưới Hải Phòng và điều làm chúng tôi kinh ngạc là anh cứ đi đi về về giữa Hà Nội – Hải Phòng như đi chợ, thỉnh thoảng lên chơi lại quăng ra một bản thảo mới viết, còn dính dầu mỡ. Trước lúc đi B, Nguyễn Khắc Phục cũng rất quyến luyến với Văn nghệ quân đội, thường lại để bàn đủ chuyện. Cùng từ cảng lên với Nguyễn Khắc Phục, còn có hàng loạt anh em Hải Phòng khác. Thi Hoàng và Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng và Đào Cảng… Rồi những nơi khác: từ “Quảng Bình quê ta” ra có Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ. Từ Vĩnh Linh gửi bài ra có Cảnh Trà. Từ mãi các chiến trường xa, có Nguyễn Khoa Điềm, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Ninh Hồ, v.v… và v.v… Ở mỗi số báo, anh Từ Bích Hoàng bao giờ cũng dặn là phải dành số trang đáng kể cho các anh em trẻ thuộc lực lượng văn nghệ giải phóng. Tôi nhớ năm ấy Nguyễn Khoa Điềm không chỉ làm thơ mà còn viết văn xuôi, và cái ký sự Cửa thép của anh cũng được in lần đầu tiên ở Văn nghệ quân đội. Chẳng những thế, khi Cửa thép được nhà xuất bản Giải phóng in ra thành một tập riêng, nhà văn Nguyễn Minh Châu còn viết một bài điểm sách để biểu dương cái chất rắn rỏi khỏe khoắn trong thiên ký sự ấy của Nguyễn Khoa Điềm. Cố nhiên, cũng như bây giờ, lực lượng trẻ trong những năm chống Mỹ cũng tập trung về đây ở các cơ quan báo chí chung quanh Hà Nội và nhiều người trong họ cũng coi số 4 Lý Nam Đế là một “trụ sở” Hội nhà văn của mình”. Người nói điều đó là Xuân Quỳnh. Những năm đầu chống Mỹ, 1965-1966, hình như nhà thơ này có lần đến đề nghị các anh Vũ Cao, Thanh Tịnh xin cho nhập ngũ, để về công tác luôn ở Văn nghệ quân đội. Mặc dù việc đó không thành, nhưng tác giả Hoa dọc chiến hào thường vẫn đến số 4 Lý Nam Đế để khi trao đổi công việc, khi nghe báo cáo tình hình chiến sự, và khi khác… nhờ xin hộ để đi theo một chuyến xe thông tin vào Vĩnh Linh – Quảng Bình, từ đó đi ngược lên đường 20 của đoàn 559. Sau một chuyến cùng đi công tác ở Quảng Bình, năm 1969, Bằng Việt thường đến chơi với Xuân Thiều; mấy năm sau, anh lại có một chuyến đi “suốt Đông Dương”, bên cạnh Lê Lựu. Ấy là không kể năm ấy, với cương vị biên tập viên của tạp chí Tác phẩm mới, Bằng Việt cũng thường đến trao đổi bài vở với Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên, Xuân Sách, Ngô Văn Phú, v.v… Một cộng tác viên khác cũng ở Tác phẩm mới là Bùi Bình Thi thì còn thân mật hơn, có khi sáng đến, chiều đến, tối lại đến với Văn nghệ quân đội. Chả năm đó, Bùi Bình Thi cũng thường đi với các đơn vị đường dây, và từng bám kỹ các đơn vị ta biệt phái bên Lào. Cũng như Đỗ Chu, cách của Bùi Bình Thi đến với Văn nghệ quân đội rất tự nhiên. Và có khi đã thân mật rồi thì có suồng sã cũng không ngại. Tôi nhớ một chuyện ngoài rìa vui vui: lần ấy đồng chí X. mới được điều từ đơn vị về cơ quan làm trị sự. Ngày đầu đến làm việc, trừ anh em trong nhà, còn khách khứa tới, dù quen mấy cũng được X. kiểm tra cẩn thận. Thế là anh “va” phải Bùi Bình Thi. Mọi việc được giải quyết nhanh về mặt thủ tục, nhưng lúc sau, đứng trên cầu thang Thi còn lầu bầu:

- Các ông phải bảo nó chứ. Chả gì tôi cũng đã lên mòn gót cái cầu thang này!

Nghe Thi nói, nhiều người đứng đấy, từ Vũ Cao, Hồ Phương, Xuân Sách… đều rũ ra mà cười.

Những tấm lòng ưu ái

Lẽ ra cùng với việc nhắc nhở lại kỷ niệm cũ, một bài viết như thế này phải phác ra được những ảnh hưởng của tờ tạp chí chúng ta đối với quá trình trưởng thành về tư tưởng và nghề nghiệp của các cây bút trẻ trong thời kỳ từ 1975 về trước. Có điều, đó là một nhiệm vụ quá lớn, không phải mỗi lúc mà một người có thể phác họa được chính xác. Vẫn trong khuôn khổ của những kỷ niệm, cuối cùng, tôi chỉ muốn nói thêm sở dĩ trong tháng năm chống Mỹ, Văn nghệ quân đội được nhiều anh em viết trẻ quý mến như vậy, các đồng chí ở tổ sáng tác- nói chung có một cái nhìn đúng đắn với lực lượng viết mới trưởng thành và rất tin yêu lớp người đi sau mình. Có điều thú vị là cũng cùng tấm lòng ưu ái ấy, nhưng ở mỗi người lại có cách biểu hiện khác. Vũ Cao thường khái quát: “Nếu không có anh em trẻ, tạp chí chúng tôi sẽ xa bạn đọc trẻ tuổi, xa những người lính binh nhì, binh nhất ở các đơn vị”. Từ Bích Hoàng thường đọc anh em trẻ một cách kỹ lưỡng, lặng lẽ theo dõi sự tiến triển của từng ngòi bút, và khi thật cần mới góp ý kiến. Trong khi Hữu Mai kín đáo uốn những cái sai của mọi người thì Hồ Phương thường tồ tồ: “Cánh này xưa cũng nhộn nhạo thế cả”, tuy những lúc khác, trên cương vị chi ủy viên cơ quan, Hồ Phương lại không kém phần nghiêm khắc. Trước những lời khen ngợi, sáng tác của cây bút trẻ Hải Hồ thường công khai tỏ vẻ thản nhiên: “Thì ai chả một thời trai trẻ như thế!”, ý Hải Hồ luôn luôn muốn thách thức để làm sao, từ những sáng tác của Tô Hoàng và Đỗ Chu, Lâm Quang Ngọc và Nghiêm Đa Văn, có được những cái có chất lượng hơn. Nói chung, cả Hữu Mai, Hồ Phương, Hải Hồ, Xuân Thiều, Xuân Sách đều hiểu. Vấn đề không phải chỉ là kết quả sáng tác mà còn phải tìm hiểu kỹ về nhân cách con người, cách sống, cách làm việc của các cây bút trẻ, nó là cái gốc của mọi chuyện. Với Nguyễn Khải thì việc đến với anh em viết trẻ có mục đích rất cụ thể. Tại sao cây bút này mới viết có dăm truyện ngắn đã được nhắc nhở rất nhiều? Liệu nhà thơ trẻ kia có sức đi xa? Thời gian tới, sẽ có những phong cách nào nổi lên? Qua những sáng tác của họ có thể rút ra kết luận gì về sự phát triển tới đây của văn học cũng như cách viết của mình? Luôn luôn những câu hỏi ấy được đặt ra với Nguyễn Khải và anh vừa tìm được cách tự trả lời, vừa bàn bạc với các nhà văn khác để tìm được câu trả lời đầy đủ nhất. Qua cách làm trên đây, có thể hiểu với Nguyễn Khải, việc quan tâm tới lớp người đi sau không phải chỉ là tình cảm, mà còn là trách nhiệm với chính nghề nghiệp của mình nữa…?


VƯƠNG TRÍ NHÀN

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)