VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Có một cỗ xe tứ mã (LÊ THÀNH NGHỊ)

Thứ Hai, 01/08/2011 14:02

Ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội có bốn nhà văn sinh năm Canh Ngọ (1930). Đó là Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu. Tạo hóa xếp chung bốn nhà văn này dưới một mái nhà hình như để thể nghiệm sự tinh nghịch của mình trong địa hạt văn chương: xem xem có chuyện người đi chậm về trước không, có chuyện “Văn tức là người” không, có chuyện “Văn bản vô pháp, văn thành pháp lập” không?...

Thoạt tiên “giáng thế” họ trong cùng một năm Ngọ; để rồi hơn 15 năm sau đó, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, họ cùng vào đời dưới ánh sáng nền dân chủ của chế độ mới. Điều này đối với người viết hết sức quan trọng. Cái tầm vĩ mô của tư tưởng chính trị và triết học của cả thời đại, của cả dân tộc cũng là của từng số phận mỗi người cụ thể... đã được lịch sử lo chung hết sức ngoạn mục. Một cỗ xe đã được đặt vào mốc xuất phát trên đường ray lớn...

Số phận xô đẩy thế nào đó để họ, kẻ trước người sau đều cầm bút sáng tác văn học. Sớm nhất là Hồ Phương và chậm nhất là Nguyễn Minh Châu. Không có một dấu hiệu bẩm sinh ban đầu nào chứng tỏ họ sinh ra là để làm văn học. Nguyễn Khải trước khi cầm bút là y tá, Nguyễn Minh Châu là sĩ quan tham mưu, Hồ Phương là chiến sĩ ở một binh đoàn chủ lực và Xuân Thiều là chiến sĩ bảo vệ giới tuyến. Ai dám bảo Nguyễn Khải sẽ không trở thành y sĩ rồi bác sĩ để trị bệnh cứu người, còn Nguyễn Minh Châu nhận hai quyết định cùng một lúc: hoặc về Văn nghệ quân đội làm biên tập và sáng tác văn học, hoặc sang Liên Xô theo học một trường quân sự. Nếu nhận quyết định thứ hai, ai dám bảo anh không trở thành một cán bộ chỉ huy của quân đội.

Cả bốn người đều có nhiều điểm na ná giống nhau: đang học dang dở một trường quốc học nào đó, biết ít nhiều tiếng Pháp và văn học Pháp, rồi kháng chiến bùng nổ, thế là khoác ba lô vào bộ đội. Họ đều tham gia các chiến dịch cho đến ngày hòa bình, rồi người trước, người sau về làm biên tập viên văn xuôi của tạp chí Văn nghệ quân đội. Nghĩa là có rất nhiều cái “cùng”: cùng tuổi, tạm coi là cùng một trình độ, cùng một con đường, một lý tưởng, một công việc, một chiến hào, được rèn luyện và giáo dục trong cùng một điều kiện giống nhau... Một “tiền đề” đáng chú ý để theo dõi quá trình hình thành của từng cây bút.

Nhưng “nhân thân tiểu vũ trụ”. Mỗi người trong số họ may thay là một vũ trụ nhỏ, có cái hữu hạn và vô cùng của nó... tạo nên, ta tạm gọi là cá tính, tính nết, tố chất... rất khác nhau của mỗi người. Trừ Nguyễn Khải, ba người còn lại đôi lúc có làm thơ. Thơ ca cũng là một nơi dễ nắm bắt bụng dạ người viết nhất. Có thể giấu được mọi điều con người anh, nhưng trong trang viết, nhất là trong sự bộc bạch của thơ, anh không thể giấu. Nghề nghiệp có cái gay go là buộc phải phơi bày con người tư tưởng của mình lên mặt giấy cho thiên hạ nhìn, cho nên bao đời nay người ta dặn nhau lấy cái trung thực làm đầu là vì vậy. Trở lại những cái khác biệt của bốn nhà văn trong cỗ xe tứ mã ta vừa nêu. Nếu Nguyễn Khải là khúc triết, mạch lạc, lý lẽ đến sát góc tận bờ thì Nguyễn Minh Châu đôi khi lại cố ý làm lu mờ các ranh giới giữa ý thức và vô thức của mình và của người đọc. Nếu Hồ Phương là sự biến hóa, thường lúc hào sảng trữ tình chính trị, thì Xuân Thiều thường quẩn quanh mãi với những xúc động bịn rịn của cuộc đời đa sự. Sức hấp dẫn trong những cuộc trò chuyện của Nguyễn Khải với các đồng nghiệp trẻ tuổi là những nhận xét bất ngờ và thú vị, những kết luận chí lý về bài học làm người, hoặc là sự “lật áo” những khuôn mẫu người anh định lấy làm nhân vật cho cuốn sách của mình. Nguyễn Minh Châu thì khác, có vẻ khó khăn trong diễn đạt, khó tháo cởi những ấn tượng về người khác, lặng đi rất lâu trong câu chuyện và hình như những lúc ấy, ký ức của anh về mọi điều định hình theo cách riêng: cốt nhớ lấy một “điểm người sáng” nào đó rồi “hư ảo hóa” những phần còn lại. Hồ Phương làm việc đều đặn cần mẫn như một chiếc đồng hồ, rất ít tư lự... trong khi Xuân Thiều tỉ mỉ, cặm cụi, kỹ lưỡng và sau những công việc thường ngày, “có những chiều không biết cất vào đâu” (Thơ Thi Hoàng).

Thực tình mà nói, nếu không vì sự đặc biệt của công việc, đòi hỏi mọi người phải gắng sống cao hơn những điều bình thường, thì những cá tính rõ rệt kia, nếu nhóm lại dưới một mái nhà, khó bề tránh khỏi sự “va” nhau, bởi vì về logic hình thức, đồ thị là những “vec-tơ” không cùng chiều.

Nhưng với sáng tác văn học, “mình anh với một thế giới”, sự khác biệt của mỗi người thường khi mang ý nghĩa cốt tử, thậm chí càng khác biệt càng quý giá. Bây giờ sau một đời cầm bút, bạn đọc đã dễ dàng nhận ra bản sắc, đặc sắc, phong cách văn chương của từng người, cái “tạng”, cái mùi vị “trời cho” để nhận biết, cái cố tật “trời sinh” để không nhầm ai với ai... Chính đó là cái khác biệt quý giá ta vừa nói và cũng là điều đáng nói nhất về mỗi người. Những trang viết của Nguyễn Khải đầy sức nặng của lý lẽ, của chính luận, minh triết, sắc sảo... đọc xong lắm khi phải giật mình. Còn Hồ Phương hướng ngòi bút của mình về các nhân vật anh hùng. Những trang viết của Hồ Phương không làm ai phải băn khoăn nghĩ ngợi gì nhiều, khi gấp cuốn truyện lại, có thể yên tâm đi ngủ, vì tác giả đã lo hết sức chu đáo mọi điều, từ tầm cao tư tưởng đến cái lo toan thường nhật. Nguyễn Minh Châu thì không thế. Thường khi không phải kỳ ảo hóa bằng được điều anh định nói. Có thể nói Nguyễn Minh Châu cùng với Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ và Phạm Tiến Duật... đã có công kỳ ảo hóa cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua của dân tộc, động viên hiệu quả các thế hệ tuổi trẻ ra mặt trận, tạm quên đi cái dữ dằn của chiến tranh.

Phạm Tiến Duật viết:

Cây cúc đắng, quên lòng mình đăng đắng

Nở hoa vàng dọc suối để ong bay.

Nguyễn Minh Châu cũng vậy. Kỳ ảo hóa một đêm trăng cuối rừng, một hoàng hôn nơi người chiến sĩ vừa ngã xuống, một chặng đường hành quân ra mặt trận. Cái Chân, Thiện, Mỹ trong trang sách Nguyễn Minh Châu nằm trong cái chân lý lớn mà lịch sử đang thực hiện.

Xuân Thiều thể hiện theo một cách riêng. Kể từ cuốn sách đầu tiên đến những cuốn sách gần đây có thể dễ dàng nhận ra một nguồn mạch dồi dào trong trẻo, đó là chất trữ tình thắm thiết ở ngòi bút Xuân Thiều. Tố chất đó nghiêng về phía tình cảm, nghĩa là nghiêng về phía tính nhân văn, nhân đạo, lòng lương thiện và những biểu hiện tốt đẹp khác của con người, cũng là nghiêng về phía cuộc xung đột nghìn đời giữa cái thiện và cái ác, mà văn học suy cho cùng không thể không lên tiếng. Cái “tạng” của Xuân Thiều luôn định hướng cho ngòi bút của anh, phát hiện những vấn đề hết sức thiết thân, gần gũi của tâm hồn, tình cảm con người, mặc dù hoàn cảnh khách quan lúc ấy có khi đang là một cuộc chiến tranh dữ dội. Anh kêu gọi bạn đọc hãy biết nương nhẹ những éo le rắc rối của người đời... Chính họ mới là số đông trong cuộc đời vốn muôn vàn trắc trở, họ mới là những hình nhân cụ thể đang khổ cực về mặt tinh thần mà văn học cần phải bênh vực. Ý nghĩa nhân văn trong sáng tác của Xuân Thiều không phải ở những khẩu hiệu suông, mà thường khi là câu trả lời cho một thực tại hết sức cụ thể nào đó, đưa bàn tay đón nhận một con người nào đó đang bất hạnh vì sự không may bị biến thành nạn nhân trong cuộc đời...

Chỉ điểm qua một cách sơ lược như vậy cũng có thể nhận ra sự khác biệt trong bản sắc của từng ngòi bút. Những cái “cùng” của bốn nhà văn trên một cỗ xe tứ mã kia không còn dễ nhận ra trong các trang viết của họ. Chỉ còn dễ nhận ra rõ nét sự khác nhau của từng cá nhân với tư cách là cá thể sáng tạo. Điều này hình như cha ông đã nói từ rất lâu văn tức là người, và quả thật “người làm sao của chiêm bao làm vậy”.

Bây giờ sau hơn 40 năm lao động sáng tạo, có người đã yên nghỉ mãi mãi, ai trời còn để sống thì vẫn đều đặn năm nào cũng có sách in ra. Nhưng nếu được hỏi từ thực tế sự nghiệp văn chương của mình, rằng các anh đã viết theo “văn pháp” nào, theo phương pháp sáng tác nào, câu trả lời nhận được chắc chắn không thể mạch lạc. Các phương pháp khác nhau pha trộn trên trang viết của họ, hiện thực và trữ tình, lãng mạn và phi thực, lý trí và tình cảm, bi hài, trào lộng... đều có cả. “Văn thành pháp lập” cha ông từng nói như vậy và cũng lại đúng trong trường hợp bốn nhà văn tuổi ngọ này.

Không phải ở tòa soạn báo nào cũng có sự trùng hợp độc đáo và lý thú như bốn nhà văn tôi vừa nêu. Trong văn đàn hiện đại, các anh đều có vị trí xứng đáng, thậm chí có những vị trí không thể thay thế. Cỗ xe tứ mã văn chương đã về đích, đến kịp trong lễ hội tưng bừng của 40 năm ngày tạp chí ra mắt bạn đọc.

LÊ THÀNH NGHỊ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)