VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Lần đầu đi trại viết (NGUYỄN TRỌNG OÁNH)

Chủ Nhật, 28/08/2011 08:11

Vào một buổi sáng, anh nhân viên viết ly-thô chạy vào buồng tôi:

- Cậu có quà!

- Quà nào?

- Không biết quà nào, nhưng tớ thấy trong số văn kiện gửi về, có một gói lớn, bọc giấy báo cẩn thận, ngoài có ghi tên người nhận là Nguyễn Trọng Oánh.

Tôi lại hỏi:

- Cậu có biết là ai gửi không?

- Không biết, nhưng hình như cũng trong quân đội ta thì phải.

Tôi biết vậy nhưng không dám hỏi nữa. Vào thời buổi đó, mọi sự liên hệ đều phải cẩn thận. Hỏi quà của ai gửi thì có khi lại tự khai ra những quan hệ không cần thiết. Tất nhiên, cứ để trên kiểm tra. Đã về đến tuyên huấn, nếu không có việc gì, quà sẽ tới tay mình.

Tuy không hỏi, nhưng lòng thì cứ như lửa đốt. Chỉ mong sao cho tới lúc được tận tay cầm món quà xem đó là quà của ai? Từ đâu gửi đến? Tại sao gửi cho mình món quà như vậy mà người ta lại không thư từ gì trước?

Tôi đoán già đoán non. Trước hết, tôi nghĩ đến người chị dâu thứ ba của tôi ở quê nhà. Người anh thứ ba của tôi cũng đi bộ đội, hy sinh ở chiến trường năm 1951, chị ở vậy nuôi hai đứa con. Thỉnh thoảng chị có viết thư cho tôi, và hình như có ý định hỏi cho tôi một cô quen biết nào đó. Sau hòa bình, chị có viết cho tôi một lá thư và nhắc tới chuyện vợ con của tôi. Cũng từ năm 50 đến giờ, tôi chưa được gặp chị và các cháu. Hay là chị gửi quà cho tôi?

Nghĩ một lúc, tôi lại điểm mặt mấy thằng bạn. Bọn bạn cũ mới đây của tôi là bọn thằng Mạc Lân, Vũ Lê, Chu Mai Niệm. Hay có thể thằng Mạc Lân ra Hà Nội, thấy ngoài đó có nhiều chuyện lạ, nên gửi thư và kèm một cuốn sách gì đó. Hắn nghĩ rằng ở sư đoàn không có sách đọc chăng? Cuối cùng tôi nghĩ đến những thằng bạn cùng quê. Rất có thể đó là món quà của nhóm bạn cùng quê gửi ra.

Năm 48, tôi có công tác vùng Diễn Châu, Nghệ An, và có kết bạn với Trần Hữu Thung, Nguyễn Trung Anh, và Nguyễn Trung Hiếu. Chính bọn này đã xúi tôi vào bộ đội và hồi đó chúng tôi đã cùng với nhau nuôi một nguyện vọng: viết văn, làm thơ. Có thể bọn này, sau khi hòa bình lập lại, biết tôi còn sống, nên gửi thư và gửi quà ra để nhắc nhở tôi chuyện cũ chăng?

Phân vân một chập, tôi lại nghĩ: bây giờ tốt nhất là im lặng chờ đợi, bởi từ sau khi hòa bình lập lại, có rất nhiều chuyện, nhiều mối quan hệ mà mình phải đề phòng. Ngay sau khi ở rừng về, vào doanh trại ở, chúng tôi đã được học tập chính trị. Phải cẩn thận, nếu không sẽ trúng viên đạn bọc đường. Đã nhiều cán bộ, bao nhiêu năm lăn lộn trong chiến đấu, trung dũng kiên cường, thế mà, đã sa đọa trông thấy! Nhiều cán bộ giấu mối quan hệ mình với gia đình, bây giờ tóe loe ra. Cho nên, những gói quà mà mình không biết người gửi như thế này, tốt nhất là phải cẩn thận. Mình cứ thật thà, có sao nói vậy, cứ để trên kiểm tra – xem sao đã!

- Cậu nhận quà gì, của ai đấy?

Tôi liền trả lời:

- Quà đâu, tôi chưa biết.

Đồng chí trưởng ban nói:

- Vậy lên ban mà nhận đi, tớ thấy từ buổi sáng, khi báo về, quà còn nằm trên ban ấy.

Tôi biết là đã có lời trưởng ban, như vậy là đã có sự kiểm duyệt, tôi vội vã chạy lên. Gói quà của tôi vẫn để đó nguyên xi, chưa ai đụng đến. Tôi run run cầm gói quà ngắm đi ngắm lại.

Một lối chữ chân phương viết ở ngoài, kiểu chữ này tôi cũng chưa bao giờ đọc:

Nguyễn Trọng Oánh… Hòm thư…

Ở dưới lại có mấy chữ viết trong ngoặc: Nhận được, xin trả lời cho biết.

Tôi chưa vội bóc gói quà, mà còn để vậy, đoán già, đoán non, xem là cái gì. Tôi nắn nắn gói quà, thấy trong đó là những cuốn sách…

Cuối cùng, đoán mãi không ra, tôi phải bóc. Gói quà là một chồng sáu cuốn sách. Phải một phút sau tôi mới hết ngạc nhiên. Trên bìa những cuốn sách đó có đề tên tôi, Trần Dần, và một người nữa. Tên cuốn sách là tên một truyện ngắn của tôi. Cuốn sách dày độ hơn trăm trang. Thì ra cuốn sách đó là bản quyền tác giả, mà mãi về sau tôi mới biết. Lần đầu tiên tôi mới trông thấy một cuốn sách in truyện ngắn của tôi. Cũng là lần đầu tiên, tôi được trông thấy cuốn sách có in tên mình và truyện ngắn của mình ngoài bìa.

Trong cuốn sách này, có một truyện ngắn tôi viết về một chiến sĩ thi đua của trung đoàn 9 thuộc sư đoàn 304. Truyện đó viết từ những năm 53, và gửi lên Tổng cục. Bản gốc viết tay. Khi gửi đi rồi, tôi cũng không hy vọng được in. Năm 53, có một lần tôi lên họp ở Cục Tuyên huấn, có gặp anh Vũ Cao, anh Từ Bích Hoàng, anh Vũ Tú Nam, nhưng cũng không dám hỏi về truyện ngắn đó vì nghĩ rằng truyện mình gửi thì gửi chứ chả chắc gì được in.

Từ những năm 52, tôi đã nhiều lần gửi thơ và truyện đi như vậy nhưng chẳng bao giờ nhận được thư trả lời. Mãi cho đến sau, một lần tôi có nhận được lá thư trả lời của anh Vũ Cao, nói là đã đọc những bài thơ của tôi và động viên như sau:

- Thơ tôi có triển vọng.

- Cố gắng viết đều hơn và gửi tiếp cho “Vệ quốc quân”.

Từ đó, tôi cất kỹ lá thư làm kỷ niệm và cố gắng viết đều hơn, gửi về Tổng cục Chính trị. Tôi thường xuyên theo dõi các cuốn Sinh hoạt văn nghệ của tờ báo Vệ quốc quân xem có thơ, truyện mình hay không, hoặc tên mình có được nêu trên một hòm thư nào đó chăng? Chờ mãi đâm quen. Bài cứ viết ra gửi đi. Thậm chí, có bài, vì vội quá, gửi đi không giữ lại bản gốc. Do sự quên đi như vậy, cho nên, khi được cuốn sách in truyện ngắn của mình gửi về, tôi mừng hết chỗ nói, chẳng nghĩ đến chuyện nhuận bút nữa. Không phải tôi không biết sách in ra thì phải có nhuận bút, nhưng quả tình lúc đó không nghĩ đến chuyện tiền tài, và cũng không biết hỏi ai mà lấy. Được sách là mừng. Cuốn sách ấy có hai truyện ngắn. Một chuyện có 5,6 trang gì đó, trích truyện “Người người lớp lớp” của Trần Dần. Cuốn sách do nhà Minh Đức in, Tổng cục Chính trị xuất bản. Lúc đó tôi chỉ mừng vui trong im lặng. Có cuốn sách như vậy là tốt. Còn chuyện nhuận bút thì vờ như không biết và cũng không cần. Tôi nghĩ: Thôi không có nhuận bút là hơn. Tôi ngắm nghía mãi quyển sách và người mà tôi nghĩ đến đầu tiên sẽ gửi tặng sách, để báo cáo về thành tích của mình. Có thể là tôi sẽ gửi cho Mạc Lân một cuốn, cho Trần Hữu Thung một cuốn và người chị dâu một cuốn.

Tôi cũng không nhớ rõ sáu cuốn sách đó tôi cho những ai, đi đâu. Chỉ biết sau một thời gian, tôi chẳng còn cuốn nào.

Khi tôi có sách in rồi, thì nghe tin trên Tổng cục có chuyện. Trưởng ban tuyên huấn sư đoàn một mặt gọi tôi lên dặn dò, một mặt công nhận tôi là nhà thơ (mọi người chung quanh tôi, từ khi tôi được in sách thì gọi tôi là nhà thơ, họ cũng chẳng cần đọc sách tôi, và chỉ biết trước đó tôi có làm thơ). Đồng chí tổ trưởng đảng nói với tôi:

- Từ nay làm thơ phải tranh thủ, không nên phạm nội quy, nghĩa là không làm thơ trong giờ làm việc. Tối đến thì 9 giờ 30 đã tắt đèn. Sáng dậy, thì cũng phải dậy lúc 5 giờ 30, ra sân tập thể dục như mọi người.

Chỉ có đồng chí chính ủy sư đoàn là có vẻ rộng rãi đối với tôi. Ví dụ, thỉnh thoảng ông lại nhắc trưởng ban tuyên huấn là phải chú ý giúp đỡ tôi. Nhưng đó cũng chỉ là nhắc, vả lại ông thì ở xa mà trưởng ban tuyên huấn thì lại ở gần, cho nên tốt nhất, tôi vẫn phải nghe thủ trưởng trực tiếp.

Từ khi có cuốn sách được in, tôi mạnh dạn hơn lên. Đi đâu tôi cũng đọc những bài thơ mới làm. Tôi cũng đọc những bài cũ của tôi mà tôi cho là hay, như bài Anh chính trị viên mà tôi làm hồi ở hậu địch. Người ta cũng nhớ tôi hơn, chép thơ tôi nhiều hơn. Nhưng những bài tôi đưa ra đó chỉ là những bài viết về đơn vị, viết về cái chung, còn những bài nào viết về cái riêng thì tôi không bao giờ đưa ra đọc.

*

* *

Tôi vẫn là trợ lý thông tin như vậy đến hết năm 54 sang đầu năm 55, thì nhận được lá thư của Ban văn, Phòng Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị gửi về lấy ý kiến. Lá thư này chỉ gửi cho những người viết trong quân đội đại ý hỏi rằng: Những người viết không chuyên như các đồng chí thì cần những đề nghị gì? Chính sách đối với văn nghệ sĩ thì cần những gì, đối với anh chị em Văn công nên như thế nào? v.v… Thư trả lời gửi về ban Văn, Phòng Văn nghệ quân đội. Tôi hiểu đây là một sự cải cách của trên, nên hăng hái viết ngay một lá thư trả lời. Lúc ấy, thật tình tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chỉ đề ra mấy điểm:

1. Cho thì giờ để viết.

2. Thỉnh thoảng gọi lên Tổng cục, cho gặp gỡ anh em viết để mở rộng kiến thức.

Tôi viết và gửi thư trả lời ngay lập tức.

Sau lá thư này, tôi lại nhận được mấy cuốn thơ, trong những cuốn thơ đó, có hai bài thơ của tôi, là bài “Anh chính trị viên” và bài “Nhớ lấy để căm thù”. Hai bài này đều viết ở địch hậu năm 1952, gửi đi từ lâu cho báo Vệ quốc quân.

Trong thời gian này, ở sư đoàn, về mặt chính trị càng ngày càng được xiết chặt. Người ta thường hay nói đến viên đạn bọc đường.

Ở sư đoàn chúng tôi lúc bấy giờ vẫn im khe. Tôi vẫn đơn thương độc mã với tờ tin sư đoàn, không hề có bạn bè văn học. Chỉ đến buổi chiều ra sân đá bóng. Ngày nghỉ thì mặc cái áo bốn túi, thắt lưng, đeo súng ngắn, cùng với mấy cô văn công đi “vũ trang tuyên truyền” chung quanh vùng đóng quân.

Cho đến một hôm, tự nhiên tôi được trưởng ban tuyên huấn gọi tên:

- Tổng cục gọi cậu lên tham gia viết của Tổng cục, có mặt ở 13 Cửa Đông ngày… mang theo đầy đủ sinh hoạt đảng, sinh hoạt phí (hoặc giấy cắt quân số). Lúc đó, tôi nghĩ nhiều đến chuyện cắt quân số! Nhưng dầu sao thì cũng sung sướng đã. Chẳng biết gì, nhưng cứ đi Hà Nội hai ba tháng là sướng rồi. Tôi về nhà gấp rút bàn giao công tác. Gấp rút lấy giấy tờ sinh hoạt đảng.

Ai gặp tôi cũng biết tin, bắt tay: “Chúc mừng nhà thơ đi Hà Nội”!

Có người còn nói: “Thôi lần này đi thì đi luôn đừng có về cái sư đoàn “ba-linh-đôi” này nữa”.

Bọn có quê ở Hà Nội đứa nào cũng dùng dằng, nghe nói tôi đi dự trại viết mà giống như là tôi sắp về Hà Nội, đứa gửi quà, đứa gửi thư.

Có đứa ghen ghét nói:

- Cái thằng nhà quê ấy mà số đỏ.

Riêng tôi, cũng chưa biết ra Hà Nội rồi sẽ có những cái gì, chỉ biết đi là đi. Một lần rời đơn vị là bàn giao hết cái đã! Trước hết, công tác thì bàn giao lại cho trợ lý thi đua. Anh ta kêu lên:

- Nhanh nhanh rồi về mà làm, tao không làm được cái việc này đâu!

Tôi không nói gì, nhưng bụng nghĩ:

- Được rồi, mày sẽ bàn giao công việc đó cho cơ quan.

Sau khi bàn giao công việc, thì đến bàn giao cái giường cho cậu trợ lý viết ly-thô. Cậu ta cười nhăm nhăm cái mũi đến sờ mãi những mép chiếu trên cái giường cá nhân của tôi, rồi lại nhìn cây vợt gỗ và trái bóng màu để đánh “pênh phông” (Tôi nghĩ: Hà Nội chắc gì đã có bóng bàn mà mang những thứ này đi).

Cuối cùng, tôi còn một thứ luyến tiếc. Cái thú vui duy nhất lúc bấy giờ là đá bóng. Chiều nào tôi cũng ra sân, dạo đó tôi đang bắt gôn cho đội bóng của đơn vị. Nếu hôm nào không có bóng đá, tôi mới chơi bóng bàn. Bóng bàn mới tập, dùng vợt gỗ và mua bóng màu ở hàng xén, bóng của ai thì kẻ đó giữ.

Người thầy đầu tiên dạy cho tôi chơi bóng bàn là anh Thái già. Anh là người Hà Nội mà lúc đó, chúng tôi vẫn gọi bằng bố, vì anh có con gái đã lớn.

Sau này, anh Thái là bố vợ của Bằng Việt.

NGUYỄN TRỌNG OÁNH

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)