VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Vòm mái cong đầu hồi (THU BỒN)

Thứ Hai, 08/08/2011 08:43

Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế bây giờ thay đổi nhiều? Thời cuộc đổi thay nhanh nó cũng đổi thay nhanh! Tuy vậy tôi vẫn viết về nó thời tôi đã sống ở đó cùng bạn bè và bao nhiêu kỷ niệm.

Vẫn ngôi nhà có vòm mái cong do một kĩ sư người Nhật cố tình xây cất giống như những vòm mái Kim Các Tự bên Nhật dành cho những sĩ quan- hơi hướng võ sĩ đạo. Khuôn viên được nằm giữa một chiếc nôi xanh sấu và hoa sữa cùng với bao nhiêu dấu vết của lịch sử được niêm phong bằng những rêu xanh. Thỉnh thoảng một lớp vữa bong ra cho ta nhận thấy những viên gạch nung làm theo kiểu Trung Hoa do những người Minh, người Hán để lại rải rác trên mảnh đất Bắc phần.

Vết thương thời gian đỏ chóe giữa rêu xanh gợi cho ta nhiều cảm giác về tiếng ngựa hý và tiếng thần công thời trận mạc.

Nếu như đâu đây – bên trong một chút có phủ đầu rồng nơi tụ hội những cái đầu vĩ đại của các vị tướng lĩnh đã từng điều binh khiển tướng làm nên chiến thắng náo động cả hoàn cầu; thì nơi đây nỗi thăng trầm của lịch sử cũng được ghi bao nhiêu dấu vết.

Tôi đến và thành người nhà số 4 không lâu so với các anh chị khác. Nhưng cả tuổi trẻ của tôi ở đây – Hai mươi năm (1969 – 1990) với bao nhiêu kỷ niệm. Không phải là những kỷ niệm cao xa thần thánh mà là những kỷ niệm đời thường.

Tầng 1 dành cho các vị lâu năm dần dần có thay đổi. Lớp mới về thay thế. Gót chân của những người lính – Nhà văn – từ khắp miền đất nước về mài nhẵn những sàn gỗ lim bóng như nước. Nhiều nhất vẫn là những nhà văn lính Nghệ Tĩnh. Chúng tôi thường gọi đùa là “Văn đội quân Nghệ”.

Do ở miền Nam ra nên số ngày tháng tôi ăn và ngủ ở đó rất nhiều. Người phụ trách ở đó lâu là bác Thanh Tịnh, anh Vũ Cao, anh Từ Bích Hoàng. Nhưng đặc biệt ăn nằm (theo nghĩa đen) ở đó lâu năm là bác Thanh Tịnh.

Trải qua mấy chục năm trường.

Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân.

Đó là câu ca dao của bác làm nói về những người lính, nhưng cái chính là nói về bác. Tôi ăn và ở với bác Thanh Tịnh ít nhất là 10 cái tết và cùng uống rượu giao thừa thương nhớ quê. Những năm ấy; giao thừa thường đốt pháo, có khi bắn súng. Có năm giao thừa, xen lẫn trong tiếng pháo có tiếng súng, đạn lạc lên cửa sổ căn nhà trước cổng, không biết là của tôi hay của ai(?)

Tôi ở căn phòng dưới đất, chật hẹp tối tăm nhưng thuận tiện nhiều thứ. Cũng có khi tôi chiếm lĩnh phòng kho và cả chỗ đánh bóng bàn, thi thoảng có năm được lên gác. Tôi sống nhiều ngày đêm với bác Mạn và anh Hồ tài xế, chia sẻ những niềm vui nỗi khổ đời thường: miếng cơm khi đói, chiếc áo khi rét.

Giáp tết thường tổng kết cơ quan có liên hoan và nhận nhu yếu phẩm theo cấp bậc. Phần tiêu chuẩn: thịt, đường, sữa, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, dao cạo râu, xà bông, bột ngọt, kẹo nu ga, bánh quy, rượu Hồng Cẩm Đồng Tháp Thanh Mai, trà Thanh Hương… Ngoài những thứ do Nhà nước cấp, chúng tôi còn được hưởng một khoản đặc biệt do công của anh Doãn Trung trưởng ban trị sự tạo nên. Đó là những ký thịt, những cân đường, lon sữa… đã làm tăng rõ rệt cuộc sống chúng tôi trong những năm tháng gian khổ. Chúng tôi mãi nhớ tên anh!

Thời ấy năm nào cơ quan “cúng tổ” cũng bằng mấy chú “nai đồng quê”. Anh Hồ lại ra đê sông Hồng gần cầu Long Biên đoạn đường Trần Nhật Duật mua vài chú nai tơ lông vàng óng mượt. Bác Mạn rít vài hơi thuốc lào, đủng đỉnh đi mài dao. Ngô Thảo, chị Định, chị Trang đi chợ Đồng Xuân mua những thứ gia vị đặc chế cho món ăn cổ truyền này. Thu Bồn, anh Hồ, bác Mạn làm đầu bếp. Các anh xúm lại nhặt rau, giã riềng, sả, tỏi, ớt… Mùi thịt nướng, mùi hương liệu thơm phức bay tỏa khắp sân vườn. Nhà số 4 râm ran tiếng nói cười.

Bây giờ ít người còn nhớ những lon muối ướt từ Hải Hậu – quà tặng của huyện ủy cho đoàn công tác do anh Nguyễn Khải mang về. Chúng tôi chia nhau mỗi người được vài ký: mắt cứ sáng lên giống đồng bào Tây Nguyên nhận được muối trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc. Năm 1979 Thu Bồn mang từ Tây Ninh ra được hai tạ gạo, bán cho mỗi người sáu ki lô…

Rồi đoàn quân số 4 Lý Nam Đế đi đào sông Tô Lịch. Bác Thanh Tịnh, anh Vũ Cao, anh Từ Bích Hoàng còng lưng bê đất. Chúng tôi đứng thành hàng chuyển đất, mặt anh nào anh nấy lấm lem…Đoạn đường Láng ấy bây giờ …lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, có nhớ tiếng hát của chúng tôi không? Năm 1980 tôi lại được vinh dự làm tổ trưởng tổ sản xuất dẫn đoàn quân số 4 Lý Nam Đế lên Mỏ Chén. Nông binh gồm những công tử, công nương trói gà không chặt. Nhiệm vụ gồm có: làm cỏ lúa nước, giã gạo chày theo kiểu Sóc Bom Bo, chăn bò và dọn chuồng heo, đắp đập ngăn mương. Đội trưởng sản xuất rất nghiêm khắc; anh phổ biến chỉ tiêu khoán công việc trong tháng, cuối cùng dặn chúng tôi không được nhổ sắn trộm. Anh nào nhổ trộm ban đêm cảnh vệ bắt, chết chịu.

Đoàn quân 4 Lý Nam Đế hùng dũng tiến ra nông trường, nhưng than ôi mới có một tuần mà anh nào chị nấy đều méo mặt. Không dễ gì “xơi tái” cái chỉ tiêu của đội trưởng đề ra. Phạm Ngọc Cảnh được trả lại nguyên hình anh Vũ Ngàn Chi của chiến trường Trị Thiên khói lửa. Lê Lựu thành nguyên mẫu cho Người về đồng cói. Ngô Thảo, Duy Khán, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Như Trang… Mỗi người một vẻ. Chúng tôi đi trả nợ chỉ tiêu sản xuất cơ quan còn thiếu.

Đàn bò chạy rông vượt qua đỉnh Ba Vành là nỗi sợ hãi của chúng tôi: bò mất phải đền. Làm cỏ nhiều anh sợ đỉa. Nữ sĩ Như Trang cứ thấy đỉa là giẫy lên la hét ầm ĩ. Buổi chiều, chúng tôi cử hai người lên núi hái sim. Chúng tôi ăn từng nón sim đầy. Miệng anh nào anh nấy tím rịm, cười mà như mếu.

Đói quá! Tối tối...Ngô Thảo và tôi đi nhổ trộm sắn về nướng bên đống lửa. Ai đói bụng ngủ không được cứ dậy mà ăn; cấm nói chuyện, cảnh vệ bắt được – mất mặt nhà văn- Lũ chúng tôi có mặt đâu mà mất(?). Mặt anh nào anh nấy nhem nhuốc nhọ khói. Trời Ba Vành rét thật!

Thế rồi chúng tôi ca khúc khải hoàn. Đoàn quân 4 Lý Nam Đế vượt chỉ tiêu, kéo quân rời khỏi sơn trại.

Đêm tiễn đưa, thiếu tướng Lê Hai khen ngợi đoàn quân 4 Lý Nam Đế lao động hăng hái và chấp hành kỷ luật tốt. Thiếu tướng tặng cho mỗi người một cây bút bi và một chiếc khăn lông nhà máy dệt 8 tháng 3.

Thu Bồn thay mặt anh em lên phát biểu cảm tưởng bằng thơ:

Các cô công trường cười chế giễu

Nhà thơ cũng biết chăn bò

Tôi cười đáp lại

Tôi không chăn bò đâu

Tôi chăn đôi sừng nhọn của tôi

Những tiềm lực của đất đai và sữa

Cuộc đời của mỗi người chúng tôi gắn liền với cuộc chiến đấu và thế sự. Mỗi một con người có một cá tính nhưng đều mang hai khuôn măt hai tâm hồn. Người lính và nghệ sĩ. Mất một trong hai, chúng tôi không còn là chúng tôi và nhà số 4 cũng không còn là nhà số 4 nữa.

Năm 1972. Mùa hè đỏ lửa. Chúng tôi vào Quảng Trị. Đoàn chúng tôi gồm có anh Vinh, Liên Nam, Sơn Nam, Vương Trí Nhàn, Doãn Nho, Thu Bồn. Vương Trí Nhàn, Sơn Nam bị thương ở Cổ Thành.

Tôi và Liên Nam không bị thương nhưng có một vết thương đến nay vẫn chưa lành trong tâm khảm. Trước lúc đi chiến trường Quảng Trị, tôi và Liên Nam đưa cháu Nam Phương là con gái đầu lòng của Liên Nam vào bệnh viện Bạch Mai. Hà Nội lúc bấy giờ vô cùng căng thẳng: bom đạn đầy trời. Người đi sơ tán nghẹt hết các ngả đường. Kẻ gồng người gánh chen lấn với xe cộ. Thực phẩm thiếu thốn. Cháu Nam Phương lên 5 tuổi nhưng bị bại liệt toàn thân, ăn uống khó khăn, đại tiểu tiện bê bết tại chỗ. Sự thật đau lòng đó là đem cháu cho bệnh viện nuôi để cống hiến cho khoa học.

Hai đứa tôi đã lầm tưởng làm như vậy là nhân đạo và để Liên Nam an tâm đi chiến trường, có ngờ đâu nó là vết thương nung đỏ mấy chục năm trường cho đến tận ngày nay.

Đứa con trai của tôi là Hà Thảo Nguyên. Tôi cõng cháu từ chiến trường ra bằng chiếc ba lô đục thủng hai lỗ để cháu thòi hai chân ra. Tôi cõng cháu ba tháng trời đi hết dải Trường Sơn, vượt U Bò Ba Rền Long Đại Sông Gianh Linh Cảm… Ra hết Thanh Hóa mới có xe đón. Nhiều năm; hai cha con tôi ở một căn phòng nhỏ cạnh Nguyễn Đức Mậu, Lê Lựu. Cháu bị nhiễm chất độc màu da cam nên phải đi bệnh viện. Một đêm tháng 12 rét như dao cắt, cháu đã trút hơi thở cuối cùng tại giường bệnh 108.

Anh Hồ tìm chìa khóa mở cổng lớn, không có, hai chúng tôi tìm cách mở được cổng nhỏ đưa xe hon đa ra. Hai đứa phóng ra Ô Quan Chưởng để ra bờ sông đi cho nhanh. Đến bờ đê; xe chết máy, hai đứa đạp đẩy gì xe cũng không nhúc nhích, đành đẩy xe chạy bộ đến 108. Hai chiếc áo bông của tôi và Hồ ướt đẫm mồ hôi.

Tôi vuốt mắt con, ôm cái thân xác lạnh ngắt đau đớn đi từng bước một xuống cầu thang nhà xác. Tôi mượn một cái bàn lồng bàn úp lên thi thể của con.

Sáng hôm sau tôi và Ngô Thảo đi Quan Thánh mua quan tài và cắt hộ khẩu cho con (cắt hộ khẩu báo tử mới mua được quan tài), Duy Khán đi tìm hai khúc chuối để thắp nhang, chị Định cho những đồng tiền để bỏ vào mồm cháu… cả cơ quan đưa tiễn cháu.

Nụ cười, nước mắt của tôi ở 4 Lý Nam Đế là vậy. Tuy nhiên, nó cũng tràn ngập tình yêu trong từng nấc cầu thang từng khuôn cửa sổ những đóa hoa tường vi hò hẹn.

Tiếng đàn piano từ cây đàn cũ kĩ vẫn cứ vang ngân trong phòng ẩm mốc đến khi tự nó rã rời. Tôi đã từng bóc gỗ trong thân thể” nó để nhen lửa sưởi ấm và nấu nướng, liên hoan. Mấy căn nhà lim phía sau bức tường thành lịch sử, nơi bác Mạn công vụ thường cất giấu chổi; có thời đã nhốt những tên giặc lái Mỹ. Chiếc xe máy 300 phân khối có hai ống bô dựng chỗ gần từng cầu thang chỉ có mình Doãn Trung mới trị nổi con hổ đó thôi. Nó đã từng gầm rú như tiếng xe tăng của ta tiến vào Quảng Trị đánh thức những giấc mơ của chúng tôi.

Những khuôn mặt thân thương đầy cá tính ấy làm sao chúng tôi quên nổi:

Hà Trì gầy còm như người cai nghiện. Vương Trí Nhàn bẽn lẽn. Nhị Ca chỉ thiếu chiếc áo dài thâm và khăn xếp là giống quan tri huyện. Nguyễn Minh Châu lê đôi guốc mộc của ông giáo dạy tư thục trường làng. Nguyễn Trọng Oánh kiết lỵ lưu niên. Từ Bích Hoàng nhà sư chùa Cổ Lễ, Nam Định nhỏ nhẹ và tinh tế thường chăm sóc đời sống tình cảm của chúng tôi; anh em thường gọi anh là ông “Từ Bi Hoàng”. Vũ Cao vị Đại Lai Lạt Ma chịu chơi nhưng kín đáo. Hải Hồ nhà lý sự, chúng tôi luôn mong anh phát biểu ý kiến trong hội nghị khi có cấp trên đến dự. Xuân Thiều, vị trưởng giả bãi Phúc Xá đã từng chiêu đãi chúng tôi những bữa nhậu rượu ngon có thịt gà, giò lụa – giấc mơ của những bữa ăn đạm bạc tại bếp báo Quân đội nhân dân. Triệu Bôn, nhân vật của Vích To Huy Gô từ kẻ khốn khổ bước ra. Anh lại là người mẫu thời trang của bệnh sốt rét rừng. Nguyên Ngọc cứ đi đi về về tủm tỉm như “mạch nước ngầm” và phát biểu lúc nào cũng như “đất nước đứng lên”. Hồ Phương đạo mạo như cục trưởng mới sắp đến. Mai Ngữ lúc nào cũng như sắp ngủ. Xuân Sách lim dim tướng số,… Còn bao nhiêu khuôn mặt nữa khắc vào vách đá trí nhớ của tôi. Tưởng chiến tranh rời bỏ đất này rồi, không ngờ chiến trường phía Bắc lại rộ lên. Mỗi người một ba lô, một túi sách đựng tài liệu. Quân và dân rầm rập tiến lên biên giới. Thanh niên học sinh đào chiến hào công sự trên đồi núi. Đất đỏ, hoa gạo đỏ, máu đỏ,…trâu, bò vướng mìn máu me tung tóe. Hoa đào nở trong gió rét và máu.

Đêm đêm thường hay báo động. Chúng tôi nai nịt chạy vào thành theo hướng Cửa Đông. Từng cơ quan kiểm tra trang bị điểm danh. Chúng tôi chạy dậm chân tại chỗ, chạy lữ thứ hành quân. Chén bát rơi loảng xoảng (ai cũng biết những tiếng động đó từ ba lô bác Thanh Tịnh phát ra).

Chúng tôi vẫn còn hăng sức. Mọi người đều viết quyết tâm thư. Riêng tôi bỏ hẳn ý nghĩ về Nam để gần mẹ già, quyết tử bảo vệ Thủ đô, nếu có gục ngã cũng nằm xuống ven đê sông Hồng.

Tôi đến căn nhà số 4 lý Nam Đế thì có bao nhiêu người khác đã ra đi và khi tôi ra đi thì có bao nhiêu người khác đã đến. Đó là quy luật! Nhưng tất cả đã không có gì ngăn cản. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đã trở thành kỉ niệm và có linh hồn.

Làm sao tôi quên được tình yêu. Hạnh phúc và bao nhiêu đau khổ của tôi trải dọc từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Hà Nội chứng kiến toàn bộ sức trẻ của tôi. Ngôi nhà số 4 dung chứa nỗi niềm của tôi. Bể nước lúc nào cũng tràn đầy. Tiếng máy chữ đêm đêm vọng ra từ những căn phòng nhỏ. Hành lang hun hút gió mùa đông bắc…

Hai cây đại già như hai người vệ sĩ đứng đó từ lâu. Những cây hoa giấy chị Trang đem từ Vũng Tàu ra có còn nở hoa hay là đã bị phạt sạch mở cửa ra kinh tế thị trường?

Sự thay đổi đó không có gì lạ nhưng nó sẽ rất kì lạ nếu như chúng ta ai đó muốn quên nó đi, vun đắp chỗ này, cắt xén chỗ kia làm cho khuôn mặt của nó méo mó thì chính ta đã phụ lòng ta.

Có một thời B52 rung chuyển Hà Nội. Tôi vẫn ngồi bên vỉa hè nhìn lên một góc ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế; vòm mái của nó uốn cong ngoạn mục giữa trời xanh lá sấu. Lòng tôi yên tĩnh vô cùng!

Giờ đây giữa cơn lốc kinh tế thị trường; vòm mái cong dấu hỏi của tôi lọt thỏm giữa trùng điệp những công ty hữu hạn, chợ Đồng Xuân hai lần vỡ ổ…Lòng ta còn cất cánh lên cùng vòm cong thanh thản giữa xanh biếc ấy nữa chăng?

THU BỒN

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)