Tôi đọc bộ tiểu thuyết trứ danh ấy của Asturias, nhà văn Guatemala, cũng lâu rồi, trên cả chục năm trước khi chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội. Tên cuốn tiểu thuyết ngày càng sâu đậm trong trí nhớ tôi bởi nó gọi chính xác cái điều mà đến bây giờ, hàng tuần, tôi vẫn chứng kiến, ở nơi mình làm việc.
Khi biết tôi sẽ đầu quân tại Văn nghệ quân đội, ít nhất có ba bậc đàn anh về tuổi đời, từng làm việc ở đó, đã gặp tôi, nói đại ý rằng, về đấy tôi sẽ hiểu thế nào là các nhà văn quân đội. Một người nói cụ thể hơn: rồi chú mày sẽ biết chú mày được nhìn thế nào. Cuộc giao ban đầu tiên, ở cái phòng hình chữ nhật, trước đông đủ bá quan, toàn những khuôn mặt ghê gớm cả, tôi hơi e ngại, không phải vì sợ, mà vì ít khi tôi được giới thiệu trước khoảng gần chục nhà văn, đa phần là đàn anh về tuổi đời, như vậy. Khi ông tổng biên tập Nguyễn Trí Huân giới thiệu tôi, rất nhanh thôi, như một thủ tục thoáng qua, thì những cái nhìn đổ dồn về phía tôi, cũng nhanh như lời giới thiệu. Sau đó mọi sự trở về bình thường, như là chưa hề có một người mới nào. Nói rất nhanh nhưng cũng đủ thời gian để tôi cảm nhận được sự đa dạng trong những cái nhìn. Suốt buổi họp đầu tiên, tôi lặng lẽ ngồi quan sát mọi thứ xung quanh. Trên bức tường chính của phòng họp có treo ảnh những người đã mất, từng làm ở toà soạn, bất kể đó là nhà văn, tổng biên tập hay nhân viên hành chính, trị sự. Ở tạp chí Văn nghệ quân đội, phòng họp là nơi một tuần một lần, hội mặt đông đủ quân số cơ quan, còn lại thì tản mát, mỗi anh mỗi góc, mỗi kẻ mỗi cõi, lặng lẽ âm thầm ngồi đào bới gì đó bằng chữ nghĩa, thật khó mà biết.
Quả thực, sống ở nơi toàn nhà văn với nhau, cũng có cái mệt, vì anh nào cũng tinh: tinh tường, tinh quái và cả...tinh tướng nữa. Anh nào cũng có cái nhìn như thấu ruột, thấu gan người khác. Làm việc trong môi trường này chẳng khác gì làm việc trong căn phòng toàn thủy tinh. Điều khiến tôi băn khoăn là ở chỗ ấy, ở chỗ tại sao một không gian nhạy cảm, mỏng manh vậy, một nơi hội tụ những cá tính mạnh mẽ vậy, lại tuyệt không xảy ra cuộc đổ vỡ nghiêm trọng nào?
Chẳng hiểu thành thói quen từ bao giờ, mỗi khi bước vào phòng họp, tôi lại nhìn lên tường, nơi treo ảnh những người đã khuất. Dĩ nhiên là họ cũng ngó lại tôi. Cái gì lâu cũng thành quen. Tôi quen với những người trên tường, quen đến mức tuồng như thấy họ đang trò chuyện với mình, qua ánh mắt, mặc dù ở đời thực, tôi mới chỉ được gặp một hai người trong số đó. Nói cách khác, mắt những người đã khuất ở nhà số 4 âm thầm can dự vào hành động, suy nghĩ của tôi. Nhiều lúc muốn đập bàn đứng phắt dậy để nói cho rõ một điều gì đó, nhưng rồi bắt gặp mắt những người đã khuất, với vẻ từng trải, nhẫn nại, nhìn thẳng vào mình, thế là lại dằn xuống. Nhiều lúc sự kênh kiệu nổi lên, cố dằn ý định khen bạn vì bạn vừa in một truyện ngắn cực hay, nhưng rồi mắt những người đã khuất, với vẻ chân tình, chí thiết lại thúc đẩy mình bật ra lời khen ấy. Ở tùy từng trường hợp, tôi nhận bài học ứng xử từ mắt những người đã khuất. Cái nhìn ngay ngắn của Nguyễn Thi, cái nhìn hồn hậu, trẻ thơ của Duy Khán, cái nhìn khinh bạc, tài hoa của Thu Bồn, cái nhìn gần gũi mà thẳm sâu của Nguyễn Minh Châu, cái nhìn chơi chơi nhưng sắc lẹm của Nguyễn Khải, cả cái nhìn đượm vẻ đàn anh của Thanh Tịnh nữa...tôi âm thầm lấy làm thước đo để tự răn mình. Đôi khi ngó họ, những người trong khung kính kia, tôi thầm hỏi, họ đã sống thế nào, có từng nhỏ nhen không, có từng tráo trở không, có từng lừng khừng khi ngồi vào bàn viết không, mà sao họ uy nghi thế? Rồi tôi tự trả lời rằng, chắc là không. Vài ba người trong bọn họ đã có sự nghiệp lẫy lừng, đã có những dằn vặt, trăn trở, đã có cả những vinh quang tột bậc và cả những bầm dập nhớ đời nữa. Họ đã vượt qua, họ tới bến bờ của số phận, với sự trọn vẹn nhân cách và khí tiết của một nghệ sĩ. Họ, những người ngự trên tường, với cái nhìn thăm thẳm khiến tôi bình tĩnh lại rất nhiều. Điều băn khoăn của tôi phần nào được giải đáp: cái không gian mỏng manh, nhạy cảm của ngôi nhà số 4 này không xảy ra va chạm, đổ vỡ trầm trọng vì có mắt những người đã khuất, những bậc đàn anh, những người từng làm nên tên tuổi vững chắc cho ngôi nhà số 4 này, đang từng ngày, từng giờ nhắc nhở, canh giữ.
Tôi nghĩ, với người đang sống, ta có thể tung hỏa mù để làm nhòa đi hình ảnh thực của ta, nhưng ta không thể làm thế với người đã khuất. Đơn giản vì mắt những người đã khuất luôn nhìn thẳng vào tâm can ta.
NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn