VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Con đường đi qua số 4 Lý Nam Đế (NGUYÊN NGỌC)

Chủ Nhật, 11/09/2011 01:30

Trong văn học hiện đại ở ta, có một thế hệ thường được gọi là thế hệ thứ hai, tức là những người cầm bút được rèn luyện qua cuộc kháng chiến chống Pháp và bắt đầu bước vào nghề hoặc những năm cuối của cuộc chiến tranh ấy hoặc sau khi cuộc chiến tranh ấy kết thúc. Hình như đối với thế hệ đó, có thể nhận ra một “quy luật” hình thành đại thể như sau: Trong kháng chiến hầu hết họ là bộ đội, và ít nhiều có trải qua công việc làm báo trong quân đội ở cấp này hay cấp khác. Và cái cửa qua đó họ chính thức bước vào nghiệp văn chương là tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Cũng dễ hiểu thôi: kháng chiến của ta là chiến tranh toàn dân. Thanh niên lớn lên, háo hức lòng yêu nước và chí làm trai, ai chẳng vào bộ đội. Kháng chiến chống Pháp cũng chưa được giống như chiến tranh chống Mỹ sau này. Những anh lính trẻ, ít nhiều có được học hành, lại có chút “máu” viết lách, chưa nhiều. Cho nên hầu hết họ thường được thu hút vào một công việc cần thiết trong công tác chính trị quân đội hồi bấy giờ: làm báo, ở cấp tỉnh đội, sư đoàn hoặc quân khu (cũng có một số ít đi làm lãnh đạo văn công..)

Thành ra, cách mạng, hay cụ thể hơn là cuộc kháng chiến chống Pháp, vô tình đã chọn một con đường, nay nhìn lại thấy thật hay, để đào tạo ra lớp nhà văn “của mình”: những người cầm bút thực sự đi ra từ trong máu lửa của chiến tranh, thậm chí máu lửa cụ thể, riêng biệt của từng vùng đất, từng chiến trường sẽ để lại dấu vết không thể phai mờ trong suốt cuộc đời cầm bút của họ, tuy có lúc những dấu vết đó ẩn rất sâu và biểu hiện qua những khúc xạ phức tạp. Lại thêm cái nghề làm báo, vốn là láng giềng của văn học, là một trong những lối mở đầu tốt nhất cho những người muốn đi vào nghề văn. Nó tạo ra người viết những đức tính quý báu: xông xáo, nhạy cảm với thời sự và với xã hội, sắc sảo khi tiếp cận hiện thực, đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều, biết nhiều....

Nhưng nghề báo không phải là nghề văn. Người viết văn bắt đầu có đi qua nghề báo là rất có lợi, nhưng kéo dài quá, kéo dài mãi thì lợi sẽ thành hại (hại cho công việc sáng tạo văn học lâu dài của anh). Đến một lúc nào đó và cần phải rẽ ngang ra, cần một chỗ để mà rẽ. Thì đã có đúng một chỗ như vậy: tạp chí Văn nghệ Quân đội, và lại có đúng vào lúc cần: vài ba năm sau khi kháng chiến kết thúc. Một tờ tạp chí, không chỉ về nội dung cơ bản là tạp chí sáng tác văn học chứ không phải báo thời sự, mà còn hơn thế nữa, về tổ chức thì thực tế vừa là một tòa soạn báo vừa là một “tổ sáng tác văn học.”

Nghĩ lại, sao mọi sự lại cứ đâu vào đó, hay, đẹp thế nhỉ? Cho đến nỗi không khỏi băn khoăn tự hỏi: Những người “tổ chức” ra con đường này có tự giác không?Theo tôi thì chắc là không. Người ta làm những việc cụ thể, trực tiếp cần làm một cách tự nhiên, theo yêu cầu của cuộc sống vốn thông minh. Nó dẫn dắt mọi thứ, kể cả văn học đi theo những con đường lâu dài hợp lý nhất, mà không hề báo trước trên từng chặng ngắn, để cho mọi việc cứ ngỡ như là ngẫu nhiên vậy...

Tôi có cái may mắn là một trong những người được cuộc sống nhân hậu và thông minh “đưa đẩy” theo con đường đó, qua một loạt “ngẫu nhiên” cứ đến tuần tự...

... Nhưng đến đây tôi muốn dừng lại để được phép nói đôi chút về vùng đất của tôi, chiến trường của tôi, cái “khúc ruột miền Trung dằng dặc” ấy, vùng Nam Trung Bộ, cũng còn được gọi là khu 5, mà trước nay có lẽ còn quá ít được nói đến một cách không công bằng.

Cũng chỉ xin nói vắn thôi. Trong kháng chiến chống Pháp, có lẽ đó là một chiến trường vào loại độc đáo nhất trong cả nước. Rất xa Trung ương, bị bao vây chặt bốn bề, ba mặt là địch, nở rộ phong phú của sáng tác văn học như ta đã được thấy những năm sau 1954. Hình như cho đến nay chưa ai thử tìm hiểu đôi chút về khía cạnh này của đời sống văn học ta. Chẳng hạn một Nguyễn Khải đã mang gì về từ chiến trường địch hậu khu 3, một Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi từ chiến trường Nam Bộ xa xôi, một Phùng Quán từ Bình Trị Thiên khói lửa... Riêng tôi, có lẽ chiến trường khu 5 đã để lại trong tôi hai điều thật quý: một âm hưởng đậm đà của Tây Nguyên, nơi tôi được tham gia chiến đấu gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, và những ấn tượng trong sáng của một đời sống văn hóa tinh thần giản dị mà lành mạnh của một xã hội thật kỳ lạ, một hòn đảo Nghiêu Thuấn giữa chiến tranh bốn bề...

Song cũng có điều hơi lạ: theo chỗ tôi được biết, những anh em lớn lên ở các chiến trường và có tập viết lách đôi chút hồi chiến tranh đó hầu hết không ai có ý định quyết chí sẽ làm văn học, sẽ trở thành nhà văn. Trong chiến tranh, nếu có viết lách chút gì, thì ngay tự chúng tôi cũng coi đó là một kiểu “quần chúng hoạt động văn nghệ” thôi, một thứ sinh hoạt tinh thần trong nhiều thứ khác của người lính, hoặc như một động tác công tác chính trị... Tôi thấy bấy giờ chúng tôi có lẽ có khác lớp trẻ ngày nay. Ngày nay tôi thấy nhiều người viết trẻ ngay từ đầu rất quyết chí, hằm hằm quyết chí làm văn, làm nhà văn. Họ quyết chí làm một nghề. Tôi cũng không biết như thế hay hơn hay không hay hơn....

Tôi tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng – tàu Kilinsky của Ba Lan, lên bến Sầm Sơn đúng ngày 19 tháng 5 năm 1955, về đóng quân tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa, thuộc sư đoàn 324. Mấy tháng sau, một hôm tôi nhận được điện của Tổng cục Chính trị gọi đúng tên tôi về Hà Nội để viết cái gì đó. Tôi cũng không biết cụ thể sẽ viết gì, và vì sao người ta lại biết gọi đúng tên mình, một anh lính quèn từ một chiến trường rất xa xôi mới chân ướt chân ráo ra Bắc. Nhưng thôi, cứ được ra Hà Nội, về Thủ đô là thích quá rồi. Ra đến Hà Nội tôi mới rõ: Đại hội thi đua toàn quân vừa được triệu tập, một số anh hùng quân đội mới được tuyên dương, Tổng cục Chính trị chủ trương cần viết về thành tích của các anh hùng đó để tuyên truyền, nên triệu tập mỗi sư đoàn, mỗi chiến trường một vài người về để làm công việc viết truyện anh hùng đó. Tôi được Tổng cục Chính trị gọi đúng tên vì anh Dương Minh Đẩu, trong kháng chiến là phó ban tuyên huấn Bộ tư lệnh khu 5, là cấp trên của tôi lúc tôi làm báo Quân đội nhân dân Liên khu 5 đã giới thiệu tôi với Tổng cục: Cậu ấy có vẻ viết được! (Anh Đẩu về Tổng cục trước tôi mấy tháng)

Tôi ra đến Hà Nội chiều 19 tháng 8 năm 1955, một mình, ngơ ngác tìm hỏi đường về đến trạm 61 Cửa Đông. Trạm rất đông người ra vào tấp nập. Tôi chen vào trình giấy, anh cán bộ phụ trách trạm tên là anh Cay, liếc nhìn qua, rồi quát:

- Ra chờ nhận công tác hả, về Liễu Giai!

Liễu Giai (nay là khách sạn La Thành) là nơi nằm chờ của cán bộ khắp nước về chưa được phân công công tác, nghìn nghịt hàng nghìn người, có người về đấy rồi... bị bỏ quên luôn, ăn dầm nằm dề hàng mấy năm. Suýt chút nữa thôi thì tôi đã bị anh Cay cho về cái tổ ong mênh mông ấy và rồi không biết số phận sẽ lạc về tận đâu. May quá, đúng lúc đó có một anh tình cờ đứng cạnh, nghe được tôi trình bày và nghe anh Cay quát, liền kéo tôi ra một bên, hỏi, giọng Nghệ Tĩnh:

- Cậu là Ngọc 324 phải không? Trời ơi, sao về trễ thế! Chỉ còn thiếu mỗi cậu, anh em chờ mãi... Đừng có mà xuống Liễu Giai, lạc vô đấy thì như là mê cung. Đi với mình. Anh em đang chờ trong này.

Anh ấy là Nguyễn Trọng Oánh, từ sư đoàn 304, cũng được Tổng cục gọi về như tôi.

Anh Oánh dẫn tôi vào thành, chỉ cách có mấy trăm mét. Thì ra anh em các nơi đều đã về đông đủ, tôi là người cuối cùng. Chiều hôm đó tôi được gặp các anh Nguyễn Khải từ khu 3, Hồ Phương từ sư đoàn 308, Xuân Thiêm từ 320, Vũ Sắc từ 312, Lý Đăng Cao từ 367, Mạc Phi từ 316 Tây Bắc, Hà Mậu Nhai từ 330 Nam Bộ, Phùng Quán và Nguyễn Khắc Thứ từ 325 Bình Trị Thiên, Trần Cẩn, Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ từ 304... về. Còn có cả hai người làm nhạc là Doãn Nho và Trần Quý. Thú thật, tôi có hơi hoảng, toàn những người tên tuổi, tôi ở chiến trường rất xa mà cũng đã từng được nghe: Hồ Phương đã có Thư nhà, Nguyễn Khải đã có truyện được giải thưởng Hội Văn nghệ Trung ương, Nguyễn Khắc Thứ vừa in xong bộ tiểu thuyết dày hai tập Đất chuyển, Phùng Quán lúc đó cũng vừa có Vượt Côn Đảo đang gây xôn xao, Hà Mậu Nhai thì từng là một trong những người lãnh đạo văn nghệ chủ chốt ở Nam Bộ... Gần như chỉ có mỗi tôi tay trắng và vô danh. Anh Từ Bích Hoàng, cán bộ của Phòng văn nghệ phụ trách chúng tôi, phổ biến nhiệm vụ cho chúng tôi: mỗi người phải chọn viết về một người anh hùng thuộc đơn vị mình mới được tuyên dương. Nguyễn Khải viết Mạc Thị Bưởi, Hồ Phương viết Phùng Văn Khầu, Mạc Phi viết Lý Văn Thím, Phùng Quán viết Lâm Úy.... Tôi thì xin nhận Núp.

Cái tổ chức ghép lại này của chúng tôi gọi là trại sáng tác. Trại sáng tác truyện anh hùng quân đội. Hình như đó là lần đầu tiên có một tổ chức như thế và có cách gọi như thế. Trại, vì do quân đội tổ chức, trại lính mà. Về sau thành quen, ngành nào tổ chức cũng gọi là trại. (Về sau có lần nói chuyện với một nhà văn Nga, anh ta rất ngạc nhiên khi nghe dịch đúng cái tên gọi ấy. Sao lại trại, anh ta ngạc nhiên, trại thì chỉ có lính, trại tập trung hay trại nuôi gia súc! Tôi trả lời anh ta: thì cụ Tônxtoi bên các ông chả có cả một cái trang trại Iaxnaia Poliana to sù đấy là gì!)

Tổ chức trại sáng tác truyện anh hùng quân đội lúc ấy hoàn toàn là theo một yêu cầu cụ thể, tức thời của công tác chính trị. Nhưng tác dụng của nó vượt ra xa hơn ý định của những người tổ chức rất nhiều. Nó là cuộc tụ hội đầu tiên và quyết định những mầm mống của một đội ngũ các nhà văn mới nảy sinh rải rác đây đó trên khắp các chiến trường trong suốt cuộc kháng chiến đó, không biết nếu không có dịp tụ hội đó, thì những mầm mống tản mạn kia có còn cơ hội nào để tập họp lại mà thành một thế hệ viết mới không, hay có thể sẽ lặng lẽ tan tác đi hết? Chẳng ai nói chắc được.

Và cũng tất nhiên trại sáng tác truyện anh hùng năm 1955 còn thiếu một số gương mặt quan trọng cũng lớn lên từ kháng chiến chống Pháp: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tấn, Hữu Mai... và cả một số cây bút đặc sắc ngoài quân đội: Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Anh Đức... Nhưng cái nhóm trại sáng tác ấy dẫu sao vẫn cứ là cái lõi, cái hạt nhân, không có nó thì sẽ không có một cái “nòng cốt” đưa đến sự tập họp và hình thành một lớp mới, đánh dấu một thời kỳ mới của văn học.

Cũng có thể còn một mặt khác nữa của sự việc: không chỉ là một sự tập họp về số lượng.

Trong trại sáng tác lần ấy có người viết thành công, có người chưa. Cũng dễ hiểu thôi. “Bị” nhận Mạc Thị Bưởi, chẳng hạn, như sau này ta sẽ thấy rất rõ, không hề hợp chút nào với cái “tạng” của Nguyễn Khải, mặc dù anh rất tài năng. Không quan trọng gì cái chuyện ấy trong đời một người cầm bút. Đến một lúc nào đó, được “tự do” hơn, thoải mái hơn, anh sẽ tìm được đúng cái hợp tạng anh nhất và tài năng của anh sẽ bộc lộc rực rỡ.

Nhưng qua trại sáng tác năm 1955 bỗng có một điều gì đấy thay đổi, có thể là khá quan trọng trong cách viết chung. Tôi nhớ lúc nhận nhiệm vụ viết truyện anh hùng, tức là viết về những người thật việc thật rõ ràng, chúng tôi rất băn khoăn và có hỏi đem ý kiến hỏi các anh ở phòng Văn nghệ quân đội và anh Từ Bích Hoàng, trại trưởng của chúng tôi. Các anh có vẻ lúng túng. Các anh bảo: hồi 1951, Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, một số nhà văn, có cả những nhà văn nổi tiếng và đầy kinh nghiệm như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi...đã tham gia viết một số truyện anh hùng, các anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa... Chúng tôi có mang những truyện ấy ra đọc lại. Đó là những quyển sách in khổ nhỏ, mỏng, thực chất là những bản tự thuật khá đơn giản của những người anh hùng ấy, kể theo ngôi thứ nhất, được các nhà văn nghe và viết “hộ” cho họ, thật thà, chủ yếu là sự việc, chiến công... Lối kể là tự thuật, lối viết là báo chí.

Anh Từ Bích Hoàng bảo: Lần này gắng viết sao cho “hay” hơn hồi 1951...

Lời “chỉ đạo” chỉ có vậy thôi.

Còn chúng tôi thì bàn “trộm” với nhau: viết như hồi trước thì chán chết. Lần này phải là “sáng tác” kia. Phải viết tiểu thuyết!...

“Sáng tác kia”, “phải viết tiểu thuyết” cụ thể là thế nào? Chúng tôi cũng không ai rõ. Cứ mày mò tìm mà làm...

Về sau nhìn lại tôi thấy những tác phẩm có thành công lần ấy là những sáng tác trong đó người viết đã đem được vào đấy cái phần thể nghiệm, từng trải của riêng mình, bóng dáng, âm hưởng cuộc đời riêng, giọng điệu tâm hồn riêng của mình rất nhiều, mặc dù là viết người có thật, chuyện có thật.

Tức là sự sáng tác văn học thực sự đã hình thành – tất nhiên không cùng một lúc, đồng bộ và có đều ngay ở mọi người. Đó cũng là một sự đánh dấu của trại sáng tác này.

Tuy vậy, cho đến lúc đó, hầu hết chúng tôi cũng chưa nghĩ nhất quyết mình sẽ đi vào con đường văn chương. Chúng tôi viết rất nhanh (đúng thời gian quy định của trại trưởng Từ Bích Hoàng: ba tháng phải xong, đúng ngày 2 tháng 12 năm 1955 phải nộp quyển); và điều kiện làm việc rất đơn sơ giản dị: một tấm gỗ là giường cá nhân của bộ đội, kê cao lên, hai bên đặt hai cái ghế băng dài, bốn người bốn góc quay mặt vào nhau cặm cụi viết ngày đêm.

Xong trại, nộp quyển coi như hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị ba lô quay về đơn vị. Nhưng rồi xảy ra hai việc: Tổng cục Chính trị chủ trương giữ chúng tôi lại, cho đi tham gia cải cách ruộng đất đợt cuối một thời gian để “có điều kiện hiểu thêm nông thôn miền Bắc”. Và khi chúng tôi từ cải cách ruộng đất trở về thì là lúc đang xảy ra chuyện nhân văn giai phẩm, một số các anh như Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác....ra khỏi quân đội. Tổng cục chủ trương giữ chúng tôi lại làm lực lượng thay thế. Một số về phòng văn nghệ quân đội, một số sang tờ báo Văn nghệ của quân đội tên là tờ Sinh hoạt Văn nghệ, ra không đều kỳ, khi một tháng, khi hai ba tháng một số.

Lúc này, sau những xao động nhân văn giai phẩm, ở Văn nghệ Quân đội đang có sự củng cố, sắp xếp lại lực lượng. Những anh em đã dự trại sáng tác đầu tiên cũng không phải được giữ lại tất cả, mà chỉ chọn một số, còn thì trở lại đơn vị. Những người ở lại có Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Trọng Oánh, Hà Mậu Nhai, Hải Hồ, Xuân Thiêm, Vũ Sắc và tôi. Rồi lại rút thêm một số anh em ở đơn vị lên nữa: Hữu Mai, Nguyễn Ngọc Tấn, Lưu Trùng Dương.... vốn đã ở lâu từ trước Văn nghệ quân đội thì có các anh Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Chính Hữu. Anh Vũ Tú Nam chuyển ra ngoài sớm.

Cho đến cuối năm 1956, tổ chức Văn nghệ này dần dần hình thành 2 bộ phận rõ rệt: Phòng văn nghệ quân đội có trách nhiệm chỉ đạo phong trào, và báo Sinh hoạt văn nghệ lúc này đã chính thức có chủ trương chuẩn bị gấp để chuyển thành tạp chí Văn nghệ Quân đội, ra đều kỳ hàng tháng, ra công khai, phát hành rộng rãi. Anh Văn Phác về thay anh Vương Gia Khương, vừa làm trưởng phòng Văn nghệ quân đội vừa kiêm luôn chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội.

Vì tạp chí ra công khai nên chúng tôi trước nay vẫn ở trong thành nay được chuyển ra ngoài thành, về nhà số 4 Lý Nam Đế. Trên gác là tạp chí. Dưới nhà là phòng Văn nghệ quân đội. Tháng 1 -1957, tạp chí Văn nghệ Quân đội chính thức ra mắt.

Tôi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đúng năm năm rưỡi. Nay nhìn lại, thấy đây là những năm thật đẹp trong đời, có đơn giản nhưng trong sáng, thanh bạch, tình nghĩa cũng đơn giản mà trong sáng, thanh bạch, tình nghĩa như cả xã hội ta hồi đó vậy. Hầu hết chúng tôi đều rất trẻ, chỉ trên đôi mươi ít nhiều, chưa vợ con gì cả, cả tòa soạn như một gia đình, việc gì cũng lăn vào với nhau mà làm, làm hết mình, chơi cũng hết mình, sôi nổi mà đầm ấm. Tôi nhứ bấy giờ có cậu công vụ đâu mới có 16, 17 tuổi tên là Khải, chơi tú lơ khơ rất khá. Và anh Văn Phác thì mê tú lơ khơ. Đêm không rủ được ai, đành kéo cậu Khải vào chơi. Đến một lúc, chúng tôi nghe trong phòng anh Phác có tiếng hét ầm lên, chạy sang thì thấy cậu Khải đang chỉ mặt thủ trưởng Phác sừng sộ: “Ông này ăn gian! Ông này ăn gian!...”

Chúng tôi thay nhau làm biên tập, lúc đi phóng viên. Thật ra một tạp chí tháng không cần đông người đến vậy. Về sau, tạp chí lại còn rút thêm một số anh em mới ở đơn vị lên nữa: Xuân Thiều, Trúc Hà, Xuân Sách, Xuân Khánh, Nguyễn Minh Châu.... Bởi vì, ngay từ đầu đã có một ý định rõ rệt và thật hay: tạp chí vừa là tạp chí vừa thực tế là nơi tập họp và tạo điều kiện cho lực lượng viết trong quân đội. Có những anh, tiếng là ở tạp chí, nhưng quanh năm chỉ đi viết và viết tiểu thuyết thôi. Cũng chẳng sao. Anh Văn Phác thì đôn đốc, khuyến khích chúng tôi đi, đi thật nhiều. Có chuyến tôi lang thang suốt cả năm trời vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, lại có chuyến la cà ở các khu công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên gần trọn cả năm, anh Phác bảo thế càng tốt.

Trong thực tế những năm ấy, không nơi nào tốt cho người viết hơn là ở Văn nghệ Quân đội, và Văn nghệ Quân đội chừng nào đó cũng có thể coi là một trại sáng tác thường xuyên, và kéo dài, một phương thức quản lý lực lượng sáng tác thật sinh động. Cách làm đó cũng lại là nguồn nuôi sống tạp chí rất tốt.... Chính trong những năm đó Nguyễn Khải có Xung đột Mùa lạc, Nguyễn Ngọc Tấn đã có Trăng sángĐôi bạn, Hữu Mai có Cao điểm cuối cùng, tôi cũng có được Rẻo caoMạch nước ngầm.

... Trong số anh em cùng sống, làm việc với nhau ở nhà số 4 Lý Nam Đế lúc bấy giờ tôi đặc biệt quý một người: Nguyễn Ngọc Tấn. Theo tôi, đó là một trong những cây bút có nhiều trăn trở và đậm đà nhất của văn học ta, ít ra cũng là của thế hệ chúng tôi. Và là một con người thật nghệ sĩ. Anh sống bên ngoài trầm lặng, khiêm nhường, từ tốn, nhưng bên trong thì mạnh mẽ, quyết liệt, quằn quại. Tôi với Nguyễn Trọng Oánh cứ thường quan sát và so sánh Nguyễn Khải và Nguyễn Ngọc Tấn. Nguyễn Khải đi “thực tế’ chỉ thoáng một cái đã thấy về, và về là viết được ngay, về lại ngồi viết tiếp như không, chả sao cả, và chẳng bao giờ viết đêm, thức khuya. Nguyễn Ngọc Tấn khác hẳn. Nhìn anh viết, đến là khổ: không ngồi ở bàn, mà trải chiếu ra sàn nhà, không ngồi mà nằm chùm hum, một chiếc khăn ướt quấn chặt quanh đầu để chống lại cơn đau đầu hành hạ, suốt ngày cứ trong tư thế như vậy mà vật lộn với từng câu, từng dòng, từng con chữ... Suốt những năm ở miền Bắc, Tấn luôn quằn quại âm thầm vì miền Nam, năm 1959 anh viết truyện ngắn Im lặng, một nét lạ trong sáng tác văn học hồi bấy giờ bị phê phán, coi là bi quan, đen tối... Thật ra, tôi nghĩ, trong tất cả chúng tôi anh là người nghe sớm hơn cả, thống thiết hơn cả tiếng gọi máu thịt miền Nam, khiến anh đâu đớn quằn quại, có lúc như bế tắc trong lòng... Tôi hiểu Tấn, vì chính tôi ít nhiều cũng có tâm trạng ấy và cũng đã không che giấu được nó trong Mạch nước ngầm.

Cho nên đến khi có tin những cuộc nổi dậy rồi cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam bắt đấu, thì chúng tôi háo hức chạy xuôi chạy ngược tìm “tuy –ô” chỗ này chỗ kia, nài nỉ được lên đường về Nam.

Lúc đầu “trên” chủ trương chưa cho chúng tôi đi ngay mà đưa một số anh em “nghiệp dư” đi trước đã. Ở tòa soạn Văn nghệ quân đội chúng tôi nhận được một số anh em từ các sư đoàn miền Nam gửi về, nhờ bồi dưỡng nghiệp vụ để họ sẽ về hoạt động văn học ở chiến trường: Thanh Giang, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam... (Các anh em này đều xuất thân là lính pháo binh: hồi bấy giờ lính pháo binh là lính có học văn hóa khá hơn cả). Cuối năm 1961, Thu Bồn, Phan Đình Côn, thêm cả anh Nguyễn Chí Trung nữa lên đường vào chiến trường khu 5. Đến đầu năm 1962 thì tôi được gọi. Lúc này, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã được thành lập., Anh Nguyễn Đôn, Tư lệnh quân khu điện ra Hà Nội xin đúng tên tôi vào.

Nghe tin tôi được gọi mà chưa thấy ai nhắc gì đến mình, Nguyễn Ngọc Tấn cứ lồng lên. Anh chạy khắp các cửa, kêu kiện “sự bất công” này. Cuối cùng anh cũng được quyết định trở về Nam Bộ. Chúng tôi lên sư đoàn 338 ở Xuân Mai để tập luyện và bồi dưỡng một tháng. Rồi lên đường. Đối với tôi, có một sự trùng hợp rất lạ: tôi rời miền Bắc trở vào Nam đúng ngày 19/5/1962, tức là tôi ở miền Bắc đúng trọn 7 năm, không sai một ngày....

Sau gần hai tháng leo Trường Sơn, chúng tôi đến một rừng xà nu rất sạch và đẹp phía tây Thừa Thiên giáp Lào. Đây là điểm chia tay. Tấn sẽ đi tiếp, vòng qua phía tây Kontum, đi một đoạn dài trên đất bạn Campuchia rồi sẽ đổ về Nam Bộ. Tôi thì rẽ về phía đông Kontum, men theo sườn núi Ngọc Linh, đổ về phía miền tây Quảng Nam – Quảng Ngãi. Trước khi chia tay, chúng tôi quyết định dừng lại một ngày, treo võng ở rừng xà nu, đêm đốt lửa thức trắng với nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm và kinh nghiệm bảy năm ở miền Bắc, cùng nhau ước lượng cuộc chiến đấu gian nan sắp đến. Hôm qua Sépôn tôi có gặp một anh bạn học cũ từ hồi tiểu học, trung học tên là anh Đấu. Sau hiệp định Geneve 1954, anh Đấu ở lại hoạt động bí mật ở miền Nam, không đi tập kết, trở thành tỉnh ủy viên tỉnh ủy bí mật Quảng Nam. Bây giờ anh ra Bắc chữa bệnh. Chúng tôi mời anh Đấu nói chuyện cho anh em chúng tôi nghe, giúp chúng tôi có những hiểu biết đầu tiên về thực tế chiến trường. Anh nhận lời, nhưng đến khi ra đứng trước anh em, anh lúng túng mãi không nói được. Cuối cùng anh bảo: “Bảy, tám năm nay, chưa bao giờ tôi nói chuyện trước đông người như thế này!”. Mà tất cả chúng tôi hôm ấy chỉ có hai mươi người... Chuyện ấy làm Nguyễn Ngọc Tấn rất xúc động. Anh bảo tôi: “Cách mạng trong ấy bây giờ là như thế đó, chưa có một mảnh đất đứng chân. Mình về bây giờ mà cứ khăng khăng đòi làm anh nhà văn thì vô duyên quá. Mình sẽ nhận làm bất cứ công việc gì cách mạng cần, chỉ đến khi nào công việc viết trở nên cần thiết, quan trọng hơn những việc khác, mình sẽ mới trở lại cầm bút..”

Đêm ở rừng xà nu tây Thừa Thiên, Tấn nhắc lại với tôi điều đó. Tôi cũng hứa với Tấn như vậy. Chúng tôi còn dặn nhau sẽ đi đến cùng cuộc chiến đấu này cho đến ngày thắng lợi, không bỏ dở giữa chừng, và nếu một trong hai đứa hy sinh thì ngày hòa bình đứa kia phải đi tìm gia đình cho bạn. Riêng Tấn, anh còn một đứa con gái ở Sài Gòn mà anh chưa hề biết mặt, anh dặn tôi ngày giải phóng Sài Gòn thế nào cũng đi tìm gặp cho được con anh, nếu anh không còn trở về...

Tôi về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 5 bấy giờ đóng ở vùng Nước Non huyện Trà Mi, tây Quảng Nam, gặp anh Nguyễn Đôn, tư lệnh quân khu, anh bảo:

- Trước hết, cậu nhận một cây rựa và đi phát rẫy đã. Vấn đề bây giờ là tồn tại.

Tôi nghĩ: nghe cứ như Hamlét ấy nhỉ. To be or not to be. Nhưng mà đúng như thế thật: trước phải tồn tại đã, nghĩa là đừng chết đói và đừng để bị địch tiêu diệt, rồi mới dần dần gây dựng lên tất cả, gần như là từ tay trắng. Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam vào trước tôi ít lâu đã làm xong nhiệm vụ phát rẫy của họ và đã vội lao ngay xuống chiến trường. Tôi nhận rựa, đi phát rẫy cho xong phần mình, rồi cũng lao xuống theo. Lúc bấy giờ đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt và phức tạp để giành lấy một thôn đồng bằng đầu tiên – thực ra là một thôn bán sơn địa – tên là thôn Tứ Mỹ thuộc xã Kỳ Sanh, phía tây huyện Tam Kỳ. Tôi gặp các anh Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam và cả Phan Tứ ở đấy. Vừa xuống, gặp anh em, đã thấy ngay được một điều: anh em không ai “đi xem”, họ đi làm cả, làm thật sự, mà cũng không phải, chưa phải là văn học, họ lao vào làm mọi việc, xông xáo, quyết liệt, như những cán bộ quân sự, cán bộ chính trị thực thụ.

Có lẽ đó là một nét riêng rất quý trong anh em văn học khu 5, có từ hồi kháng chiến chống Pháp, nay trong cuộc đấu tranh chống Mỹ gay go, ác liệt, sâu sắc hơn, thì lại càng rõ hơn. Tôi nhớ hồi đó ở chiến trường anh em chúng tôi thường trao đổi với nhau: chúng tôi không đồng tình, không thích lắm nói “đi thực tế”. Tổ chức một chuyến “đi thực tế”, đến xem người ta làm, người ta đánh nhau, mình thì chăm chắm giở sổ tay hý hoáy ghi chép, rồi về ngồi viết. Chúng tôi muốn và thực sự làm kiểu khác: thật sự vào cuộc với mọi người, nhất thiết không làm người đi xem, người đứng ngoài. Có lúc, thật sự đi làm cán bộ phát động quần chúng phá kìm nổi dậy, có lúc đi làm bí thư chi bộ ở xã, cán bộ quan sự hay chính trị ở đại đội, tiểu đoàn, cũng có anh nhận cầm quân đánh nhau thật sự... Cái mình sẽ viết ra là cái mình, viết bằng sống (và chết) của chính mình, chứ không phải chỉ là cái nghe lỏm được của cuộc đời, của chiến đấu.

Không biết cái quan niệm đó có hoàn toàn đúng không, nhưng chúng tôi thấy không thể làm khác, trước hết là vì đúng như Nguyễn Ngọc Tấn nói đêm ở Sécpôn va ở tây Thừa Thiên – người ta, đồng đội của mình, đồng bào của mình đang vật lộn sống mái vậy trong cuộc đấu tranh, mình chỉ đến “quan sát” ghi chép, rồi về viết, công việc gọi là văn học ấy nghe vô duyên và thậm chí tàn nhẫn không chịu được. Với lại cuộc chiến đấu khẩn trương mất còn bấy giờ cần mình thật, không thể đứng ngoài. Tất nhiên chúng tôi cũng biết người viết đến một lúc nào đó cần rút ra, lui xa ra một khoảng nhất định để có cái nhìn tỉnh táo, toàn cục, để lắng lại và chiêm nghiệm.

Những năm 1962, 1963, chúng tôi đã sống như vậy: đến mùa phát rẫy thì về núi, cầm rựa, hì hục làm ra cái ăn. Xong lại lao xuống chiến trường, sống và chiến đấu cùng đồng đội, đồng bào...

... Từ năm 1962, khi gọi tôi vào thì Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã có ý đồ dần dần xây dựng lực lượng sáng tác trong Quân giải phóng khu 5, ra báo và có thể cả tạp chí văn nghệ. Ngay lúc đó đã điện xin Bộ một cái máy in. Ở Hà Nội, tất nhiên người ta sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường, nhưng lại có phần nhiệt tình thái quá và không hiểu điều kiện cụ thể của chiến trường: đáng lẽ gửi cho chúng tôi một cái máy in mi-néc đứng đạp chân, gọn nhẹ, cũng đủ in được khổ một trang báo như báo Nhân dân hiện nay, thì người ta lại gửi cho chúng tôi một cái máy Osaka nằm, to bằng cả một bộ phản, nặng hàng mấy tấn, phải ba bốn chục người quay tay nếu không có điện. Nó đi từ Hà Nội năm 1962 cùng lúc với tôi và Nguyễn Ngọc Tấn, nhưng biệt tăm đâu mất trên Trường Sơn, mãi đến đầu năm 1965 mới nghe tin xuất hiện ở vùng rừng thông tận Thừa Thiên, địa đầu khu 5. Được tin, mừng quá, quân khu cho một đại đội công binh ra đón, phá núi mở đường cho nó đi vào, và phái Thu Bồn ra áp tải nó về cho đến tận nơi. Đến giữa năm 1965 nó mới đến, xưởng in được lập lên giữa một khu rừng già trên cao. Vừa đúng lúc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, chiến tranh cục bộ bắt đầu. Chúng tôi quyết định ra báo Quân giải phóng và cả tạp chí Văn nghệ quân giải phóng quân khu 5. Anh Lê Văn Ba ở miền Bắc vào phụ trách tờ báo, tôi và Nguyễn Chí Trung lo tờ Văn nghệ, nhưng thực ra chúng tôi làm chung cả, vừa viết báo, vừa viết tạp chí. Số 1 tạp chí in tùy bút Đường chúng ta đi của tôi, truyện ngắn Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung, thơ Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam. Số 2 in truyện Rừng xà nu... có lẽ ít ai làm báo kiểu như vậy. Chúng tôi ngồi viết – chỉ viết về đêm, ngày còn phải đi làm rẫy, đêm đốt nứa lê soi sáng mà viết vì không có dầu. Viết xong tự mình cầm bài chạy đi nhờ thợ sắp chữ – rồi lại cùng anh em quay máy, chiếc máy Osaka nặng trịch mà các anh ở Hà Nội đã quá nhiệt tình gửi cho chúng tôi. Rồi lại tự mình cõng báo đi phát hành cho các đơn vị... Mấy năm sau chúng tôi còn làm cả xuất bản nữa. Quyển Sống như anh của Trần Đình Vân, nghe đọc trên đài, chúng tôi phân công nhau cố gắng ghi theo thật nhanh (bấy giờ chưa có được máy ghi âm, chỉ cố ghi bằng tay cho kịp thôi) rồi in lại. Tất nhiên là với rất nhiều sai sót. Nhiều khi có những sai sót thật ngây ngô. Bài thơ Nguyễn Văn Trỗi của Tố Hữu, chúng tôi chép theo đài và in lại trên tạp chí, nghe và chép loạng choạng thế nào mà “chết như sống, anh hùng vĩ đại” lại thành ra “sống như chết, anh hùng vĩ đại!”... Cả trường ca Chim Ch’rao của Thu Bồn và tiểu thuyết Đất Quảng của tôi cũng được in ở đây...

Báo và tạp chí ra, anh em ở đơn vị thích và phong trào viết lên dần. Chúng tôi phát hiện một số cây bút khá, rút dần về chỗ chúng tôi: Ngân Vịnh, nguyên là tiểu đội trưởng súng cối, phát hiện ra sau trận Vạn Tường, Thái Bá Lợi là y sĩ rất giỏi của một trung đoàn chủ lực, chúng tôi thương lượng mãi, đổi cho trung đoàn một bác sĩ, mới rút được về, Hà Giao từ tỉnh đội Bình Định về, rồi Lương Tử Miễn, Vũ Phong Tạo...

Lúc bấy giờ, bên chỗ khu ủy khu 5 cũng có một bộ phận văn nghệ, có các anh chị Vương Linh, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Dương Thị Xuân Quý, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Vĩnh Nguyên, Đoàn Văn Nguyên...

Cuối năm 1967 chúng tôi tổ chức đại hội văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ (tức khu 5), thành lập Hội, tôi được cử làm chủ tịch, lo công việc cả hai bên. Cuối năm 1970 đầu 1971, đúng giữa thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh” đen tối nhất, chúng tôi được bổ sung thêm Nguyễn Trí Huân từ tạp chí Văn nghệ quân đội vào. Cùng lúc đó bộ phận văn nghệ khu ủy cũng được bổ sung gần mười anh chị em từ lớp Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi sang thương lượng, xin về cho bên quân đội được ba người: Nguyễn Hồng, Nguyễn Bảo và Vũ Thị Hồng...

Anh chị em mới về, lập tức nhập ngay vào cái nếp đã thành truyền thống của đơn vị, chúng tôi dần dần có một lực lượng khá dày và đẹp, có mặt ở hầu khắp các đơn vị, các mặt trận quan trọng nhất của quân khu và trong những thời điểm quyết định nhất. Xông xáo, dũng cảm, tận tụy, bộ đội ở đâu cũng đều nói như vậy về lực lượng anh chị em chúng tôi. Đến đâu chúng tôi cũng được coi ngay như người nhà. Cũng có người đã ngã xuống trong chiến đấu như những người chiến sĩ đầy trách nhiệm và anh hùng: Phan Đình Côn cuối 1965 ở Ba Tơ, và Nguyễn Hồng đầu năm 1973 ngay sau hiệp định Paris ở Quảng Đà.

Chúng tôi cũng mở được cả trại sáng tác, lớp đào tạo bồi dưỡng cho các hạt nhân viết ở các đơn vị, ngay cả trong những lúc khó khăn ác liệt nhất. Có lần, tôi đi mở lớp, bị anh Đặng Hòa, bấy giờ làm chủ nhiệm chính trị quân khu mắng cho một trận: “Anh triệu tập người ta về, rồi để người ta chết đói ra đó, học tập, đào tạo gì!”, của đáng tội, lần ấy chúng tôi quá thiếu thốn, nhưng chưa thật đến nỗi chết đói, anh em phải lấy quần áo của mình mang vào làng đổi sắn về nấu ăn. Nhưng mà vẫn vui và vẫn là trại sáng tác như thường...

Tức là, ở chiến trường, trong những điều kiện khác nhau, chúng tôi lại đã hình thành một hoạt động và một kiểu tổ chức như một thứ Văn nghệ Quân đội, một thứ “4 – Lý Nam Đế” nhỏ, giữa rừng...

Sau 1975, chúng tôi lại lần lượt trở về 4 – Lý Nam Đế - Hà Nội. Tôi từ khu 5 ra, Nam Hà từ khu 6, Nguyễn Trọng Oánh từ Nam Bộ ra. Rồi lần lượt cả những anh em được “sinh” ra từ những chi nhánh con của Văn nghệ quân đội ở các chiến trường trong chiến tranh cũng lần lượt trở vê: Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng... Chỉ thiếu Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi: anh đã nằm lại ở Sài Gòn xuân Mậu Thân 68.

Có lẽ trong đời sống văn học ở ta hiếm có một ngôi nhà nàp như vậy: 4 Lý Nam Đế – Hà Nội. Bốn mươi năm trước, sau một cuộc chiến tranh dài chín năm, nó là nơi hội tụ đầu tiên của một thế hệ cầm bút mới, là con đẻ của cách mạng và chiến tranh, đến khi cuộc chiến tranh thứ hai bùng nổ, từ đó lại tỏa đi các chiến trường những “chi nhánh” độc đáo, sinh động của nó, để rồi khi hòa bình thống nhất toàn vẹn cuối cùng trở lại, nó lại là nơi tụ hội của một thế hệ nối tiếp nhau nữa của văn học, mới mẻ, nhưng dạn dầy, trưởng thành.

Chắc đến một lúc nào đó, ở chỗ ấy, cũng nên nghĩ đến việc đặt một tấm bảng Di tích Văn hóa, hay ít ra là Văn học.

NGUYÊN NGỌC
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)