VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những dòng kỷ niệm thân thương (THANH TỊNH)

Chủ Nhật, 04/09/2011 09:30

Chúc tết đầu năm

Theo phong tục cổ truyền, sáng mồng một tết năm 1956, tôi đến chúc tết gia đình anh Nguyễn Chí Thanh. Ngày ấy anh ở bên cạnh đền Quán Thánh, gần hồ Trúc Bạch. Tôi đến thì trong nhà đang có khách. Tôi ngập ngừng chưa dám vào. Tôi đến vì đã quen biết từ lúc anh phụ trách tờ Nhành lúa năm 1936 ở Huế. Chứ sự thật thì một đại úy như tôi cũng khó được gần một đại tướng. Thấy bóng tôi thấp thoáng ở bên ngoài phòng khách anh Nguyễn Chí Thanh liền bước ra. Thấy tôi, anh niềm nở nói:

- Anh cứ vào, trong nhà toàn đồng đội, đồng hương cả chứ có ai lạ đâu.

- Tôi bước vào thì thấy anh Văn (Đại tướng Võ Nguyễn Giáp) và anh Lê Chưởng. Tôi chào và chúc tết. Hai anh đứng dậy bắt tay vui vẻ chúc lại. Nhân có tôi, anh Lê Chưởng tự nhiên nói:

- Sang năm tờ Văn nghệ quân đội sẽ ra công khai, phát hành rộng rãi…

Anh Nguyễn Chí Thanh hỏi:

- Thế đã tìm cho anh em trụ sở để đặt tòa soạn chưa?

Anh Lê Chưởng suy nghĩ một chút rồi nói:

- Có lẽ tìm một nơi trước Cửa Đông.

Anh Nguyễn Chí Thanh đứng dậy xem bản đồ Hà Nội treo tường rồi nói:

- Phố Cửa Đông xem ra còn nhiều nhà buôn bán, tòa soạn đặt ở đây không tiện, thế ngôi nhà mái cong làm theo kiểu đình chùa đầu đường số 4 Lý Nam Đế cạnh báo Quân đội nhân dân hiện nay ai ở?

Anh Lê Chưởng trả lời ngay:

- Nhà này chia nhiều phòng như khách sạn, hiện nay là nơi ở của thủ trưởng…

Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn anh Lê Chưởng rồi nói:

- Anh và anh Võ Hồng Cương cũng ở trong nhà này phải không? Thế thì nên nhường cho anh em, vì tạp chí đã ra công khai thì tòa soạn phải tiếp xúc với nhiều nơi, nhiều người, bạn đọc, bạn viết trong nước và ngoài nước.

Anh Lê Chưởng đáp gọn:

- Thưa vâng.

Anh Văn nãy giờ ngồi yên liền nói:

- Tòa soạn Văn nghệ quân đội đặt ở đó rất hợp, tại đây sẽ thành khu văn hóa văn nghệ của toàn quân vì các cơ quan báo chí, văn học, điện ảnh, xuất bản, thư viện quân đội đều ở gần bên nhau:

Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn tôi nói thêm:

- Lúc ra ở riêng nhớ nhắc anh em trong lúc nói, viết và làm, đều luôn nhớ mình là bộ đội.

Mỉm cười anh nói tiếp:

- Nhớ mình là bộ đội không phải chỉ nhớ mặc quân phục và đeo quân hàm mà nhớ mình là bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình… Trước bất cứ khó khăn trở ngại nào cũng phải chiến đấu, chiến thắng nhất là chiến thắng bản thân.

Tôi xin ra về. Lời nói của anh Nguyễn Chí Thanh sáng hôm ấy xao xuyến, náo nức, rạo rực mãi trong lòng tôi. Còn ba người tôi tình cờ gặp sáng hôm ấy: anh Văn quê Quảng Bình, anh Lê Chưởng ở Quảng Trị, anh Nguyễn Chí Thanh người Thừa Thiên lại gợi lên trong tâm trí tôi hình ảnh điển hình thu nhỏ của Bình Trị Thiên kiên cường, anh dũng.

*

* *

Buổi đầu về nhà mới

Sáng hôm ấy, đầu xuân, trời tạnh ráo, anh Văn Phác giao anh Nguyễn Ngọc Tấn và tôi từ trong thành đưa anh em ra đầu phố Lý Nam Đế gần vườn hoa Hàng Đậu nhận nhà mới và phân nơi ở, phòng làm việc. Chúng tôi đến nơi đi quanh mấy vòng, rồi lên tầng trên, xuống tầng dưới mấy lần rồi mới bàn bạc chia phòng. Trước hết hội trường không có nên đành tạm lấy một phòng gần cổng ra vào để làm phòng họp. Một phòng khác ở tầng trên phía tay trái, gần cầu thang là nơi làm việc của anh Văn Phác chủ nhiệm. Ngoài ra cứ mỗi phòng có hai người ở. Anh Nguyễn Ngọc Tấn ở phòng giữa tầng trên bên tay trái với anh Nguyễn Khải. Cũng như thế nhưng phía tay phải là nơi ở của anh Lưu Trùng Dương và tôi. Những phòng còn lại thì chia cho anh em khác đã có mặt hay dành cho người đang đi công tác. Nhà này vốn là trụ sở của sĩ quan không quân thời Hà Nội tạm bị chiếm, nên sàn tầng trên bằng gỗ lim, dây điện đều làm trong tường, vách khá dày và mỗi phòng đều có phía chính giữa một ngọn đèn và có chao bằng vải hoa đính tua màn. Vòi nước, nơi rửa, nơi tắm, nơi tiểu tiện thì tầng trên tầng dưới phòng nào cũng có. Mẫu và kiểu hoàn toàn giống nhau. Những anh em ở Hà Nội thì sáng chiều đến làm việc, còn trưa tối về nhà. Ở lại ngày đêm cùng đơn vị chỉ những người quê miền Nam, xa nhà hay chưa có gia đình. Ngày ấy anh Văn Phác nhà ở bên kia sông Hồng gần sân bay Gia Lâm. Hằng ngày anh thường về trễ nhưng bao giờ cũng đến cơ quan đúng giờ. Có một lần đi đón người quen ở Hà Nội chuyến tàu đêm lúc ba giờ sáng, thấy phòng anh Nguyễn Ngọc Tấn còn ánh đèn tôi liền tạt đến thăm hỏi. Thì ra anh đang ngồi cặm cụi viết bài. Tôi hỏi sao anh chọn giờ làm việc khuya thế, anh cười nói:

- Tại cái loa phát thanh giữa vườn hoa Hàng Đậu. Nó oang oang nói suốt ngày không biết mệt. Ban ngày thì tiếng nó vang ở vườn hoa. Đêm đến trời thanh vắng thì mình tưởng tiếng nó đến trước cửa sổ phòng mình. Còn 11, 12 giờ khuya thì trời đất, tiếng nó vang vang ngay trên đầu giường. Mà nào có phải tin mới, bài mới gì đâu. Chỉ thế thôi mà mỗi ngày nói đi nói lại đến ba bốn lần…

Một thời gian sau tôi không thấy anh Nguyễn Ngọc Tấn làm việc khuya nữa. Cái loa tròn tám miệng hình chữ nhật treo giữa vườn hoa đã chuyển đi nơi khác.

Phòng tôi ở thì hơi xa tiếng loa. Nhưng con vẹt lông nâu cổ viền vàng như đeo hạt, anh Lưu Trùng Dương đem đâu từ Tây Bắc về đặt ở cửa sổ cũng quấy rầy tôi không kém. Con vẹt này chưa biết nói gì hết. Nó chỉ đi qua đi về, một chân buộc dây ni lông vào cái thước, và kêu ken két suốt buổi như dao cứa vào nứa. Ban đêm thấy xe ô tô chạy nó liền vỗ cánh phành phạch và kêu to hơn nữa. Mà nào đêm đêm xe chạy qua đơn vị có phải ít đâu. Tôi không kêu ca gì, vì chính tôi cũng nuôi mấy con cá vàng trong bầu thủy tinh đặt trên bàn viết.

Một đêm trời nổi cơn giông, tiếp sau là mưa tuôn xối xả. Sáng hôm sau anh Lưu Trùng Dương dậy thật sớm để đánh thức tôi rồi nói với giọng buồn buồn luyến tiếc:

- Tối hôm qua trời giông, con vẹt sợ quá nên giật dây bay đi đằng nào rồi.

Thú thật tôi đã mừng thầm một cách ích kỷ. Vì tôi đã được giải thoát tiếng kêu chối tai của con vẹt. Còn con vẹt thì được giải phóng. Nhưng đến khi anh Long đem một chùm lông chim rồi cho biết con mèo bên hàng xóm tối hôm qua đã vồ con vẹt thì tôi liền mời anh Lưu Trùng Dương đi uống cà phê và chia buồn với anh thực sự.

Vốn liếng

Buối đầu vốn liếng cấp trên cho tòa soạn cũng chẳng là bao, có thể nhớ rất dễ. Trước hết là cái máy chữ đã cũ, ốm yếu quanh năm nên chẳng có tháng nào là không phải nhờ “thầy” đến chạy chữa. Vì thế một số lớn bài vở phải thuê đánh máy bên ngoài. Chị Tài phụ trách vừa đánh máy chữ, vừa đi thuê đánh giúp. Chị bảo: công đi thuê nhiều hơn giờ đánh máy.

Thứ hai là chiếc xe đạp “roát tơ” loại xe thồ của Tiệp Khắc. Chiếc xe này cũng chẳng mới mẻ gì. Xe dành riêng cho anh Hà Trì đưa bài, tranh, ảnh đến nhà in. Tuy thế chiếc xe cũng chẳng mấy khi được nghỉ ngơi rỗi rãi, kể cả ban đêm. Có việc này việc khác của tòa soạn thì anh em lấy xe công đi. Xe công bận thì họ đi bộ. Ngày ấy ít người có xe đạp riêng. Vì là xe công nên ít người chăm sóc nên nó đã già lại càng yếu cứ hom hem rên rỉ suốt đường. Một lần anh Hà Trì nói với tôi:

- Công an vừa ra lệnh xe đạp nào cũng có “phờ ranh” và “chuông” Dọc đường họ kiểm soát, xe nào thiếu hai thứ đó thì phạt.

Tôi bảo:

- Thế thì xin cơ quan tiền để mua cái chuông.

Anh Hà Trì cười:

- Xe ta cần gì đến chuông, lúc đi thì nó kêu như thét, người đi đường cách 30 thước đã biết “tiếng tăm” của nó rồi!.

Thứ ba là cái quạt tai voi Liên Xô. Quạt này còn khá tốt, gió nhiều, chạy êm. Nhưng tầng trên, tầng dưới gồm những 16 phòng nên không biết nên đặt quạt ở phòng nào. Tất nhiên là nên đưa quạt lên phòng chủ nhiệm. Nhưng anh Văn Phác không đồng ý. Sau cùng tất cả anh em đều nhất trí đem quạt vào phòng khách. Trời nóng thì phòng này vắng khách, ai cần mát thì cứ việc vào đó ngồi nhờ để viết. Khó thay, tòa soạn ngày nào, giờ nào cũng có khách. Tuy thế nhiều phòng cũng có quạt máy riêng. Đó là cái bầu điện xe đạp Tiệp Khắc quấn vào đấu thành ra cái quạt con. Muốn cho nó chạy trước hết phải khởi động vài ba lần. Tức cầm cái núm nằm giữa quạt xoay thật mạnh và thật đều. Anh Hà Mậu Nhai lại có vẻ sáng kiến nhét hoa ngọc lan vào giữa cánh nên gió đã mát lại thơm. Anh em bắt chước làm theo, nhưng dùng hoa khác nhau, nên phòng này hương hoa hồng, phòng kia nức hương hoa bưởi… đã có tiếng đồn là anh em ở tạp chí Văn nghệ quân đội sáng chế được loại quạt máy… hương hoa! Chỉ buồn một nỗi không ai cấp bằng phát minh cho cả.

Ngoài ba thứ đã được trên cấp còn phải kể thêm một vài thứ nữa được anh Nguyễn Chí Thanh biếu tặng. Đó là một máy hát chạy bằng điện mang nhãn hiệu Tiệp Khắc. Giữa lúc anh em không người nào có đài cả thì cái máy hát này đã trở thành buổi hòa nhạc nước ngoài đêm đêm. Cứ tối đến, trước khi đi ngủ anh em lại tập họp lại phòng anh Hà Mậu Nhai để nghe nhạc. Nhiều khi nghe hát nhưng không hiểu lời gì hết. Chỉ cảm thông âm điệu khi du dương khi sôi nổi thế thôi. Đĩa hát, đĩa nhạc tất cả có năm chiếc nghĩa là tất cả có mười bài. Nghe đi nghe lại mãi chừng ấy bài cũng thấy cứ bớt dần sự hào hứng. “Phòng nhạc” đêm đêm cứ vắng khách dần. Thêm nữa mấy cái kim đã cũ không được thay mới nên giọng hát phát ra cứ nghe âm âm như người ốm rên rỉ, than vãn. Thính giả không muốn nghe thì ca sĩ cũng không hát. Anh Hà Mậu Nhai đưa máy hát cất vào tủ.

Các cuộc đi thực tế

Hàng năm tòa soạn đều tổ chức đi thực tế về đơn vị, về địa phương, tiếp xúc với cuộc sống thực tại và tìm tài liệu để viết. Hướng đi do trên đề ra, do tình hình đòi hỏi và cũng do đơn vị yêu cầu. Thường thường là đi chung. Đồng chí chủ nhiệm cũng nhiều lần có mặt trong các chuyến đi. Nhờ thế mà cuộc đi có thể kéo dài về thời gian được. Nếu cần thiết thì anh em có thể soạn được bài, chuẩn bị bài, đưa duyệt bài ngay đang lúc đi thực tế. Giữa năm 1958 anh em đi Hải Phòng qua Hồng Gai đến vùng mỏ than cọc 6, dừng Cửa Ông. Đầu năm 1961 đi Quảng Ninh đến Móng Cái. Cuối năm 1962 đi Lạng Sơn, Cao Bằng, đến tận phủ Trùng Nguyên. Lần này có anh Đào Hồng Cẩm phụ trách sân khấu quân đội đi cùng. Giữa năm 1965 đi Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Giữa năm 1968 đi Hải Phòng, Đồ Sơn đến sinh hoạt với đại đội gió. Cuối năm 1969 đi Yên Bái, Lao Cai đến một số huyện miền núi ở Sa Pa, Mường Khương… Cuối năm 1970 đi Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang rồi qua Pắc Xum, Quản Bạ, Yên Minh, Phó Bảng đến Đồng Văn. Giữa năm 1971 đi Cửa Nhì đến Nghĩa Lộ tiếp xúc với bộ đội địa phương vùng này.

Từ mồng 5 tháng 8 năm 1964 giặc Mỹ cho máy bay ra phá hoại miền Bắc thì các cuộc đi thực tế của tạp chí không những không chững lại mà còn được tổ chức dày và nhiều hơn trước. Chỉ có một điều khác là ít đi tập thể mà chỉ đi lẻ từ một đến hai người.

May thay trong các chuyến đi kể trên tôi đều có mặt. Đó là chưa kể chuyến đi đường dài giữa năm 1980, năm tôi đã 70 tuổi, còn mặc áo quân nhân qua Campuchia, đến Biển Hồ, Ăng Co về Đồng Nai. Biết bao kỷ niệm đằm thắm, tươi vui. Cũng biết bao sự lưu luyến đối với đơn vị với địa phương thắm tình đồng chí, đồng bào. Nhưng có một chuyến đi thực tế tôi nhớ mãi là vì lâm vào hoàn cảnh rất dữ dội, đặt đoàn vào cái thế giữa may và rủi, sống và chết trong một thời gian ngắn.

Sáng ngày 18 tháng 12 năm 1972 chúng tôi gồm bốn người: các anh Hồ Phương, Nhị Ca, Ngô Văn Phú và tôi đi đến tỉnh đội Hải Hưng làm việc. Sáng hôm sau 19 tháng 12 chúng tôi đi thăm quan cảnh Côn Sơn của Nguyễn Trãi. Trưa ở lại chùa. Chiều về tham quan cảnh Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo. Liền sau đó thì ra về. Trời đã nhá nhem tối. Qua phà Phả Lại đến gần Quế Võ thì trời tối hẳn. Tự nhiên xe trục trặc xịt khói rất nhiều rồi đứng lại. Anh Hai lái xe xuống đẩy nắp lên xem. Anh biết xe hóc xăng và còn gì gì nữa (danh từ chuyên môn chúng tôi không biết) rồi cho biết phải nghỉ lại đây ít nhất là hai giờ mới may ra chữa xong. Anh Hồ Phương nghĩ về Hà Nội thì cũng đã khuya nên ghé vào một cơ quan ở gần đường nấu cơm tối cho anh em. Cơ quan cầu đường nhận lời một cách vui vẻ. Cơm nước vừa xong thì nghe phía xa xa có tiếng tốp máy bay phát ra âm thanh rất lạ, khi thì nghe như chó sủa, khi thì nghe như tiếng đập cửa thình thịch. Một vài chiếc bay xẹt trền đầu không nhanh lắm như “thần sấm”, “con ma”. Tiếp sau là những tiếng bom nổ hàng chuỗi, hàng chuỗi phía sông Hồng. Khói lửa bốc lên cao. Lửa lan ra rất rộng. Qua ánh lửa có người đoán là lửa bốc lên từ phố Gia Lâm. Người khác cãi cho là lửa gần phía Bắc Ninh. Lửa bốc lên thì đạn pháo đủ loại cũng ba bên bốn bề rẽ trời vạch lên không tới tấp. Chừng nửa giờ sau thì êm ắng. Lửa ở xa mờ dần. Xe đã chữa tạm có thể chạy được. Xe đến gần ga Yên Viên thì bị chặn lại. Một đồng chí tự vệ chỉ cho con đường nhỏ đi ra phía đê để đi quanh. Dọc đường chúng tôi thấy thỉnh thoảng vài cái cáng chở người bị thương đi bệnh viên. Thì ra ga Yên Viên và nhiều kho ở đây đã bị máy bay giặc ném bom dữ dội. Anh Hồ Phương nói:

- Nếu không hóc, hỏng thì chiếc xe chúng mình qua Yên Viên đúng lúc bom đạn tơi bời.

Anh Nhị Ca nói một cách nghiêm chỉnh:

- Nhờ đi hành hương Côn Sơn, Vạn Kiếp nên được các vị phù hộ cho đấy.

Không ai nói gì. Anh em chỉ lo thầm xe giở chứng trục trặc.

Xe đến bến Chương Dương vào khoảng hai giờ sáng. Tại đây, xe lớn, xe nhỏ hàng trăm chiếc đang đợi qua phà. Bỗng có tiếng còi báo động vang lên lanh lảnh. Xe ô tô các loại vội vàng chen chúc, tránh né thi nhau chạy trốn. Xe chúng tôi chạy theo đường đê đến một trạm canh thì dừng lại. Vì tiếng bom đã vang lên dồn dập từ phía Yên Viên, Đức Giang về sau chúng tôi mới biết bom giội vào đúng khu vực xe chúng tôi vừa đi qua. Trạm gác chúng tôi đang ở lánh rung lên bần bật. Đám cháy từ phía xa bị bốc lên. Đủ loại súng của quân dân ta lại gầm lên. Nửa giờ sau bầu trời, mặt đất lại im ắng. Qua sông, xe đến đơn vị thì trời đã sáng tỏ. Thế là suốt đêm chúng tôi không ngủ được giây phút nào. Anh em ở cơ quan cũng thế, suốt đêm hết chạy ra hầm lại vào chuẩn bị gấp rút đi sơ tán. Tôi mới đặt lưng xuống giường định tranh thủ ngủ một tí thì hồi còi báo động ở vườn hoa Hàng Đậu lại vang lên. Một lúc sau có tiếng bom xa xa, tất cả cửa ra vào, cửa sổ đều rung lên. Tôi mệt quá cứ nằm lì. Anh Từ Bích Hoàng vào đưa mũ sắt rồi kéo tôi ra hầm. Tôi nói:

- Tối hôm qua chúng tôi đi qua trót lọt nhiều trận bắn phá. Như thế chúng tôi đã miễn dịch bom B52 rồi, không cần phải xuống hầm.

Nghe chữ “miễn dịch” thì anh Từ Bích Hoàng cười nhưng anh vẫn để tôi yên, bắt phải ra hầm cho bằng được…

Chuyến đi thực tế này thật hú vía. Nói cho cùng sống được vào giai đoạn ác liệt này thật rất khó, nhưng chết vốn không dễ dàng gì, nghĩa là vẫn cứ khó.

Anh em tòa soạn không chỉ đi thực tế riêng mà mấy lần còn mời anh chị em văn nghệ bên ngoài đi cùng. Đáng kể là chuyến đi hải quân ở Hòn Gai. Các chị Vân Đài, Anh Thơ và các anh Cù Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Hồng Chương, Thép Mới, Nguyên Hồng đã cùng đi theo tàu chiến của hải quân Việt Nam ra đảo Cô Tô, về đảo Rồng…

Nói chung mỗi chuyến đi thực tế ngắn hay dài, gần hay xa đều có thể ghi chép thành một tập hồi ký nhỏ có đầy đủ chi tiết, tình tiết khó khăn, trở ngại, thuận lợi, bất ngờ và buồn vui đủ thứ. Nhưng có một điều quan trọng hơn hết là không phải có thêm tư liệu, tài liệu mà là sự gắn bó thân tình, đằm thắm giữa anh em cùng đi, cùng sống chung với những kỷ niệm khó quên.

*

* *

Những chuyến đi sơ tán

Kể từ ngày giặc Mỹ có nhiều tốp máy bay ra đánh phá miền Bắc, đầu tháng 8 năm 1964 thì các cơ quan ở Hà Nội đã bắt đầu đi sơ tán. Còn lại ở Thủ đô chỉ lớp lớp người chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Buổi đầu tòa soạn tạm sơ tán trong khu văn công của quân đội gần Mai Dịch. Sau thấy giặc càng ngày càng leo thang thì tòa soạn rời lên vùng Ba Thá sát dãy núi đá. Thấy một dạo hơi yên thì tòa soạn về đóng trong nhà dân ở Hương Ngãi thuộc huyện Thạch Thất, Sơn Tây cũ. Năm 1969 về xin đóng nhờ trong khu tập thể của Công an vũ trang gần Ngọc Hà. Đầu năm 1970 thì về trụ sở cũ số 4 Lý Nam Đế. Nhưng cuối năm 1972 trong 12 ngày đêm Hà Nội trở thành “Điện Biên Phủ trên không” thì tòa soạn không phải ở xa Thủ đô ngày nào. Tuy mấy lần phải đi sơ tán, lúc đi gần, lúc đi xa, gặp khá nhiều trở ngại, lúc thiếu giấy, lúc chạy theo nhà in nhưng tòa soạn vẫn ra đều đặn đúng kỳ không trễ, không thiếu sót một số nào. Trước đây hằng ngày về chiều thì ai về nhà nấy. Lần này trong những ngày sơ tán anh em lại sống gần nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng làm như những ngày ở trên chiến khu chống giặc Pháp, nên hiểu nhau, thông cảm với nhau hơn trước. Tình cảm cũng từ đó nảy nở càng ngày càng thắm thiết.

Những chuyến đi chiến trường

Trừ anh Vũ Cao, anh Từ Bích Hoàng và tôi mà công việc hằng ngày ở tòa soạn đòi hỏi phải giải quyết nên chúng tôi chưa đi chiến trường xa được. Chúng tôi chỉ mới chia nhau đi đến trận địa Vĩnh Linh, Quảng Bình và cầu Hàm Rồng Thanh Hóa…

Còn hầu hết anh em trong đơn vị đều băng qua Trường Sơn đi vào chiến trường ở Trị Thiên, Khu 5, Nam Bộ. Đi trước hết và xa hơn hết có các anh Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi), Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà từ giữa năm 1962. Tiếp theo sau là lần lượt các anh Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Hải Hồ, Nguyễn Minh Châu, Bích Lâm, Hà Mậu Nhai, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh… Anh Nguyễn Khải thì ra Cồn Cỏ trong chiến đấu ngày đêm với cả tàu bay trên trời lẫn tàu chiến giữa biển.

Trong chuyến đi cùng anh Nguyễn Ngọc Tấn và anh Nguyên Ngọc tôi có biếu mỗi người một cái bật lửa và một con dao. Tôi nhớ lại chuyện An Tiêm ra đảo hoang. Triều thần và hoàng gia thương hại biếu rất nhiều ngọc ngà châu báu. Riêng ông lão bộc thì biếu hòn đá đánh lửa và con dao. Quả ra đảo hoang tất cả châu ngọc đều vô dụng. An Tiêm chỉ nhờ vào con dao và hòn đá đánh lửa mà sống khá đầy đủ qua ngày tháng. Với ý nghĩa trên tôi cũng tặng hai bạn thân hai vật như thế để vượt qua Trường Sơn trập trùng cheo leo dài dằng dặc.

Tất cả người đi đều lần lượt trở về đơn vị, không một ai bị thương nặng hay nhẹ, mặc dầu các anh ấy đã sống qua nhiều cảnh chiến đấu ác liệt và quyết liệt và nhiều hoàn cảnh gian nguy kề sát bên cái chết. Chỉ riêng anh Nguyễn Ngọc Tấn thân thương thì không về nữa. Anh đã theo đoàn quân trong đợt tổng tấn công thành phố Sài Gòn đầu năm Mậu Thân 1968 và đã hy sinh anh dũng tại đây.

Nhớ lại đầu năm 1957 trong buổi đầu phân phòng làm việc, anh Nguyễn Ngọc Tấn gọi tôi đến phòng anh và chỉ một dòng chữ viết bằng mực đỏ phía trên cửa sổ tròn rồi hỏi:

- Dòng chữ này nghĩa là gì thế.

Tôi đọc rồi nói:

- Tiếng Pháp Adieu Hà Nội! Nghĩa là vĩnh biệt Hà Nội.

Anh Nguyễn Ngọc Tấn nói:

- Chắc ông sĩ quan Pháp nào ghi lại trước khi rời Hà Nội đây. Thôi cứ để đấy đừng xóa, ta chấp nhận lời chào não nùng của nó.

Cuối mùa xuân năm 1968, được tin anh Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh tôi buồn quá đến sững sờ ngơ ngác không thiết ăn uống. Ngay chiều hôm ấy tôi lẳng lặng đi vào phòng cũ của anh và nhìn lên phía trên cửa sổ tròn. Tôi giật mình. Dòng chữ “Adieu Hà Nội” vẫn còn. Bên dưới là dòng chữ của anh dịch câu trên viết đậm nét: Xin vĩnh biệt Hà Nội.

THANH TỊNH

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)