VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Đôi nét Vũ Cao (XUÂN THIỀU)

Thứ Hai, 19/09/2011 11:32

Biết tên anh, đọc thơ anh từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc còn ở bộ đội Liên khu 4. Vậy mà mười năm sau, được điều về Văn nghệ quân đội, tôi vẫn chưa xáp mặt anh. Anh vắng cơ quan lâu lâu, nghe nói đi viết kịch phim. Sau này tôi mới biết anh “trốn” lâu thế là để hoàn thành tiểu thuyết “Những người cùng làng”.

Buổi sáng ấy, đang uống trà tán gẫu, chợt nghe tiếng cười rất vang ở buồng Nguyễn Ngọc Tấn bên cạnh. “Vũ Cao đã về” – Xuân Thiêm nhận ra. Lát sau, cả tiếng cười, cả anh cùng sang phòng chúng tôi. Tác giả “Núi đôi” xuất hiện trong chiếc áo quân phục mùa đông nhuộm chàm, phu la quấn cổ bỏ núi toòng teng trước ngực, mũ cát két tài xế đội đầu. Anh tụt dép cao su ngoài cửa, đi chân vào (Mặc dù phòng chúng tôi không lau sàn) Biết tôi mới về, anh bắt tay, mắt lung linh:

- À, ra ông. Lại thêm một ông đồ Nghệ!

Chợt anh lại hỏi:

- Ông có biết Nghi Lộc quê ông này không? (Anh vỗ vai Nguyễn Trọng Oánh) quê ông này mà gọi tên ông, thế nào cũng gọi là “Xuân Thiều”. Và anh cười vang. Tiếng cười sảng khoái. Rất dễ lây lan. Thấy phó chủ nhiệm tạp chí có vẻ dễ tính, tôi ngước mặt nhìn anh, bỗ bã:

- Cũng đáng khâm phục các cụ nhà anh, mới lọt lòng đã đoán được hình vóc về sau, nên mới đạt tên là Vũ Cao.

Anh cười xua tay:

- Tên cúng cơm của mình khác, tên Vũ Hữu Chỉnh! Sau này khi tập tọe làm thơ mới nghĩ đặt bút danh. Chẳng phải nghĩ ngợi đâu xa, mình vốn cao lêu đêu, đặt béng Vũ Cao.

Lại cười vang

Buổi hội ngộ đầu tiên thường gây ấn tượng lâu dài. Anh hơn tôi tám tuổi. Nhất nhật còn vi huynh huống gì bát niên? Đối với tôi, Vũ Cao luôn luon là người anh với những ấn tượng ít đơn sai từ ban đầu. Đấy là tiếng cười sảng khoái của một tấm lòng đôn hậu. Đấy là sự giản dị tự thân, giản dị và sâu lắng. “Núi vẫn đôi mà anh mất em” giản dị và gần gũi: “Giấc ngủ hồn nhiên của đất của trời.”

Tiếng cười là một biểu hiện tình cảm hoàn toàn bản năng, tiếng cười đã có ý thức, hẳn là tiếng cười giả, dễ gì có được tiếng cười Vũ Cao. Sống với anh ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đúng 20 năm, sau này anh chuyển ra ngoài nhưng vẫn thăm hỏi nhau, hễ gặp nhau là gặp tiếng cười dễ lây lan, nó làm vợi hẳn đi những nỗi niềm chất chứa. Hồi sơ tán lên Hương Ngãi, Sơn Tây, lúc nào anh Vũ Cao phải về Hà Nội họp với cấp trên, bữa cơm của chúng tôi kém vui hẳn đi. Đấy là nghịch lý. Bấy giờ anh là chủ nhiệm tạp chí, thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi. Lẽ ra vắng mặt chúa nhà, gà mọc đuôi tôm, còn chúng tôi ngược lại. Có anh, bao giờ sau bữa cơm ngồi tán phệu cũng vui.

Lúc nào quá sa đà, anh bảo: “Chỗ này phải thổi còi đấy”, tất nhiên chúng tôi hiểu ý cho câu chuyện “chuyển làn” ngay. Chẳng hiểu cái từ “thổi còi” anh nhặt ở đâu ra, chỉ biết anh thường dùng để nhắc nhở chúng tôi, cả trong công việc biên tập sáng tác và trong sinh hoạt. Đưa cho anh một truyện ngắn, đọc xong anh đánh dấu chỗ “cần trao đổi”. Anh bảo chúng mình với nhau thì không sao, chứ thế nào “các cụ” cũng thổi còi. Thôi, cắt béng chỗ này đi ông ạ!

Anh Vũ Cao thường nói đùa rằng, lãnh đạo văn nghệ nghĩa là không lãnh đạo gì cả, có lẽ anh muốn diễn đạt cái phức tạp trong việc tiếp xúc với các tài năng. Tạp chí bây giờ chỉ là cấp phòng. Vậy mà mấy đại hội đảng bộ Tổng cục Chính trị anh đều trúng ủy viên chấp hành. Kể cả có lần anh vắng mặt vẫn trúng phiếu cao. Nghĩa là, đại diện xứng đáng cho cả giới văn học nghệ thuật trong quân đội vẫn là anh. Nguyễn Minh Châu có một lời bình bô bô trước chi bộ rằng, ai thì “cờ đến tay cũng phất”, còn ông Vũ Cao thì cờ đến tay không bỏ, mà phất cũng không, tay cứ cứng ngắc như tay gỗ. Vũ Cao cười vang, cười chảy cả nước mắt và khen “giỏi, giỏi”. Anh là đảng ủy cấp trên, thủ trưởng tạp chí, nói là không lãnh đạo gì chỉ là một cách nói, chứ suốt mấy chục năm phụ trách một lớp nhà văn tài hoa với nhiều tính cách khác nhau: Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Oánh, Hải Hồ, Thu Bồn…đâu phải dễ dàng. Vậy mà anh em chúng tôi hầu như ai cũng cho rằng người lãnh đạo văn nghệ như Vũ Cao quả là của hiếm.

Vũ Cao không giận ai bao giờ, mà cũng chẳng ai giận anh. Đối với anh bao giờ cũng là tình anh em, tình đồng đội và đồng nghiệp. Nói đúng ra, có lúc cũng có người va chạm với anh, giận anh. Mà anh không giận lại. Những điều người bạn giận anh, chỉ trích anh trong các cuộc họp, anh không thanh minh. Chỉ chúng tôi là có ý kiến lại. Sau đó anh giải thích sự im lặng của anh rằng, bạn đã hiểu sai, mình càng thanh minh bạn càng hiểu sai thêm, thời gian sẽ thanh minh hộ. Quả thật với tấm lòng như thế, cách xử sự như thế, người giận anh không thể giận lâu.

Đây cũng chính là tác phong lãnh đạo của anh. Nói cho công bằng, sự thành công của anh có phần đóng góp của anh Từ Bích Hoàng. Đây là đôi bạn đồng tuế, thân nhau từ lâu, dường như trời sinh ra để gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên cái không khí ấm áp chân tình trong tạp chí thời đó, đồng thời cũng góp phần tạo nên những tài năng văn học.

Lãnh đạo của Vũ Cao là thu phục người khác bằng tấm lòng, cổ vũ khuyến khích người khác bằng khát khao sáng tạo. Còn nhớ mấy lần anh giao nhiệm vụ đi chiến trường, đi vào tuyến lửa khu 4, hoặc giao nhiệm vụ khó khăn, anh đều đạp xe đến tận nhà riêng gặp tôi. Chưa bao giờ thấy anh gọi lên ra lệnh. Cách giao nhiệm vụ như thể san sẻ với nhau một gánh nặng, tâm sự với nhau mỗi nỗi niềm. Như thể, trong câu thơ của anh:

“Đêm ngủ với anh, hai người nói nhỏ

Như hai người yêu

Trăng sáng đầy trời…”

Ở chiến trường, nghĩ về tạp chí, về Vũ Cao và Từ Bích Hoàng tôi thấy yên tâm. Chẳng riêng tôi các nhà văn đi chiến trường lâu dài đều nghĩ thế. Anh vẫn thường đến thăm vợ con Nguyễn Thi, thăm em trai Nguyên Ngọc, vào tận Nghệ An thăm vợ con Nguyễn Ngọc Oánh, thăm mẹ và các em Nam Hà. Thăm thú của anh không vì xã giao, không vì nghĩa vụ. Nó là sự chân tình của tấm lòng đến với tấm lòng, nó tạo sự giao hòa niềm tin.

Lần đi Nghệ Tĩnh, anh và bác Mạn đã đến thăm quê tôi. Ở quê, tôi còn ông bác già ngoài bảy mươi, sính hán học, thích làm thơ, Biết anh là nhà thơ lớn, bác tôi xin phép “múa rìu qua mắt thợ” đọc cho anh nghe. Ngỡ là anh phiền lòng, ai dè hai ông con tâm đắc, đọc thơ bình thơ sang sảng, cười vang nhà đến tận khuya. Đám học sinh trong làng tôi nghe tin kéo nhau đến ngấp nghé ngoài cửa. Anh vui vẻ vẫy họ vào. Đám trẻ hoàn toàn thoải mái được nhìn tận mắt tác giả “Núi đôi”.

Ở anh, sự giản dị như bẩm sinh, đã thành tính cách. Là thủ trưởng cơ quan, anh vẫn ở buồng xấu nhất. Bàn làm việc, quạt máy là loại xoàng hơn. Ít khi dùng ô tô, có bận phải đi viện 108, từ nhà, anh ra đi tàu điện. Trách anh thì anh bảo xuống cơ quan cho gọi được ô tô, chắc chắn là chậm hơn tàu điện. Thường xuyên anh dùng chiếc xe đạp nam, không phanh, chỉ dùng đôi chân dài nghêu quệt xuống đường tạo lực ma sát. Đến phòng anh, thấy đôi dép đặt ngoài cửa, gõ cửa vẫn im, xô cửa vào, chỉ có bàn ghế không. Hóa ra anh đã đi chân đất ra ngoài vườn hoặc sang các phòng khác. Hồi 1960, tôi mới đưa vợ con ở quê ra, thuê được túp lều trên đường Hoàng Hoa Thám. Anh tới thăm, lúc ra về, bà hàng xóm khoe với vợ chồng tôi rằng, vợ ông Vũ Cao là người cực kỳ chu đáo, chả tối nào trước lúc đi ngủ lại không bê một chậu thau nước mời chồng làm ơn rửa hộ chân cho. Nếu không là ông có thể phủi chân trèo lên giường như thường. Chưa bao giờ tôi thấy anh chăm chút cái mặc, cứ tuềnh toàng đơn giản. Phải bận quân phục, đeo quân hàm, đi dép có quai hậu, đội mũ đeo sao khi có việc phải vào thành gặp cấp trên, anh cứ ngượng nghịu. Lần anh được Hội Nhà văn cử đi Mông Cổ, chúng tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn anh. Trong bộ “com lê” bằng đũi màu sáng, tay ôm bó hoa hình như do đại sứ quán Mông Cổ tặng, Vũ Cao xấu hổ cười đỏ mặt. Tôi ngắm anh, khen đẹp. Anh thì thào, bức bỏ mẹ, khốn khổ nhất là cái này, anh chỉ vào đôi giày đang đi – đúng là nó trói chân mình ông ạ!

Có lần tôi trêu, nếu trung ương chọn anh làm vụ trưởng vụ lễ tân thì anh tính sao? Anh cười hô hố, còn tính sao nữa, chỉ có cách chuồn thôi.

Năm nay anh và cả anh Từ Bích Hoàng đều bảy mươi, tuổi đại thọ. Ngày xưa mừng đại thọ to lắm. Hồi tôi lên bảy, bà nội tôi làm lễ đại thọ, ngoài những câu đối, liễn, pháo nổ, cỗ bàn, tôi nhớ nhất là hôm rước kiệu cụ vào nhà thờ họ. Cụ ăn bận đẹp đẽ và dâng hương, quỳ lạy tổ tiên. Xong, cả họ mời cụ ngồi lên ghế bành. Con cháu đọc những lời chúc mừng và lần lượt vào vái lạy cụ - ở quê tôi gọi là tế sống.

Bây giờ, thời đại văn minh nhất định phải khác. Dù sao, hãy cho tôi coi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như nhà thờ họ Văn nghệ quân đội. Rước hai anh, chúng tôi sẽ không rước kiệu mà rước bằng ô tô. Chắc chắn các nhà văn trẻ sẽ không tổ chức lễ lạt phiền hà, sẽ đứng nghiêm giơ tay lên mũ chào hai anh theo phong cách quân nhân. Hoặc giả, bắt tay mời anh ngồi vào bàn trà. Riêng tôi, chết nỗi, tôi cũng đã ngoài sáu mươi, vẫn không dứt nổi tục lệ cổ xưa. Xin nhị vị chư huynh nhận cho đệ mỗi người một lạy. Còn bài viết đơn sơ này xin hãy coi là lời mừng thọ anh Vũ Cao. Về lời mừng thọ anh Từ Bích Hoàng xin để dành cho anh Ngô Vĩnh Bình nhà văn trẻ của tạp chí chúng ta.

XUÂN THIỀU

Biết tên anh, đọc thơ anh từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc còn ở bộ đội Liên khu 4. Vậy mà mười năm sau, được điều về Văn nghệ quân đội, tôi vẫn chưa xáp mặt anh. Anh vắng cơ quan lâu lâu, nghe nói đi viết kịch phim. Sau này tôi mới biết anh “trốn” lâu thế là để hoàn thành tiểu thuyết “Những người cùng làng”.

Buổi sáng ấy, đang uống trà tán gẫu, chợt nghe tiếng cười rất vang ở buồng Nguyễn Ngọc Tấn bên cạnh. “Vũ Cao đã về” – Xuân Thiêm nhận ra. Lát sau, cả tiếng cười, cả anh cùng sang phòng chúng tôi. Tác giả “Núi đôi” xuất hiện trong chiếc áo quân phục mùa đông nhuộm chàm, phu la quấn cổ bỏ núi toòng teng trước ngực, mũ cát két tài xế đội đầu. Anh tụt dép cao su ngoài cửa, đi chân vào (Mặc dù phòng chúng tôi không lau sàn) Biết tôi mới về, anh bắt tay, mắt lung linh:

- À, ra ông. Lại thêm một ông đồ Nghệ!

Chợt anh lại hỏi:

- Ông có biết Nghi Lộc quê ông này không? (Anh vỗ vai Nguyễn Trọng Oánh) quê ông này mà gọi tên ông, thế nào cũng gọi là “Xuân Thiều”. Và anh cười vang. Tiếng cười sảng khoái. Rất dễ lây lan. Thấy phó chủ nhiệm tạp chí có vẻ dễ tính, tôi ngước mặt nhìn anh, bỗ bã:

- Cũng đáng khâm phục các cụ nhà anh, mới lọt lòng đã đoán được hình vóc về sau, nên mới đạt tên là Vũ Cao.

Anh cười xua tay:

- Tên cúng cơm của mình khác, tên Vũ Hữu Chỉnh! Sau này khi tập tọe làm thơ mới nghĩ đặt bút danh. Chẳng phải nghĩ ngợi đâu xa, mình vốn cao lêu đêu, đặt béng Vũ Cao.

Lại cười vang

Buổi hội ngộ đầu tiên thường gây ấn tượng lâu dài. Anh hơn tôi tám tuổi. Nhất nhật còn vi huynh huống gì bát niên? Đối với tôi, Vũ Cao luôn luon là người anh với những ấn tượng ít đơn sai từ ban đầu. Đấy là tiếng cười sảng khoái của một tấm lòng đôn hậu. Đấy là sự giản dị tự thân, giản dị và sâu lắng. “Núi vẫn đôi mà anh mất em” giản dị và gần gũi: “Giấc ngủ hồn nhiên của đất của trời.”

Tiếng cười là một biểu hiện tình cảm hoàn toàn bản năng, tiếng cười đã có ý thức, hẳn là tiếng cười giả, dễ gì có được tiếng cười Vũ Cao. Sống với anh ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đúng 20 năm, sau này anh chuyển ra ngoài nhưng vẫn thăm hỏi nhau, hễ gặp nhau là gặp tiếng cười dễ lây lan, nó làm vợi hẳn đi những nỗi niềm chất chứa. Hồi sơ tán lên Hương Ngãi, Sơn Tây, lúc nào anh Vũ Cao phải về Hà Nội họp với cấp trên, bữa cơm của chúng tôi kém vui hẳn đi. Đấy là nghịch lý. Bấy giờ anh là chủ nhiệm tạp chí, thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi. Lẽ ra vắng mặt chúa nhà, gà mọc đuôi tôm, còn chúng tôi ngược lại. Có anh, bao giờ sau bữa cơm ngồi tán phệu cũng vui.

Lúc nào quá sa đà, anh bảo: “Chỗ này phải thổi còi đấy”, tất nhiên chúng tôi hiểu ý cho câu chuyện “chuyển làn” ngay. Chẳng hiểu cái từ “thổi còi” anh nhặt ở đâu ra, chỉ biết anh thường dùng để nhắc nhở chúng tôi, cả trong công việc biên tập sáng tác và trong sinh hoạt. Đưa cho anh một truyện ngắn, đọc xong anh đánh dấu chỗ “cần trao đổi”. Anh bảo chúng mình với nhau thì không sao, chứ thế nào “các cụ” cũng thổi còi. Thôi, cắt béng chỗ này đi ông ạ!

Anh Vũ Cao thường nói đùa rằng, lãnh đạo văn nghệ nghĩa là không lãnh đạo gì cả, có lẽ anh muốn diễn đạt cái phức tạp trong việc tiếp xúc với các tài năng. Tạp chí bây giờ chỉ là cấp phòng. Vậy mà mấy đại hội đảng bộ Tổng cục Chính trị anh đều trúng ủy viên chấp hành. Kể cả có lần anh vắng mặt vẫn trúng phiếu cao. Nghĩa là, đại diện xứng đáng cho cả giới văn học nghệ thuật trong quân đội vẫn là anh. Nguyễn Minh Châu có một lời bình bô bô trước chi bộ rằng, ai thì “cờ đến tay cũng phất”, còn ông Vũ Cao thì cờ đến tay không bỏ, mà phất cũng không, tay cứ cứng ngắc như tay gỗ. Vũ Cao cười vang, cười chảy cả nước mắt và khen “giỏi, giỏi”. Anh là đảng ủy cấp trên, thủ trưởng tạp chí, nói là không lãnh đạo gì chỉ là một cách nói, chứ suốt mấy chục năm phụ trách một lớp nhà văn tài hoa với nhiều tính cách khác nhau: Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Oánh, Hải Hồ, Thu Bồn…đâu phải dễ dàng. Vậy mà anh em chúng tôi hầu như ai cũng cho rằng người lãnh đạo văn nghệ như Vũ Cao quả là của hiếm.

Vũ Cao không giận ai bao giờ, mà cũng chẳng ai giận anh. Đối với anh bao giờ cũng là tình anh em, tình đồng đội và đồng nghiệp. Nói đúng ra, có lúc cũng có người va chạm với anh, giận anh. Mà anh không giận lại. Những điều người bạn giận anh, chỉ trích anh trong các cuộc họp, anh không thanh minh. Chỉ chúng tôi là có ý kiến lại. Sau đó anh giải thích sự im lặng của anh rằng, bạn đã hiểu sai, mình càng thanh minh bạn càng hiểu sai thêm, thời gian sẽ thanh minh hộ. Quả thật với tấm lòng như thế, cách xử sự như thế, người giận anh không thể giận lâu.

Đây cũng chính là tác phong lãnh đạo của anh. Nói cho công bằng, sự thành công của anh có phần đóng góp của anh Từ Bích Hoàng. Đây là đôi bạn đồng tuế, thân nhau từ lâu, dường như trời sinh ra để gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên cái không khí ấm áp chân tình trong tạp chí thời đó, đồng thời cũng góp phần tạo nên những tài năng văn học.

Lãnh đạo của Vũ Cao là thu phục người khác bằng tấm lòng, cổ vũ khuyến khích người khác bằng khát khao sáng tạo. Còn nhớ mấy lần anh giao nhiệm vụ đi chiến trường, đi vào tuyến lửa khu 4, hoặc giao nhiệm vụ khó khăn, anh đều đạp xe đến tận nhà riêng gặp tôi. Chưa bao giờ thấy anh gọi lên ra lệnh. Cách giao nhiệm vụ như thể san sẻ với nhau một gánh nặng, tâm sự với nhau mỗi nỗi niềm. Như thể, trong câu thơ của anh:

“Đêm ngủ với anh, hai người nói nhỏ

Như hai người yêu

Trăng sáng đầy trời…”

Ở chiến trường, nghĩ về tạp chí, về Vũ Cao và Từ Bích Hoàng tôi thấy yên tâm. Chẳng riêng tôi các nhà văn đi chiến trường lâu dài đều nghĩ thế. Anh vẫn thường đến thăm vợ con Nguyễn Thi, thăm em trai Nguyên Ngọc, vào tận Nghệ An thăm vợ con Nguyễn Ngọc Oánh, thăm mẹ và các em Nam Hà. Thăm thú của anh không vì xã giao, không vì nghĩa vụ. Nó là sự chân tình của tấm lòng đến với tấm lòng, nó tạo sự giao hòa niềm tin.

Lần đi Nghệ Tĩnh, anh và bác Mạn đã đến thăm quê tôi. Ở quê, tôi còn ông bác già ngoài bảy mươi, sính hán học, thích làm thơ, Biết anh là nhà thơ lớn, bác tôi xin phép “múa rìu qua mắt thợ” đọc cho anh nghe. Ngỡ là anh phiền lòng, ai dè hai ông con tâm đắc, đọc thơ bình thơ sang sảng, cười vang nhà đến tận khuya. Đám học sinh trong làng tôi nghe tin kéo nhau đến ngấp nghé ngoài cửa. Anh vui vẻ vẫy họ vào. Đám trẻ hoàn toàn thoải mái được nhìn tận mắt tác giả “Núi đôi”.

Ở anh, sự giản dị như bẩm sinh, đã thành tính cách. Là thủ trưởng cơ quan, anh vẫn ở buồng xấu nhất. Bàn làm việc, quạt máy là loại xoàng hơn. Ít khi dùng ô tô, có bận phải đi viện 108, từ nhà, anh ra đi tàu điện. Trách anh thì anh bảo xuống cơ quan cho gọi được ô tô, chắc chắn là chậm hơn tàu điện. Thường xuyên anh dùng chiếc xe đạp nam, không phanh, chỉ dùng đôi chân dài nghêu quệt xuống đường tạo lực ma sát. Đến phòng anh, thấy đôi dép đặt ngoài cửa, gõ cửa vẫn im, xô cửa vào, chỉ có bàn ghế không. Hóa ra anh đã đi chân đất ra ngoài vườn hoặc sang các phòng khác. Hồi 1960, tôi mới đưa vợ con ở quê ra, thuê được túp lều trên đường Hoàng Hoa Thám. Anh tới thăm, lúc ra về, bà hàng xóm khoe với vợ chồng tôi rằng, vợ ông Vũ Cao là người cực kỳ chu đáo, chả tối nào trước lúc đi ngủ lại không bê một chậu thau nước mời chồng làm ơn rửa hộ chân cho. Nếu không là ông có thể phủi chân trèo lên giường như thường. Chưa bao giờ tôi thấy anh chăm chút cái mặc, cứ tuềnh toàng đơn giản. Phải bận quân phục, đeo quân hàm, đi dép có quai hậu, đội mũ đeo sao khi có việc phải vào thành gặp cấp trên, anh cứ ngượng nghịu. Lần anh được Hội Nhà văn cử đi Mông Cổ, chúng tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn anh. Trong bộ “com lê” bằng đũi màu sáng, tay ôm bó hoa hình như do đại sứ quán Mông Cổ tặng, Vũ Cao xấu hổ cười đỏ mặt. Tôi ngắm anh, khen đẹp. Anh thì thào, bức bỏ mẹ, khốn khổ nhất là cái này, anh chỉ vào đôi giày đang đi – đúng là nó trói chân mình ông ạ!

Có lần tôi trêu, nếu trung ương chọn anh làm vụ trưởng vụ lễ tân thì anh tính sao? Anh cười hô hố, còn tính sao nữa, chỉ có cách chuồn thôi.

Năm nay anh và cả anh Từ Bích Hoàng đều bảy mươi, tuổi đại thọ. Ngày xưa mừng đại thọ to lắm. Hồi tôi lên bảy, bà nội tôi làm lễ đại thọ, ngoài những câu đối, liễn, pháo nổ, cỗ bàn, tôi nhớ nhất là hôm rước kiệu cụ vào nhà thờ họ. Cụ ăn bận đẹp đẽ và dâng hương, quỳ lạy tổ tiên. Xong, cả họ mời cụ ngồi lên ghế bành. Con cháu đọc những lời chúc mừng và lần lượt vào vái lạy cụ - ở quê tôi gọi là tế sống.

Bây giờ, thời đại văn minh nhất định phải khác. Dù sao, hãy cho tôi coi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như nhà thờ họ Văn nghệ quân đội. Rước hai anh, chúng tôi sẽ không rước kiệu mà rước bằng ô tô. Chắc chắn các nhà văn trẻ sẽ không tổ chức lễ lạt phiền hà, sẽ đứng nghiêm giơ tay lên mũ chào hai anh theo phong cách quân nhân. Hoặc giả, bắt tay mời anh ngồi vào bàn trà. Riêng tôi, chết nỗi, tôi cũng đã ngoài sáu mươi, vẫn không dứt nổi tục lệ cổ xưa. Xin nhị vị chư huynh nhận cho đệ mỗi người một lạy. Còn bài viết đơn sơ này xin hãy coi là lời mừng thọ anh Vũ Cao. Về lời mừng thọ anh Từ Bích Hoàng xin để dành cho anh Ngô Vĩnh Bình nhà văn trẻ của tạp chí chúng ta.

XUÂN THIỀU


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)