Tôi có may mắn được ở gần nhà thơ Thanh Tịnh gần một chục năm, cũng đã in một đôi cuốn sách viết về ông, trong đó có những hé lộ mới về thân thế cũng như tác phẩm của nhà thơ. Tuy nhiên có một câu hỏi mà tôi cứ băn khoăn mãi về ông già này là, tại sao rất ít khi nói về những tác phẩm của mình được xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám (1945), trừ những truyện ngắn Quê mẹ, Ngậm ngải tìm trầm, Tôi đi học..., những bài thơ như Tơ trời và tơ lòng, Mòn mỏi, Rồi một hôm đã quá nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ nay? Sinh thời ông đã có lần bảo sẽ cho tôi một vài quyển “giữ chơi”. Vậy nhưng cứ lần lữa, lần lữa rồi... quên luôn! Kể từ sau khi ông mất (năm 1988) tôi đã có ý thức săn tìm những tác phẩm chỉ mới “kỳ thanh bất kiến kỳ hình” này nhưng kết quả là chỉ sưu tầm được mươi bài thơ, vài mẩu chuyện trên những tờ báo cũ như Tiểu thuyết thứ năm, Phong hóa, Tinh hoa, Ngày nay, Thanh Nghị... Anh Trần Thanh Vệ, con trai; chị Trần Thị Mê Linh, con gái nhà thơ cũng không (hoặc chưa) giúp được gì cho việc kiếm tìm những tác phẩm đang còn lưu lạc của thân phụ mình. Những tập truyện ngắn, truyện dài, thơ của Thanh Tịnh viết những năm cuối 30, đầu 40 của thế kỷ trước vẫn còn rất ít người được “mục sở thị”!
Gần 3000 ngày tìm kiếm không kết quả, tưởng đã phải bỏ cuộc thì may làm sao, đúng vào dịp Tết Bính Tuất, bạn đồng môn thời đại học của tôi – chị Dương Hồng công tác tại Thư viện Quốc gia - đã “lì xì” cho tôi một món quà rất quý. Đó là bản sao tập thơ Hận chiến trường xuất bản từ năm 1973 của nhà thơ Thanh Tịnh.
Theo bạn tôi thì tác phẩm này mới được các bạn Pháp sao tặng cho Thư viện Quốc gia dưới dạng phim. Trong bản sao chị Dương Hồng gửi cho tôi, trên bìa của tập thơ còn rõ dấu Thư viện với những chữ DEPOT LEGA INDOCHINE NO 23/55.
Tập thơ gồm chưa đầy 60 trang khổ 13 x 19 hàng cuối cùng ghi rõ “Sách này in xong ngày 28 tháng 10 năm 1937 tại nhà in MIRADOR – HUẾ. In ra 1000 quyển. Tác giả tự tay viết riêng mấy vần thơ giữa trang 11 để biếu các báo và các bạn thân. Có làm thêm 100 cái đầu lâu chiến sĩ do tay ông Hoàng Bút vẽ (không bán)”. Sách cũng ghi rõ: “Tổng phát hành Tiến Hóa, 107 - đường Paul Bert – Huế”.
Văn bản tập Hận chiến trường hiện tôi có trong tay có đủ hai yếu tố đặc biệt đó là bức tranh của ông Hoàng Bút và lưu bút tại trang 11 của chính tay nhà thơ. Bên dưới lời đề Kính tặng các vong linh tướng sĩ và những oan hồn tử trận là bốn câu thơ và chữ ký của tác giả:
Mỗi lần nắng tắt tiết thu sang
Thi sĩ đua nhau khóc lá vàng
Cùng với lá vàng tan tác rụng
Đầu người rơi rụng chẳng người than
Tập thơ Hận chiến trường có 17 bài thì có tới hơn mười bài mang nội dung “hận chiến trường”, lên án chiến tranh – tất nhiên là chiến tranh phi nghĩa, đúng như câu cuối của bài đề từ: Đầu người rơi rụng chẳng người than!
Ngoài ra, đọc Hận chiến trường, người đọc còn tìm thấy những dấu ấn, đôi khi là rất thú vị về một “thời đại thi ca”, về một xứ sở thơ, về một vùng ngôn ngữ, về một thời trai trẻ của nhà thơ Thanh Tịnh...
In Hận chiến trường năm 1937, tức là khi ấy Thanh Tịnh mới 26 tuổi (Ông sinh năm 1911, như có lần ông nói: “Tuổi tôi cùng với tuổi Nhà hát lớn Hà Nội! Nếu trót quên thì lấy năm nổ ra cuộc Cách mạng Tân Hợi bên Trung Hoa hoặc năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước!”). Tuy mới chưa đến tuổi “băm” nhưng ông đã giao du với rất nhiều nhà văn nghệ tên tuổi, đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về thơ và sứ mệnh của nhà thơ. Ông viết:
Thi nhân căm giận thú kinh thành
Và thú khốc tàn của chiến tranh
Muôn thú trần gian chàng muốn đổi
Một bàu trời lạ cõi xanh xanh
(Bài Vũ trụ và thi nhân)
Đọc Hận chiến trường, giải mã những suy nghĩ về thơ của Thanh Tịnh cách đây 70-80 năm chúng ta vẫn thấy có một sự nhất quán. Bấy giờ ông đã “chịu ảnh hưởng” của nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều thứ thơ để rồi thơ ông: “đã có tiếng đau thương / của tinh binh hùng sĩ / tiếng đầy lòng ích kỷ / tiếng oán hận ngàn phương / đọng bên tiếng nhạc trường”.
Về sau, mỗi lần nhớ lại cái thuở ban đầu mình đến với thơ ca, ông vẫn không phủ nhận lúc đó rằng ông chịu ảnh hưởng của rất nhiều thứ mà thời đại ông, quê hương ông, gia cảnh ông mang tới. Trong một hồi tưởng viết năm đã 70 tuổi, ông bộc bạch:
“... Tôi ra đời bên bờ sông Hương, thuộc xóm Gia Lạc, làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nhà tôi ở sát bên ngã tư đường: đường lên kinh đô Huế, đường về cửa biển Thuận An, đường vào làng La Ỷ, đường xuống bến đò Chợ Dinh. Xóm tuy nhỏ, nhưng có đủ đình, chùa, am, miếu, nhà thờ Công giáo, phủ ông Hoàng, rạp hát tuồng và dinh thự hai họ lớn: Nguyễn Khoa và Hồ Đắc... Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng trống thường gióng giã theo nhiều âm sắc thường lách vào tâm hồn tôi lúc chiều tối và lúc trời rạng đông. Mẹ tôi mở một ngôi hàng xén, người qua về ngã tư đường, thường ghé vào nhà tôi đợi đò, nghỉ chân, mua vài thứ vặt. Nhờ đó, hồi còn nhỏ, tôi nghe được rất nhiều chuyện của lớp người từ nhiều nơi ghé lại nhà. Đủ các loại chuyện, đêm đêm tiếng hò giã gạo quanh xóm, tiếng hò mái nhì trên sông Hương văng vẳng vọng vào nhà tôi. Tôi là con trai một nên lần nào đi xem hát tuồng, cha tôi cũng đều cho tôi đi. Hát bằng chữ Hán, tôi không hiểu. Tôi thích nhất là mấy vai hề có cách nói nôm na, châm biếm rất khéo, rất hay.
Năm lên 10, tôi mới bắt đầu đi học chữ Hán. Học với một nhà sư. Học chữ Hán qua Kinh A Di Đà. Lại chuyển qua học chữ Quốc ngữ (Trường Lại Thế), chữ Pháp trường Đông Ba năm cụ Phan Bội Châu mới về nước. Lại tiếp tục học ở trường Dòng (École Pellerin), trường Thiên Hựu (Instiut de le Providene) hai trường Công giáo, rồi bước vào nghề đạc điền, làm một thư viện, đi dạy học, dẫn khách du lịch. Tôi bắt đầu tập viết văn, làm thơ, viết báo...
Kể qua mấy nét về hoàn cảnh của tôi lúc nhỏ, để thấy ngay trong bước đầu tập làm thơ ca, tôi đã chịu ảnh hưởng khá nhiều dòng suy nghĩ, nhiều tâm tư, nhiều phương cách khác nhau. Các loại thơ cung đình, thơ Phật thoại, thơ Kinh Thánh, thơ cổ điển, thơ lãng mạn, thơ yêu nước, thơ cách mạng... lẫn câu hò tiếng hát dân gian, tiếng nói vè, tiếng cười sân khấu hòa lẫn trong tiếng sanh, tiếng mõ, tiếng chày... với âm thanh khi trầm hùng, khi bát ngát, khi đau thương cùng một lúc tuôn trào vào tâm hồn còn non trẻ của tôi. Buổi đầu loại thơ nào, lời hò hát nào gợi cảm tôi cũng thích và cũng tập làm theo. Sau đây là các nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Trước 1945, trong phong trào lãng mạn, tôi yêu thơ Muýt-xê, thơ Bô-de-le, thơ Ver-len: cái say đắm của Muýt-xê, cái sâu sắc của Bô-de-le, cái man mác của Ver-len. Sau 1945, tôi yêu thơ Ô-luya về cái trong trẻo, thơ Bờ-rếch về cái sắc cạnh.
Nguồn thơ Á Đông hay nói đúng hơn là thơ Đường thi: Không biết chữ Hán, tôi chỉ đọc thơ Đường qua các bản dịch. Thơ Đường tiêu sái thâm trầm, cô đọng. Những nhà thơ Đường tôi yêu là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.
Những nhà thơ đương thời, tôi đều có học hỏi các nhà thơ lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Tôi yêu các nhà thơ trong phong trào “thơ mới”, nhà là Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận. Về sau tôi yêu thêm Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử...”
Đọc Hận chiến trường mới biết Mòn mỏi, Tơ lòng..., những bài thơ in trong Thi nhân Việt Nam (1942) mới chỉ là một phần thơ Thanh Tịnh lúc bấy giờ bởi lẽ trước đó nhiều năm ông đã có cả một tập thơ in riêng, trong ấy có Rồi một hôm (Lời cuối cùng của chinh phụ) mà theo tôi là rất hay, nguyên văn như sau:
Rồi một hôm nếu cha về hỏi
Mẹ ở đâu con biết nói sao?
- Con hãy bảo trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mới tháng đau
- Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
- Con hãy chỉ bình hương khói rẽ
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao
- Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?
- Con hãy chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng im
- Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết
Phải hướng nào con nói cùng cha?
- Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc
Và bầu trời chỉ nội cỏ xa xa...
Thanh Tịnh là vậy! với tôi, ông luôn luôn là một bí mật kể cả sau khi đã có trong tay tập thơ Hận chiến trường. Còn câu hỏi vì sao ông ít nhắc tới những tác phẩm của mình viết những năm chưa đi kháng chiến chưa vào bộ đội thì chỉ riêng nội dung tập thơ mới phát hiện đã là một cách trả lời. Một tập thơ chống chiến tranh, dù là chống chiến tranh phi nghĩa, ủy mị là rất lạc lõng, lạc thời với một thời “Nhà tan cửa nát cũng ừ / Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau”. Tôi nghĩ vậy và thấy ông lại thêm một lần có lý. Và tác giả Quê mẹ vẫn là một nhà thơ, một con người tiếp tục phải khám phá, tiếp tục phải giải mã. Tôi nghĩ vậy không biết có đúng không?
NGÔ VĨNH BÌNH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn