Thấm thoát đã bốn mươi năm. Ngày đó, sau kháng chiến chống Pháp, chúng tôi phần lớn là những người viết báo ở các quân khu, sư đoàn trên cả nước, được tập trung về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, chuẩn bị cho tạp chí Văn nghệ quân đội ra mắt bạn đọc số đầu tiên.
So với những năm chiến tranh, cuộc sống mới của chúng tôi ở ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Á Đông, mái lợp ngói lưu ly, cổng có hai cây đại, nghe nói trước là của sĩ quan không quân Pháp, khá tiện nghi. Hai người chung một phòng, với hai giường cá nhân và hai bàn viết. Phòng toa lét không có nước, được những người ưa yên tĩnh biến thành một phòng văn kín đáo. Cần tắm, có chiếc bể luôn luôn đầy nước ở đầu hồi. Giải trí có bàn pingpong ở câu lạc bộ, và bàn cờ tướng ở từng buồng. Chủ nhật đi xem đá bóng ở sân Hàng Đẫy hay sân Cột Cờ. Cũng nên nói, chúng tôi đều là những cổ động viên nhiệt tình của đội Thể Công. Vài ngày trước một trận đấu quan trọng của đội, hầu như không ai làm được gì ngoài việc chạy vé, bàn bạc và hội hộp về chuyện được, thua. Hầu hết chúng tôi đều chưa có gia đình. Những chuyện riêng tư bị gác lại trong mười năm chiến tranh. Nhưng tất cả đều không làm quên đi một điều là chúng tôi đã bắt đầu một cuộc chiến đấu mới. Chiến đấu trên mặt trận văn nghệ. Chiến đấu để xem mình có thể trở thành một chiến sĩ cầm bút?
Hồi đó một số câu hỏi được đặt ra. Lại có nhà văn quân đội ư? Nếu không có văn nghệ công nhân, văn nghệ nông dân… thì sao có văn nghệ quân đội? Chúng tôi không trao đổi với nhau về vấn đề này, nhưng đều thầm nhủ: sẽ thử trả lời bằng công việc. Có một nhận xét khác cũng làm chúng tôi băn khoăn nhiều. Đó là ý kiến của nhà văn Tô Hoài: “Các đồng chí ở Văn nghệ quân đội viết giống nhau quá!” Nhận xét này rất đúng. Đa số chúng tôi đều viết một cách trơn tru, kiểu văn học sinh.
Cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng quyết liệt diễn ra trong từng căn phòng. Người bạn cùng phòng với tôi là Nguyễn Ngọc Tấn. Gia đình anh ở Nam Định. Nhưng anh lại là cán bộ miền Nam tập kết. Suốt kháng chiến, chống Pháp, anh chiến đấu ở Nam Bộ. Trước đây, anh làm thơ. Những bài thơ anh cho tôi xem không có gì thật đặc sắc. Tấn muốn chuyển sang văn xuôi. Tấn chuyên cần theo đuổi lớp đại học văn ban đêm. Anh rất chăm đọc. Khi tìm được một cuốn sách hay, anh chỉ lo đọc chóng hết. Anh thường ngồi ở bàn viết với chiếc khăn ướt vắt trên trán. Không biết vì thời tiết hay bệnh đau đầu? Có thể cả hai. Tấn không thích thứ giải trí nào khác ngoài bóng bàn. Nhưng anh không bao giờ lao vào những cuộc thi đấu như chúng tôi. Rồi truyện ngắn Im lặng, có lẽ đây là tác phẩm văn xuôi đầu tay của anh, xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ quân đội và lập tức có tiếng vang. Sự nghiệp văn xuôi của anh đã bắt đầu.
Công việc viết văn của chúng tôi gắn liền với những chuyến đi. Thường là trở lại đơn vị cũ, những chiến trường mình đã sống. Chúng tôi cũng đi vào những nơi đang diễn ra những công cuộc cải tạo, xây dựng trong thời bình. Mỗi chuyến đi là một lần gặt hái. Những năm hòa bình trôi qua rất nhanh. Kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng quyết liệt. Miền Bắc phải đương đầu với những trận ném bom hủy diệt của không quân Mỹ. Rất nhiều chiến trường mới mở ra: B, C, Khu Tư, Hải quân, Không quân… Đội ngũ người viết ở Lý Nam Đế được bổ sung thêm. Nhưng cũng bắt đầu những cuộc chia tay.
Những nhà văn được chọn đi B đầu tiên là Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn. Ngọc vào Khu 5, Tấn vào Nam Bộ. 1964, Trúc Hà vào Khu 6, cuối 1966 Nguyễn Trọng Oánh vào B3 Tây Nguyên và sau đó vào thẳng B2 Nam Bộ cũng làm tờ Văn nghệ Quân giải phóng với Nguyễn Ngọc Tấn. Từ khi các anh đi, ngoài một số bài gửi ra, hầu như không ai có thư từ. Một lần Trần Đình Vân từ B2 ra kể lại với tôi, Tấn đã dặn là không được cho anh chị em ngoài này biết về những khó khăn, thiếu thốn của các anh ở chiến trường. Sau Tết Mậu Thân, thấy chiều hướng kháng chiến còn lâu dài, chúng tôi viết thư cho Nguyên Ngọc khuyên anh nên ra Bắc một thời gian để viết, anh từ chối. Chúng tôi chỉ gặp lại Nguyễn Trọng Oánh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nguyễn Ngọc Tấn đã nằm lại ở ven đô Sài Gòn trong đợt hai Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Tạp chí Văn nghệ quân đội không phải là trường đào tạo ra những nhà văn trong quân đội. Mỗi người trước khi về đây đều đã có một quá trình hoạt động văn học ở đơn vị. Nhưng đây là môi trường rất thuận lợi cho sự rèn luyện, trưởng thành của những anh chiến sĩ say mê văn chương. Mỗi người ở chung quanh ta giống như một chiếc gương mà hàng ngày soi vào đó ta có thể nhìn thấy những nhược điểm cần khắc phục trong nghề nghiệp của mình. Một không khí làm việc tuyệt diệu, trong lành, trung thực, đầy kích thích, thúc đẩy mọi người lao vào một cuộc thi đua lặng lẽ: phải sáng tác tốt hơn, sống tốt hơn. Và bạn đọc đông đảo, vô tư, những chiến sĩ, những người kháng chiến thuần phác luôn luôn chăm chú theo dõi, không có mong muốn nào hơn là tờ tạp chí, một hành trang chiến đấu, ngày càng tốt và hay. Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta chưa có cuộc kháng chiến nào kéo dài suốt ba mươi năm. Khi đất nước cần có những người như thế thì họ đã xuất hiện, và đội ngũ nhà văn quân đội đã hình thành. Đó là những nhà văn chiến sĩ. Họ đều là chiến sĩ trước khi trở thành nhà văn (trường hợp nhà văn Thanh Tịnh là một biệt lệ). Đó là những người gắn liền sự nghiệp văn chương với vận mệnh của Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, với nhân dân. Chủ nghĩa vị kỷ đã chi phối không ít nhà văn, đối với họ là hoàn toàn xa lạ.
Đã có một thời như thế. Đã có những truyền thống tốt đẹp mà chúng ta không thể xa rời.
HỮU MAI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn