VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những ngày khó quên (NGÔ VĂN PHÚ)

Thứ Hai, 10/10/2011 01:00

Tôi bất ngờ được điều động vào quân đội, khoảng tháng 4 năm 1966, lúc cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ngày một mãnh liệt. Tổng biên tập báo Văn nghệ, anh Hoàng Trung Thông bảo:

- Thông báo với cậu, Đảng đoàn quyết định cậu có trong danh sách văn nghệ sĩ tòng quân đợt đầu tiên đấy!

- Tôi và những ai nữa, anh Thông?

- Anh Nguyễn Đình Thi và Mai Ngữ, đợt đầu chỉ có ba người.

Nhưng rốt cuộc chỉ có tôi và anh Mai Ngữ sang làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội.

Người đầu tiên tôi gặp ở tạp chí là anh Vũ Cao. Thú thật, tôi rất mến anh Cao. Bài “Núi Đôi” của anh tôi thuộc lòng từ hồi còn học phổ thông. Buổi gặp ấy, anh chỉ hỏi tôi một câu:

- Phú đấy hả? Thôi về đây làm việc. Biết nhau cả rồi ấy mà.

Nhận quân phục, phòng làm việc, tôi được phân công trực ở tạp chí. Thời kì ấy, các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyễn Trọng Oánh, Trúc Hà đã đi chiến trường B. Dân biên tập và phóng viên lúc ấy gồm các nhà văn quân đội có tiếng: Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nhị Ca, Xuân Thiều, Hải Hồ, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách và nhà văn Thanh Tịnh. Ban chủ nhiệm có anh Vũ Cao và anh Từ Bích Hoàng. Tôi được phân công phụ trách đọc thơ và anh Mai Ngữ đọc văn xuôi.

Hình như các anh ấy cũng đã nhằm trước khi tôi sang. Lúc đó, tôi, so với các anh, tuổi đời, tuổi quân cách nhau rất xa. Và tác phẩm thì hầu như tôi chưa có một đầu sách nào. Trong khi các anh người đã có trên một chục đầu sách, người ít nhất cũng có năm, ba đầu sách. Thời ấy, có chừng ấy đầu sách là đã siêu rồi

Tôi nhận thấy hòa nhập gia đình Văn nghệ quân đội ấm áp hơn. Mặc dù tính kỉ luật, quân phong, làm cho tôi không được tự do, thoải mái bằng làm báo dân sự.

Trước tôi, các anh Hồ Phương, Nhị Ca đã phụ trách thơ. Khi tôi nhận công việc, anh Vũ Cao có bạn hơn.

Công việc xong rồi, chúng tôi thường nói chuyện về quê trung du, đồng bằng, đôi lúc có bàn về thơ cổ và thơ mới. Đôi khi những chuyện loăng quăng khác… Chỉ biết rằng, dù anh Cao tuổi bằng anh trai tôi, song anh coi tôi như bạn vong niên…nói chuyện tự nhiên lắm. Anh Thanh Tịnh cũng vậy. Ở báo Văn nghệ và cơ quan Hội, tôi vốn rụt rè, và còn cách tiếp xúc của các anh ấy nữa! Tôi nói chuyện với các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông không được tự nhiên và cởi mở bằng các anh Vũ Cao và anh Thanh Tịnh.

Lo thơ cho từng số tạp chí, chủ yếu chọn được thơ hay về kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thường chúng tôi rất mừng khi được các bài thơ hay của Nguyễn Đức Mậu, Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Văn Thảo Nguyên, Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Liên Nam, Thu Bồn, Tạ Hữu Diên, Duy Khán… và nhất là Phạm Tiến Duật sau này.

Lực lượng văn trẻ ở ngoài cũng thích có thơ đăng tạp chí Văn nghệ quân đội: Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ, Hoàng Hưng, Võ Văn Trực, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Vũ Quần Phương…đều giúp cho việc tăng cường chất lượng thơ trên tạp chí. Chúng tôi luôn phát hiện những cây bút mới về thơ cho Văn nghệ quân đội. Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, đều có thơ đăng. Nhiều bài thơ chiến đấu, tồn tại được trước thử thách thời gian, đều in trên tạp chí. Cùng trực thơ, thay phiên cho tôi, năm 1971 khi tôi bị ốm là Xuân Sách…

Tôi cảm động khi đi chiến trường, thấy tạp chí Văn nghệ quân đội được các trạm giao liên các đơn vị chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát và nhiều bài thơ in trên tạp chí được bộ đội chép tay hoặc ngâm đọc trong các buổi tổng kết đơn vị hoặc sinh hoạt văn nghệ…

Về sáng tác, tôi thích viết về nông thôn, về trung du. Thâm nhập bộ đội, làm thơ về người lính, lúc đầu quả cũng bỡ ngỡ. Mãi bốn năm năm sau, nhờ đi tuyến lửa Khu 4 và chiến trường B, dần dần thơ tôi có “chất lính” đôi chút, thì năm 1972 tôi lại được Hội Nhà văn điều động trở về làm báo Văn nghệ.

Vào cuối năm 1970 đầu năm 1971, chúng tôi rất cảm động khi nhận được bản thảo của Nguyễn Thi, vừa hi sinh ở chiến trường B, do Nguyễn Trọng Oánh gửi từ Văn nghệ quân giải phóng ra.

Lúc bấy giờ bộ phận biên tập viên trực tạp chí, ngoài phần mình phụ trách, đều phải đọc luân phiên toàn bộ nội dung số tạp chí trước khi đưa lên Ban chủ nhiệm duyệt.

Tôi được anh Từ Bích Hoàng gọi giao cho hai tập bản thảo chưa hoàn thành của anh Nguyễn Thi. Đó là tập tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa” và “Sen ở đầm”. Anh Từ Bích Hoàng đã đọc một lần, thấy cần phải chỉnh cho chuẩn một số chi tiết nhỏ. “Ở xã Trung Nghĩa” ít phải sửa chữa hơn, nhưng truyện “Sen trong đầm” thì anh Nguyễn Thi còn viết lẫn lộn cả tên nhân vật. Trang này tên nầy, trang khác lại tên khác. Hai anh em chúng tôi đọc với nhau từng trang và chữa cho tên nhân vật thống nhất. Riêng tôi, đọc “Ở xã Trung Nghĩa”, tôi rất phục. Tôi cho rằng những trang chín nhất của Nguyễn Thi tập trung ở truyện này. Tôi nói với anh Từ Bích Hoàng, chỉ riêng mấy trang này, với mấy chục trang bản thảo, nó đã đủ đứng vững một truyện vừa trọn vẹn về cuộc chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam. Anh Từ Bích Hoàng chỉ tủm tỉm cười và còn để nhiều công hoàn thiện thêm cả hai thiên truyện này. “Sen trong đầm” thì vui hơn, nét lạc quan, những sinh hoạt bình thường đậm đà chất đồng bằng Nam Bộ cũng rõ… Hai thiên truyện được đăng liền trong các số tạp chí sau khi biên tập xong, được bạn đọc và các nhà văn trong ngoài quân đội khen ngợi.Công việc thầm lặng của anh Từ Bích Hoàng, mặc dù là phó Tổng Biên tập tạp chí nhưng săn sóc bản thảo của đồng chí mình và bạn viết vô cùng chu đáo.

Sáu năm sống trong mái ấm tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi học hỏi và trưởng thành lên rất nhiều. Cũng nhờ vào đó, chất men văn chương với ý thức nghiêm túc của người cầm bút luôn được bồi đắp ở trong tôi sau này, khi tôi đã xuất ngũ.

NGÔ VĂN PHÚ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)