VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Buổi đầu của tạp chí Văn nghệ quân đội (VĂN PHÁC)

Thứ Hai, 31/10/2011 01:32
Cách đây 55 năm, vào tháng giêng năm 1957, một tin vui đến với moi người là tạp chí Văn nghệ quân đội số đầu tiên ra mắt bạn đọc.

Tôi muốn nói rõ thêm đây là một bước phát triển mạnh mẽ nhất hay nói theo ngôn ngữ bây giờ thì đây là một cuộc đổi mới rất sâu sắc và toàn diện đối với tạp chí Văn nghệ quân đội nói riêng và đối với công tác văn nghệ trong quân đội nói chung thời đó.


Vì từ năm 1952 đã có tờ Sinh hoạt Văn nghệ quân đội ra đời ở khu kháng chiến Việt Bắc nhưng chỉ phát hành trong nội bộ quân đội với nhiệm vụ là vận động, hướng dẫn phong trào văn nghệ quần chúng. Tới sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, Bộ Quốc phòng chuyển về Hà Nội và đặt cơ quan làm việc trong thành cổ Hoàng Diệu. Cơ quan Tổng cục Chính trị bao gồm cả lực lượng văn nghệ, báo chí chúng tôi được bố trí ở một góc thành và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt việc ra vào của trạm gác Cửa Đông phố Lý Nam Đế bây giờ. Lực lượng văn nghệ lúc đó cũng khá mạnh, nhưng về tổ chức lại rất đơn giản, gọn nhẹ. Tất cả những tên gọi là phòng Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội và báo Sinh hoạt Văn nghệ quân đội thật ra đều nằm chung trong một tổ chức là phòng Văn nghệ quân đội, một phòng khác kềnh càng trong Cục Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị. Tôi cũng không phải là người phụ trách phòng Văn nghệ quân đội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, tôi là chủ nhiệm chính trị sư đoàn 312, được điều về Tổng cục Chính trị tham gia đoàn cán bộ đầu tiên vào tiếp quản thủ đô Hà Nội và được giao phụ trách công tác tuyên truyền của quân đội. Tới đầu năm 1955 tôi được chuyển sang làm trưởng phòng Văn nghệ quân đội cùng anh Vũ Tú Nam là phó phòng. Tôi vừa thay anh Vương Gia Khương đã phải nhập ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt chống tư tưởng sai lầm của cái gọi là nhóm “nhân văn – giai phẩm” thâm nhập vào quân đội.


Tiện đây tôi muốn nói đến một đặc điểm riêng của quân đội ta, và cũng là một truyền thóng hết sức quý báu của công tác văn nghệ trong quân đội và của nền văn nghệ cách mạng mà không phải quân đội nào, quốc gia nào cũng có. Đó là từ sau Cách mạng tháng 8-1945, nhất là từ khi cuộc kháng chiến Pháp bùng nổ, những anh, chị em văn nghệ sĩ yêu nước đều hăng hái gia nhập Vệ quốc quân. Số thì tham gia vào các đội tuyên truyền úy lạo (tiền thân của các đoàn văn công sau này) số thì tham gia viết tin, viết truyện làm thơ, vẽ cho các tờ báo của các trung đoàn, các quân khu. Phong trào văn nghệ sĩ tòng quân ngày càng phát triển và phát huy tác dụng tích cực. Nhà thơ Tố Hữu đồng thời là trưởng ban Tuyên huấn T.Ư cũng xung phong tòng quân đã có sức cổ vũ rất lớn phong trào. Vì vậy cứ mỗi lần bộ đội mở chiến dịch, các văn nghệ sĩ, các nhà báo lại được ban Tuyên huấn T.Ư giới thiệu xuống các đơn vị sống với chiến sĩ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng là chính trị viên tiểu đoàn của sư 308. Còn các anh khác như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thép Mới, Tô Ngọc Vân, Phan Kế An, Nguyễn Xuân Khoát, v.v… thì hầu như có mặt ở đơn vị chiến đấu hầu hết các chiến dịch lớn.


Ngoài những văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đó, trong quá trình chiến đấu và công tác ở các đơn vị dần dần xuất hiện những cán bộ và chiến sĩ vừa có khả năng cầm súng vừa có khả năng cầm bút. Họ vừa dũng cảm chiến đấu và cũng rất say mê hoạt động văn nghệ và đã trưởng thành lên từ đó. Tôi cũng là một người trong số đông đảo đó.


Nhờ có những lực lượng chuyên nghiệp và nghiệp dư hùng hậu ấy mà công tác văn hóa văn nghệ trong quân đội đã sớm phát triển được phong trào quần chúng rộng rãi ở cơ sở và là một bộ phận không thể thiếu của công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội.


Có bạn đã hỏi tôi tại sao mãi đến tháng 1-1957 tạp chí Văn nghệ quân đội mới có sự chuyển hướng. Không thể nói gì khác là do hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Như mọi người đều biết cuộc đấu tranh chống tư tưởng sai lầm “nhân văn giai phẩm” đã ngã ngũ. Thắng lợi của đường lối, quan điểm văn nghệ đúng đắn của Đảng phải được tiếp tục thể hiện ra bằng sự phát triển tốt lực lượng chuyên nghiệp và nghiệp dư, bằng những hoạt động lành mạnh của phong trào quần chúng, nhất là bằng những tác phẩm có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật viết về quân đội, về kháng chiến để chứng tỏ lực lượng văn nghệ trong quân đội xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đáng tin cậy của cách mạng, của nhân dân.


Vào thời đấy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tầm nhìn chiến lược sắc sảo, gần gũi văn nghệ sĩ và thường có những ý kiến chỉ đạo nhạy bén đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Một buổi chiều, anh bất chợt đến phòng Văn nghệ quân đội. Trước thái độ thân mật nhưng nghiêm túc của anh, tôi cảm thấy có vấn đề quan trọng liên quan tới công việc của chúng tôi. Anh nói gọn và rõ ràng:


- Vừa qua, trong quân đội ta có một số đã phạm sai lầm nghiêm trọng, nhưng đại bộ phận văn nghệ sĩ trong quân đội vững vàng, dũng cảm giữ vững trận địa văn nghệ cách mạng đoàn kết tốt nội bộ, đoàn kết tốt giữa lực lượng văn nghệ trong và ngoài quân đội. Vì vậy Tổng cục Chính trị đã có chủ trương và được ban Tuyên huấn T.Ư đồng ý để tờ báo Văn nghệ quân đội sẽ phát hành rộng ra ngoài, phục vụ cả quân đội và nhân dân. Vì trong tình hình mới, quân đội ta không thể giữ mãi chế độ tình nguyện như bây giờ mà sẽ có những lớp cán bộ và chiến sĩ được phục viên về địa phương đồng thời lại có những lớp thanh niên thay nhau vào bộ đội làm nghĩa vụ quân sự. Cả báo Quân đội nhân dân và báo Văn nghệ quân đội phải phục vụ tốt đối tượng quan trọng này.


Anh không quên nói về công tác tổ chức của chúng tôi: Anh chê tổ chức phòng Văn nghệ quân đội lạc hậu rồi, phải kịp thời tách ra làm ba đơn vị rạch ròi là phòng Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội và tạp chí Văn nghệ quân đội và phải xây dựng vững mạnh cả ba mới cáng đáng nổi nhiệm vụ mới.

Anh gợi ý đại thể phòng Văn nghệ quân đội tập trung vào việc hướng dẫn, vận động phong trào văn nghệ quần chúng “hướng về đại đội, phục vụ chiến sĩ”, Nhà xuất bản Quân đội phải sớm có các loại sách nghiên cứu sâu về quân sự chính trị và có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay về kháng chiến về bộ đội trong thời bình. Còn tạp chí Văn nghệ quân đội phải phục vụ bộ đội bằng sáng tác và phải là nơi phát hiện tập hợp và bồi dưỡng được nhiều cây bút trẻ.

Cuối cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm dò về cán bộ lãnh đạo trực tiếp. Số đông anh em đều muốn tôi phụ trách tờ tạp chí là thích hợp nhất vì tôi cũng viết văn, viết báo, đã từng là thư ký tòa soạn báo Khu Hai kháng chiến từ 1946, đã được giải nhất cuộc thi viết về mẩu chuyện hay của báo Vệ quốc quân 1947 nhất là tôi đang làm trưởng phòng Văn nghệ. Anh Thanh hỏi ý kiến tôi thế nào? Quả thật lúc đó tôi cũng băn khoăn lo lắng nên xin khất trả lời sau.


Sau đó ít ngày, tôi nhận được quyết định của Tổng cục Chính trị bổ nhiệm làm chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Mà vẫn phải kiêm cả trưởng phòng Văn nghệ một thời gian. Thế là dứt khoát rồi. Tôi cùng anh em bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho tạp chí Văn nghệ quân đội ra mắt số đầu tiên.


Trước hết là bàn kỹ về nhiệm vụ, đối tượng, nội dung thể loại của tờ tạp chí. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí phó chủ nhiệm Lê Quang Đạo hướng dẫn cặn kẽ thêm đã gây nên cuộc thảo luận rất sôi nổi kéo dài. Hầu như, tất cả tòa soạn đều đồng ý là không thể đưa nguyên xi kể cả hình thức và nội dung của tờ Sinh hoạt Văn nghệ cũ ra mắt độc giả, và rất nhất trí về nhiệm vụ cơ bản của tạp chí dù là phát hành công khai rộng rãi vẫn phải xoay quanh nhiệm vụ chính trị của quân đội. Còn đối tượng của tạp chí thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra rõ rồi, không phải bàn cãi gì nhiều nữa. Nhưng đụng đến vấn đề nội dung và thể tài của tạp chí phải qua nhiều buổi tranh cãi kịch liệt mới đi tới thống nhất là tạp chí lấy sáng tác văn học là chính. Phải bằng những sáng tác tốt mà phục vụ nhiệm vụ chính trị của quân đội, góp phần xây dựng tư tưởng, tình cảm lành mạnh, xây dựng con người mới trong quân đội. Ngoài sáng tác văn, thơ là chính tạp chí vẫn dành phần cần thiết cho các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và không coi nhẹ phần nghiên cứu phê bình. Về kỳ hạn, tạp chí phấn đấu ra đều đặn mỗi tháng một kỳ vào cuối tháng, với bảy mươi trang lúc đầu, sau sẽ tăng dần lên tám, chín mươi trang và hơn nữa.


Cuối cùng là việc tổ chức bộ máy tạp chí. Lực lượng của tờ Sinh hoạt Văn nghệ quân đội trước đây rất mỏng cả phòng Văn nghệ xúm vào giúp cho bài vở. Nay đã tách ra, hoạt động theo hướng mới lấy sáng tác văn học là chính, tạp chí Văn nghệ quân đội phải là một tổ chức riêng, nhất là tòa soạn phải có một lực lượng sáng tác đủ mạnh của bản thân mình là có ý nghĩa quyết định nhất. Nếu bộ máy vẫn lèo tèo, vẫn ăn đong theo kiểu ngồi chờ bài gửi tới như trước đây thì khó mà làm nên trò trống gì và không tránh khỏi thất bại. Rất mừng là trong lúc đó phong trào Văn nghệ quân đội được Tổng cục Chính trị cho mở trại sáng tác đầu tiên sau ngày về tiếp quản Thủ đô. Những người được triệu tập về trại đều là bạn viết ít nhiều đã có bài, có truyện được đăng trên các báo. Một số anh đã có sẵn đề cương truyện dài mà các anh hằng ấp ủ. Điểm qua cũng thấy đủ mặt anh tài ở trại: Hữu Mai, Hồ Phương của sư đoàn 308, Nguyễn Khải, Mai Ngữ của Liên khu 3, Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương của sư đoàn 324, bộ đội Liên khu 5 tập kết, Hà Mậu Nhai, Bích Lâm, Xuân Miễn của bộ đội miền Nam tập kết, Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh của sư đoàn 304, Vũ Sắc của sư đoàn 312, Xuân Thiêm của sư 320, Nguyễn Khắc Thứ của sư 325, v.v… Các nhạc sĩ Doãn Nho, Trần Quý, họa sĩ Nguyễn Hiêm cũng tham gia trại sáng tác. Ngay khi anh em còn đang ngồi viết ở trại tôi đã có ý định sẽ xin Tổng cục giữa lại một số có khả năng bổ sung cho phòng Văn nghệ quân đội vì chính các đồng chí này cũng muốn ở lại để đi vào chuyên sâu công tác văn nghệ và có điều kiện để sáng tác. Thì nay, trại kết thúc đúng vào lúc tạp chí chuẩn bị ra công khai. Anh em đều đồng ý với tôi nếu được lực lượng này về làm nòng cốt, tạp chí sẽ phát huy tác dụng tốt hơn là về phòng Văn nghệ quân đội. Đề nghị hợp lý của chúng tôi được lãnh đạo Tổng cục Chính trị đồng ý ngay và kịp thời quyết định rút gần hết các trại viên của trại sáng tác về bổ sung cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Thế là tòa soạn được cả người lẫn của. Những sáng tác của anh em ở trại đã là nguồn lương thực dồi dào cho số đầu của tạp chí và những số tiếp theo.


Còn một số việc không kèm phần quan trọng là đặt trụ sở tạp chí ở đâu để thuận tiện cho công việc. Từ sau ngày vào tiếp quản Thủ đô, tất cả cơ quan báo chí, văn nghệ của quân đội đều đặt ở trong nội thành, mỗi khi ra vào phải chịu sự kiểm soát gắt gao của trạm gác Cửa Đông. Kỷ luật nhà binh là như vậy, nghiêm ngặt với tất cả mọi người. Nhưng nay tình hình của tạp chí đã đổi khác không thể ở yên bên trong cổng Cửa Đông như cũ. Tạp chí phải có trụ sở ở bên ngoài doanh trại để tiện giao dịch công khai với cơ quan nhà nước và các bạn đồng nghiệp, các bạn viết, bạn đọc… Đúng là việc quan trọng nhưng cũng không gặp khó khăn gì. Cha mẹ đã cho con cái áo còn kể gì cái dải. Tổng cục Chính trị cấp cho tạp chí một ngôi nhà hai tầng có mái cong xinh xắn, bên trong có nhiều phòng nhỏ rất thuận tiện cho công việc sáng tác của mỗi người. Đó là ngôi nhà số 4 ở đầu phố Lý Nam Đế gần vườn hoa Hàng Đậu được dùng làm trụ sở của tạp chí từ ngày ấy đến bây giờ.


Cho đến nay, mỗi lần nhớ lại cái không khí nhộn nhịp khác thường của tòa soạn vừa bận rộn chuyển nhà, vừa tíu tít chuẩn bị số đầu tạp chí Văn nghệ quân đội lại làm tôi bồi hồi luyến tiếc cái thời trẻ trung, phơi phới hiếm có ấy.


Đặc biệt là buổi họp đầu tiên của toàn thể tòa soạn tại ngôi nhà số 4 để phân công cụ thể cho từng người và xây dựng chế độ làm việc chung của tòa soạn, tôi cũng lo sẽ xảy ra đun đẩy, suy bì, tị nạnh nhưng đã diễn ra rất vui và chóng vánh. Thật ra, có một vị trí tôi phải cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến của anh em là chọn ai làm thư ký tòa soạn. Theo yêu cầu chung của lãnh đạo và anh em, thư ký tòa soạn phải là người có tâm huyết, có nghiệp vụ, đoàn kết được anh em và sẵn có uy tín ngoài xã hội. Nhìn vào lực lượng sẵn có kẻ tám lạng người nửa cân không thiếu người tài. Riêng tôi cân nhắc thấy nhà thơ Thanh Tịnh là người xứng đáng với vị trí quan trọng này. Lúc đó anh Thanh Tịnh lớn tuổi nhất trong tòa soạn rồi mới đến Vũ Cao và Từ Bích Hoàng. Tuổi tác không thành vấn đề gì. Điều đáng nói là nhà văn Thanh Tịnh đã nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, đã được giải thơ của Tự lực văn đoàn. Lại là người sớm giác ngộ cách mạng, sớm tham gia quân đội. Một người hoạt động đa năng. Ngoài việc sáng tác, anh còn biệt tài phục vụ bộ đội và nhân dân bằng những bài tấu rất đặc sắc và bằng những mẩu chuyện nhỏ rất dí dỏm lý thú cù mọi người quên cả mệt trong đêm hành quân về khuya. Khi tôi được Tổng cục Chính trị chuyển về phụ trách phòng Văn nghệ quân đội thì gặp anh ở đó. Qua một thời gian gần gụi, chúng tôi thành đôi bạn thân, rất đồng quan điểm của Đảng về văn hóa nghệ thuật. Trong cuộc đấu tranh chống tư tưởng sai lầm của nhóm “nhân văn giai phẩm” nhà văn Thanh Tịnh đã thể hiện bản lĩnh vững vàng và do những cố gắng rèn luyện, phấn đấu của bản thân anh đã được chi bộ phòng Văn nghệ quân đội kết nạp vào Đảng. Vì vậy khi tôi đề cử anh Thanh Tịnh là thư ký tòa soạn đầu tiên của tạp chí được tất cả tòa soạn nhất trí hoàn toàn.


Việc cử anh Từ Bích Hoàng phụ trách tổ văn, anh Vũ Cao phụ trách tổ thơ cũng rất suôn sẻ thuận lợi. Hai anh Từ Bích Hoàng và Vũ Cao đều là những cây bút quen biết lâu năm của làng văn, làng báo trong quân đội. Tổ nghiên cứu, phê bình chưa có người chuyên trách, tòa soạn tạm thời giao cho tôi và anh Thanh Tịnh cùng làm. Còn tất cả các đồng chí còn lại đều được giao nhiệm vụ đi cơ sở làm phóng viên sáng tác của tạp chí. Chủ trương này được anh em hoan nghênh nhiệt liệt vì những cây bút đang sức trẻ, khỏe như Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hải Hồ, Trọng Oánh…. chỉ hăm hở lao đi thực tế và sáng tác chứ mấy ai chịu ngồi một chỗ làm công việc biên tập bận rộn suốt ngày…

Vì vậy mà sau buổi họp đầu tiên ấy, chúng tôi lại tìm ra một chế độ làm việc rất thích hợp của tòa soạn là vừa cố định, vừa luân phiên. Chỉ có chủ nhiệm và thư ký tòa soạn làm nhiệm vụ cố định, còn tất cả anh em đều phải luân phiên nhau làm công tác biên tập ở tòa soạn sau đó được thực tế sáng tác một thời gian. Những ai đã chọn được đề tài, có đề cương sáng tác thì lần lượt được tách khỏi mọi công việc của tòa soạn được “giải phóng” hoàn toàn ba tháng để hoàn thành tác phẩm.

Nhờ có chế độ rành rọt ngay từ đầu mà công việc của tòa soạn sớm đi vào ổn định, dần xây dựng thành nền nếp, tạo được không khí làm việc cả trong công tác và sáng tác.


*

* *
Số đầu tạp chí Văn nghệ quân đội ra đời tháng giêng năm 1957 và mấy số sau nữa vẫn chỉ phát hành trong quân đội để nghe ngóng dư luận. Mãi tới số 5, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ lần thứ tư, tạp chí mới chính thức phát hành rộng rãi ra cả nước. Toàn thể tòa soạn chúng tôi hồi hộp theo dõi tình hình. Tôi vẫn nhớ Phương Đình Lợi, một cán bộ trị sự, rất có công, rất nhiệt tình xông xáo trong công tác cổ động cho tạp chí. Rất mừng là đã nhận được sự cổ vũ mạnh ngay từ đầu. Nhiều bạn đọc cả trong và ngoài quân đội cho biết rất thích đọc các sáng tác trên tạp chí. Nhưng không phải đã có những bài hay ngay trong mấy số đầu mặc dầu chúng tôi đã cố gắng thực hiện ý định đó ngay từ đầu. Phải tới số 4, tạp chí mới có bài đánh động được dư luận. Đó là truyện ngắn “Đẹp” của Xuân Cang, một bạn viết trẻ của tạp chí công tác ở ngành quân giới. Trong sáng tác này, đồng chí Xuân Cang đã đề cập đến một vấn đề xã hội khá phổ biến thời đó. Nội dung tóm tắt là sau ngày kháng chiến thắng lợi, anh bộ đội trở về thì vợ anh ở nhà do hoàn cảnh xô đẩy đã có quan hệ bất chính với một gã ở địa phương nhưng sau đó chị rất hối hận và đã dứt khoát không tái phạm việc làm bậy bạ như thế nữa. Vì vẫn yêu chồng tha thiết, nên khi gặp anh chị đã thú nhận tội lỗi với chồng và để tùy chồng quyết định. Qua đấu tranh gay gắt với bản thân, anh bộ đội đã tha thứ cho vợ, cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc gia đình trong công cuộc khôi phục và xây dựng chung của đất nước.Câu chuyện viết gọn, sâu, tình tiết hấp dẫn. Lập tức có nhiều thư liên tiếp gửi về tòa soạn, khen, chê rất khác nhau, gây nên cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài trên tạp chí.

Ít lâu sau, trong quân đội lại có cuộc vận động xây dựng ý chí cách mạng triệt để, chống tư tưởng hòa bình hưởng lạc, sa sút ý chí chiến đấu. Anh Hữu Mai đã thành công trong truyện ngắn “Mất hết” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 9 của năm 1957. Truyện cũng nói về một anh bộ đội, người trai của Hà Nội, đã lập nhiều chiến công trong chiến đấu, nhưng sau khi vào tiếp quản Thủ đô chẳng mấy chốc đã bị viên đạn bọc đường bắn gục. Truyện này cùng làm dư luận xôn xao và gây nhiều tranh cãi trên tạp chí. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh theo dõi tình hình, gọi điện thoại trực tiếp đến tòa soạn khen: “Tạp chí cần có những bài như thế, vừa có chủ đề tư tưởng rõ, vừa có nghệ thuật hấp dẫn, thế là phục vụ tốt cho công tác tư tưởng”.


Được sự cổ vũ đó, tòa soạn càng yên tâm vững bước theo định hướng của tạp chí, tiếp tục cho anh em đi sâu vào những khu vực xã hội có nhiều phức tạp khác nhau như Nguyễn Khải đi về vùng công giáo viết truyện “Xung đột” đăng mấy kỳ liền trên tạp chí phản ánh khá sắc sảo về những hoạt động đen tối của bọn phản động trong Thiên chúa giáo lôi kéo đồng bào công giáo di cư theo chúa vào Nam, độc giả rộng rãi và giáo dân hoan nghênh.


Mặc dù bản thân tạp chí đã có một lực lượng sáng tác khá mạnh, nhưng tòa soạn luôn luôn coi trọng công tác theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng các bạn viết trẻ có triển vọng ở cơ sở. Bất kỳ một phóng viên, biên tập viên nào xuống đơn vị lấy tài liệu, sáng tác đều phải tìm đến những người thích viết và thích đọc tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau đó phải tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng những cây bút, thành những nhà văn trẻ sau này. Nhờ có tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh của tất cả tòa soạn, mà công việc này đã nhanh chóng thu được kết quả đáng mừng.


Chỉ qua vài năm, tạp chí đã xây dựng được một mạng lưới bạn viết đông đảo, có chất lượng cả trong và ngoài quân đội và tòa soạn đã phát hiện ra những cây bút có nhiều khả năng nhất đưa về bổ sung cho tạp chí như các anh Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách thuộc khu Tả Ngạn và các anh Xuân Thiều, Trúc Hà (Nam Hà) đều là những cây bút quen thuộc ở bộ đội bảo vệ giới tuyến thuộc Quân khu 4.

Có một hoạt động cũng được xây dựng dần thành nền nếp mà tất cả anh, chị em trong tòa soạn đều tự nguyện chấp hành. Hàng năm cứ gần đến ngày kỷ niệm quân đội 22 tháng 12, sau khi chuẩn bị xong bài vở ra số đặc biệt giao cho đồng chí Hà Trì một cán bộ thành thạo chuyên môn và rất có trách nhiệm ở nhà chạy tới, chạy lui lo việc in ấn tạp chí ở nhà máy in quân đội ở Cầu Diễn còn đồng chí chủ nhiệm cùng tất cả các đồng chí biên tập viên, phóng viên sáng tác, cán bộ trị sự chia nhau đi xuống đơn vị bộ đội, nhà trường, nông trường nhà máy, gặp gỡ bạn đọc, bạn viết, nghe ý kiến phê bình, nhận xét tạp chí để về bàn việc cải tiến tạp chí năm sau. Việc làm ấy, được các báo bạn coi là một kinh nghiệm tốt, nay đã thành một khoa học gọi là điều tra xã hội học và dự báo khoa học.

*
* *
Từ 1959, quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về chuyển hướng cách mạng miền Nam, tạp chí Văn nghệ quân đội được giao thêm nhiệm vụ quan trọng là chọn và bồi dưỡng những cây bút có khả năng và có điều kiện hoạt động ở “B”.

Đã có nhiều cuộc tiễn đưa kín đáo và cảm động diễn ra ở ngay tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế Hà Nội như với nhà văn Thanh Giang, Thu Bồn, v.v… được đi “B” trước chúng tôi. Có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được cái đêm đưa tiễn các anh Nguyên Ngọc và Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) cùng với một số diễn viên văn công quân đội lên đường. Đây là nhóm đi đầu tiên của tạp chí Văn nghệ quân đội (1963). Đêm đó trăng tỏa sáng khắp vùng đồi Xuân Mai vắng lặng. Tôi và anh Chính Hữu ngồi với các bạn rất lâu, rất khuya dưới chân đồi trước giờ chia tay. Các bạn thương tôi mệt nên cứ giục về. Thật ra lúc đó tôi có một nhiệm vụ khó khăn đang phải giải quyết. Số là trong đoàn văn công có hai nữ diễn viên tình nguyện đi đợt này. Đến phút chót tôi nhận được ý kiến ở trên yêu cầu dừng mấy cô lại vì ngại các em không đủ sức vượt nổi con đường dài Trường Sơn đầy khó khăn gian khổ. Việc động viên các em ở lại không đơn giản. Tôi vừa nói các em đã ôm nhau khóc nức nở và nằng nặc đòi đi. Mãi khuya lắm mới đưa được các em cùng trở về Hà Nội sau khi tôi phải hứa sẽ xin cho các em đi vào đợt tới.


Sau này, vào cuối năm 1964, khi tôi vào tới Nam Bộ thì Cục Chính trị Miền đã giao cho Nguyễn Ngọc Tấn, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Minh Khoa, v.v… lập tờ Văn nghệ Quân giải phóng. Còn Nguyên Ngọc cũng gửi cho tôi tờ Văn nghệ Quân giải phóng Khu 5 do anh phụ trách. Hai tờ tạp chí này cả hình thức và nội dung đều rất gần gụi với tờ tạp chí Văn nghệ quân đội. Đúng là cùng một lò số 4 Lý Nam Đế mà ra cả.

*
* *
Sau ngày toàn thắng 30-4-1975 tôi rất hạnh phúc có dịp trở về miền Bắc trong niềm vui chung Nam – Bắc một nhà. Trải qua hơn 10 năm lăn lộn biền biệt ở chiến trường, tôi bồi hồi tìm về thăm lại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế quen thuộc, nơi đã cùng anh em chung lưng đấu cật, chia sẻ ngọt bùi từ thuở hàn vi. Vẫn ngôi nhà yên tĩnh ấy, vẫn những mái cong khác lạ hẳn với những ngôi nhà quanh đó, vẫn còn cả cây đại già tự tay tôi trồng ở lối cổng vào từ ngày đầu của tạp chí. Cảnh vẫn như xưa, nhưng đã có nhiều thay đổi rõ rệt.

Điều thay đổi đáng mừng nhất và cũng làm tôi xúc động nhất là những cây bút trẻ hồi nào, những nhà văn, nhà thơ mới bước vào nghề thời kỳ đầu tạp chí Văn nghệ quân đội nay đã trưởng thành. Nhiều người hồi nào chỉ khiêm tốn nhận mình là “lều” thì nay đã thành “nhà” cả rồi, đã thành những nhà văn có tên tuổi của đất nước với những tác phẩm nổi tiếng. Bên cạnh các bạn đã cùng sống và làm việc với tôi từ những ngày đầu tạp chí như anh Thanh Tịnh, Chính Hữu, Hải Hồ, Xuân Thiều, Trọng Oánh, Xuân Sách, Vũ Sắc, Nguyễn Minh Châu, v.v… nay là những thế hệ nối tiếp hùng hậu như Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Thị Như Trang, Triệu Bôn, Lê Lựu, Vương Trí Nhà, Ngô Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Chí Trung, Vương Trọng, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Chu Lai, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình… và trong lớp bổ sung về tòa soạn tạp chí sau này còn có Trần Đăng Khoa nhà thơ đã nổi tiếng từ lúc còn là một học sinh phổ thông.


Trong kháng chiến, họ giống như một bầy chim phải lìa đàn bay đi khắp ngả, nay thắng lợi rồi họ lại tìm về tổ ấm, lại từ các đơn vị khắp các chiến trường về tụ tập ở ngôi nhà số 4 lịch sử với những sáng tác mới tràn đầy sức mạnh chiến đấu, tình bạn, tình yêu….


Rất tiếc đã thiếu mất Nguyễn Thi. Không ai quên được một người bạn chiến đấu thân thiết, một tài năng đang độ phát triển lại hy sinh quá sớm. Nguyễn Thi tên cũ là Nguyễn Ngọc Tấn chính quê ở miền Bắc nhưng đã vào Nam từ nhỏ rồi tham gia kháng chiến chống Pháp ở đó. Sau Hiệp định Paris 1954, anh theo đơn vị tập kết ra miền Bắc rồi được điều về công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong những ngày này, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn tuy có duyên với bạn đọc, nhưng chưa nổi tiếng lắm. Nhưng từ ngày về B2 (1963) được trở lại mảnh đất cũ nơi anh đã từng sống và tích lũy thì ngòi bút của Nguyễn Thi bột phát mạnh mẽ. Sau đại hội anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất (1965) Nguyễn Thi đã thành công rực rỡ với tác phẩm “Người mẹ cầm súng” viết về nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Út của Trà Vinh. Tài năng của Nguyễn Thi còn tiếp tục bộc lộ trong tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa” và các tác phẩm khác.


Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy 1968, Nguyễn Thi đang viết dở tác phẩm “Ước mơ của đất” nói về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh của Long An. Phòng Tuyên huấn phân công Nguyễn Thi ở nhà viết tiếp. Nguyễn Thi đã lên gặp tôi tha thiết xin được “xuống đường” với đơn vị vì đây là cơ hội ngàn năm có một đối với người sáng tác, vả lại tác phẩm “Ước mơ của đất” của anh cũng đã căn bản hoàn thành. Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ là phó chủ nhiệm chính trị các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đồng ý để anh cùng đi với một đơn vị của sư đoàn 9 thọc sâu vào nội thành Sài Gòn. Trong đêm tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Nguyễn Thi đã không dừng lại ở vị trí của một nhà văn, mà anh đã tham gia chiến đấu thực sự như một chiến sĩ cùng đồng đội và đã hy sinh oanh liệt trên đường phố Sài Gòn mang theo bao ước mơ sáng tác anh còn nâng niu, ấp ủ trong đầu.


Trong dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam cuối tháng 4-1995 một số anh em ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội đến thăm tôi và cho biết là tòa soạn tạp chí đã có văn bản chính thức đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho Nguyễn Thi. Tôi thật lòng mừng rỡ vì Nguyễn Thi hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đó trên cả hai lĩnh vực cầm súng và cầm bút mà không phải ai cũng thực hiện được xuất sắc như vậy. Tôi cũng gửi lời hoan nghênh tòa soạn tạp chí hiện nay là những người biết uống nước nhớ nguồn. Tôi vội nhắn tòa soạn là khi nào nhận được quyết định chính thức thì báo ngay cho tôi biết để tôi đến cùng vui với anh em và gia đình. Nhưng tôi đã chờ hơn một năm nay rồi, và không biết còn phải chờ bao lâu nữa! Chỉ mong rằng những cơ quan có trách nhiệm đừng quên những người đã có những cống hiến xứng đáng như nhà văn Nguyễn Thi.


Sau Nguyễn Thi, một người đã đi xa rồi, nhưng những gì anh đã làm và để lại vẫn còn rất gần với chúng tôi và tôi thấy cần phải nhắc tới: Nguyễn Trọng Oánh.


Nguyễn Trọng Oánh về công tác ở tòa soạn rất sớm, ngay sau khi tạp chí Văn nghệ quân đội ra công khai. Anh thiên về thơ nhưng cũng là một cây bút có triển vọng về văn xuôi. Ngoài ra anh còn hai tài phụ là giỏi chữ nho và giỏi cờ tướng. Khi có thêm Xuân Thiều từ Khu 4 về tòa soạn, trong buổi sinh hoạt chung giới thiệu Xuân Thiều, anh Vũ Cao đã nói vui là tòa soạn ta có thêm một đồ Nghệ nữa là hai, có ý trêu Trọng Oánh và Xuân Thiều. Nói về cờ, thì trong khu vực Lý Nam Đế khó ai địch nổi Trọng Oánh. Khi ngồi vào bàn cờ, Oánh ngồi trầm ngâm nghĩ nước, mắt lạnh như tiền. Anh đi rất nhanh, như đã nghĩ sẵn trong đầu nhiều lúc làm đối phương trở tay không kịp.


Năm 1967, Nguyễn Trọng Oánh được cử vào bổ sung cho B2 cùng đi với Thép Mới và một số văn nghệ sĩ. Đến B3 Trọng Oánh và Thép Mới dừng lại công tác ở chiến trường Tây Nguyên một thời gian. Trọng Oánh mang bút danh mới là Nguyễn Thành Vân, còn Thép Mới ký là Hồng Châu. Sau tổng tấn công và nổi dậy Oánh vào tới B2. Công việc đã chờ sẵn anh. Trọng Oánh thay Nguyễn Thi phụ trách ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, Trọng Oánh lại được gọi về làm việc ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế và đã được giao làm quyền tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội một thời gian. Ngoài công việc của tạp chí, Trọng Oánh đã hoàn thành tiểu thuyết nổi tiếng “Đất trắng” với nhiều ý kiến khen, chê khác nhau. Nào ngờ hậu quả chiến tranh vẫn đeo đuổi và đày đọa anh quái ác đến như vậy. Trọng Oánh bị tai biến mạch máu não đột ngột vì huyết áp cao, đi lại khó khăn và hầu như mất hết trí nhớ. Một buổi chiều, tôi cùng với nhà văn Nam Hà và đồng chí phó tổng biên tập tạp chí Lê Thành Nghị đến thăm anh. Lúc đó Trọng Oánh đang ngồi dựa lưng vào tường, đôi mắt dại khờ, đờ đẫn. Tôi đến ngồi bên cạnh, nắm lấy bàn tay Oánh và hỏi: “Còn nhớ mình không?” Oánh mấp máy môi, gật sẽ. Nam Hà chỉ vào tôi: “Oánh nói tên xem nào?” Oánh nói sẽ những chúng tôi đều nghe rõ: “Anh Phác” rồi cứ nhìn lơ đãng đi đâu! Con gái anh nói đó là lúc bố cháu tỉnh nhất đấy bác ạ! Trong nhà anh, còn thêm một cảnh não lòng khác. Chị Vị, vợ anh một cô giáo sứ Nghệ, trước kia khỏe khoắn, hoạt bát là thế, nay cũng bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt ở gian trong. Chị còn tỉnh táo hơn chồng khi nói chuyện với tôi, nhưng lại không ngồi lên được như Oánh. Cảnh đời của hai anh chị éo le đến như thế là cùng.


Ở nhà Nguyễn Trọng Oánh ra về, tôi cứ bị một ý nghĩ dằn vặt mãi: Tại sao có những bậc anh tài, đã cống hiến tất cả cho đời, lại phải chịu những truân chuyên, bi thảm đến như vậy?


*
* *
Mỗi con người trung thực đều có quyền tự hào chính đáng.Tôi rất tự hào đã được làm lính Cụ Hồ, được đi khắp các chiến tranh từ Bắc vào Nam, đi mãi đến ngày toàn thắng và cả những năm sau đó. Tôi cũng rất tự hào đã có sự cống hiến bằng tất cả tâm huyết, khả năng, sức lực của mình cho sự nghiệp văn nghệ trong quân đội và cho sự nghiệp văn hóa của đất nước. Thỉnh thoảng có dịp về thăm lại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, tôi lại cùng anh em ôn lại những kỷ niệm cũ, bàn về hướng phấn đấu mới của tạp chí Văn nghệ quân đội. Bây giờ tạp chí Văn nghệ quân đội hay nói đúng hơn quân đội đã có một đội ngũ văn nghệ sẽ trưởng thành hơn trước rất nhiều. Tuy vẫn cần một lực lượng nòng cốt ở tòa soạn. Nhưng số có nhiều tích lũy đã được tách ra chuyên lo việc sáng tác dài hơn, xây dựng những tác phẩm có chất lượng về con người bộ đội và nhân dân trong hai cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là trách nhiệm nặng nề và vinh quang không ai có thể làm thay được các văn nghệ sĩ trong quân đội.

Đối với tôi, ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế là một phần quan trọng trong đời sống và công tác của tôi. Quên làm sao được cái không khí trẻ trung, lành mạnh và ấm cúng của tòa soạn thời đó. Ngày thì ai làm việc ấy, tối đến tôi và anh em lại kéo nhau đi học chương trình đại học văn, sử tại chức ở trường Đại học Tổng hợp. Tối nào không học lại chúi đầu vào sáng tác cá nhân, và chuẩn bị bài vở tạp chí. Sau đó, người thì chơi đàn, người thi đấu cờ, đấu bóng bàn mãi tới khuya, không hề có sinh hoạt bê tha, phóng túng, không có kèn cựa, đố kỵ cá nhân. Tuy nhiên vẫn có những cuộc đấu tranh nội bộ nẩy lửa về quan điểm tư tưởng, về trách nhiệm đạo đức của người cầm bút. Chính vì thế mà tạp chí Văn nghệ quân đội ngày càng đứng vững và phát triển được bạn đọc, bạn viết cả trong và ngoài quân đội yêu mến, tin cậy.


Nhớ lại những năm tháng đẹp tuyệt vời ấy tôi hoàn toàn tin tưởng tờ tạp chí Văn nghệ quân đội thân thiết của chúng tôi luôn luôn là tiếng nói lành mạnh, có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn luôn là những sáng tác có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật được bạn đọc ưa thích và cố gắng vẫn là cái lò sản sinh ra những cây bút mới, những văn nghệ sĩ có tài cho quân đội và đất nước.


VĂN PHÁC


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)