VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nơi đào tạo tôi thành BTV văn xuôi (THANH QUẾ)

Thứ Hai, 14/11/2011 01:32
Vào khoảng tháng 9 năm 1980, tôi đang viết ở trại sáng tác văn học Quân khu 5 thì được Tổng cục Chính trị điều về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình được về công tác ở một tờ tạp chí lớn, có uy tín lâu năm với bạn đọc cả nước, sẽ tiếp xúc với những cây bút có tên tuổi mà mình yêu mến, kính trọng để được học hỏi nhiều hơn. Lo vì mình vốn là một cây bút trẻ ở địa phương, biết về đây có làm được việc không, nếu mình lơ mơ sẽ bị coi thường. Lo nhất là tôi được phân công làm biên tập viên văn xuôi. Thú thật, lâu nay tôi là người làm thơ, ở tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng Khu 5 tôi mới biên tập thơ chứ chưa biên tập văn xuôi. Tôi lại viết văn xuôi ít nữa, liệu cộng tác viên của tạp chí có tin mình không. Tôi nêu khó khăn này với nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, quyền Tổng Biên tập và xin sang biên tập thơ, anh Oánh nói:

- Bên thơ đủ biên tập viên rồi. Bên văn còn thiếu, cậu cứ làm cho quen.

Tổ văn xuôi của chúng tôi có bốn người: Bùi Minh Quốc tổ trưởng, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Lựu và tôi. Chúng tôi chia làm hai kíp. Anh Bùi Minh Quốc và chị Như Trang một kíp, anh Lê Lựu và tôi một kíp. Trong năm cứ một kíp làm biên tập 6 tháng, 6 tháng khác được nghỉ để sáng tác. Kíp đầu tiên là kíp chúng tôi. Anh Lê Lựu dạo này lo sáng tác nên bảo tôi: “Cậu biên tập nhé. Tớ sẽ lo chạy bản thảo bên ngoài”. Thế là tôi bắt tay vào công tác biên tập văn xuôi.


Ngay ngày đầu nhận việc, tôi phát ngốt với chồng bản thảo các nơi gửi về mà cô văn phòng mang đến. Tôi lụi hụi ngồi đọc đi đọc lại nghĩ cách cắt xén sửa chữa từng bản thảo suốt cả sáng, chiều, tối vẫn chưa xong. Thế mà sáng hôm sau, các cô lại mang đến một chồng dày cộp nữa, và cứ thế sáng nào cũng vậy. Thế này thì nguy mất. Tôi thấy nhà thơ Vương Trọng, Anh Ngọc biên tập thơ cứ nhẩn nha đánh cờ, tán gẫu mà phát ghen. Tôi hỏi anh Lê Lựu làm cách nào? Anh bảo tôi đến văn phòng nhận ba cái cặp. Một cặp đựng bản thảo in được, một cặp đựng bản thảo cần sửa chữa, một cặp đựng bản thảo bị loại. Thế rồi mình đọc lướt và phân loại ngay bỏ vào các cặp. Sau đó, dựa vào chủ đề từng số mà ban biên tập chỉ đạo để lựa các bài từ hai cặp “Dùng được” và “Cần sửa chữa” biên tập cẩn thận để đưa lên trên duyệt. Đó là đối với những tác giả ở xa. Còn các tác giả ở Hà Nội thì “khiếp” hơn. Có lần, một nhà thơ mang đến một bài ký, không nộp mà đòi đọc nghe để quyết định in hay không để anh đưa đi nơi khác. Giọng anh đọc hay, lên bổng xuống trầm, có chỗ tôi cảm thấy chưa ổn nhưng không góp ý kịp. Chúng tôi quyết định in nguyên văn. Nhưng khi đọc lại thấy có chỗ chưa ổn, phải cắt chút ít. Khi tạp chí ra thì có điện thoại... Lại phải học một bài học: Với những người có tiếng tăm, muốn sửa chữa gì phải xin ý kiến và nếu họ không chịu thì phải thuyết phục.

Những cái đó có khó khăn nhưng anh em trong tổ biên tập thống nhất nhau. Cái khó nhất là có những truyện tôi đọc thấy cần sửa hay nên gác lại vì nó có những vấn đề chưa ổn. Tôi đưa cho anh em trong tổ đọc để xin ý kiến, anh em lại không thống nhất ý kiến nhau. Điều đó lại bay đến tai tác giả, rồi bao thứ ỳ xèo khó chịu nhau xảy ra. Có lần, một nhà văn cùng lứa, quen tôi, đến chửi tôi: “Ngu như bò, truyện của tao tốt mà không in. Mày nghỉ mà làm thơ đi”. Tôi vừa bực vừa buồn.Tôi xin anh Oánh cho làm việc khác. Anh bảo tôi đưa các truyện đó cho anh và một số anh khác xem. Các anh đồng ý với nhận xét của tôi, làm tôi bớt lo đi. Anh Oánh còn bày tôi cách ứng xử với những cộng tác viên “ghê gớm” như vậy. Tức là mình phải đọc kỹ, góp ý xác đáng và chân tình thì họ có là “cọp” cũng phải nghe. Tôi nhớ có lần, có một cộng tác viên nói với tôi:

- Anh là người làm thơ, anh không hiểu văn xuôi nên không nên biên tập văn.

Tôi nói nhẹ nhàng:

- Anh Phong Vũ bên Nhà xuất bản Tác phẩm mới làm lý luận sao lại có tín nhiệm với nhiều nhà văn lớn khi biên tập văn.

Dần dà, qua kinh nghiệm bản thân, qua sự học hỏi bạn bè, lãnh đạo trong tạp chí, tôi đã trở thành một người biên tập văn xuôi vững vàng. Cùng lúc ấy tôi viết văn xuôi nhiều hơn và có tập như “Cát cháy” được giải nên cộng tác viên cũng tôn trọng mình hơn.

Tôi nhớ có lần trong một cuộc họp, đồng chí bí thư chi bộ của tòa soạn nói:

- Trước đây, tôi tưởng đồng chí Quế biên tập văn xuôi không được thì cho đi chữa morát. Nay qua việc chọn bài tôi thấy đồng chí là một biên tập văn xuôi vững vàng cả về mặt chính trị và nghề nghiệp.

Giờ đây, dù không còn công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội nữa nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày ấy, tôi thầm cảm ơn tập thể biên tập và những anh lãnh đạo của tạp chí đã giúp đỡ tôi rất nhiều để trở thành một người biên tập văn xuôi (và cả thơ) vững vàng như ngày hôm nay.

THANH QUẾ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)