VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những khóa huấn luyện viết văn (NGUYỄN THẾ HÙNG)

Thứ Hai, 26/12/2011 09:30
Tôi nhớ có một lần bạn mới từ Kiên Giang xuống Cần Thơ chơi, bạn bảo tôi chở đi long rong bát phố, chuyện trò tỉ tê rồi tự dưng bạn nói: “Hay là Hùng đi học trường viết văn Nguyễn Du đi.” Tôi hỏi lại: “Đó là trường gì?” “Thì là trường dạy người ta viết văn chứ còn trường gì nữa, hỏi lãng nhách thế mà cũng hỏi.” Đang đi trên đường với lại vấn đề mình không quan tâm nên câu chuyện cũng chỉ đến thế. Sở dĩ bạn và tôi biết nhau là vì hai đứa cùng là cộng tác viên của báo Quân khu 9 nhưng bạn viết trước tôi lại mới được đi dự lớp viết văn khóa một của Tổng cục Chính trị về nên tôi nhìn bạn có nhiều phần nê nể. Bạn còn kể là ở lớp viết văn được học ai, tiếp xúc với những nhà văn nào làm tôi cứ mắt tròn mắt dẹt và có phần không tin lắm, bởi những nhà văn, nhà thơ bạn kể là những cây đa cây đề trong làng văn học Việt Nam đương đại và đa số họ đều là người của Nhà số 4, văn thơ họ tôi đã đọc suốt từ ngày vừa biết chữ cho đến khi cầm bút viết những bài báo, bài văn nho nhỏ và luôn nghĩ rằng mình chỉ có thể dừng lại ở tầm những bài nho nhỏ mà thôi, bởi để viết được những truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ…thì cần phải có một tố chất gì đó, một sự “ khác người” thế nào đó mới viết được. Chứ như cái tạng của mình chắc chả viết nổi văn đâu. Nghĩ vậy và nhất tâm đi học trường Sĩ quan lục quân.

Nhưng hình như cuộc đời mỗi con người đều có những khúc rẽ mà đến chính cả bản thân con người đó cũng không hề biết trước được. Tốt nghiêp trường sĩ quan lục quân, tôi trở về Quân khu 9 làm anh trung đội trưởng một trung đội chỉ huy phòng không khi rảnh rang vẫn tiếp tục viết văn, viết báo. Nhưng khác với trước lúc này tôi bắt đầu tập viết những truyện ngắn, chuyện tình dưới đáy ba lô và kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Rồi cho đến một ngày tôi nhận được điện thoại của nhà văn Bùi Thanh Minh từ Tổng cục Chính trị gọi vào nói là Trường viết văn Nguyễn Du chiêu sinh khóa mới, nếu muốn đi học thì thủ tục phải thế này, thế này, thế này… Nghe xong điện thoại và đặc biệt là khi tôi tìm những bài báo viết về trường thì thấy hoang mang lắm. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào quãng giữa năm 2000, không ít các báo đã đăng nhiều cuộc tranh cãi, trả lời phỏng vấn…là có nên giữ lại trường viết văn Nguyễn Du hay không? Biết trường khi trường sắp giải tán âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng thi vào trường khi biết trường sắp giải tán thì quả là một điều… đáng nói. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định đi thi, trên đường đi vẫn nghĩ thi chắc gì đã đậu, bởi đây như là một dạng của trường năng khiếu nên mỗi học viên thi vào đều bình đẳng như nhau, không ai được cộng thêm điểm “chính sách.” Hơn ba mươi tuổi đầu lại đang quân đang cán ở đơn vị giờ đi thi phải ngồi đấu với mấy cô, cậu vừa tốt nghiệp phổ thông lại mới mài đũng quần khắp các lò luyện thi thì chắc gì mình đã đấu nổi. Thôi thì cũng nhân dịp này đi thi để kiểm tra lại kiến thức của mình xem nó có rơi rụng nhiều không sau mười năm quân ngũ.

Thế mà đậu!

Bàn giao đơn vị, tôi nhảy lên trên chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Magich100 xích cam kêu hơn còi trực chỉ hướng Hà Nội. Kế hoạch hành quân đã lên sẵn, có dự trù hỏng xe nên ra đến Hà Nội vẫn còn sớm được hai ngày. Nhà trường chưa đón học viên, bạn bè chả có mấy, thế là phóng tiếp lên Ba Vì mở thêm tầm mắt. Hai ngày sau xuống nhập trường. Đang lớ ngớ thì nghe một câu nói: “Phải cải tổ lại trường Nguyễn Du!” Quay sang thấy một nữ sĩ trẻ măng, miệng mới phát ngôn câu đó xong chưa kịp khép. Tôi nhìn nữ sĩ như người giời. Mà đúng thật là sau này học với nhau mới biết là nữ sĩ cũng có cái tham vọng lớn lao đó nhưng khổ nỗi lực bất tòng tâm. Và cũng có thể là chưa kịp cải tổ thì trường đã chuyển thành …khoa Sáng tác- Lí luận và Phê bình văn học mất rồi. Khi có tin trường chuyển thành khoa, lớp viết văn K7 như cái tổ ong vỡ, có mấy nữ sĩ thẻ thọt: “Anh phải có ý kiến gì chứ.”(vì tôi làm lớp trưởng) Tôi tủm tỉm: “ Chắc cụ thấy bọn mình viết dở quá cụ buồn cụ bỏ đi rồi. Muốn cụ trở lại thì cố mà viết cho hay.” Chắc thấy nói với tôi cũng giống như nói với…đầu gối nên họ ngấm nguýt dăm ba cái rồi bỏ đi. Hình như trường Quảng Bá trước đây cũng mở bảy khoá rồi thôi. Nay trường Nguyễn Du cũng vậy. Khoá 7 hai năm đầu mang tên Nguyễn Du, hai năm sau mang tên khoa Sáng tác- Lí luận và Phê bình văn học. Và trong 7 khoá của trường Nguyễn Du thì khoá 7 chắc là khoá thiệt thòi nhất vì trước đây “Tổng quản của trường” là những nhà văn, nhà thơ là những người thầy, người bạn viết để cho học viên học hỏi, trao đổi, còn đến khoá 7 “tổng quản” là một cử nhân hình như tốt nghiệp khoa Văn hoá quần chúng, chẳng có họ hàng hang hốc gì với văn chương nghệ thuật cả…Nhưng nhờ trời cuối cùng rồi chúng tôi cũng đã hoàn thành xong nhiệm vụ của khoá học.


Nhớ những ngày đầu…

Quen nếp nhà binh, tối mười giờ ngủ, sáng năm giờ đã dậy, chạy thể dục huỳnh huỵch, mấy nữ sĩ thức khuya dậy muộn lò cổ ra cửa sổ chưi: “thằng điên!” Ở với bầu thì tròn, ở với ống thì dài, sau hai tháng, tôi cũng thức khuya và dậy muộn như ai! Tưởng gì chứ lười thì dễ học lắm!

Ra môi trường mới, đọc nhiều mới thấy rằng hoá ra từ trước đến nay mình chưa viết…văn! Thế mới chết, coi chừng học rồi không viết được thì nguy, tốn tiền quân đội. Kỳ cục mãi, viết được cái truyện hí hửng gửi sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Gửi truyện đi rồi cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi phải cọc, một tuần, rồi hai tuần không thấy hồi âm, tôi lò dò sang Nhà số 4 gặp nhà văn Sương Nguyệt Minh, sau một lúc lựa lời, Sương Nguyệt Minh phán: “Già ký, non truyện”. Thế là không ổn rồi, lơ lửng chân không đến đất, cật không đến trời thì nguy to, thà cứ làm anh lính ở đơn vị lại hoá hay. Nhưng một lần nữa tôi lại gặp may, hay quân đội không bỏ sót một ai khi đã thấy nhen nhóm chút năng khiếu văn chương nghệ thuật?! Giữa năm đó Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi truyện ngắn và mở trại viết văn, tôi được chính thức mời đi dự trại. Trước khi đi trại, nhà văn Sương Nguyệt Minh nói với tôi: “Chú cứ thủ dăm cái truyện viết sẵn đưa theo, lên trại có thời gian mà sửa sang cho nó hoàn chỉnh.” Với nhiều người quan niệm đi trại viết chỉ là đi để xả hơi, đi thực tế, nhưng với riêng tôi đi trại viết thực sự là đi dự một lớp học sáng tác ngắn hạn, một trại huấn luyện cấp tốc, một lớp học đặc thù và rất bổ ích cho những ai mới viết văn. Chỉ với mười lăm ngày ở trại, được các nhà văn Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Trí Huân, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hòa…theo dõi và chỉ dẫn tôi đã nộp quyển được bốn truyện ngắn, sau khi rời trại về trường tôi viết tiếp được hai truyện ngắn nữa và điều đang mừng là cả sáu truyện ngắn đều được đăng một cách khá dầy trên tạp chí Văn nghệ quân đội, cuối năm đó truyện của tôi được vào chung kết cuộc thi và được Văn nghệ quân đội trao giải. Sau này tôi còn được đi dự khá nhiều trại viết nữa của Văn nghệ quân đội và lần nào cũng vậy thấy cái vốn, cái tự tin, cái kinh nghiệm của mình được nâng cao hơn sau mỗi trại viết. Qua mỗi trại viết Văn nghệ quân đội cũng đã đào tạo, huấn luyện cấp tốc được một đội ngũ những người viết có tay nghề và bản lĩnh, những tên tuổi nhà văn đã và đang nổi tiếng trên văn đàn hiện nay đa số họ đã từng một hay nhiều lần đi dự những trại viết văn do Văn nghệ quân đội mở. Đây có thể nói là một thế mạnh nữa của những nhà văn khoác áo lính ở Nhà số 4.


Ngày lại tháng qua rồi bốn năm học ở Nguyễn Du cũng sắp kết thúc, nhà trường phân công tôi đi liên hệ nhà văn Nguyễn Khắc Trường hướng dẫn tốt nghiệp, lại một lần nữa được người có nguồn gốc từ Nhà số 4 “huấn luyện cấp tốc”. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu nói ngắn gọn trong buổi bảo vệ tốt nghiệp của chúng tôi: “Nguyễn Thế Hùng và Đỗ Tiến Thụy có thể đi làm ngay biên tập viên văn học ở bất kỳ một tòa soạn báo chí nào mà không cần phải thử việc hay tập sự.” Vẫn biết rằng đây là câu nói “bảo vệ” nhưng khi về làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ quân đội chúng tôi đã cố gắng hết mình để làm sao câu nói đó không quá xa vời với thực tế. Nhưng, lại một phép thử nữa đến với tôi, do ban Văn đã đủ người, tôi được phân công về ban Lý luận- phê bình làm biên tập dưới trướng Trưởng ban Ngô Vĩnh Bình, lại một lần nữa tôi được nhà văn Ngô Vĩnh Bình “ huấn luyện cấp tốc” để làm biên tập viên lý luận. Đường về Nhà số 4 của tôi là qua các đợt huấn luyện cấp tốc!


NGUYỄN THẾ HÙNG


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)