VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Văn nghệ quân đội có một khung cửa sổ nhỏ

Thứ Hai, 09/01/2012 01:00
Đúng là nhỏ, nhỏ xíu nữa.

Bằng chứng là chính người của Văn nghệ quân đội (VNQĐ) cũng có khi quên mất sự tồn tại của nó.

Khung cửa khiêm tốn đó chính là phần Văn học nước ngoài trên tờ Tạp chí, một chuyên mục đã có mặt ngay từ những số đầu tiên, và trong suốt 55 năm tồn tại của Tạp chí, nó chưa bao giờ vắng bóng, dù luôn cố thủ ở mãi góc khuất cuối cùng của tờ báo, như một thửa đất phần trăm teo tóp của thời kinh thế tập thể, hoặc đôi lúc như một người bà con xa nghèo khó trong bữa tiệc của một danh gia vọng tộc. Nghe thì có vẻ cám cảnh, nhưng rất tiếc đó lại là sự thật.

May mắn thay, người của VNQĐ có thể quên, nhưng bạn đọc thì không.

Bạn đọc đó, trước hết là chính bản thân tôi đây. Còn nhớ, ngay trong những số đầu tiên của VNQĐ, cùng với những truyện ngắn rất hay, những bài thơ rất đẹp và nhất là những bài phê bình nảy lửa và đanh thép dành cho nhóm Nhân văn Giai phẩm, thì vào cái năm 1957 xa xăm ấy, chú bé chăn trâu đất Nghệ là tôi đã bị hút hồn bởi rất nhiều tác phẩm dịch chủ yếu là từ văn học Xô viết và văn học Trung Quốc, của những dịch giả tuyệt vời như Nguyễn Thụy Ứng, Nguyên Ngọc, Nhị Ca, Doãn Trung... Trong trí nhớ non nớt của một cậu thiếu niên, những cái đầu đề hàm súc, những cái tên tiếng Tây dài dặc có thể không còn giữ được, nhưng có rất nhiều chi tiết thú vị, những tình huống kỳ khu, những gương mặt và tính cách vừa xa lạ vừa thân quen của bao nhân vật văn học cho đến tận giờ này vẫn phảng phất trong tôi, trở thành một thứ vốn sống thứ hai không thể thiếu trong cuộc sống cũng như trong công việc viết lách về sau.

Từ một bạn đọc yêu thích văn học nước ngoài, sự tình cờ run rủi, sau này, khi trở thành biên tập viên của VNQĐ, trong suốt một thời gian dài, tôi lại được phân công phụ trách trang Văn học nước ngoài của Tạp chí. Như đã nói ở trên, đây là một chuyên mục khiêm tốn, như một cái khuyên tai, đeo cũng được không đeo cũng chẳng chết ai, người dễ tự ái chưa chắc đã muốn làm. Chắc tôi không phải là người như vậy, nên tôi đã vui vẻ cày cuốc trên mảnh đất nhỏ bé ấy, với niềm vui cũng khép kín trong vòng tròn bé nhỏ với các dịch giả thân thiết, những Phạm Mạnh Hùng (đã mất), Vũ Thế Khôi, Thái Bá Tân, Đăng Bẩy, Đoàn Tử Huyến, Lê Sơn, Phan Hồng Giang, Quang Chiến, Nguyễn Trung Đức (đã mất), Hoàng Hữu Phê, Vũ Đình Bình, Đặng Phương Thảo, Hồng Thanh Quang, Đoàn Minh Tuấn, Lương Duyên Tâm, Phạm Nguyên Phẩm v.v...

Trung bình mỗi số có một truyện ngắn, một chùm thơ, có thể thêm một vài bài phê bình hoặc thông tin văn nghệ quốc tế. Thế cũng đủ vui rồi. Còn nhớ năm 1983, trong lần sang Liên Xô dự Hội nghị quốc tế những người dịch thuật văn học Nga và Xô viết lần thứ sáu, khi nghe tôi giới thiệu lướt qua những tác giả Nga và Xô viết đã được dịch in trên VNQĐ, ông Chủ tịch Hội đồng dịch của Hội nhà văn Liên Xô đã tỏ ra ngạc nhiên thích thú khi hầu hết các tên tuổi lớn của văn học toàn Liên bang Xô viết đều có mặt, kể cả những tác giả ngay người Liên Xô cũng còn khó đọc như A. Vôdơnhêxenxki, E. Mêgiêlaitix... Như thế cũng tạm yên tâm rằng chúng ta đã không cho bạn đọc của tờ báo văn nghệ của lực lượng vũ trang ăn những món quá nhạt nhẽo hoặc cũ kỹ. Công việc sẽ vui hơn, nếu như có những dịch phẩm mà cả người dịch và người biên tập đều tâm đắc nhưng đã không được xuất hiện vì những lo ngại quá mức cần thiết, những lo ngại mà bây giờ nhìn lại thì đã thành chuyện khôi hài. Đặc biệt đáng tiếc đối với tôi là đã không thể in trường ca “Trên đỉnh Michu Pichu” của P. Nêruđa. Biết làm sao được, đó là cái thời khung cửa của chúng ta vốn đã nhỏ bé lại còn bị khép lại, những con gió lạ làm sao có thể lọt vào.
Nhưng dẫu sao, vẫn có những bạn đọc không quên phần nhỏ nhoi này trên tờ Tạp chí của chúng ta.

Xin kể tiếp một kỷ niệm nhỏ: Năm 1998, trên chuyến tàu từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, lúc đã yên vị trên chiếc giường tầng, một người trung niên, nói giọng Sài Gòn, khi biết tôi công tác tại Tạp chí VNQĐ, liền thiết tha nhờ tôi tìm giúp ông một cái truyện dịch mà theo ông cho biết ông đã đọc trên VNQĐ từ rất lâu và rất thích. Tôi đã rất cảm động khi biết đó là truyện ngắn “Gặp con” của Tr. Aitơmatốp mà chính tôi đã dịch và cho in (chính xác là vào số tháng 7 năm 1984). Phải nói rằng ông bạn đọc ấy thật tinh, vì chính tôi cũng rất yêu cái truyện đó. Khi dịch nó, tôi đã có lúc xúc động ứa nước mắt, nước mắt thực lòng, vì ngồi dịch một mình trong phòng kín thì còn định đóng kịch với ai (?!). Cho đến lúc ấy, đã 14, 15 năm trôi qua, giữa bao nhiêu là áng văn hay, thơ đẹp “mọi nhẽ” trên VNQĐ, giữa bộn bề bao nhiêu sách vở, bao nhiêu công việc của một người kỹ sư như sau đó tôi được biết về nghề nghiệp của ông khách cùng toa tàu, thế mà con người này còn nhớ và có thể kể lại vanh vách một câu chuyện dịch in trên trang báo do mình phụ trách, thì làm sao không cảm động cho được. (Viết thêm: Gần đây tôi có lục tìm lại cái truyện ấy và đem ra phố nhờ đánh vi tính hộ. Hôm tôi tới lấy bài, cô đánh máy vi tính cũng bảo là cô vừa đánh máy vừa khóc. Cô nói rất nhiều, còn bảo sẽ bớt tiền công cho tôi và bảo có gì hay cứ mang ra cô đánh cho, đảm bảo giá công rẻ hơn chỗ khác, ha ha ha…).

Với tôi, kỷ niệm nhỏ trên đây cũng là niềm vui nho nhỏ nhưng khó quên của một “thời xa vắng” từng làm công tác biên tập ở VNQĐ.

ANH NGỌC

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)