Từ lớp viết văn quân đội ngày ấy…
Tháng 8 năm 1998, đang là cán bộ kiểm sát của viện kiểm sát quân sự khu vực 35 (thuộc Quân khu 3), thì tôi cùng lúc có hai niềm phấn khích lớn. Thứ nhất là có tên trong danh sách đại biểu chính thức được đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 5. Thứ hai là có giấy mời đi học lớp viết văn quân đội do tạp chí Văn nghệ quân đội (Tổng cục chính trị) mở. Khi đó tôi hai mươi tư tuổi. Với bất kỳ người viết trẻ nào, được đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc có thể nói là đã bước đầu được ghi nhận về khả năng văn chương. Đã vậy lại được học tiếp một lớp viết văn ba tháng với những nhà văn tên tuổi ở Nhà số 4, coi như lộ trình tiến tới văn chương chuyên nghiệp của tôi đã hé mở.
Đấy là bây giờ ngồi nghĩ lại tôi mới dám nói như thế. Còn ngày ấy, như mấy chục học viên từ khắp các quân khu, quân đoàn về Trường nghiệp vụ Tổng cục chính trị để “theo học khóa bồi dưỡng viết văn”, tôi hoàn toàn lơ ngơ không biết gì về cái nghiệp văn chương đang còn xa lơ xa lắc ở phía trước. Chỉ nghĩ đơn giản, mình đang là cán bộ làm trong ngành kiểm sát quân sự, có chút máu me văn chương, giờ được “tắm gội” trong môi trường văn chương đậm đặc, cũng thú, rồi sau này có tiếp tục viết văn hay không thì cũng chưa biết, học xong lại quay về với nghề kiểm sát thì chắc chắn, không có nghĩ gì đến một “lối rẽ tiền định” nào cả.
Lớp học kéo dài trong ba tháng. Hai tháng đầu là lên lớp nghe giảng các “cua” về tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, đường lối văn nghệ của Đảng, văn hóa học, mĩ học, tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo lớn (Phật giáo, Ki tô giáo, Hồi giáo)… Nếu là các cua giảng về kiến thức văn hóa thì toàn các thầy “đầu ngành” như Hà Minh Đức, La Khắc Hòa, Đoàn Mô, Phương Lựu, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Xuân Hinh, Đinh Văn Đức… đến dạy. Còn các nhà văn, nhà thơ đến nói chuyện chuyên đề thì thường lấy “chuyện đời mình” ra để làm bài giảng cho đám học viên còn rất i tờ về văn chương như chúng tôi. Ngoài các nhà văn quân đội mà chúng tôi được thụ giáo như Lê Lựu, Chu Lai, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Nguyễn Thị Như Trang, Hồ Phương, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nam Hà, Xuân Thiều, Trần Đăng Khoa, Phạm Hoa, Hồng Diệu… ra, ban quản lý lớp còn mời nhà viết kịch Tạ Xuyên (Trưởng Đoàn kịch nói Quân nói), đạo diễn điện ảnh Đặng Xuân Hải (Giám đốc Điện ảnh quân đội) và các nhà thơ, nhà văn dân sự như Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Văn Giá, Ma Văn Kháng đến nói chuyện.
Lớp học có khoảng 30 học viên, một số người đã có quân hàm thượng tá, đã qua chức vụ trưởng, phó phòng tuyên huấn quân khu. Tôi lúc đó mới đeo thiếu úy, vừa tròn hai năm tuổi quân. Người ít tuổi nhất lớp là thượng sĩ Hồ Kiên Giang, từ Quân khu 9 về học, kém tôi 1 tuổi. Tôi và Giang được coi là “hai đứa trẻ nhất lớp”. Lớp học cũng bình bầu ra một ê kíp lãnh đạo gồm lớp trưởng là thượng tá Nguyễn Quang Trường (Quân khu 9), lớp phó 1 là thượng tá Nguyễn Chí Khanh (Quân khu 5), lớp phó 2 là trung tá Bùi Thanh Minh (Quân khu 3). Lớp chia thành ba tổ: Tổ văn xuôi với tổ trưởng là thượng tá Nguyễn Tiến Hải (Cục dân vận và tuyên truyền đặc biệt), Tổ thơ với tổ trưởng là thiếu tá Nguyễn Anh Nông (Quân khu 3), Tổ báo với tổ trưởng là thượng tá Nguyễn Phương Thảo (Quân chủng Phòng không - không quân).
Thực tình, tôi đến lớp học với một tâm trạng khá thoải mái, vì đây là lớp học đặc biệt, không phải kiểm tra cuối kỳ hay thi thố gì, cũng không liên quan gì đến đánh giá chuyên môn hay phẩm chất sĩ quan khi trở về đơn vị. Nhưng rồi, mỗi lúc tôi một nhận ra tầm quan trọng của lớp học. Đây không chỉ là lớp học do tạp chí Văn nghệ quân đội mở mà là chủ trương lớn của Tổng cục chính trị về “tạo nguồn lâu dài” cho đội ngũ cán bộ văn nghệ sĩ trong quân đội. Theo như nhà nghiên cứu Ngô Vĩnh Bình thì có thể ví lớp viết văn của chúng tôi như là “Cuộc hội quân lần thứ 3”. Cuộc hội quân lần thứ nhất là sau khi hòa bình lập lại, đã phát hiện ra những Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nam Hà, Hồ Phương, Phùng Quán… Cuộc hội quân lần thứ hai diễn ra sau năm 1975 với những tên tuổi như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu…
Chà chà, thế này thì hóa ra chúng tôi được kỳ vọng quá. Điều kiện chăm sóc cho ba tháng “bồi dưỡng” rất tốt, ngoài chế độ ăn uống như đi “an dưỡng” chúng tôi còn được cung cấp các tập tuyển thơ văn hay nhất của Văn nghệ quân đội, được phát báo đọc hàng ngày, hàng tuần, được đi tham quan đền Hùng, thủy điện Hòa Bình, được phát các bản photocopy các bài thơ, truyện ngắn hay để làm bài tập (nêu nhận xét, đánh giá trước rồi các thầy sẽ nói về cái hay, cái thi pháp nghệ thuật sau). Đối với những quân nhân ở đơn vị, vừa ít tuổi quân, vừa quân hàm thấp như tôi thì lớp học này chỉ dành cho những “tài năng”. Mà tài năng của chúng tôi khi ấy thì… ôi thôi, cả lớp mới chỉ có một người từng được giải truyện ngắn của Văn nghệ quân đội là Nguyễn Tiến Hải, một người nữa vừa được in truyện ngắn trên phụ san Văn nghệ quân đội là Quỳnh Vân, và một người đã từng in bút ký trên Văn nghệ quân đội là Bùi Thanh Minh. Còn lại toàn loại “tác phẩm tuổi xanh” như tôi, tức là có truyện hoặc thơ in đâu đó trên báo Tiền Phong hay báo Văn nghệ Trẻ là cùng.
Vậy thì mình có bị xếp nhầm chỗ không? Tại sao lại tham gia vào một trò chơi vốn chỉ dành cho những “tài năng” thế này? Có nên rút lui để bảo toàn liêm sỉ hay mặc kệ đời mà AQ theo kiểu mời tôi thì tôi đi, tài tôi chỉ có thế, tôi có xin đi đâu, ai bảo kỳ vọng vào tôi làm gì?
Ánh mắt của ba chục học viên cứ mỗi ngày một hõm vào. Người được tạp chí giao quản lý lớp học là nhà phê bình Nguyễn Hòa. Tôi còn nhớ cái cảm giác ngày ấy là chúng tôi rất “sợ” anh Hòa. Anh không chỉ quản lý lớp mà còn trực tiếp giảng một số chuyên đề về văn hóa học, về Đường lối văn nghệ của Đảng, về Hồi giáo… Hàng ngày anh đưa giáo viên đến cho chúng tôi. Đưa những tiêu chuẩn đến cho chúng tôi. Đưa những kỳ vọng đến cho chúng tôi. Đưa cả tâm huyết văn chương của cả một tập thể các nhà văn nhà thơ ở Nhà số 4 đến cho chúng tôi. Thế mà chúng tôi lại chả có cái gì để “trả lại” cho anh cả. Thế nên, cứ mỗi một ngày mới đến, nhìn thấy anh sang lớp là lại ngài ngại. Đến tháng thứ hai cả lớp sốt ruột lắm rồi. Nín thở chờ thầy Thụy sang để biết xem lớp có truyện nào được đăng hay không, rồi lại hồi hộp chờ thầy Mậu, thầy Vương Trọng sang để biết có bài thơ nào được dùng vào số tới hay không?
Thế rồi cũng bắt đầu lác đác có những tín hiệu vui. Ký của Nguyễn Thành Phú, Trần Văn Hà, truyện ngắn của tôi, thơ của Quỳnh Vân, Nguyễn Anh Nông… bắt đầu được chọn đăng. Đặc biệt là sau chuyến đi thực tế một số tuyến biên phòng trở về, Văn nghệ quân đội bắt đầu gặt hái những thành quả từ lớp học. Tôi có truyện, ký và thơ in đến 5 tháng trời rõng rã trên Văn nghệ quân đội, hàng loạt những học viên khác cũng có truyện, ký và thơ được đăng tải như Lê Phi Hùng, Thái Nam Anh, Bùi Thanh Minh, Hồ Kiên Giang, Trần Việt Thương, Phùng Văn Khai, Nguyễn Tiến Hải, Viễn Sơn, Trần Hoài…
Và đó mới chỉ là mùa gặt đầu tiên từ lớp viết văn ngày ấy.
Sau này có nhiều học viên của lớp đã trưởng thành, có tên có tuổi, thành tác giả, thành nhà văn và đóng góp nhiều tác phẩm vào đời sống văn học nói chung, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính nói riêng.
Đến chuyến công tác đầu tiên
Tháng 11 năm 2001 tôi có quyết định về nhận công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Cùng được điều lên Tổng cục Chính trị đợt ấy Quân khu 3 có 3 người. Ngoài tôi ra còn có nhà văn Bùi Thanh Minh về nhận công tác ở Cục Tư tưởng - văn hoá, và thủ trưởng trực tiếp tiếp của tôi - Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực 35, về nhận công tác ở Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Vậy là tôi chính thức “chuyển ngành”. Đang quen với công việc của một kiểm sát viên, bây giờ về làm việc ở một cơ quan báo chí, tôi chưa hình dung nổi công việc ở đấy sẽ như thế nào? Công việc biên tập tôi chưa làm bao giờ, những chuyến đi công tác kiểu thâm nhập thực tế, lấy tin, viết bài, tìm cảm hứng cho sáng tác tôi cũng chưa quen. Có một lần duy nhất, ấy là khi tham gia lớp viết văn quân đội, tôi được các nhà văn, nhà thơ ở tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cho đi thực tế tuyến biên phòng Hà Giang. Sau đó về tôi viết được bút ký Bên cột mốc số 9 và được trao tặng thưởng bút ký hay năm đó.
Nhưng đó là chuyến đi công tác “phụ”, công tác “kép”, có người dẫn đường chỉ lối, tôi chỉ là thành viên của đoàn thực tế chứ chưa phải là một chuyến đi công tác chính thức với tư cách là một phóng viên của tạp chí Văn nghệ quân đội.
Vậy mà về nhận công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội chưa đầy một tháng, tôi được thông báo lên phòng Tổng biên tập có việc. Tôi hồi hộp gõ cửa phòng nhà văn Nguyễn Trí Huân (lúc bấy giờ là Tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ quân đội). “Cháu phải đi Trường Sa một chuyến nhé, Tổng cục vừa thông báo ra, tạp chí ta cử một người, cháu đi được chứ?” - Nhà văn Nguyễn Trí Huân nói ngay vào việc. Tôi hơi phân vân trong lòng một tí nhưng là anh lính mới, được giao nhiệm vụ lẽ nào lại tỏ ra lo ngại? Tôi vui vẻ nhận lệnh ngay và hỏi thêm về ngày giờ, địa điểm cũng như cách thức đi như thế nào?
“Đây, cháu cầm lấy chìa khóa đi xe của chú ra ga mua vé tàu. Phòng Thông tấn quân sự họ hẹn đón ở Nha Trang nhưng mình chẳng cần đâu. Cứ vào đến Nha Trang rồi đi xe ôm đến Vùng 4 Hải quân chìa giấy giới thiệu ra là họ đón tiếp mình thôi mà. Sau đó họ bố trí mình lên tàu đi ra đảo. Chắc cũng đơn gian thôi, không có gì phức tạp đâu”, nhà văn Nguyễn Trí Huân “giải quyết” công việc cho tôi một cách nhanh chóng thế.
Tổng biên tập nghĩ tôi mới về cơ quan nhận công tác, lại đeo quân hàm trung uý nên chắc chưa có nổi cái xe máy mà đi, nên mới đưa xe máy cho tôi mượn. Rất cảm động nhưng tôi xin thưa là tôi có xe máy rồi, để tôi sẽ đi xe của tôi ra ga mua vé tàu. Khi tôi mua vé xong, từ ga về đến cơ quan đã thấy Tổng biên tập đứng chờ, thấy tôi, ông chìa ra một cái giấy giới thiệu và một cái giấy công tác, bảo: “Này, chú ký giấy công tác rồi đây, gặp bảo mật đóng dấu nhé”. Nhận giấy tờ xong tôi vội vàng về phòng thu xếp quân tư trang. Sau đó tôi đi hỏi những người đã từng đi công tác Trường Sa xem cung đường của nó thế nào, thời tiết khí hậu ở đó ra sao, cần tích luỹ kinh nghiệm gì để đi biển cho tốt? Đến lúc ấy tôi mới ngã ngửa ra rằng từ Nha Trang xuống tới Cam Ranh đâu có ngắn ngủi gì, xa tới hơn năm chục cây số. Hơn nữa đến cổng Vùng 4 Hải quân rồi, từ cổng vào đến chiêu đãi sở cũng phải mất mười hai, mười ba cây số. Nếu tôi một thân một mình mò đến cổng Vùng 4 rồi thì lại phải cuốc bộ hơn chục cây số nữa mới vào đến chỗ người ta đón tiếp mình. Chà, chà, thế thì gay quá. Tôi vội xin số điện thoại liên hệ với Phòng Thông tấn quân sự. Họ báo cho tôi biết rằng chuyến đi này gồm có 18 đại diện các cơ quan báo chí, tất cả được hẹn có mặt tại sân bay Nha Trang vào 9 giờ sáng ngày ấy tháng ấy, sau đó Vùng 4 Hải quân sẽ cho xe lên đón về chiêu đãi sở rồi tiếp tục làm thủ tục xuống tàu.
Vậy là Tổng biên tập đã đơn giản cái chuyến đi công tác khá đặc biết này, còn tôi thì chưa một lần đi vào tới Nha Trang nên có phần lơ ngơ. Nhưng vé tàu đã mua rồi, sơm hai ngày so với giờ hẹn, đổi vé thì ngại, nếu đi trước thì không quen ai ở trong ấy cả. Cuối cùng mới chợt nhớ ra là Nhà Trang có nhà văn Nguyễn Minh Ngọc công tác ở Trường Sĩ quan không quân, một cộng tác viên thân thiết của tạp chí. Thế là tôi gọi điện vào cho anh Ngọc. Anh Ngọc rất vui vẻ bảo tôi cứ vào, anh sẽ đón và đưa về nhà anh chơi, đến giờ hẹn thì anh đưa ra sân bay.
Thế là yên tâm được một phần. Nhưng lúc bấy giờ tôi lại đang viết dở cuốn tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, nếu không viết cho xong thì không kịp hạn gửi dự thi bên Nhà xuất bản Công an nhân dân. Tôi liền ngồi lỳ trong phòng “cày” suốt ngày đêm chương cuối cùng. Kết thúc tôi hạ bút ghi dòng chữ “Viết xong trước ngày đi Trường Sa” rồi mang sang bên đó gửi bản thảo. Quay về đến cơ quan thì nhà văn Đỗ Bích Thuý đã đứng chờ để đưa tôi ra ga. Thời điểm ấy không khí tết đã tràn ngập phố phường Hà Nội. Không ít người trong cơ quan ái ngại cho tôi phải một thân một mình đi công tác xa trong cái thời khắc tất cả mọi người đều muốn hướng về quê nhà. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý dặn tôi mua dép rọ mà đi, khi ra đảo lội nước cho thuận lợi. Lại dặn mua mũ tai bèo mà đội, ngoài Trường Sa nắng cháy da sém tóc đấy. Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình bảo: “Khổ thân chú, lần đầu đi công tác lại đúng vào dịp năm hết tết đến, anh mà đi thay được cho chú thì anh sẽ đi”. Nhà văn Bùi Thanh Minh làm việc ở Phòng Văn hoá - Văn nghệ chạy sang dúi vào tay tôi địa chỉ của một người bạn công tác ở Vùng 4 Hải quân, dặn nhỏ: “Có gì cứ bảo anh ấy giúp đỡ…”
Lên tàu ngồi rồi tôi mới kiểm tra lại túi xách mang theo. Tôi bỗng sờ phải một bọc ni lông, bên trong có một vài loại thuốc như cảm, sốt, đi ngoài, dầu gió và một hộp salonpas. Thì ra nhà văn Đỗ Bích Thuý đã lặng lẽ nhét bọc thuốc này vào túi xách của tôi lúc nào không hay!
Tàu chạy hai ngày một đêm thì đến Nha Trang. Tôi chưa hề biết mặt nhà văn Nguyễn Minh Ngọc. Tôi dặn anh là tôi mặc quân phục, đeo quân hàm trung uý, xách túi đồ ở tay trái. Anh cười, bảo: “Anh thấy ảnh chú trên báo rồi, anh sẽ nhận ra, chú cứ yên tâm”. Đúng là anh Ngọc nhận ra tôi ngay. Anh đưa tôi về nhà anh ở hai ngày, đưa đi thăm thú một số nơi ở Nha Trang, đến giờ hẹn anh đưa tôi ra sân bay Nha Trang. Tại đây tôi “hội quân” cùng với người của Phòng Thông tấn quân sự và phóng viên các báo đài tiếp tục “hành quân” xuống vùng 4.
Chuyến ra đảo năm ấy đúng vào mùa biển động nên tất cả cán bộ chiến sĩ trên tàu cũng như cánh phóng viên chúng tôi rất vất vả. Toàn bộ chuyến đi đã được tôi kể lại trong một số bài viết sau này, không tiện nhắc lại ở đây. Chỉ biết rằng đó là chuyến công tác đầu tiên của tôi khi về nhận công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, đặt chân tới 15 điểm đảo, khi về tới đất liền thì đã cận ngày tết, không còn vé tàu ra Bắc, tất cả các chuyến xe đò cũng chật ních người. Với cấp bậc trung uý tôi không có tiêu chuẩn đi máy bay. Anh Nguyễn Minh Ngọc bảo: “Chú để anh liên hệ bên Trường Sĩ quan không quân xem thế nào. Họ vẫn có các chuyến bay quân sự ra ngoài Quân chủng ở Hà Nội, nếu được thì anh gửi ra ngoài đó”. Tôi điện ra thông báo tình hình với nhà văn Nguyễn Trí Huân. Tổng biên tập liền “quyết” cho tôi được đi máy bay dân sự. Thế là tôi kịp có mặt ở Hà Nội chỉ cách Tết có … 10 ngày!
Thấm thoát, đã 5 năm trôi qua. Bây giờ thì tôi đã quá quen với những chuyến đi công tác xa và dài ngày. Tôi cũng đã đặt chân tới hầu hết các quân binh chủng và không còn bỡ ngỡ với những chuyến “lên đường” nữa. Nhưng không hiểu sao chuyến công tác đầu tiên ấy vẫn khiến tôi nhớ như in, như thể nó mới xảy ra hôm qua, hôm kia vậy. Và tình cảm của những nhà văn, nhà thơ đồng nghiệp ở Nhà số 4 vẫn lung linh trong ký ức tôi, chẳng thể nào phai mờ. Riêng Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, công tác lâu với ông tôi mới hiểu không phải ông đơn giản hóa các chuyến công tác mà ông thường không thích nhờ vả người khác. Ông rất ngại phải làm phiền một cá nhân hay tổ chức nào đó vì công việc riêng của tạp chí. Chính vì thế ông đã “vẽ” cho tôi cách đến thẳng Vùng 4 Hải quân mà không biết rằng nếu không nhờ sự đưa đón của họ thì khó mà vào “vùng cấm” đó được.
NGUYỄN ĐÌNH TÚ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn