Cách đây gần ba chục năm nhân được ra Hà Nội ít ngày, tôi tranh thủ tìm đến tạp chí Văn nghệ quân đội. Một người mới cầm bút như tôi còn gì sung sướng hơn được tiếp xúc với các nhà văn nhà thơ đi trước? Vậy mà khi tới cổng tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi rụt rè, tôi e sợ và tôi luýnh quýnh như kẻ bị bắt mất hồn bởi lẽ so với các nhà văn nhà thơ ở đây, tôi chỉ là một cộng tác viên loại xoàng, có một đoạn văn ngắn, có đôi ba bài thơ mới được in. Để lấy lại bình tĩnh, tôi lượn đi lượn lại đôi ba vòng trước cổng và tôi có cảm giác như tất cả những người qua đường, cả ngôi nhà hàng cây, cột đèn đang giễu cợt mình. Tôi ngước nhìn tấm biển tạp chí Văn nghệ Quân đội bằng đồng lẩm bẩm đọc dòng chữ đầy trịnh trọng: Ai cần xin bấm chuông. Vẫn chưa hết hồi hộp, tôi kiễng chân, run run để ngón tay trỏ lên núm chuông... Phải tới hai ba lần tôi mới dám ấn mạnh.
Tiếng chuông reo vang. Và một lát sau, một người đàn ông cao lớn từ trong phòng khách đi ra mở cổng. Ông ta có khuôn mặt tinh anh, nói giọng Huế ấm áp, khúc triết (sau tôi mới rõ đấy là nhà thơ Thanh Tinhh). Biết tôi là cộng tác viên ở xa, nhà thơ Thanh Tịnh dẫn tôi đi gặp các anh Xuân Sách, Văn Thảo Nguyên, Nhị Ca. Được đằng chân lân đằng đầu, tôi đánh liều gõ cửa các anh Vũ Cao, Từ Bích Hoàng. Chao ơi, đã đọc tác phẩm của các anh nhiều, tên tuổi các anh tôi đã từng ngưỡng mộ mà đến bây giờ tôi mới được tiếp kiến, hóa ra các anh cũng cởi mở dễ gần chứ không cao vời xa lạ như tôi tưởng. Tôi nhớ tiếng cười sảng khoái và nét mặt độ lượng của anh Vũ Cao. Khi nghe tôi đọc thơ, anh bảo: “Ông cứ chép ra giấy cho tôi đọc bằng mắt, chứ nghe giọng ông tôi nhận xét luôn, khó lắm. Khó lắm...”. Tôi nhớ đến cái dáng ngồi từ tốn, khuôn mặt phúc hậu của anh Từ Bích Hoàng, anh rót nước mời tôi và ân cần hỏi tôi về đời riêng về nguyện vọng sáng tác... Buổi gặp gỡ với các anh trong tạp chí Văn nghệ quân đội tuy chốc lát ngắn ngủi nhưng đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc cho tới sau này.
Ai ngờ mấy năm sau, từ sư đoàn bộ binh tôi lại được chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội. Theo vòng quay khắc nghiệt của thời gian, những người lớp trước như Thanh Tịnh, Nhị Ca, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Doãn Trung, Xuân Miễn, Hà Mậu Nhai, Duy Khán đã vĩnh viễn ra đi, các anh Vũ Cao, Từ Bích Hoàng đã nghỉ hưu, Xuân Sách, Văn Thảo Nguyên, Thu Bồn thuyên chuyển tới vùng đất phía Nam. Cuộc đời mỗi người mỗi ngả, mấy ai thấu hết những vui buồn của nhau? Riêng ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế vẫn còn đó như một chứng nhân già ghi nhận bao lần chia ly, sum họp. Rất nhiều khi, tôi nhớ tới kỷ niệm về các anh trong buổi gặp gỡ ban đầu. Kỷ niệm ân tình đó rất có ích đối với riêng tôi, nó cao hơn mọi lời nhắc nhở, khích lệ...
Bài thơ Hà Nội, chiều nay... tôi viết từ năm 1984. Có thể coi đây là lời giãi bày tâm sự của mình với bạn bè đồng nghiệp và những người anh mà tôi kính yêu trân trọng.
Hà Nội, chiều nay...
Hà Nội chiều nay nắng vừa đủ nắng
Gió cũng vừa đủ gió để rung cây
Mặt hồi rộng thực hư làn khói mỏng
Rượu bạn mời tôi uống cũng vừa say
Uống vừa say để mà nhìn lại
Con đường quen, mái phố nhấp nhô trời
Ở Hà Nội hơn mười năm rồi đó
Xin một chiều thong thả của riêng tôi.
Như vệt chớp rạch vào nỗi nhớ
Những con đường mười năm tôi qua
Lớp tuổi tính làm văn, viết báo
Về phố phường thương lắm cánh rừng xa
Từ tro than thơ cháy lên ngọn lửa
Gương mặt bạn bè thấp thoáng một thời qua
Người ở Trường Sơn, nhớ người Hà Nội
Những câu thơ giăng kín dải Ngân Hà
Nơi tôi ở một số nhà quen thuộc
Tóc em dài buông xõa xuống mùa thu
Nhiều lúc khát khoảng trời xóm mạc
Chiếc lá vàng như máu xót của vần thơ
Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất
Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu
Cái hòm thư mới một lần sơn lại
Bác gác cổng già năm trước giờ đâu...??
Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Thi. Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong ba lô, những nhân vật câu thơ là mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng mặt trời. (Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ gối đầu rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc. Đường văn chương bạc tóc đêm dài. Cây bút và khẩu súng. Các anh quên mình đã có một thời trai).
Những trận sốt rừng, những viên đạn giặc, đã tràn vào trang viết dở dang. Nhà văn hy sinh, nhường khát vọng đời mình cho nhân vật. Máu thấm đất, máu chảy vào trang viết, máu thay cho đoạn kết không lời. Nhà thơ hy sinh như ngọn lửa cháy hết mình để tự hóa thân. Trên vuông đất bia khô cằn đá sỏi, những câu chữ như hạt cây sót lại, ngôn ngữ cỏ xanh tự chắp nên vần.
Cây đại già làm một chứng nhân, ngôi nhà các anh giờ chúng tôi đến ở. Căn phòng cũ mấy lần thay ổ khóa. Lớp nhà thơ mang áo lính nhiều thêm.
Trái tim các anh, khoảng đất nào xa lắc. Trái tim đập phập phồng trên trang sách chẳng bình yên.
Mười năm
Thời gian hóa sợi dây bền
Hoa nở tím, mảng tường rêu phủ mốc
Ở Hà Nội mười năm tôi có được
Những buồn vui dành dụm cho mình
Ơi con đường vừa xa, vừa gần
Bao nhiêu người đi xe, bao nhiêu người đi bộ
Một dãy phố lặng yên và ồn ã
Những ngôi nhà cao thấp liền nhau
Dải sông Hồng nước xanh, nước đỏ
Ngược cánh rừng, thơ tìm đến nguồn sông
Xuôi đồng bằng vòng tay ôm biển mặn
Cánh buồm tôi gió nắng căng phồng
Bao bè bạn, bao số nhà tôi nhớ
Công việc nhiều ít gặp, vẫn thương nhau
Thơ và cuộc đời mênh mang nhường ấy
Tôi đam mê như vẫn thuở ban đầu
Hà Nội chiều nay mùa xuân hay mùa hạ
Tôi bình tâm hay nôn nóng điều gì?
Nhịp thời gian vội vàng gõ cửa
Những chân trời mới lạ gọi tôi đi
Cốc rượu mười năm tôi chưa uống cạn
Men cất từ trời đất cứ đầy thêm
Hà Nội chiều nay, tôi và bạn
Một chút men say, bấy nỗi niềm.
1984
NGUYỄN ĐỨC MẬU
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn