VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhớ Nguyễn Minh Châu

Thứ Hai, 19/12/2011 09:43

Nguyễn Minh Châu, nhà văn với nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính như: Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh trăng cuối rừng đã đạt đến những chuẩn mực trong sáng tạo hình tượng người lính dưới nhiều góc độ. Ở các tác phẩm của ông, có thể là niềm kiêu hãnh về chiến thắng, có thể là sự thăng hoa lãng mạn vượt cả những biên độ bình thường, có khi là nỗi đau chiến tranh, nỗi đau nhân thế và cả những dự báo khắc nghiệt. Nhưng dù thế nào trong sáng tác văn xuôi của Nguyễn Minh Châu, tính nhân văn vẫn là một sợi chỉ xanh (nói theo cách của ông) xuyên suốt và lấp lánh.

Bình minh nơi cửa sông làng Thơi - Quỳnh Lưu - Nghệ An cuối đông mặt nước thẫm bạc. Nơi đây gần tám mươi năm về trước một người con nhỏ bé của làng Thơi chào đời. Lớn lên, cầm súng và cầm bút, dấu chân người con của làng Thơi đã in nhiều nơi lắm. Người con ấy là nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Những nhà văn mặc áo lính ở bức ảnh đen trắng lớn trong phòng khách tạp chí Văn nghệ quân đội nhiều người đã không còn nữa, trong đó có Nguyễn Minh Châu, một nhà văn tài năng. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như một ngôi đền thiêng của những người cầm bút. Ở đó có Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi... Ở đó có Nguyễn Minh Châu, những cá tính, những tài năng văn chương từng góp phần tạo nên diện mạo một nền văn học cách mạng.

Căn phòng ông từng ở mọi thứ như còn nguyên vẹn. Này là lò sưởi, điện thoại. Này bộ ấm chén ông dùng. Và khung cửa sổ có tán cây xanh, nơi ông thường nhìn xuống, nhìn rất lâu, rất lâu như chờ đợi một cái gì xảy đến. Bây giờ tất cả vẫn còn nguyên.

Bạn văn của ông vẫn còn, thế hệ sau tiếp vào thế hệ trước. Văn chương và cuộc đời Nguyễn Minh Châu có một sức hút kỳ lạ. Nó thầm thì, lặng lẽ, ngấm sâu vào bè bạn, vào cuộc đời.

Nguyễn Minh Châu có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Sách của ông giản dị, trần trụi, mộc mạc đến đôi lúc xuề xòa. Có loại văn chương hào nhoáng từ bề ngoài, bắng hoắng lấp liếm người đọc. Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu khác, nó khiêm nhường nhưng dẫn dụ, mê hoặc người đọc các thế hệ nhờ một tấm lòng trắc ẩn kiêu hãnh của nhà văn, một nhà văn trung thực.

Chiến trường là nơi vẫy gọi ngòi bút và trái tim của các nhà văn mặc áo lính. Nguyễn Minh Châu học khóa 6 Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ông từng là cán bộ tham mưu cấp tiểu đoàn của đại đoàn 320. Dấu chân chiến sĩ đại đoàn 320 những năm năm mươi ngược xuôi mấy tỉnh đồng bằng, lên chiến khu, tham gia các chiến dịch lớn nhỏ trong kháng chiến chín năm biết bao gian khổ có dấu chân của người con làng Thơi, con của chợ Ngò, chợ Giát in trong đội hình điệp trùng ấy. Thời gian đó đã góp phần làm nên một Dấu chân người lính đặc sắc. Khi về tạp chí Văn nghệ quân đội, dấu chân ông tiếp tục bôn ba chiến dịch, các nẻo đường đông tây mấy ngả Trường Sơn để có một Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Cỏ lau dữ dội hay một Mảnh trăng cuối rừng lung linh, huyền ảo như một bài thơ.

Không ồn ã như các nhà văn cùng thời, lặng lẽ có phần khiêm cung, người con của làng Thơi, của những chợ Ngò, chợ Giát hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Thậm chí chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Lứa tuổi học trò nhiều thế hệ, các sinh viên hôm nay và mai sau hẳn trong tâm hồn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại trong tâm hồn mình. Cái cách đi thực tế, cái cách đến với bộ đội Trường Sơn của Nguyễn Minh Châu cũng rất lạ lùng. Và cuối cùng là tác phẩm, cái căn cốt làm nên một nhà văn ở Nguyễn Minh Châu cũng không giống bất cứ ai. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Những cánh rừng đầy giấy bay đã ăn sâu bám rễ đối với mỗi cán bộ chiến sĩ và nhân dân khi nhắc về kháng chiến chống Mỹ.

Chỉ có Nguyễn Minh Châu mới có những ứng xử vẻ ngoài lặng lẽ đến ngu ngơ nhưng vô cùng sắc sảo trong văn chương và cũng ông, với mẫn cảm nghề nghiệp đặc biệt của mình, đã có những dòng viết đầy tâm trạng về những người lính, trong đó có những người lính Trường Sơn:

...Những người đồng đội từ trong các cánh rừng chiến tranh gần trong gang tấc bước ra và đến ngồi bên tôi kia bao giờ cũng mang một dáng vẻ vừa hư vừa thực. Họ đứng một chân ngoài cuộc đời và một chân đứng trên trang giấy. Các đồng chí có biết cái ngỡ ngàng này mà bất cứ một nhà văn nào đã từng nhiều lần cảm thấy khi đọc một bài phê bình nhận xét nhân vật của mình: Anh sực nhớ ra những ai ngoài đời, những ai bằng xương bằng thịt đã làm nên cái cốt lõi, cái bắt đầu cho trí tưởng tượng và sự phóng đại.

Nhưng đời sống trong những khu rừng mà cả nhân dân ta đến làm tổ, từ đó trong hàng chục năm làm chỗ đi và về cho việc đánh giặc, lại có những người lính chỉ biết im lặng, cứ lùi lụi phát rẫy, đào hầm làm lán và đánh giặc, không hay nói, không thạo nói, chỉ biết đỏ mặt và ngượng, họ quen im lặng như đất cát, họ là số đông các anh em bộ đội mình ra đi từ các làng quê bình dị và khiêm tốn. Họ từ đồng ruộng quê hương đến với rừng như một kẻ xa lạ và ra đi như một người thân thuộc, sau khi để lại cả một thời trai trẻ.

Địa dư nước ta hình thành nên một hình thể như thế nào đó, mà mỗi lúc Tổ quốc đứng trước nạn ngoại xâm là nhân dân ta nghĩ ngay đến con cái đang lặn lội trên rừng.

Vạt áo nhà văn làm sao đựng hết chữ nghĩa trong cái lẽ sống quên mình mà bộ đội ta đã viết nên trong các cánh rừng Trường Sơn trước đây và cả các miền rừng Tây Nam và biên giới phía bắc bây giờ?

Mỗi lúc nhớ đến đời sống của bộ đội ta, trong những năm chiến tranh, tôi lại suy nghĩ đến ở đâu đó trên một chặng đường miền tây Trường Sơn. Sau một trận bom, chúng tôi đi qua một cánh rừng toàn cây cà boong, một loại cây có dầu, đang cháy rừng rực giữa trưa nắng và trong nắng, lửa và khói cứ bay cuộn lên những tờ giấy trắng. Hình như bom địch vừa đánh trúng một kho giấy giữa rừng. Cứ đi qua khu rừng cháy, mãi đến sẩm chiều ngày hôm sau, vẫn thấy những tờ giấy như đang bay đuổi theo, có những tờ đã cháy mất nửa. Những tờ giấy phơi cái mặt trắng giữa trời xanh hoặc đang nằm lẫn trong cỏ, trên nền rừng. Tất cả các tờ giấy ấy chỉ nằm chờ chúng tôi, những nhà văn viết về chiến tranh, đến nhặt lấy.

Ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Ông chưa bao giờ khoan nhượng trước cái xấu, cái ác và ngòi bút ông, ở một phía nào đó đã tuyên chiến, xung phong đương đầu trực diện với nó, phơi nó ra một cách đầy ý thức. Ông bảo vệ cái thiện vốn đôi khi ngu ngơ, yếu ớt và đầy sơ hở trước cái ác, cái xấu mưu mô quỷ quyệt quá chừng. Những sáng tác đặc sắc của ông phải là ở thời kỳ những năm tám mươi với Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành mới biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương ông. Phiên chợ Giát hôm nay đâu đó vẫn còn lão Khúng, vẫn những ông bà nông dân khu IV với bản tính lương thiện của mình, họ bè bạn với con trâu, con bò, bè bạn với cái cầy, lưỡi cuốc trên đồng đất của mình, vật lộn, mưu sinh với đói nghèo truyền kiếp và lương thiện. Chao ôi, nhân vật của Nguyễn Minh Châu lương thiện lắm, sự lương thiện nguyên sinh không bao giờ cái xấu, các ác vùi dập được. Các nhân vật nông dân của nhà văn đã chứng minh như thế. Chợ Giát hôm nay vẫn họp phiên, vẫn vá víu những rách lành, vẫn lam lũ những trâu bò, những thân phận mà ông đã nhìn thấy từ trước đó, chỉ ông là đã đi xa.

Cái đặc sắc của Nguyễn Minh Châu là khả năng đọc đời sống đến tận tầng bản chất cuối cùng. Cửa sông, một cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Nguyễn Minh Châu mà không khí của nó là không khí của biển. Cửa sông làng Thơi quê ông là cửa biển thật. Những con thuyền ra với biển khơi đọ cùng bão tố. Len lỏi ở đó là những chiếc thuyền thúng với vài đứa trẻ bập bềnh. Bao nhiêu năm vẫn y nguyên như thế. Ở đâu cũng bắt gặp những người lính trở về làng từ chiến tranh, họ lại đói nghèo, lam lũ, làng Thơi cũng thế. Họ lại ra với biển, và kỳ lạ, họ nhớ đến ông.

Con người thật nhỏ bé trước thiên thiên và một đời người so với toàn bộ thời gian thật vô cùng ngắn ngủi. Ngôi nhà nơi xóm nhỏ làng Thơi lưu giữ tuổi thơ im lặng của cậu bé Nguyễn Minh Châu đã hơn hai trăm năm tuổi. Ngôi nhà cao tuổi trầm mặc nhớ cậu bé Châu nghịch ngợm thuở nào. Ông đã ra đi. Ngôi nhà vẫn còn đó như một đợi chờ, một chứng minh về tổ tiên ông, về ông và các thế hệ con cháu. Ngôi nhà của ông sao quá giống một ngôi chùa. Lại khi về Nhà số 4 tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn hơi hướng của đình chùa. Dạo đã lâm vào trọng bệnh, Nguyễn Minh Châu từng ở chùa mấy năm để chữa cũng là một sự kỳ lạ.

Là người có nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy ở nhà trường như Mảnh trăng cuối rừng, Bức tranh, Cỏ lau... Văn chương Nguyễn Minh Châu sau độ lùi thời gian đã chứng tỏ sức sống độc lập và kiêu hãnh của tác phẩm. Bây giờ, vẫn còn rất nhiều, rất nhiều cô cậu sinh viên mê văn chương Nguyễn Minh Châu. Trong số những gương mặt trẻ trung trên giảng đường đại học hôm nay, ai là Nguyệt, là Lãm, là Hằng của hôm qua? Ánh trăng xanh của ông đã rọi xuống bao nhiêu năm và sẽ tỏa sáng bao nhiêu năm nữa trên các trang sách trong những mái đầu xanh mát. Nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Minh Châu là thứ nghệ thuật cần thiết của đời sống. Đã có những sinh viên khóc thầm khi đọc các tác phẩm của ông. Giữa ông và họ như là có một sợi chỉ xanh xuyên suốt và lấp lánh.

Hiếm có nhà văn nào được sinh viên lựa chọn làm luận văn nhiều như Nguyễn Minh Châu. Ở khoa văn các trường Đại học, hàng năm có hàng trăm luận văn về tác phẩm của ông. Họ tìm thấy ở đó sự đồng điệu, cảm thông, chia sẻ, cả những thăng hoa và bao dung trong văn chương của ông. Và cách hành văn. Và cái cách Nguyễn Minh Châu dựng nhân vật, dựng tuyến truyện cũng là những khám phá thích thú khiến sinh viên thế hệ sau ông mê đắm.

Gần ba mươi năm công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, Nguyễn Minh Châu cùng với các bậc đàn anh Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi... luôn là tấm gương trong sáng tác và công tác. Những chồng bản thảo ố vàng nước thời gian minh chứng những nhọc nhằn, ghềnh thác của nghề viết. Viết với Nguyễn Minh Châu là tối cần thiết, tối quan trọng, là thể hiện quan điểm sống, nhân cách sống của nhà văn. Viết là nhu cầu tự thân sâu thẳm và mãnh liệt của trái tim ông, dù là một câu, một chữ. Ông rất cẩn trọng với nghề và luôn luôn tự răn mình: “Viết ngắn! Nhưng cuộc sống phải dài”. Đó là phương châm sáng tác của Nguyễn Minh Châu.

Những trang sách mở ra những trang đời, mở ra những chân trời mới. Từng ao ước người lính phải có kiến thức, có văn hóa để biết yêu thương và căm giận, những trang sách của ông, của các nhà văn, các tác giả Đông Tây kim cổ đã và đang bồi dưỡng tâm hồn các thế hệ người đọc trong đó có người chiến sĩ. Họ tìm thấy ở đấy lòng cao thượng và đức hy sinh, sự trung thực và những khát vọng của các thế hệ cha anh và của chính họ đang lấp lánh tươi xanh từ những trang sách nhỏ. Để từ đấy cùng nhau vươn tới cái chân - thiện - mỹ, góp phần tô thắm cho đời.

Là người luôn đau đớn trước việc phải đổi mới mạnh mẽ trong sáng tác, Nguyễn Minh Châu đã ý thức sớm về điều này không những bằng chính những sáng tác của ông mà còn là những suy nghĩ, tổng kết, tìm tòi và khẳng định việc sống còn của đổi mới trong văn học.

Khi Đảng chuẩn bị Đại hội VI với việc phát động "đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật", hầu hết văn nghệ sĩ đã hưởng ứng tích cực và đồng thời tìm thấy ở đấy con đường đưa sáng tác văn nghệ thoát khỏi tình trạng trì trệ và công thức, giáo điều, trong đó có Nguyễn Minh Châu với bài tham luận nổi tiếng: Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa gây chấn động một thời. Bản tham luận được ông hoàn thành vào cuối năm 1987 đã cho thấy dũng khí dám nói thẳng nói thật của Nguyễn Minh Châu.

...
Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: Một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này - buồn thay - các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!

Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.
...
Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.
...
Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tị với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.
...
Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhảy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.


Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất cho những sáng tác văn học nghệ thuật. Người con làng Thơi đã đi trọn con đường đời của mình với những ngẫm ngợi riêng, đóng góp riêng vào ngôi đền văn học. Cuộc đời cầm súng, cầm bút của ông, của thế hệ ông là một cuộc đời thật nhiều gian nan, thử thách. Máu và mồ hôi thế hệ ấy đã đổ xuống cho tươi xanh hôm nay, cho nụ và hoa, và trái ngọt của buổi bình minh mới.

PHÙNG VĂN KHAI

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)