Sau này, khi đã trở thành người của Văn nghệ quân đội, một trong những điều thú vị nhất mà tôi nhận ra là: Có quá nhiều người đã từng gặp phải những cảm giác giống tôi khi nghĩ về tòa soạn này, trước khi trở thành thành viên của nó. Cảm giác ấy là vừa e sợ, lại vừa thèm khát, ngưỡng mộ. Và mọi người đều không thể không thú nhận về điều đó.
Để đến được nhà số 4, tôi luôn nhớ công đầu thuộc về nhà văn cùng lứa Nguyễn Đình Tú. Khi tôi đang còn là sinh viên Đại học báo chí thì Đình Tú đã là một anh sĩ quan trẻ, công tác tại Viện kiểm sát quân sự Quân khu 3. Oách lắm. Một đôi lần có dịp gặp nhau, Tú lại ra sức khích bác tôi, nào là bạn bè cùng lứa tác phẩm tuổi xanh với hoa học trò đã vào cuộc (là cuộc thi truyện ngắn và thơ của Văn nghệ quân đội 1998-1999) cả rồi mà Đỗ Bích Thúy cứ đứng ngoài mà thèm nhỏ rãi thế à? Nào là cứ viết cho Hoa học trò mãi thì “lớn” thế nào được. Rồi Tú dặn kĩ, nếu gửi thơ dự thi thì gửi đích danh chú nào, bác nào, gửi văn dự thi thì gửi bác nào, chú nào. Hóa ra đây là một “bí kíp” mà sau này tôi cũng có dịp truyền lại cho nhiều cộng tác viên. Ấy là cứ phải túm lấy một chú, một bác, một anh, chị nào đó, giữ chuyên mục, chuyên trang mà mình định gửi bài cộng tác, gửi đích danh, có thế thì bài vở mới nhanh được hồi âm. Mà nếu chờ lâu quá không có hồi âm thì cũng biết tìm đến đúng cái người ấy mà hỏi.
Chép đi chép lại đến không còn một lỗi gạch xóa cái bản thảo truyện ngắn, tôi quyết tâm liều mình một phen. Chiều hôm ấy, tôi đạp xe đi đi lại lại qua cổng số 4 đến dăm bảy lần rồi mới dám dừng lại, dắt vào. May, cơ quan quân đội nhưng lại không bị ai chặn hỏi giấy tờ. Tôi dựng xe đạp ở gốc cây đại, khóa cẩn thận rồi mang cái phong bì đựng cái truyện ngắn vào phòng thường trực. Một ông râu ria, tóc tai rậm rì rất dữ dằn, mặc quần đen áo đen như điệp viên 007 từ trong đi ra. Người thì nhỏ nhưng tiếng thì rất to:
- Hỏi ai thế cô bé?
- Dạ, cháu... cháu tìm chú Trung Trung Đỉnh ạ (Lúc bấy giờ nhà văn Trung Trung Đỉnh đang là trưởng ban Văn xuôi).
- Hừm, Trung Trung Đỉnh là thằng quái nào mà phải tìm. Thế có việc gì?
- Dạ, cháu có cái truyện ngắn...
- À, truyện ngắn. Tốt. Đưa đây chú xem.
Tôi hơi ngần ngừ:
- Chú... thế chú là ai ạ?
- Chú hả? Chú là bảo vệ ở đây.
- Bảo vệ ấy ạ?
- Sao? Không tin à? À, nó chê bảo vệ của tạp chí Văn nghệ quân đội không biết gì về văn chương của nó đây. Chú nói cho mà biết nhé, ở cái tạp chí này ấy, bất kể ai cháu cũng có thể gửi truyện được hết, từ ông lái xe, bà tạp vụ, chị trông thư viện, chị thủ quỹ, vân vân, ai cũng đọc được, biên tập được hết.
- Thật thế ạ?
Không thèm trả lời, cái ông quần áo đen sì, tóc tai bù xù ấy bắt đầu ngồi rất đàng hoàng trên ghế trong phòng khách, vắt chân chữ ngũ, đọc một mạch cái truyện của tôi. Tôi thì ngồi rúm ró bên cạnh, nín thở, chờ. Đọc xong, ông ấy viết mấy chữ lên cái phong bì đựng bản thảo: “Gửi Trung Trung Đỉnh, tôi đã đọc truyện của cô sơn nữ này, truyện đọc được, in được”. Kí tên: C.L.
- Thế là chú hoàn thành nhiệm vụ rồi nhé. Cháu có thể yên tâm về được.
Tôi ra về trong một tâm trạng đầy hoài nghi. Tại sao một ông bảo vệ lại có thể tự ý đọc bài của cộng tác viên, lại còn dám viết cả nhận xét, nhắn gửi cho một nhà văn to đùng như ông Trung Trung Đỉnh?
Khoảng một tháng sau thì cái truyện ấy của tôi được in trên Phụ san Văn nghệ quân đội. Lúc biên tập viên gọi điện đến số điện thoại của kí túc xá, thông báo tôi đến mà lấy nhuận bút, tôi đần cả người, quên cả trả tiền nghe điện thoại.
Sau khi cái truyện ấy được in, tôi viết như điên cuồng. Và lần nào đến tòa soạn tôi cũng mong mỏi được gặp lại cái ông bảo vệ giống điệp viên 007, bụng bảo dạ, ông ấy đúng là thần may mắn của mình. Nhưng không lần nào gặp lại nữa. Lại nghĩ, hay ông ấy cứ hay nhận xét bừa bãi, tùy tiện, chẳng đúng chức năng nhiệm vụ nên bị đuổi việc rồi?
Phải rất lâu sau này, khi cô Lâm trả nhuận bút đã nhớ nổi tên tôi, thì tôi mới đủ can đảm để hỏi cô ấy rằng cái ông bảo vệ râu ria dữ tợn kia đâu mất rồi. Cô Lâm bèn cười phá lên và nói rằng: Mày không xem ti vi bao giờ à cháu, chính là ông Chu Lai đấy chứ bảo vệ nào.
Giời ạ, đúng là tôi ít được xem ti vi. Trong kí túc xá làm gì có ti vi mà xem, nên tôi không nhận ra ông bảo vệ ấy chính là nhà văn Chu Lai mà nhắc đến tên thì ai cũng biết. Cũng đến bấy giờ tôi mới nhớ ra hai chữ cái viết tắt C.L ở cuối dòng chữ nhắn gửi nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Ấy thế mà cũng đến lúc tôi được về nhà số 4, ngồi nép trong cái ghế ọp ẹp trên phòng giao ban, chứng kiến nhà văn Chu Lai cùng với hàng loạt các tác giả tên tuổi lẫy lừng khác, nghiêm chỉnh lắng nghe tổng biên tập Nguyễn Trí Huân chủ trì các buổi giao ban. Nghiêm chỉnh một cách khó hình dung. Trong đó, nhà văn Lê Lựu mười lần như một, luôn uống một vốc thuốc rất to khi vừa ngồi xuống ghế, nhà thơ Anh Ngọc trầm tư, nhỏ nhẹ như một nhà quý tộc châu Âu, ông đồ nghệ Vương Trọng vừa nghiêm khắc vừa hóm hỉnh, thần đồng Trần Đăng Khoa lúc nào cũng tất bật, xoải bước trên đôi chân không lấy gì làm dài cho lắm, nhà văn Khuất Quang Thụy thì luôn hút thuốc và phả khói ra như một cái lò gạch...
Nhiều lần tôi ngồi đó, lọt thỏm giữa các cây đa cây đề, ngắm họ giản dị và chân thành giữa đời thường và tự hỏi, vì sao mình lại được ngồi ở đây?
Hồi đó ban sáng tác của tạp chí rất mạnh vì toàn là các nhà văn, nhà thơ “oách” nhất của tạp chí. Anh em trẻ chúng tôi hay nói đùa với nhau, đấy là “mâm trên”, dành cho các “cụ” đã có nhiều công lao đóng góp, anh em mình đừng có mon men. Nhưng cũng có một điều lạ là, mặc dù “oách” thật, “mâm trên” thật, nhưng các bác chẳng nề hà việc gì. Đến như nhà văn Chu Lai, mặc dù đang dở dang vừa tiểu thuyết vừa kịch bản phim, kịch bản sân khấu mà còn sẵn sàng bỏ thời gian công sức như một nhà báo trẻ, đi viết chân dung về cái cô Thúy Hiền wushu. Sau này, tôi đem cái sự ngạc nhiên đó nói với một vài người thì được giải thích là, mà tôi cũng hiểu là, mỗi người đều đặt tập thể, đặt tờ tạp chí lên cái cá nhân của mình. Vì tạp chí đã gắn bó với họ gần như cả cuộc đời, đặc biệt là những năm tháng tuổi trẻ vô cùng gian khổ, ác liệt vì chiến tranh. Đã đi qua chiến tranh, đã vượt qua mất mát, mọi người đều vô cùng quý trọng những ngày tháng thanh bình, được sống bên nhau, vì nhau. Điều này, lớp trẻ khó có thể cảm nhận được.
Nhưng cũng chỉ được ở bên họ vài năm rồi lần lượt tôi phải chia tay họ, đều là những người mà mình rất quý mến và ngưỡng mộ. Anh Trần Đăng Khoa sang Đài tiếng nói VN, “bố” Trung Trung Đỉnh sang Nhà xuất bản Hội nhà văn, chú Nguyễn Trí Huân sang báo Văn nghệ, anh Nguyễn Hòa sang báo Nhân dân. Buồn hơn nữa là hàng loạt các “ngôi sao” nghỉ hưu: Các nhà văn Nam Hà, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang; các nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, các nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, sau này nữa là nhà văn Nguyễn Bảo...
Các “ngôi sao” đã hoàn thành sứ mệnh, bầu trời nhà số 4 còn toàn hoa đại, để lại cho lớp trẻ một khoảng trống rất lớn không biết bao giờ mới bù đắp lại được.
ĐỖ BÍCH THÚY
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn