VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Hai lần xa và gần (THÁI NAM ANH)

Thứ Hai, 06/02/2012 01:00
Mọi câu chuyện dù lớn dù nhỏ đều có một điểm đầu để xuất phát, riêng với tôi duyên may đến với nhà số bốn lại có đến những hai điểm đầu và toàn là “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa” về khoảng cách địa lý và luôn gắn với câu “Cố lên mình ạ”.

Lần đầu tôi ở xa được về gần. Đó là vào một ngày đẹp trời tháng 7 năm 1998 phó trung đoàn trưởng về chính trị trung đoàn thông tin 23 Quân khu 7 Nguyễn Trọng Nghĩa gặp tôi hỏi: “Quân khu vừa thông báo, tạp chí Văn nghệ quân đội mở lớp học viết văn. Anh có đi không?”. Trời ơi! Quá đã. Tôi đồng ý cấp kỳ khỏi suy nghĩ lôi thôi gì hết. Số là trước đó tôi cũng đã có thơ, bài đăng ở báo Quân khu và một vài báo khác, nhưng về đến được Văn nghệ Quân đội là mơ ước ở trên mơ ước. Cũng đã có lần định liều gửi bài nhưng khi cầm bút viết phong bì nơi nhận, địa chỉ nhận thì lại rụt về, e ngại. Cái e ngại ấy còn lớn thêm khi mà ra tới nơi gặp bạn cùng lớp cũng toàn là “cỡ bự”. Cả lớp hơn ba chục thì đã có hơn một chục người đã có sách, đã có giải có truyện ngắn, thơ ở các cuộc thi, người đã được đăng trên tạp chí. Toàn là những tên tuổi mình đã biết. Đó là các anh, các bạn Nguyễn Tiến Hải, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Đình Tú, Quỳnh Vân, Phùng Văn Khai, Phùng Kim Trọng, Thôn Trung Phương, Nguyễn Anh Nông… trẻ như Hồ Kiên Giang cũng được anh Nguyễn Hòa phát hiện từ cuộc thi ký của đồng bằng sông Cửu Long, thế rồi còn các anh Quang Trường, Chí Khanh, Hoài Nam đều là những cây bút có tên tuổi ở các địa phương. Ngẫm lại mình vốn liếng là một tập thơ in chung với các anh ở Quân khu thì coi như chưa có gì để nói. Đành tự hứa với mình phải cố gắng. Hóa ra nỗi niềm không chỉ riêng mình. Khi được chia về ở cùng phòng với anh Hoài Nam ở Quân khu 2, Lê Phi Hùng ở Phòng không- Không quân, Lý Hùng Dũng ở Quân khu 1 và Trần Việt Thương ở binh chủng Thông tin, anh em “đóng cửa bảo nhau” phải cố gắng để trả nghĩa với nhà số bốn. Thôi rồi, từ đấy ăm ắp đầy kỷ niệm với các thầy, các anh, các bạn. Anh em cứ chan hòa với nhau, khái niệm thầy hay anh hình như trộn chung là một. Lúc lên lớp học lý luận hay truyền đạt kinh nghiệm sáng tác là thầy, lúc đọc và hướng dẫn bản thảo là anh lớn. Các anh, chị đều đã là thầy, là anh lớn của chúng tôi. Tôi nhớ mãi câu nói rất hóm: “Cố lên mình ạ” của nhà văn Lê Lựu khi ông nghe đọc bản thảo những truyện ngắn ở cuối lớp học của chúng tôi. Chẳng biết là tại mình cố gắng hay tại “dưới trướng tướng giỏi không có quân hèn” mà kết quả là có đến quá nửa lớp chúng tôi lần lượt được góp mặt trên tạp chí. Chỉ riêng ở phòng tôi, Lý Hùng Dũng có truyện ngắn “ Đêm ba canh”, Lê Phi Hùng có truyện ngắn “Đám mây bay ngang bầu trời”, Trần Việt Thương có bài thơ “Con còng gió” và một chuyện tình dưới đáy ba lô. Riêng tôi cố gắng lắm cũng có được một truyện ngắn và hai bài thơ được đăng. Tôi đã tự hào hết sức khi cầm tấm bằng “tốt nghiệp lớp viết văn quân đội” loại khá do tổng biên tập Nguyễn Trí Huân ký để báo cáo với Quân khu, với đơn vị. Giờ này theo tôi biết lớp chúng tôi ngày ấy có chừng hai mươi người đang theo nghiệp viết. Và rồi dù có ở xa thì ai trong chúng tôi cũng đã neo lại một trang thật đẹp trong tâm hồn cho mình. Riêng tôi đã từ xa về gần nhà số bốn như thế đó.
Lần thứ hai tôi đã được về gần nhưng lại ở xa. Cũng vẫn là một ngày đẹp trời vào tháng 5 năm 2007, lúc này tôi đang công tác trong nhà máy in Quân đội 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Đỗ Viết Nghiệm gặp tôi ở nhà máy, anh gọi tôi lại nói nhỏ: “Chú về Văn nghệ quân đội thay anh đi”. (Trời đất! Anh giỡn nhột điệu này thằng em dễ đứng tim bất tử quá). Tôi vừa kịp nhướn mắt lên định hỏi lại thì anh Nghiệm giải thích ngay: “Cuối năm nay anh nhận quyết định nghỉ chờ hưu rồi”. Tin này mới thật là tin, giữa chỗ đông người không thể la lớn cho thỏa nhưng lòng cứ sướng âm âm còn khuôn mặt không soi gương cũng biết là “sáng ngời đôi mắt chuột”. Vui là vì có cơ hội được về là người của nhà số bốn thật rồi. Vui nữa còn là vì mình có gì đâu mà vẫn được các anh nhớ tới. Song còn mình thì. . . . Ngay lập tức lúc ấy sợi dây liên tưởng của tôi bật lên lời tâm sự của bạn văn Phùng Văn Khai: “Ở Văn nghệ Quân đội áp lực viết lớn lắm, không nhếnh nháng được”. Thú thật là mặc dù đã quen biết anh Đỗ Viết Nghiệm đã lâu, tháng nào cũng gặp nhau nhưng công việc cụ thể của anh như thế nào thì cũng chỉ biết chung chung rằng anh là một nhà văn của Văn nghệ quân đội, nay tôi về thay vị trí của một đàn anh dầy dạn kinh nghiệm thì thật là “Duyên nghiệp nặng mang. Khó chồng thêm khó”. Ngẫm lại lúc ấy hành trang văn học của tôi có thể coi như con số không trong khi ở nhà số bốn toàn là những tên tuổi đã thành danh trong làng văn, hơn nữa từ một người viết không chuyên nay chuyển sang môi trường chuyên nghiệp biết có làm đựơc không hay lại làm phụ lòng của các anh?. Cái mặc cảm tự ty ấy trong tôi được đả thông bằng câu nói của “Thầy” Lê Lựu: “Cố lên mình ạ” như một cứu cánh trừu mến. Tuy vậy nhưng tất cả các tâm sự ngổn ngang ấy vẫn đeo theo tôi cả khi đã cầm tờ quyết định của thủ trưởng Tổng cục Chính trị điều động về nhận chức vụ phóng viên và đại diện thường trú phía Nam của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Công việc mới, trách nhiệm mới ban đầu thật không ít những bỡ ngỡ lúng túng. Chỉ nội một việc lo lấy số lượng đặt in, phát hành từng số rồi thu tiền bán lẻ hàng số, bán chẵn hàng quý và thống kê thanh toán, cân đối thu chi với một người chưa bao giờ biết làm kế toán như tôi cũng đã mất nhiều thời gian làm quen. Ừ thì lỡ thiếu, mất thì đền, bù nhưng vẫn còn e nhỡ sai sót để mang tiếng thì chỉ có nước “đào lỗ” mà chui. Đấy chỉ mới là một phần việc trong các việc của trị sự chưa kể đến những việc thuộc về làm báo, đối ngoại khác. Song tôi là “tướng biên ải” như các nhà văn Nguyễn Thế Hùng và Đỗ Tiến Thụy hay gọi vui lại có cái được rất lớn. Cũng như trong nhà người ở xa hay được quan tâm, chăm sóc. Từ việc lớn như đề bạt quân hàm đến khen thưởng thi đua hàng năm đến các chuyện gia đình đều có được sự quan tâm,thăm hỏi động viên. Hôm tôi cùng với các anh đi công tác ở Côn Đảo, lúc đến viếng nghĩa trang Hàng Dương thì trời đổ mưa to. Khi ấy tôi định đưa các anh ra xe rồi một mình quay lại thắp nhang ở mộ của ông ngọai. Tôi vừa quay qua hỏi anh quản trang thì anh Ngô Vĩnh Bình nghe thấy. Anh nói như gắt: “Chú buồn cười nhỉ, mưa thì chú với anh cũng phải quay lại, cứ để các anh ấy chờ ở ngoài xe” và thế là hai anh em chịu mưa quay lại thắp nhang ở phần mộ của ông ngoại tôi. Trở ra xe tôi còn bị các anh nói cho một hồi vì không chịu cho các anh hay. Sự quan tâm của tập thể đối với tôi còn là sự quan tâm trong nghề nghiệp. Là một người tài năng không có gì nổi trội lại đến với văn học muộn, nhà số bốn đã là nơi đào tạo và nay tiếp tục rèn giũa, giúp đỡ tôi trên con đường viết văn, làm báo của mình. Các anh, các bạn đều rất tình cảm mà sự biểu hiện là khen chê thật đúng, không nương nhe, xuê xoa đại khái. Hồi mới về nhận nhiệm vụ ở tạp chí tôi định ra mắt bằng một truyện ngắn nhưng khi gửi ra ban văn thì nhà văn Nguyễn Đình Tú chê “Truyện này được về đề tài nhưng yếu quá, anh viết không bằng hồi học ở lớp viết văn”. Đọc lại mình mới nhận ra quả là đúng thế thật. Lại nữa, khi in tập thơ đầu tay của mình, tôi ở trong tâm thế hết sức lưỡng lự vì chưa nhờ được ai thẩm định. Thời may lúc đó nhà văn Nguyễn Bình Phương vào công tác, tôi đưa tập bản thảo nhờ anh đọc hộ. Thế là chỉ sau đó một tuần tôi nhận được bài viết của anh nhận xét thật thấu tình đạt lý làm lời giới thiệu cho tập thơ, giúp tôi tự tin hơn rất nhiều và có thêm một bài học thiết thực trong cách tư duy, cách viết. Tất cả những tình tiết trên chỉ là một số rất ít trong sự quan tâm động viên không thể kể hết cả về vật chất lẫn tinh thần của cả cơ quan dành cho người ở xa.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đấy mà tôi về với nhà số bốn cũng đã tròn bốn năm rồi. Bốn năm trong đường đời của một người chưa phải là dài song có thể nói đó là quãng thời gian tôi có được môi trường làm việc tốt nhất trong sự đùm bọc của tập thể. Tôi đã có được hai đầu sách, được thăng quân hàm, được nhiều bài học cụ thể trong viết văn, làm báo, được đi nhiều nơi, được quen biết nhiều nhà văn nhà thơ …. tóm lại là tôi đã nhận được rất nhiều và cũng “lớn lên” hơn. Tự nhìn lại mình bốn năm qua dù rằng bước đầu tạm gọi là đạt yêu cầu nhiệm vụ song vẫn chưa thể an tâm khi so với niềm tự hào là người của nhà số bốn và sự quan tâm của tập thể cơ quan đã dành cho mình. Thế là một lần nữa câu nói của nhà văn Lê Lựu: “Cố lên mình ạ” lại bật lên như một châm ngôn của riêng tôi.

THÁI NAM ANH

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)