VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nửa phút với nhà văn Thanh Tịnh (TÔ ĐỨC CHIÊU)

Chủ Nhật, 19/02/2012 19:53
Năm đầu thập kỉ sáu mươi tôi nhập ngũ và vào thẳng sư đoàn 324 Quân khu bốn đóng ở Nghệ An. Tháng nào đại đội cũng giao cho tôi tờ tạp chí VHQĐ để chọn bài đọc cho anh em nghe trong các buổi sinh hoạt văn hóa. Tôi thấy người ta thông báo, chẳng nhớ trên trang một hay trang cuối cùng nữa, trong phần mục lục có ghi rõ: Chủ nhiệm Văn Phác, phó chủ nhiệm Thanh Tịnh, rồi ít lâu sau đó là: Chủ nhiệm Thanh Tịnh, phó chủ nhiệm Vũ Cao. Tôi chưa được gặp các vị này nhưng trong lòng đầy ngưỡng mộ, nhất là danh xưng Thanh Tịnh thì cứ vang mãi trong tôi từ thưở ấu thơ đi học với bài tập đọc mà tới hôm nay vẫn không quên: Năm nay lên bẩy, tôi đã lớn, tôi không chơi bời lêu lổng như những năm còn bé … và: Mẹ dắt tôi đi, hai bên đường những cây xoan tây xanh rờn rợn, chen những quả non sơn sớt …

Lăn lộn trên thao trường và tôi tập tọe cầm bút, chẳng có tài cán hay năng khiếu gì, nhưng chắc chắn do cuộc sống ùa ập, năm 1964 được in hai truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Và sung sướng như có thể nhẩy múa lên là được mời họp cộng tác viên vào ngày 15 tháng 1 năm 1965. Giấy mời do nhà văn Thanh Tịnh kí, cùng đó có công văn do Cục Tuyên huấn kí gửi thủ trưởng đơn vị bố trí thời gian cho phép tôi ra Hà Nội. Tôi cuốc bộ một mạch hơn 40 cây số từ Đô Lương tới ga Phủ Diễn và mua vé tầu hỏa ra Bắc.

Cuộc gặp gỡ cộng tác viên ngày ấy thật đơn giản và thân tình. Cùng với các nhà văn, nhà thơ trong cơ quan, chừng độ hai mươi anh em ngồi trước chiếc bàn lớn, tôi cũng không nhớ có phải bàn pinhpong hay không. Nhìn quanh toàn những cây đa cây đề về tuổi đời, về nghề nghiệp, về cấp hàm, đến nỗi tôi muốn bắt chuyện mà chẳng biết ăn nói ra sao. Tôi vừa được tấn phong binh nhất, ve áo một ngôi sao cũ và một ngôi sao mới trên nền đỏ. Ở đơn vị chưa khi nào tôi nói chuyện ngang hàng và tay đôi với một vị thượng úy tiểu đoàn trưởng hay chính trị viên. Thời ấy nó thế hay do tính tôi thế cũng chẳng biết nữa . Vậy mà ở đây thì: Nguyễn Khải - đại úy, Hồ Phương - đại úy, Từ Bích Hoàng - đại úy, Hải Hồ – trung úy, Xuân Thiều – trung úy, Vũ Cao – thiếu tá, Thanh Tịnh – thiếu tá …Chỉ có anh lính tò te là tôi, may có Đỗ Chu cũng binh nhất ở phòng không lên, Phạm Hùng binh nhất ở hải quân về, và Lê Lựu từ khu ba tới đã đeo lon trung sĩ. Rất oách! Cho nên tôi cứ ngồi im nghe mọi người nói và nhìn trộm ông Thanh Tịnh. Nhà văn tác giả Quê mẹ như thế kia ư? Khuôn mặt ông có vẻ phôi pha nhưng giọng nói và thái độ ung dung từ tốn. Nếu trí nhớ của tôi không lẫn lộn thì đang mạn đàm cởi mở có người đưa cho ông lá thư, tôi ngồi ngang liếc nhanh, dường như viết bằng chữ Pháp hay chữ Anh, chắc là của một người bạn nước ngoài, ông lướt đánh loáng rồi thân tình nói như tâm sự: Cái anh Nhật Bản này quí đất đai canh tác lắm. Anh Lương Đình Của biết rõ và có nói cho tôi nghe …


Buổi chiều cuộc họp bế mạc, chẳng có phong bì, tiệc tùng như bây giờ. Nhà văn Thanh Tịnh thông báo: Tạp chí mời các anh tối nay xem văn nghệ. Mỗi người có thể được hai vé để đưa chị nhà cùng đi. Vé ở chỗ hành chính đề nghị tới nhận. Tôi không nhận vé mà lên gác hai để gặp nhà văn Từ Bích Hoàng hỏi về một bài viết. Tôi nhớ lúc đó ngồi ở ghế có nệm lót êm êm trên hành lang sàn gỗ. Đang trao đổi thì nhà văn Thanh Tịnh đi tới, ông xin lỗi nhà văn Từ Bích Hoàng và hỏi tôi: Thế đồng chí chưa nhận vé đi xem tối nay à? – Tôi lúng túng không biết trả lời ra sao, gọi ông bằng đồng chí tôi cảm thấy xách mé, gọi bằng anh thì hỗn hào không thể nào cho phép, gọi là thủ trưởng thì từ sáng tới giờ tôi thấy ở đây chẳng ai gọi ai như thế. Tôi ú a ú ớ chẳng lên lời, nhà văn Thanh Tịnh nói thêm và lại còn chân thành gọi tôi bằng anh như người ngang hàng: Kịch Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên hay lắm đấy anh ạ! Lúc này tôi mới lúng búng: Em về Hải … Dương. Giọng nhà văn vui vui: Quê anh ở Hải Dương à? – Vâng ạ! Ừ, từ khu bốn ra đây, thế đơn vị có cho kết hợp nghỉ mấy ngày không? Thưa …ba ngày ạ! - Giọng ông như vừa nói vừa chia sẻ – Mà phải, anh về cũng phải, thời gian của lính mà …Cho tôi gửi lời hỏi thăm gia đình … Nói rồi ông chìa tay ra. Tôi vội đứng lên để được bắt tay ông và nhìn theo ông thong thả đi xuống dốc cầu thang gỗ uốn cong. Thời khắc chỉ độ ba mươi giây là cùng đã trôi qua như thế. Tôi về đơn vị, vào chiến trường, đi mãi, đi mãi, nhưng không bao giờ quên kỉ niệm về ngày 15 tháng 1 năm 1965 ấy, không bao giờ quên những bậc đàn anh đã gặp, và nhất là nhà văn Thanh Tịnh với ba mươi giây trao đổi trên hành lang sàn gỗ. Ấn tượng đầm ấm cứ theo tôi khắp các nẻo đường. Mỗi lần mở tờ tạp chí Văn nghệ quân đội lại thấy: Chủ nhiệm Thanh Tịnh, phó chủ nhiệm Vũ Cao …tôi lại nhớ dáng vẻ ung dung như pha chút trầm tư và giọng nói ân cần mềm mại của ông. Vừa đánh giặc ở cương vị đại đội trưởng pháo cối 120 li vừa ti toe theo các bậc đàn anh viết lách, dù trên chiến trường Trị Thiên khói lửa hay chiến trường Lào, tôi năm nào cũng có truyện ngắn hay bài kí in trên tờ tạp chí. Tận năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tôi mới được ra Hà Nội tới gặp các bậc đàn anh ở tạp chí Văn nghệ quân đội trong đó có nhà văn Thanh Tịnh. Lúc này ông đã già, đi lại chậm chạp và nói năng như chứa chất nỗi ưu tư. Tất nhiên tôi cũng chẳng còn trẻ nữa . Ông chưa được phân nhà ở số 8 Lí Nam Đế nên đến thời kì đầu nghỉ hưu vẫn ở một phòng tầng hai trụ sở cơ quan. Ông say sưa chơi đồ cổ và có lần mời tôi tới thăm.

Hôm nay, ai ngờ được nhà văn rất đáng kính trọng và ngưỡng mộ của chúng ta đã trở thành người thiên cổ!

TÔ ĐỨC CHIÊU

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)