VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những kỷ niệm nhỏ trong ngôi nhà lớn (ĐỖ VIẾT NGHIỆM)

Thứ Hai, 13/02/2012 01:00
Trại viết Đồ Sơn năm 1996

Năm 1996 tôi được mời về tham gia trại viết, do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Tôi từ Quân khu V ra chỉ trước một ngày khai mạc, điều ấy cũng có nghĩa tôi chưa phải là “quân” chính thức trong ngôi nhà lớn văn chương số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Nhưng với tôi trại viết Đồ Sơn có ý nghĩa như đặt viên gạch đầu tiên, hay bậc thềm đầu tiên bước vào nghiệp cầm bút, để rồi tháng 12 cùng năm tôi có quyết định của Tổng cục Chính trị điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ở trại viết tôi còn được giao làm trại trưởng, một cái chức “ất ơ” không văn bản và là “tớ” của các “vua bút” nổi tiếng thích tự do, nhiều lý sự. Trại Đồ Sơn có 17 cây viết cả trong và ngoài Quân đội, riêng tôi là người xa nhất từ Đà Nẵng ra. Quảng Trị có Nguyễn Hữu Quý công tác tại một đơn vị thuộc Binh đoàn 12 và Trần Thanh Hà giáo viên văn của một trường chuyên ở thị xã Đông Hà. Quảng Bình có Nguyễn Thế Tường, đang nổi như cồn với truyện ngắn Hồi ức binh nhì lại vừa được dựng thành phim. Hà Tĩnh góp mặt văn nữ Như Bình và doanh nhân Phan Tùng Lưu. Thanh Hóa xuất sếp Mạnh Lê, đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Văn nghệ. Thái Bình đầu quân nhà thơ Kim Chuông cũng đang tại vị Phó chủ tịch Hội Văn nghệ. Nam Định ra Trần Quốc Tiến biệt danh là nhà văn “nông dân” đến trại còn đem theo cảm xúc ngất ngây vui lai láng, cả làng vừa ào ào kéo đến chúc mừng anh được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bắc Giang có cựu chiến binh Tô Hoàn làm thơ từ hồi đánh Mỹ, thơ hay, nặng tình sẻ chia kiếp người thế thái. Tỉnh Hòa Bình cử Lò Cao Nhum người dân tộc Thái. Hà Nội có Đỗ Quý Bông, thơ luôn ngắn, cặp lông mày dài vút cong như Quan Vũ. Cơ quan Tổng cục Chính trị có Nguyễn Tiến Hải, giọng như chim sắc lẻm. Các đơn vị quân đội quanh khu vực đồng bằng sông Hồng có Sương Nguyệt Minh, Phùng Văn Khai, Phùng Kim Trọng, Hoàng Gia Minh … Khi trại tổ chức được đi qua chừng một tuần xuất hiện thêm nữ văn sĩ Phong Điệp, khi ấy đang là sinh viên trường luật. Phong Điệp đến như luồng gió lạ, nhưng kín đáo, không hoành tráng nổi tiếng như bây giờ. Trong buổi khai mạc có các nhà văn, nhà thơ Lê Lựu, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Vĩnh Bình cùng dự, riêng nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Vương Trọng sau đấy ở lại luôn với chúng tôi cho đến ngày trại kết thúc. Không khí của trại bề ngoài có vẻ âm thầm, lặng lẽ, nhưng bên trong tinh thần viết như một cuộc đua. Nói cách khác, nỗi lo trả bài biến chúng tôi thành kẻ hành xác. Ở trại Phùng Văn Khai là người trẻ nhất nhưng chịu khó cày đáo để, có hôm khuya lắm đi ngang qua phòng Khai, vẫn thấy đánh trần mồ hôi bóng nhẫy đang hì hụi viết truyện ngắn Cái lò gạch. Cái nóng tháng 5 oi nồng dễ sợ, nhưng cái nóng của đam mê chữ nghĩa xem ra còn cao hơn nhiều, càng về cuối càng khẩn trương, viết được cái gì là mang sang thầy Lựu, thầy Trọng nhờ đọc. Tinh thần làm việc hết mình, lại được các thầy nhiệt tình chỉ dẫn, kết quả nhiều sáng tác mới ra đời như bài thơ Khát vọng Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý, truyện ngắn Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà, Bản kháng án viết bằng văn của Sương Nguyệt Minh... Nguyễn Thế Tường, Đỗ Viết Nghiệm, Phùng Văn Khai, Như Bình, Nguyễn Tiến Hải … cũng đều có tác phẩm được thầy Lựu, thầy Trọng nhận xét tốt và lần lượt giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi đã đi nhiều trại sáng tác trong Nam, ngoài Bắc, nhưng trại Đồ Sơn với tôi là một kỷ niệm đẹp. Đẹp vì công tác tổ chức tốt. Đẹp vì Ban biên tập Văn nghệ Quân đội có con mắt xanh lựa chọn trại viên về tham gia trại viết. Đẹp vì quá trình ở trại được các nhà văn đàn anh tận tình đọc, tận tình trao đổi, góp ý, động viên hết mình. 15 năm đã trôi qua, những trại viên ngày ấy ở Đồ Sơn thực sự trưởng thành và đều đi theo nghiệp cầm bút. Hầu hết họ giờ đây là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người đang làm việc tại các tờ báo lớn, tạp chí lớn, hoặc lãnh đạo ở một số hội văn học nghệ thuật địa phương, trong đó có Văn nghệ Quân đội, sức bút dồi dào, càng viết càng hay.

Những ngày tháng đầu tiên ở Nhà số 4


Sau trại viết Đồ Sơn tôi và Nguyễn Hữu Quý được điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Những ngày đầu tiên cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Nói thế có vẻ lạ, nhưng là thực! Buồn vì đang yên sống cùng vợ con bỗng chốc ngủ giường cá nhân, ăn cơm bụi vỉa hè Hà Nội. Có đêm lang thang, đi dưới bóng hàng sấu già phố Phan Đình Phùng tràn trề suy ngẫm. Suy ngẫm về niềm tin. Suy ngẫm về sự điên rồ nào đấy có thể đến với bản thân mình. Còn vui. Vui vì được về sống làm việc trong một ngôi nhà văn chương lớn, mà không dễ gì ai cũng có thể ngồi ở đây! Mấy ngày đầu, tháng đầu, các anh Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Vĩnh Bình ghé sang phòng thăm luôn, có khi còn đem theo cả rượu ngồi cùng nhâm nhi, cùng trò chuyện. Trần Đăng Khoa ngày đó chưa lấy vợ, nhưng vẫn được Tổng cục Chính trị ưu tiên ngoại lệ cấp một căn hộ chung cư trong hẻm 12, phố Lý Nam Đế. Từ nhà Khoa sang cơ quan chưa đầy trăm mét nên thi thoảng lại sang chơi, chuyện mây mưa một chốc rồi rủ tôi và Quý đi ăn cơm bụi hôm ở quán gầm cầu, khi ngồi ở quán cóc bên nhà. Một bữa Khoa nói: “Mười năm nay tạp chí mới có một đợt điều quân rầm rộ đến thế”. Từ “rầm rộ” có vẻ to tát, nhưng đúng năm sau Tổng cục lại điều thêm Sương Nguyệt Minh và Nguyễn Hòa về đầu quân tiếp. Một điều thú vị là cả 4 anh em chúng tôi, khi ở cơ sở đều là những cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị, mà những người “đỏ chót” như chúng tôi e rằng văn chương khó thoát khỏi sự khô khan trên trang viết. Ám ảnh điều ấy chưa nguôi, rồi có lần bên bàn trà một nhà thơ đàn anh chợt hỏi: “Các ông về Văn nghệ Quân đội làm gì, ở đơn vị làm sếp không sướng hơn à?”. Câu nói trên thật ra không có gì là ác ý cả, thậm chí tôi còn ngầm cảm ơn anh về lời khuyên chân thành đó, nhưng thật sự trong lòng cũng có phần hoang mang. Hoang mang vì tình yêu văn học của mình có đi nhầm đường? Hoang mang vì ngôi nhà số 4 cổ kính, không được lung linh như mình nghĩ? Hóa ra không phải thế, nó vẫn đẹp, vẫn hấp dẫn và thiêng liêng. Bao nhiêu thế hệ nhà văn lớp trước, lớp sau, qua ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội đều thành danh cả, như hai cây đại già trước cổng, thân dẫu có xù xì nhưng hoa càng thắm.

Nhà số 4 ở phía Nam


Tháng 3 năm 1997, tôi vào làm trưởng văn phòng đại diện tạp chí Văn nghệ Quân đội phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đi nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập mời tôi lên giao nhiệm vụ: “Em đi chuyến này là vất vả lắm đấy, trước mắt viết được cái gì thì viết nhưng tập trung giúp anh một việc, sắp tới tạp chí ra tháng hai kỳ và in phát hành ở phía Nam, vào đấy cố gắng hai năm khi tình hình ổn định lại trở ra Hà Nội nhé”. Tôi đi vì lý do như thế, tạp chí bắt đầu triển khai in trong Nam và lần đầu tiên sau mấy chục năm đã phá vỡ truyền thống mỗi tháng một kỳ. Tôi vào Sài Gòn lao ngay vào nhiệm vụ, làm việc với Nhà máy in Quân đội 2 ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận. Tôi cũng đến nhà máy giấy Tân Mai trên quận Thủ Đức, tìm hiểu giá giấy để hạ giá thành sản phẩm. Cùng với chuẩn bị cho số ra đầu tiên mang địa chỉ phía Nam, công tác phát hành cũng xúc tiến nhanh chóng. Tôi làm việc với Đại diện Tổng công ty bưu chính Việt Nam phát hành tại phía Nam, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, các đại lý bán lẻ và đến nhiều đơn vị quân đội trong khu vực, mục đích làm thế nào để phát hành tạp chí được nhiều hơn trước. Kết quả thật bất ngờ số đầu tiên in đạt đến 12.000 bản. Ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây Công ty phát hành sách báo chỉ đặt mua không quá 300 cuốn qua bưu điện, số bán lẻ, cộng báo biếu chuyển theo đường quân bưu cho các sạp đăng ký lâu dài cũng chưa vượt qua con số 100. Như vậy số lượng đã nâng lên ngoài mong đợi, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành trên 1.100 cuốn, tăng gấp ba lần trước đây. Chỉ tính riêng số lượng phát hành khu vực Nam bộ, một tháng 2 kỳ cũng đã đạt con số 2,4 vạn cuốn. Nhưng ngoài ý nghĩa về số lượng, giờ đây tạp chí Văn nghệ Quân đội đến với bạn đọc nhanh hơn và kịp thời hơn. Càng ở cơ sở càng hiểu thương hiệu Văn nghệ Quân đội được bạn đọc yêu mến, nhất là thế hệ từng trải qua các cuộc kháng chiến. Tôi nhớ có lần, một người đàn ông tóc đã hoa râm đến hỏi tìm mua số Văn nghệ Quân đội, mà theo ông gia đình đặt mua qua đường bưu điện nhưng bị thất lạc. Tôi trả lời ông báo đã hết. Ông chợt buồn, rồi thanh minh: “Mẹ tôi người Hà Nội, cụ mê đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội và hiện vẫn lưu giữ được từ số đầu tiên năm 1957, giờ thiếu mất một số biết tìm mua chỗ nào?”. Thông cảm với ông, tôi giới thiệu đến đường Lý Chính Thắng quận 3, nơi ấy các sạp báo có bán khá nhiều tạp chí Văn nghệ Quân đội, may ra còn. Người đàn ông đi ngay, còn tôi sau đấy mới sững người quên không hỏi địa chỉ nhà ông. Lớp bạn đọc trí thức, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên các trường sư phạm cũng là đối tượng yêu mến Văn nghệ Quân đội. “Nhà số 4” ở phía Nam còn là địa chỉ tin cậy gặp gỡ giao lưu với các nhà văn, nhà thơ Văn nghệ Quân giải phóng như Thanh Giang, Văn Lê, Nguyễn Duy, Nguyễn Ngọc Mộc … Các nhà văn như Nguyễn Khải, Đinh Quang Nhã, Trần Kim Trắc, nhà thơ Xuân Sách hiện sống ở Sài Gòn, lúc còn khỏe vẫn đến thăm tạp chí và có những trao đổi chân tình ấm áp. Tôi cũng thường xuyên đến thăm các nhà văn tại tư gia. Nhớ nhất lần ra số báo đầu tiên của tờ phụ san Văn nghệ Quân đội, tôi đem sang nhà nhà văn Nguyễn Khải mục đích vừa để biếu, vừa để tham khảo nhận xét của ông. Nhà văn Nguyễn Khải đón nhận ấn phẩm mới với thái độ rất vui và nói: “Tốt quá, phải đổi mới Nghiệm ạ, mình mừng là Văn nghệ Quân đội sau mấy chục năm cũng làm được cái việc lẽ ra đã làm từ lâu”. Hai năm sau tờ phụ san dừng bản, lý do vì sao tôi ở xa không rõ. Thế rồi từ tờ phụ san, chuyển sang tăng thêm một kỳ tạp chí cuối tháng kích thước lớn hơn khổ cũ. Ý tưởng có độ mở, thể loại rộng hơn, kiến thức tổng hợp hơn, đáp ứng cho mọi đối tượng không thuần túy yêu văn học. Báo ra tôi lại đem sang biếu nhà văn Nguyễn Khải, lần này ông nói: “Hình thức có thay đổi, nội dung cũng phải thoát ra ngoài cái cũ, có vậy tờ Văn nghệ Quân đội mới có nhiều bạn đọc!”. Bây giờ ông đã đi xa, nhưng lời ông như vẫn còn đấy, thấu triết mà chân thành.

Tôi không trở ra Hà Nội như ngày đầu được giao nhiệm vụ, điều ấy không phải là Ban biên tập lãng quên. Do tôi, tôi đã yêu “Nhà số 4” ở phía Nam mất rồi. Ở đây tôi cũng có nhiều bạn, tôi vẫn đi, vẫn viết, điều quan trọng tôi vẫn nhớ ngôi nhà lớn văn chương mái cong, cổ kính, Nhà số 4 Lý Nam Đế ngoài kia - thủ đô Hà Nội

Tp. HCM, tháng 6 năm 2011


ĐỖ VIẾT NGHIỆM


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)