VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nguyễn Thi - Gương mặt còn lại

Thứ Hai, 05/03/2012 01:00
Từ hơn ba mươi năm trước, trong đêm giao thừa sang nửa phần sau thế kỷ, Nguyễn Ngọc tấn từng nghĩ về cuộc đời mình: “Đời tôi, từ lòng thương mẹ, trình độ học thức, ngày vui sướng, cuộc tình duyên, cho tới sự nghiệp cách mạng và tương lai ngày mai văn nghệ, tất cả đều là lận đận và lở dở”. (NK. 30/12/1950). Tập sách này dừng lại ở chương: Những tác phẩm bỏ dở.

Chuẩn bị tài liệu, dự kiến nội dung đã hàng chục năm. Nhưng chỉ từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ý định về một công trình nghiêm chỉnh viết về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi mới được hình thành, xác định. Và cũng từ đó mới có điều kiện để sưu tầm thêm tài liệu về Nguyễn Ngọc Tấn qua những người liên quan gần gũi.

Chúng tôi sống với nhau từ những ngày đầu khi Nguyễn Ngọc Tấn mới về Văn nghệ quân đội. Biết hiểu nhau một phần từ những ngày ấy. Nhưng cuộc sống và những trang viết ở chiến trường mới thật sự xác định tính cách một con người, và đóng góp về văn học với tư cách một nhà văn. Nguyễn Trọng Oánh có nhận xét: “Im lặng là một nét đặc biệt của Nguyễn Thi: Im lặng mà viết, im lặng mà đọc sách, im lặng mà quan sát, im lặng mà suy nghĩ, im lặng để rất ít nói về mình”. Nhưng tác phẩm, chỉ có tác phẩm mới biện minh được cho anh, mới cho chúng ta hiểu đúng về con người thật của Nguyễn Ngọc Tấn.

Mặc dầu tất cả những vướng mắc cá nhân, nhiều lúc gay gắt đến vô nghĩa lý sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi vẫn luôn trong sáng, lạc quan, nồng hậu tình người. Với cách mạng, với Đảng, với nhân dân anh không bao giờ, không phút nào dao động niềm tin và suy giảm lòng yêu mến. Anh làm việc với một cường độ cao, một năng suất cao và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Những năm cuối đời, ba cuốn tiểu thuyết được triển khai đồng thời. Chưa có tác phẩm nào đi hết đề cương. Với những chương mở đầu, có phần là phác thảo. Nhưng đã thấy ngồn ngộn một cuộc sống thật khác thường, đã thấy không khí xã hội miền Nam những năm đen tối mà chứa đấy giông bão, thế lực thống trị tàn bạo vừa thiết lập quyền hành, nhưng ai cũng biết, đó là thứ tồn tại tạm thời và cũng vì tạm thời, chỉ vì là tạm thời, nên cuộc đấu tranh thật là quyết liệt, mạnh mẽ, mãnh liệt, bởi một bên muốn biến thành vĩnh viễn cái tạm thời và một bên chỉ chấp nhận nó là tạm thời mà thôi và bằng mọi cách sớm thanh toán nó.

Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thực đặc biệt của Nguyễn Thi đã làm cho tác phẩm của anh có một sức bao trùm, sức gợi cảm, sức động viên lớn.

Rồi, cũng như các nhân vật mà anh yêu mến hết lòng, những chị Út Tịch, anh Phạm Văn Cội, chị Nguyễn Thị Hanh, tác giả cũng là người có sống, có chết. Số phận đã không cho nhiều người trong họ được nhìn thấy ngày toàn thắng của cuộc đấu tranh mà họ đã đem cả cuộc đời mình đóng góp. Tuổi bốn mươi, Nguyễn Ngọc Tấn ngã xuống giữa những trang sách bỏ dở.

Nhưng với con người yêu đời, yêu cuộc sống dường ấy, với một sức lao động nghệ thuật mạnh mẽ như vậy, thì sống đến tuổi nào mới được coi là không dở dang? Nếu mỗi cuộc đời là dở dang thì dòng chảy của văn học cách mạng là liên tục.

Cuộc sống làm nên bởi những con người cụ thể, không ai sống thay, làm thay ai được. Nhưng cuộc sống là sự liên tục, là sự tiếp tục không ngừng nghỉ. Những người tới sau sẽ nối tiếp người đi trước trong cuộc chạy tiếp sức mang ngọn lửa của cuộc sống tới những đích xa hơn.

Ngay cuốn sách này, được ra mắt bạn đọc, cũng là nhờ sự tiếp sức đó. Hơn hai năm qua tác giả của nó bị một bệnh nghèo. Nếu như cuối cùng, dù không thật đã hoàn toàn ứng ý. Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi vẫn tới được với bạn đọc, người viết trả được món nợ nghĩa tình với người đồng chí đã hy sinh anh dũng, cũng là nhờ có sự tiếp sức của những bạn trẻ cùng đội ngũ, ở đây tôi muốn nhắc tới sự cổ vũ của nhiều bạn bè, của nhà xuất bản Tác phẩm mới và sự giúp đỡ ân cần và cụ thể đặc biệt là của bạn Ngô Thảo và một số bạn khác.

Về một cuộc đời, có thật biết bao điều đáng nói.

Một cuộc đời riêng nhiều sự biến như của Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, từ một thiếu niên tha phương cầu thực được cách mạng thức tỉnh, nhận vào đôi ngũ, biến thành người chiến sĩ cầm súng rồi thành nhà văn, một người đường công việc đến tình duyên nhiều vấp váp, trắc trở, có thật nhiều điều có thể nói, đòi hỏi cắt nghĩa và thông cảm.

Một cuộc đời với những sáng tác nhiều sắc thái, nhiều giai đoạn như của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi rồi sẽ còn nhiều người trở lại, tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu.

Với Gương mặt còn lại, riêng tôi muốn giữ chút kỷ niệm về người đồng chí đã hăng hái lên đường khi cuộc sống kêu gọi với trái tim nồng nhiệt, lao vào cuộc chiến đấu ở những nơi quyết liệt nhất, không chọn cho mình chỗ đứng giữa những người còn sống trong ngày toàn thắng. Những ngọn lửa vĩnh cửu rồi sẽ cháy sáng mãi trên đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu trường kỳ giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa. Tập sách này chỉ là thực hiện một ý nhỏ trong lời di chúc của nhà văn cộng sản J. Phu-xích mà nhiều người chúng ta từng biết: “Tôi chỉ tha thiết yêu cầu các anh một điều là nếu anh đã từng sống qua cái thời đại này thì hãy đừng quên người tốt và cũng đừng quên người xấu. Các anh hãy chịu khó đi tìm những tài liệu về những người đã chết vì họ và vì các anh..”

Bệnh tật đã không cho phép tôi có thể hoàn thành tác phẩm với một chất lượng cao hơn, xứng đáng hơn với sự tưởng niệm mà chính tôi ao ước, dự định. Nhưng dẫu có đủ mọi điều kiện, đem hết sức cố gắng, tác phẩm của tôi cũng khó có thể là tiếng nói cuối cùng và duy nhất về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi còn tiếp tục sống cuộc đời riêng của nó và vì thế, tác giả cũng như tác phẩm sẽ còn chịu nhiều sự phán xét, phân tích khác.

Tôi đã cố nhìn vào cuộc sống riêng của Nguyễn Ngọc Tấn với những gì có thật, phức tạp, rối rắm như mọi cuộc đời thường, một con người đầy lòng yêu mến với đất nước, đặc biệt với đất Nam Bộ thân yêu và với những người thân, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè. Để đạt được điều đó, tôi buộc lòng phải động cham đến một số người khác, trong đó có những người còn sống. Tôi xin những người đó hãy vì niềm kính trọng với người đã hy sinh mà lượng thứ cho.


NHỊ CA


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)