VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Tôi muốn đưa khảo cổ đến gần với công chúng

Thứ Bảy, 04/07/2020 09:03

Người thực hiện: Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Khách mời : TS. Nguyễn Việt

Tiến sĩ Nguyễn Việt hiện là Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Gặp ông, tôi nhận ra một điều, trong con người ta, một tư duy khoa học hoàn toàn có thể hoà quyện với một tâm hồn lãng mạn chứ không phải rất mâu thuẫn như tôi vẫn hình dung.

Trước khi gặp tiến sĩ Nguyễn Việt thì tôi đã nhiều lần nghe nhắc đến tên ông, đặc biệt là với những sự kiện gây xôn xao trên báo chí. Gần đây nhất, trong một chuyến lên thăm hang Xóm Trại ở huyện Lạc Sơn, Hoà Bình - một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng đối với ngành khảo cổ - thì một lần nữa lại nghe nhắc đến tên ông, người đã có công lớn trong việc phát hiện ra những dấu vết quan trọng của người tiền sử cách đây 21 nghìn năm tại Hoà Bình.

- Thưa tiến sĩ Nguyễn Việt, tôi cảm thấy khá khó khăn khi đặt câu hỏi đầu tiên với ông, bởi vì có quá nhiều điều muốn được nghe ông kể, tả một cách tường tận.

+ Thì bạn cứ hỏi thôi. Hôm nay tôi dành thời gian cho bạn. Tôi là người rất cảm thông và ủng hộ các nhà báo. Chúng tôi giới hạn trong các phòng thí nghiệm, còn các bạn chính là những người đã chuyển các kết quả từ phòng thí nghiệm ra. Mặc dầu quá trình vận chuyển bao giờ cũng rơi vãi và sai sót chứ không phải nó nguyên xi, nhưng còn hơn không (cười). Dẫu sao, tôi luôn muốn các kết quả khoa học tiến tới gần các hiểu biết chung mà vẫn trên cơ sở rất thật như chính cái thời nó diễn ra. Đó là ý nguyện của tôi. Vì thế trong các kết quả mà chúng tôi nghiên cứu tôi đều cố gắng diễn giải cho gần với các hiểu biết chung của dân chúng.

Các công trình, dự án mà tôi theo đuổi, khi có kết quả tôi chỉ có thể báo cáo trong các hội nghị, đông thì cũng chỉ vài trăm người. Còn muốn công chúng biết đến rộng rãi thì phải thông qua báo chí.

- Thật vui khi nghe ông nói điều này đấy ạ. Tôi luôn nghĩ rằng, với những chuyên ngành hẹp và sâu như khảo cổ học thì muốn tiếp cận phải là các chuyên gia. Nhưng tôi lại thấy ông có những công trình rất gần với đời sống, và đã là người Việt thì ai ai cũng biết cả, nó lại rất… lãng mạn nữa. Ví dụ như việc đặt tên cho một miếng vải có niên đại hơn 2000 năm là tấm khố của… Chử Đồng Tử chẳng hạn. Hay là phục dựng chiếc nỏ thần của An Dương Vương. Đó đều là những câu chuyện trong truyền thuyết. Nhưng truyền thuyết thì đâu có thực. Trong khi khảo cổ là khoa học, khoa học là sự chính xác. Ông có thể nói gì về câu chuyện có vẻ như… mâu thuẫn này?

+ Tôi nói về cái khố của Chử Đồng Tử trước nhé. Là như thế này: Năm 2000, khi bà con ở Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vét mương thì họ tìm thấy một cái mộ thuyền (một hình thức an táng của người Việt cổ - PV). Tôi có đến xem. Lúc ấy các anh ở Viện Khảo cổ đang làm công việc khai quật. Các anh ấy bảo tôi xuống tham gia một tay. Trong lúc làm thì tôi nhận thấy họ chỉ lấy xương. Cái cách khai quật ở ta xưa nay vẫn thế, tức là chỉ lấy cái gì to to, cưng cứng, còn thì bỏ đi cả. Trong mộ hôm ấy tôi thấy có rất nhiều bùn in dấu vải. Tôi xin anh Cường (GS. Nguyễn Lân Cường - PV) chỗ bùn ấy. Và đêm hôm đó về đến Hà Nội thì tôi ngâm, tẩy, và dùng một tấm kính để hứng lấy những miếng vải rơi ra từ chỗ bùn đó. Thế là lần đầu tiên chúng ta có được miếng vải thực sự của thời kì Đông Sơn. Thế còn tại sao lại gọi là khố Chử Đồng Tử? Rõ ràng Chử Đồng Tử là nhân vật trong truyền thuyết, còn truyền thuyết đó bao nhiêu sự thật thì không ai biết. Nhưng chúng ta biết rằng Chử Đồng Tử nếu có thật thì sống vào khoảng thời Hùng Vương. Mà ngôi mộ chúng tôi khai quật ấy là vào thế kỉ thứ IV trước công nguyên, khoảng 2.400 năm cách ngày nay. Đó cũng là giai đoạn rực rỡ của văn hoá Đông Sơn. Và nó rơi vào thời kì mà theo Đại Việt sử kí toàn thư thì là “gần cuối của thời Hùng Vương”. Tức là, thứ nhất, tương đồng với nhau về mặt thời gian. Thứ hai, cái chỗ Châu Can đó, đứng bên này chỉ cần nhìn qua sông là thấy đền Chử Đồng Tử; thứ ba, là cái “cụ” thanh niên nằm trong mộ đó cao to, đẹp lắm. Tôi tin là nếu phục hồi gương mặt ấy thì chắc chắn là rất đẹp. Đấy, với những yếu tố đó thì tôi cũng lãng mạn một tí, cứ cho rằng Tiên Dung với Chử Đồng Tử là ở đâu đấy thôi. Và thế là đặt cho miếng vải khai quật được ấy cái tên là “khố của Chử Đồng Tử”.

- Tức là khoa học vẫn là khoa học, phải không ạ?

+ Nó là khoa học thật chứ. Bởi vì chúng ta có vải thật vào thời Chử Đồng Tử cơ mà. Việc tìm thấy vải của thời kì đó ở Việt Nam là một sự kiện được cả thế giới chú ý. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với giới khảo cổ. Hai năm sau đó, vào 2002 thì một nhóm các nhà khảo cổ học của Úc cũng rất mê đề tài này và họ cùng với tôi nghiên cứu vải văn hoá Đông Sơn. Vì thế mà chúng tôi tìm thêm được hàng nghìn miếng vải khác khi khai quật các mộ bằng thân cây khoét rỗng. Điều đáng nói ở đây, không chỉ là chúng ta có một bước đột phá trong nghiên cứu một hiện vật rất khó là vải sợi khảo cổ, mà còn mang tới một thay đổi lớn trong phương pháp khai quật. Như tôi vừa nói, trước đây chúng ta thường bỏ đi đến 90% thông tin hiện vật khai quật, chỉ giữ lại những gì to to cứng cứng, còn bỏ đi hết. Sau khi thay đổi phương pháp thì có những lúc tôi còn lấy được nguyên vẹn những thứ quả như quả quýt, dâu da, thảo quả còn nguyên hình hài, là những thứ được chôn theo người chết. Kĩ thuật là ngâm, lắc bùn, rồi ngâm lại vào một môi trường y như lúc ta khai quật được là có thể giữ rất lâu. Ví như có một quả quýt tôi khai quật được từ năm 2004 tới giờ, cứ mỗi tuần thay nước một lần, đến nay vẫn nguyên vẹn.

Có thể nói là khi đi vào lịch sử thì chúng tôi là những người may mắn được đi sâu hơn. Trong quá trình nghiên cứu miếng vải thời Chử Đồng Tử ấy, tôi vẫn hình dung thế này, y như chúng ta hiện nay thôi: Hôm nay nóng quá, mồ hôi sẽ ra, làm bẩn cái áo này, nhưng thời ấy người ta chẳng có xà phòng gì để giặt tẩy mà chỉ giặt ở sông suối thôi, cho nên cái áo đó vẫn còn giữ nguyên cái nấm bẩn. Và chúng tôi thậm chí còn đi tìm những cái nấm, thậm chí nữa là rất mong muốn tìm được những con rận. Nó đã chết thì sẽ còn cái xác của nó. Người dân thì khó làm điều đó, nhưng ở đây anh được học để làm khảo cổ, anh có phòng thí nghiệm, tại sao anh không làm? Anh có vải đào được, chỉ cần đưa vào kính hiển vi phóng đại lên nhìn và sau đó anh hỏi những chuyên gia khác về nấm mốc để hiểu rõ hơn cái thực chất mà giống chúng ta hiện nay: Hôm nay tôi mặc, mồ hôi của tôi ra làm bẩn áo, và cái áo đó dù có giặt thì vẫn dính lại cái ghét của người. Từ đấy mà chúng tôi cảm thấy miếng vải 2.400 năm ấy nó gần gũi lắm. Khi cầm trên tay tôi còn cảm thấy có cả hơi ấm của người đã mặc nó lúc họ còn sống.

Đấy, nghiên cứu một cách khoa học, soi được, lấy được những cái đó ra, thì vấn đề nằm ở chỗ ta chuyển tải nó thế nào đến công chúng thôi.

- Theo như ông nói thì các đồng nghiệp ở trên thế giới hỗ trợ ông cũng đáng kể?

+ Nhiều chứ! Chúng ta thường gặp khó khăn về kinh phí. Tôi dẫn một ví dụ vui thế này. Giờ thì hang Xóm Trại thành địa chỉ nổi tiếng rồi, nó sẽ còn nổi tiếng nữa. Nhưng không mấy ai biết rằng cuộc khai quật đầu tiên mà chúng tôi tiến hành năm 1982 chỉ có kinh phí là… 1.200 đồng. Đó là kinh phí của Viện Khảo cổ cấp cho 2 người đi công tác. Chúng tôi đi từ Hà Nội lên, chắt chiu số kinh phí đó để thuê nhân công, mua dụng cụ, thực hiện một nghiên cứu mà tôi nghĩ là sau này nó sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử khảo cổ ở Việt Nam. Đó là lần đầu tiên chúng ta tìm được một hệ thống vật liệu, chất liệu, hiện vật khác so với trước đây, là các mảnh vụn than hạt quả. Những mảnh vụn than hạt quả này khi tiến hành thực nghiệm cho thấy lí thuyết “đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm” có thể không đúng. Vết tích còn lại cho thấy, trước đây người Hòa Bình cổ sử dụng một loại quả gần giống như quả óc chó và hồ đào, cây rất cao, do đó việc hái quả, lấy hạt thuộc về người đàn ông. Trong khi đó, vết tích xương một số loài cá và nhuyễn thể lại chỉ ra rằng, việc bắt chúng chủ yếu thuộc về phụ nữ.

Quay lại với cuộc khai quật, khi kết thúc việc khai quật thì mưa lớn, lũ dâng, mà nhiệm vụ là phải đưa khoảng 100kg hiện vật về Hà Nội, và quan trọng là chúng tôi lại… hết tiền. Tôi bèn làm liều bằng cách lấy một cuộn phim được cấp để làm việc đi chụp… chân dung cho dân. Lúc ấy bà con ở miền núi chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình nếu như không soi gương. Chụp hết cuộn phim tôi mang đi in rồi quay về thu tiền. Thế là có tiền để thuê hai thanh niên, cộng với hai chúng tôi nữa là bốn, chia nhau 100kg hiện vật vác bộ ra huyện để bắt xe về Hà Nội.

Đấy, làm việc trong điều kiện ngặt nghèo về kinh phí nó thế. Rất nhiều việc muốn làm cũng không được làm vì không có kinh phí, và vì nhiều lí do khác nữa. Thế nên sau này rút ra thành lập Trung tâm (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á là một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam - PV) tôi có thể làm được rất nhiều việc, bất cứ việc gì mình muốn đều có thể làm. Tất nhiên là luôn trong khuôn khổ pháp luật.

Nếu như ta biết tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thì rất có lợi. Ví dụ như khi tìm ra được vải từ thời Đông Sơn, tôi gửi hồ sơ sang Nhật đăng kí tài trợ. Họ đồng ý ngay, với một điều kiện, mà cái điều kiện này thì tôi mừng quá, đó là nghiên cứu xong phải mang sang Nhật báo cáo. Rồi khi sang Nhật báo cáo tôi lại gặp các chuyên gia trong cùng lĩnh vực, họ lại tiếp tục nhận phân tích miễn phí cho mình. Mình không có phòng thí nghiệm đủ trang thiết bị, mình cũng không có tiền, họ giúp cả. Phân tích xong thì hai bên cùng tiếp tục công bố. Đó là cách thức và con đường để làm sao chúng ta không tốn nhiều tiền, thậm chí không mất tiền, thậm chí nữa là họ còn mang tiền vào làm cùng để chúng ta thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình. Nhờ sự hợp tác này mà các nghiên cứu, phân tích vải cho đến nay rất sâu và đạt đến mức đỉnh cao nhất của thế giới hiện nay, là tìm ra chất liệu vải bằng gì, nhuộm ra sao, không phải chỉ bằng các đoán định hoặc dân tộc học mà bằng các máy scan điện tử rất hiện đại của những phòng thí nghiệm nổi tiếng của Nhật cũng như của Đức.

- Ông là người đầu tiên phục dựng gương mặt của người Việt cổ - một sự kiện rất nhiều người quan tâm diễn ra cách đây tròn 10 năm. Một người bình thường như tôi cũng cảm thấy rất hứng thú. Chúng ta không có ảnh, không có phim tài liệu, không có ghi chép rõ ràng, nên việc bỗng dưng được ngắm gương mặt tổ tiên từ hàng nghìn năm trước thực sự là một cảm giác rất đặc biệt. Tại sao ông lại quyết tâm làm điều đó?

Tiến si Nguyễn Việt với tượng voi và cừu có niên đại 3500 năm  -   Ảnh: PV

+ Nguyện vọng của tôi là đưa khảo cổ đến gần với công chúng hơn. Tôi nghĩ thế này, việc chúng ta chỉ được ngắm một bộ xương, cho dù đủ hết các bộ phận, đặt trong hộp kính, có ghi niên đại trong các bảo tàng, so với việc được nhìn thấy một gương mặt chính xác đến 90% với đủ quần áo, vũ khí, vương miện, trang sức thì điều gì thú vị hơn? Và khi ngắm cái người đã có hàng nghìn năm tuổi đang hiện diện kia, có thể ai đó sẽ thốt lên: Ôi, cậu thanh niên này giống bạn tôi, cô gái kia giống em tôi, người quen của tôi… thì cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu. Đó đâu phải người xa lạ, là tổ tiên rất nhiều đời của chúng ta đấy thôi.

Thế nên sau khi phục dựng được thân thể thì mặc quần áo cho người ta. Vải có rồi, mẫu quần áo cũng có, vũ khí, trang sức cũng có. Đều là những cái có thật, ta khai quật được. Như vậy rõ ràng việc giáo dục, trưng bày nó gần hơn. Cảm thấy không phải cái gì cũng thăm thẳm như huyền thoại với cả lơ ma lơ mơ như là cổ tích mà nó gần sự thực hơn. Và đương nhiên là nếu như sau này các nhà làm phim có muốn làm phim về Tiên Dung - Chử Đồng Tử hay là về Hai Bà Trưng thì cũng có cơ sở khoa học hẳn hoi chứ không phải suy đoán hay giả tưởng.

- Thế nhưng việc phục dựng gương mặt người Việt cổ bằng đất sét khi chỉ có cái… hộp sọ của họ, cơ sở khoa học của nó là gì ạ?

+ Đấy là một câu chuyện dài của thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vào khoảng những năm 1955-1965 là thời kì cả thế giới sôi động với các phát hiện cũng như thực hành của giáo sư Gerasimov của Liên Xô. 11 tuổi ông Gerasimov đã thích mày mò về xương xẩu quanh nhà. Bố là bác sĩ, mẹ là hoạ sĩ. Và từ cái ham thích ấy, Gerasimov rất muốn phục hồi xương của động vật và con người. Lớn lên ông ấy xin vào nhà xác để làm việc. Bởi vì khi ở nhà xác thì ông toàn quyền với những xác chết. Phương pháp của Gerasimov rất thủ công. Ông lấy những cái kim nhúng vào dầu luyn sau đó cắm vào các phần mềm trên mặt xác chết, đầu kim chạm đến xương thì ông rút ra để đo. Và với hàng nghìn mũi kim như thế Gerasimov thống kê được một cách chi tiết những con số mang tính quy luật. Ví như phần trán người ta sâu bao nhiêu, má sâu bao nhiêu, cằm sâu bao nhiêu… Và từ đấy Gerasimov có thể phục dựng lại một con người chỉ với… hộp sọ của họ. Tôi đã áp dụng những chỉ số và công thức Gerasimov tạo ra kết hợp với số đo từ trên 100 chân dung X-quang người Việt để phục dựng gương mặt tổ tiên người Việt.

Tất nhiên, cho tới thời điểm này thì khoa học hình sự trên thế giới đã có thể thực hiện việc phục dựng ấy một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn nhiều, nhưng tôi vẫn áp dụng cái cách thủ công của ông Gerasimov. Trước đây để học cách phụng dựng ấy người ta phải mất năm - sáu tháng, nhưng giờ tôi truyền đạt cho nhân viên của tôi, cậu nào có năng khiếu một chút thì chỉ mất một tuần là học được cách làm.

- Vâng, đến một người lơ mơ như tôi cũng thấy bị thuyết phục đấy ạ.

+ Tôi muốn tạo ra cho người ta một niềm tin, vì chúng tôi làm khoa học thật, khác với việc người ta nghe đâu đó và không có cơ sở khoa học. Chúng tôi cho mọi người thấy tại sao xương này lại là xương của một người cao 1,8m hay 1,6m. Nó đều có công thức cả. Công thức đó được tổng hợp từ chính người đang sống mà ra. Vì thế, chỉ cần có xương là sẽ ra được chiều cao. Trên cơ sở ấy, những ai lĩnh hội sẽ có niềm tin vào khoa học, à, hoá ra nó là thế. Còn nữa, tại sao chân dung chúng tôi làm đều chia đôi, chỉ có một nửa này lắp thịt thôi, còn nửa kia nguyên xương? Là để cho các nhà khoa học còn cãi nhau chứ. Các nền xương thế này tại sao ông lại cho nó dày thế này? Thì tôi lại phải chứng minh cơ sở nào để tôi cho rằng chỗ này nó dày 0,7cm, cơ sở nào tôi cho chỗ này 1,2cm. Tôi phải tự chứng minh. Thứ nhất tôi xác định cái sọ tôi đang làm là nam hay nữ đã. Bao nhiêu tuổi. Giống nào, chủng tộc nào… Khi đã xác định rồi thì lại có những công thức trên toàn thế giới đã công bố rồi. Ví dụ ở tuổi đó, giới tính đó, chủng tộc đó thì cái này cái kia là bao nhiêu, bởi người ta đã đo trên khoảng 1.000 mẫu hoặc 3.000 mẫu mới có chỉ số chung. Bản thân tôi cũng góp vào kết quả nghiên cứu của thế giới khoảng 100 mẫu, tôi lấy từ Hưng Yên. Tôi mới chỉ có tiền để làm chừng ấy thôi, chứ tôi muốn nhiều hơn rất nhiều. Hiện nay ta đang rất lãng phí kết quả chụp cắt lớp CT. Sau khi chụp xong cái phim ấy ta chỉ lưu trữ trong bệnh viện thôi. Và bọn tôi muốn có phải sao chép, hoặc mua để có tư liệu. Nếu ta thống kê được khoảng vài nghìn trường hợp thì sẽ tìm ra cái quy luật của người Việt Nam. Ví dụ người Hà Nội thế nào, người Hưng Yên thế nào, người Hải Phòng, Quảng Ninh thế nào… Và từ đấy, khi gặp những cái sọ đối chiếu với sọ Hà Nội, Hưng Yên thì chúng tôi được phép dùng công thức nào. Và cứ thế đắp lên thôi. Thế và chúng ta cũng không phải tưởng tượng mặt này ra sao hết, mà cứ đắp xong thì có chân dung.

- Nghe ông nói thì tôi cảm thấy lĩnh vực nào ông cũng hiểu rõ tới mức như là chuyên gia cả. Là yêu cầu của ngành khảo cổ học như vậy, hay do cá nhân ông muốn hiểu rõ tất cả mọi thứ trên đời?

+ Khoa học chỉ có một cái chung, trong quá trình phát triển nó mới chia ra. Cái chung, là cái hiểu biết của con người với thế giới xung quanh. Nếu anh hiểu biết, đi sâu vào lĩnh vực điện, thì anh sẽ thành chuyên gia vật lí điện; nếu anh hiểu biết về cây thì đi sâu vào thực vật… Tôi làm khoa học nhưng tôi hiểu cả lịch sử khoa học. Đừng tự chia tách. Ví dụ khi dạy các con tôi dạy hai thứ: một là logic học, và hai là biện chứng, là hai cái công cụ cơ bản của người làm khoa học cũng như người sống bình thường.

Khoa học nào cũng vậy, anh chỉ cần cái cơ bản thôi, còn khi tiếp cận một lĩnh vực mới thì bắt đầu học tiếp. Trên cơ sở logic căn bản của anh thì cái gì cũng mở ra được. Và khi mở ra được thì tự nhiên lại ham học, ham hiểu biết. Còn lại những cái khác thì nó là tính năng, thao tác. Ví dụ như với xương, tôi có đi sâu để thành một người làm nghề động vật học đâu, nhưng khi có hiểu biết thì tôi làm khảo cổ sẽ sâu hơn chứ. Làm khảo cổ thấy xương thì tôi phải biết nó là xương con gì. Tôi cũng phải hình dung người ta bắt con này về làm gì... Trong lĩnh vực liên quan như vậy thì bọn tôi lại làm sâu, thậm chí sâu hơn cả các chuyên gia. Tôi nhớ khi đào được các con ốc, tôi muốn biết người ta đã bắt ốc thế nào. Tôi cử người vào rừng quay phim ốc, bắt ốc nuôi trong bồn tắm để quan sát xem nó quan hệ, sinh sản thế nào, và lớn ra sao. Tôi còn mổ cả ốc sống ra ngâm phoocmon, rồi luộc ốc nhể ra, đo dinh dưỡng xem trong một con ốc có bao nhiêu kilocalories (kcal)… Sau đó tôi gặp một chuyên gia ốc nổi tiếng ở Việt Nam là ông Đặng Ngọc Thanh, ông ấy viết cả một cuốn sách rất dày về nhuyễn thể Việt Nam, thì tôi có hỏi để tư vấn. Ông Thanh mới hỏi tôi đã làm gì. Tôi kể. Ông bảo, anh trong lĩnh vực này còn hơn cả tôi, chưa bao giờ tôi giải phẫu một con ốc.

Như vậy chuyên sâu không phải là thay thế các lĩnh vực khác nhưng phải luôn luôn nhằm mục đích là phục vụ vào cái hệ thống, đối tượng mà mình đang đi nghiên cứu, chứ không tự giới hạn mà ném cho người khác. Như là khi tôi tìm được vải thì lập tức tôi trở thành một trong những chuyên gia của Đông Nam Á và thế giới về cây lanh và gai. Vì tìm được vải thì tôi muốn biết nó được làm từ sợi gì. Muốn thế tôi phải đọc đủ kiến thức để người ta không đuổi tôi ra khỏi các phòng thí nghiệm. Sau đó họ trao đổi với tôi luôn, rồi tôi báo cáo ở các hội nghị quốc tế. Từ đó họ gắn tôi với lĩnh vực đấy luôn. Ví dụ trong lĩnh vực vải sợi thì tôi là thành viên của Hội nghị cây có sợi của thế giới. Tôi còn tham gia một khoá nghiên cứu về cấu trúc xenlulo của Viện Sinh vật thuộc Đại học Durham ở Anh. Lần đầu tôi soi kính hiển vi, bà giáo sư phụ trách lớp cho tôi thấy sợi ấy cấu trúc thế nào và lần đầu tiên tôi phát hiện sợi lanh với sợi gai khác nhau ra sao, và tại sao gai ngâm trong đất bùn 2000 năm không hỏng. Hoá ra trong sợi xenlulo của gai nó có tới 7 hạt “kim cương”, gọi là hạt crystal (kết tinh), rất giống kim cương. Và nó chắp lại thành xương sống của xenlulo gai. Vì thế gai của Việt Nam là một cây rất lợi hại.

- Quả thực là càng nghe ông nói thì tôi càng cảm thấy khoa học, bao gồm cả khảo cổ học, giống như những trang sách rất rành mạch, rõ nét chứ không phải điều gì quá cao siêu. Vấn đề là, như ông nói, phải nắm được cái chung, cái căn bản, và đi sâu đến đâu thì học đến đấy. Xin phép được hỏi ông một câu hơi… riêng tư: Nhiều người nói đến xương cốt thì sợ lắm, thậm chí cán bộ bảo tàng cũng có người sợ, sợ luôn cả bát đĩa, đồ vật, dụng cụ của người xưa, ông thì sao ạ?

+ Tôi đã khai quật đến vài trăm ngôi mộ rồi, nhưng lúc nào tôi cũng muốn gần với họ hơn, muốn hiểu xem họ đã sống thế nào, chết thế nào. Mỗi người chết lại có cả một hệ thống gia đình khác nhau, và việc táng người đó cũng theo cách thức khác nhau. Người giàu thì nhiều của, người nghèo thì ít của. Thế nên nếu đã phục hồi thì ta phải phục hồi tất những cái đó mới đúng. Hiện nay, khảo cổ Việt Nam mới chỉ dừng ở mức đồng loạt, cùng một nền văn hoá, chứ chưa đi sâu vào khảo cổ cá thể. Mỗi thành viên đấy là một cá thể có cuộc đời riêng, nếu làm được tất cả các chuyện riêng như thế thì chúng ta phục hồi được một xã hội, đấy mới là cái đích các nhà khoa học cần vươn tới.

Thực ra mỗi nơi, mỗi thời, nhận thức về thế giới tâm linh cũng khác nhau. Tôi trân trọng công việc tôi làm. Khi đã quen thì thấy đấy là việc lành, giống như việc mình đi trực tiếp bốc mộ bố mình, rửa xương cốt, sắp xếp, thì họ cũng thân thiết như vậy. Tổ tiên mình cả chứ xa lạ gì. Mình cứ nghĩ thế thì nó lành. Còn đương nhiên, đôi khi có người làm khảo cổ cũng hay hoành tráng, mở cái quan tài ra, mở cái bộ xương ra thì cũng thể hiện cái sự nghiêm trang như để doạ dân, thực ra thì nó cũng bình thường thôi, như là mình với gia đình mình thôi. Gia đình nào rồi cũng chả có đám tang, có chuyện tắm rửa cho các cụ.

Tôi cũng dạy các em, các cháu làm việc ở Trung tâm như vậy. Họ như ông bà cụ kị mình. Tôi thấy gần gũi, chứ không có gì phải sợ hãi cả. Mà từ lúc tôi làm khảo cổ tới giờ, xây bảo tàng, rồi làm bao nhiêu việc, ở đâu, lúc nào cũng thấy yên ổn cả. Tôi nghĩ tôi cũng được “các cụ” phù hộ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị. Chúc ông và các đồng nghiệp ở Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mạnh khoẻ, có thêm những công trình mới, nhiều ý nghĩa

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)