Những người sinh trước và sau cách mạng tháng Tám vài ba năm như tôi, qua một ít trang sách, được biết Thanh Tịnh như một nhà thơ lãng mạn, một nhà văn viết truyện ngắn giàu tình cảm, nhiều khi hóm hỉnh, dí dỏm. Hơn ba chục năm qua, tôi vẫn nhớ hầu như không sai một chữ hai đoạn văn Thanh Tịnh. Một đoạn học trong sách giáo khoa nhà trường, nói rất đúng tâm trạng lớp học trò nhỏ tuổi chúng tôi: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Một đoạn khác, hay được các thầy giáo lấy làm dẫn chứng phê phán lối học ngày trước người ta gọi là “học gạo”: “Rắn là một loài bò..., i...a... Rắn là một loài bò... Rắn là một loài bò... ê...a... sát không chân...ê....sát không chân”.
Đoạn trên ở Tôi đi học, đoạn dưới ở Tình thư, đều là hai truyện ngắn của Thanh Tịnh.
Không ngờ, hai đoạn ấy lại tiêu biểu cho hai giọng văn Thanh Tịnh: một trữ tình, một trào phúng – rồi chúng sẽ cùng đi vào văn ông trong suốt cả một đời.
Đối với Thanh Tịnh, thật đúng người và văn là một. Trong trang sách cũng như ngoài cuộc đời, bao giờ ông cũng nhỏ nhẹ, hiền từ, nhân hậu pha một chút u –mua thâm thúy.
Gần một chục năm trước, được đi công tác cùng Thanh Tịnh (lúc này nhà văn đã nghỉ hưu) và những năm gần đây thường đến nhà thăm ông, tôi hiểu được đôi chút về Thanh Tịnh. Nhưng lắm khi tôi cứ tự hỏi: Làm sao một nhà văn lãng mạn như Thanh Tịnh đi với cách mạng nhanh được đến thế, và có chuyển biến rõ rệt, sâu sắc đến thế về cách nghĩ, cách nhìn, cách viết? Mà người hôm nào vừa mới có những câu rất đài các và mơ mộng:
Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây tỏa khói mờ
Không lâu sau đã có thể viết những câu thật mộc mạc, nôm na như:
Ai ơi ra sức cấy cày
Thêm giờ lao động bớt ngày lao đao
Và nhất là hai câu này:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Đã trở nên quen thuộc với mọi người. Không phải chỉ một mình tôi, điều phân vân trên còn có ở những người khác. Rất nhiều bạn đọc hỏi: Hay Thanh Tịnh làm hai loại thơ kia có một một người? Lại nữa, một nhà văn đồng thời với Thanh Tịnh kể: Hồi năm 1951, sau chiến dịch Biên giới, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức được cử về các địa phương công tác. Thanh Tịnh về Khu 4. Cách mạng đang gặp nhiều khó khăn. Đời sống vật chất cũng như tinh thần còn gian khổ, thiếu thốn. Một số người không chịu đựng được đã từ bỏ kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bấy giờ ở Việt Bắc tâm sự với bạn bè đoán chắc Thanh Tịnh cũng trong số những người ấy. Đến khi Hải Triều từ miền Trung ra kể chuyện Thanh Tịnh vẫn đang ở Khu 4 làm ca dao cổ vũ quân dân tăng gia sản xuất và kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng cảm động, rưng rưng nước mắt...
Đi với cách mạng, Thanh Tịnh không nề hà bất cứ việc gì. Biểu hiện rõ nhất là ông đã tìm được độc tấu, một loại hình nghệ thuật rất thích hợp với hoàn cảnh đánh giặc lúc bấy giờ, đến nay vẫn còn tác dụng. Chẳng những sáng tác những bài độc tấu, ông còn trực tiếp biểu diễn độc tấu, tham gia vào công việc tuyên truyền vận động cách mạng trên những nẻo đường kháng chiến chống Pháp. Bấy giờ, có một nhà văn cùng thời đã bực dọc viết lên báo: Không ngờ một nhà văn như Thanh Tịnh, tác giả tập truyện truyện ngắn Quê mẹ nổi tiếng trước cách mạng bây giờ lại đi làm trò hề, trò xẩm! Nhưng Thanh Tịnh vẫn cứ độc tấu và còn không ngần ngại làm xẩm thực sự vào những năm sau đó, khi ông dẫn đầu một đoàn già trẻ, gái trai hơn ba chục người hỏng mắt đi... hát rong chống âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam năm 1954.
Một bài học sinh động tôi thấy được ở Thanh Tịnh là ông không bao giờ ngừng học tập, tìm tòi và suy nghĩ. Ông không chịu dừng lại ở chỗ nhiều người đã dừng. Cũng thể hiện một ý như tục ngữ, mấy chục năm trước, ông có cách nói khác: Không có trâu bắt bồ câu kéo cày thay cho câu tục ngữ hơi tục không thỏa đáng trong một số trường hợp: Không có chó bắt mèo... Trong công cuộc đổi mới về văn hóa văn nghệ, gần đây, có nhà văn đề xuất: Muốn có tác phẩm hay đối với nhà văn cần có 3T (tài, tiền và tự do). Thanh Tịnh bổ sung: phải có 5T. Ngoài tài, tiền và tự do còn cần có tâm và tình (Tình cảm đối với nhân dân, đất nước). Ngẫm nghĩ, thấy Thanh Tịnh thật sâu sắc, thật có lý. Một chuyện khác. Năm 1946, Thanh Tịnh từ Huế ra Bắc họp Hội nghị Văn hóa cứu quốc lần thứ nhất (lúc này ông là thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ). Họp xong thì toàn quốc kháng chiến. Đến năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là đúng ba chục năm, nhà văn mới được trở lại Huế. Trước bà con, bè bạn quê hương, những ngày đầu về Huế, Thanh Tịnh có cách nói hóm hỉnh và thông minh này, mấy ai đã nói được: “Tôi đi họp từ năm 1946 bây giờ mới trở về. Cuộc họp hơi dài. Khi ra đi đầu tôi một thứ tóc, bây giờ thì đã hai thứ tóc, và hai thứ tóc lại đang chuyển sang một thứ tóc!...”
Thanh Tịnh luôn tìm ra những cách chơi chữ, và nhiều khi cách chơi chữ của ông đã đạt đến một nghệ thuật cao. Hồi Tổng tấn công tết Mậu Thân ở miền Nam, nghĩ đến ngày mình có thể được trở lại quê hương, ông bảo: Chiến thắng nhanh – về Văn Lâu, chiến thắng lâu – về Văn Điển. (Chiến thắng mà nhanh thì ông được trở về xứ Huế quê hương có Phu Văn Lâu. Chiến thắng chậm thì tuổi ông không chờ được phải về nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội!...)
Một lần ngồi trên xe ô tô trong một chuyến công tác, ông bảo tôi:
- Diệu ơi (Thanh Tịnh có cách gọi rất nhẹ nhàng, thân mạt kiểu Huế). Một người Bắc Âu nói được nhận xét này, chúng ta ai cũng biết mà không nói được: Thiếu niên thường đi từng đoàn, thanh niên thường đi từng đôi, người già thường đi một mình.
Những cách nói giàu chất trí tuệ như thế, hoặc do Thanh Tịnh nghĩ ra, hoặc do nhà văn đọc được, nhiều lắm. Chúng làm cho văn viết và văn nói của ông tràn đầy sức sống và thật sự hấp dẫn.
Có điều, đời sống riêng tư của Thanh Tịnh buồn nhiều hơn vui. Đến bây giờ, khi ông đã yên nghĩ, tưởng có thể “tiết lộ” được đôi điều. Sau khi nhà văn ra Bắc được ba năm, năm 1948 không hiểu nghe nguồn tìn nào nói Thanh Tịnh đã hy sinh, vợ ông đi lấy chồng khác. Hai con Thanh Tịnh mỗi người một nơi. Năm 1970, Thanh Tịnh nói, theo cách nói hóm hỉnh của ông: Một phần tư thế kỷ/Ăn cơm tập thế/Nằm giường cá nhân. Từ đó, thỉnh thoảng ông lại sửa mấy câu trên cho hợp. Thí dụ, đến 1975, ông nói: Trải qua ba chục năm trường/Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân.
Đằng sau cái giọng như là đùa ấy là nỗi buồn của sự cô đơn có thể làm người nghe rơi nước mắt. Đến bây giờ thì, thưa bác Thanh Tịnh – tôi xin được gọi như cách xưng hô với nhà văn thuở sinh thời – không phải một phần tư thế kỷ, cũng không phải ba chục năm trường nữa, mà đã trải qua hơn bốn chục năm trường rồi, sao nỗi cô đơn mà bác phải gánh chịu lại có thể dài đến thế! Để thắng nỗi cô đơn này, Thanh Tịnh có thơ. Có truyện ngắn, có kịch, có độc tấu... lại đi nói chuyện ở nhiều nơi và viết không hề ngừng nghỉ cho đến những ngày cuối đời với phương châm: Tuổi tuy hưu trí, trí không hưu mà ông tự đặt ra.
Thế là nhà văn Thanh Tịnh đã ra đi – như có lần ông bảo – để trò chuyện với các nhà văn Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân... Nếu được phép kể chuyện riêng, xin nói: Tôi có ân hận chưa làm được một việc mà nhà văn đã có lần ngỏ ý nhờ: Chép lại giúp ông những bài thơ của ông đăng rải rác trên báo chí trước cách mạng mà tôi sưu tầm được ghi trong sổ tay của mình. Nhà văn thì cũng chưa có dịp làm hai việc mà ông hứa: kể cho tôi nghe lai lịch những thứ đồ cổ ông sưu tầm từ mấy chục năm nay đang chất đầy nhà, và đưa tôi xem tập hồi ký ông viết về du lịch mà tôi tin là có những điều lý thú.
Những việc ấy dường như cũng có ích, và thật tiếc. Tuy nhiên, chúng đã lùi cả lại đằng sau. Trước mắt tôi, tôi chỉ thấy một hình ảnh mình thường gặp nhiều lần trên hè phố Lý Nam Đế, Hà Nội: Một ông lão cao, gầy, tóc trắng xóa, lững thững một mình, cái túi vải nhỏ khoác trên vai cứ như thế mà đi vào cõi vô cùng với tấm tình rất đỗi hiền từ, nhân hậu... Đó, nhà văn Thanh Tịnh của chúng ta.
HỒNG DIỆU
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn