VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Từ CTV tôi đã thành người của Nhà số 4 (ĐOÀN VĂN MẬT)

Thứ Hai, 16/04/2012 09:33
Tôi biết đến thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội từ khi có người anh cả nhập ngũ năm 1992. Trong ba tháng huấn luyện anh đã sưu tầm rồi chép vào sổ tay rất nhiều bài thơ hay của các nhà thơ quân đội và lần về phép đầu tiên anh để dành tặng tôi cuốn sổ làm kỉ niệm. Gần như những bài thơ chép tôi đã đọc thuộc làu làu nhưng lúc đó thì chỉ biết đến thơ in trên Văn nghệ Quân đội chứ chưa hề biết mặt mũi cuốn tạp chí ra sao. Mãi tới năm 1996 trong một dịp lên thành phố Nam Định mua tài liệu học tập ở hiệu sách báo cũ tôi mới kiếm được một cuốn Văn nghệ Quân đội in từ năm 1990, bìa đã rất nhàu và cũ nhưng vẫn đọc được khá tốt. Từ đó tôi đã hình thành được thói quen sưu tầm tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến nỗi ông chủ hiệu sách báo cũ ở góc phố cứ nhìn thấy tôi là lại mang ra hàng chục cuốn vừa bán, vừa cho vì thấy tôi say mê quá mức. Bản thân ông chủ hiệu sách ấy cũng là một người lính từ chiến trường ra và rất say mê đọc sách. Ông bảo: “Tôi bán sách cả chục năm nhưng ít thấy người trẻ nào thích đọc Văn nghệ Quân đội như cậu”. Hồi này tôi cũng bắt đầu làm thơ rồi được in rải rác trên một số tạp chí địa phương cùng các báo của tuổi mới lớn. Dù rất muốn có bài in trên Văn nghệ Quân đội nhưng phải đến năm 2003 tôi mới dám gửi bài cộng tác đến Nhà số 4 và thật bất ngờ khi chỉ hai tuần sau tôi đã nhận được báo biếu cùng phiếu lĩnh nhuận bút của tạp chí gửi về. Niềm vui sướng ấy râm ran trong tôi suốt cả tuần không gì diễn tả nổi. Thời gian này tuy vừa tốt nghiệp trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nam Định nhưng tôi vẫn nuôi sở nguyện thi vào Khoa Sáng tác và lí luận phê bình văn học (trước đây là Trường viết văn Nguyễn Du) của Đại học Văn hóa Hà Nội để thực hiện mong muốn của mình, nên những bài thơ in trên Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Trẻ, Tiền phong… đã thúc đẩy động lực trong tôi ngày một cao hơn rất nhiều.

Có lần trao đổi bài vở biên tập với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu qua điện thoại, ngỡ tôi là người đã có tuổi nên nhà thơ áo lính toàn xưng hô bằng “ông - tôi”. Đến khi biết tôi chỉ ngoài 20 tuổi ông mới trầm trồ: “Mật trẻ nhỉ! Mới bằng tuổi con mình thôi nhỉ! Nhưng đọc thơ thấy già quá, suy nghĩ nhiều quá, tròn trịa quá! Tuổi đang trẻ nên phải mạnh mẽ, tươi tắn và bứt phá thì hơn Mật ạ”.

Ít lâu sau đó tôi nhận được mấy dòng nhắn nhủ qua thư của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:

Đoàn Văn Mật thân mến! Tôi là Nguyễn Hữu Quý - Trưởng ban thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã chuyển sang Ban sáng tác do vậy nếu bạn có sáng tác mới thì gửi qua địa chỉ của tôi nhé.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe

Nguyễn Hữu Quý

Những lúc ấy tôi đã nghiệm ra rằng với một người trẻ mới cầm bút, việc nhận được lời động viên khích lệ là rất quan trọng. Có thể nó chỉ như một hạt cát bé nhỏ để góp vào con đường vốn đang gồ ghề khấp khểnh để nâng bước chân qua, có khi chỉ là một giọt dầu làm cho động cơ của cỗ máy được chạy tốt hơn dù không có nó thì cỗ máy kia vẫn chạy, cũng có lúc nó như một tia chớp lóe lên giữa đêm tối để người ta nhận biết được mình đang đứng ở đâu trong biển chữ mênh mông và vô định.

Trong thời gian học viết văn, Văn nghệ Quân đội là nơi tôi thường xuyên đến nhất bởi ở đó có những “cây đa cây đề” mà tôi vô cùng yêu mến, kính trọng, có những người anh luôn chia sẻ, trao đổi rất thẳng thắn, có cả những thứ mãnh lực vô hình cuốn hút tôi đến ngôi nhà đó.

Ngày nhận được nhã ý về làm việc ở Nhà số 4, trong tôi có nhiều cảm xúc hơn cả, vui thì rất vui nhưng lo lắng cũng không ít. Nhớ buổi tối khi còn đôi chút phân vân do dự về công việc khi ra trường, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng đã gọi tôi đến một quán rượu vỉa hè bảo: “Văn nghệ Quân đội có môi trường làm việc khá lý tưởng cho những ai theo nghiệp văn chương, nếu Mật về được đấy hẳn hôm nay chúng ta uống chén rượu mừng, còn không thì tối nay là chén rượu cuối cùng anh em bạn bè áo lính chia sẻ với một thằng thường dân chưa biết tí ti gì về Nhà số 4. Về được Văn nghệ Quân đội chẳng dễ dàng đâu, ngay cả khi về được rồi Mật sẽ phải còn cố gắng nhiều lắm, tin thì tin không tin thì thôi”.

Vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học ngày hôm trước, thì ngay sáng hôm sau tôi đã có mặt ở tạp chí Văn nghệ Quân đội để nộp hồ sơ xin việc. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình bảo “Mật có muốn nghỉ ngơi, về quê chơi hay đi đâu đó ít hôm để tuần sau đến làm cũng chưa muộn” nhưng tôi muốn bắt tay ngay vào công việc mà mình đang háo hức đợi chờ từ lâu. Do từ dân sự chuyển vào nên tôi phải trải qua thời gian thử thách để làm quen với công việc cũng như hòa nhập dần với chất văn chương áo lính trong cơ quan. Đó cũng là khoảng thời gian tôi được học hỏi rất nhiều từ các nhà văn Nguyễn Bảo, Ngô Vĩnh Bình, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai… mà nói trong câu chuyện vui ở Nhà số 4 thì chu đáo như Khuất Quang Thụy, hiền lành, đức độ như Ngô Vĩnh Bình, đa tài như Nguyễn Bình Phương, biết việc như Đỗ Bích Thúy, xông xáo như Nguyễn Đình Tú, chỉn chu như Phạm Duy Nghĩa, tình cảm như Nguyễn Hữu Quý, nóng nảy như Nguyễn Thế Hùng, chung thủy như Đoàn Minh Tâm và đa mang như Đỗ Tiến Thụy…

Tôi vẫn tin rằng sự vận động của đời sống luôn ẩn chứa nhiều cái duyên. Một trong những cái duyên ấy là khi tôi về Ban thơ. Trưởng ban Nguyễn Hữu Quý và tôi sinh ra cùng một làng nhưng chỉ khác nhau về địa lí - anh ở Thanh Khê – Quảng Bình còn tôi ở Thanh Khê – Nam Định. (Một lần nhà văn Đỗ Tiến Thụy đọc được truyện ngắn của tác giả Thanh Khê trên báo Văn nghệ, nhất mực khẳng định đây là truyện ngắn của Phùng Văn Khai vì tôi và anh Quý chỉ biết làm thơ còn Phùng Văn Khai thỉnh thoảng vẫn lấy bút danh ấy… đương nhiên truyện ngắn ấy không phải của tôi rồi). Điều nữa là trong Ban thơ có bốn người thì có tới ba phu nhân chính danh và sắp sửa chính danh tên là Mai, và nghe nói chị em có ý định tổ chức “đại hội” để phân tài cao thấp.

Văn nghệ Quân đội không chỉ hội tụ được những người viết áo lính uy tín mà cao hơn cả đấy còn là một gia đình văn chương. Ở đó đồng nghiệp gọi nhau bằng những từ rất thân tình NGƯỜI NHÀ MÌNH

ĐOÀN VĂN MẬT





 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)