Cuộc sinh hoạt ấy cách nay dễ đến 8,9 năm nhưng tôi cứ nhớ đến từng chi tiết, từng gương mặt, từng câu nói, … Bởi nó ăn đậm vào tâm trí…
Tôi là người có tham gia viết nghiên cứu phê bình lại từng giảng dạy ở nhiều bậc học, từ phổ thông đến đại học rồi sau đại học nên thường được dự nhiều các cuộc tọa đàm trao đổi về các vấn đề nghiên cứu khoa học văn học. Ấn tượng chung từ các cuộc sinh hoạt như vậy là rất bổ ích cho cá nhân mình, vì được mở mang nhiều từ kiến thức đến cách tiếp cận rồi cách viết… sao cho uyển chuyển hợp lý với từng vấn đề. Các diễn giả vì hầu như đều là chuyên gia nên khi nói ra đã thấy họ là bậc thầy của mình về phương diện ấy. Đó thực sự là trao đổi khoa học trên tinh thần hiểu biết, tìm tòi, khám phá và tôn trọng lẫn nhau.
Sinh hoạt học thuật ở Nhà số 4 thì còn hơn cả thế nữa.
Đó là buổi tọa đàm về tiểu thuyết Cuộc đời dài lắm của nhà văn Chu Lai. Tôi vẫn nhớ những người tham gia. Các nhà tiểu thuyết lừng danh của tiểu thuyết Việt Nam đương đại: Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bảo… Các nhà nghiên cứu phê bình: Lý Hoài Thu, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Vương, Bùi Việt Thắng, Trịnh Đình Khôi, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hòa… Về phía Nhà xuất bản Quân đội, nơi là “bà đỡ” của tác phẩm có nhà văn Nguyễn Tiến Hải. Hơn cả thế nữa là thế nào? Vì đã đọc kỹ nên tôi biết các nhà nghiên cứu nói rất đúng, rất sâu về tác phẩm. Dưới góc độ nhân vật thì nhà văn đã dùng phép dồn tụ để đẩy nhân vật đến tận cùng của bi kịch. Nhìn chung con người trong tiểu thuyết Chu Lai là con người của bi kịch, con người của những mâu thuẫn với những số phận tận cùng ngang trái, có nhân cách vô cùng cao thượng hoặc tận cùng của sự đểu giả…Nhìn vào mô hình kết cấu, tiểu thuyết thường được xây dựng trên hai trục thời gian quá khứ và hiện tại xen kẽ và lồng vào nhau rất chặt.Ở góc độ trần thuật nhà văn đã tạo ra một sự di động luân phiên các điểm nhìn tạo ra sự đa dạng các bình diện miêu tả. Thủ pháp cắt dán của điện ảnh được huy động tối đa. Các câu văn được làm duyên bằng các tu từ nghệ thuật so sánh và liên tưởng… Tức là những thành công của tác phẩm được soi chiếu từ nhiều góc độ. Và cả những hạn chế được mổ xẻ, như lạm dụng các yếu tố ngẫu nhiên, các cảnh gợi tình, làm tình hơi nhiều vừa gây phản cảm vừa không ăn nhập gì nhiều đến tính cách nhân vật và biến cố của tiểu thuyết…
Các nhà nghiên cứu thì nói đúng nói sâu như vậy còn các nhà văn thì nói lại thật hay!
Vì là người trong nghề nên các sự “bếp núc” và kinh nghiệm viết văn về xây dựng đề cương, cảm hứng sáng tạo, cách xây dựng nhân vật, bố trí các tình tiết văn chương… được các nhà tiểu thuyết đưa ra để đối chiếu, lý giải, tường minh… thật có sức lôi cuốn. Nói như Hoài Thanh là phê bình kiểu này là “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, phê bình lối tri âm. Nói hay nhất là tiểu thuyết gia Ma Văn Kháng. Ông đứng ở nhiều góc độ để phân tích, vừa nói về kinh nghiệm viết tiểu thuyết của nhà văn, kinh nghiệm đọc của độc giả từng trải… Ông phản biện lại ý kiến cho rằng cảnh làm tình, gợi tình hơi nhiều. Nhà văn hăng lên, đang ngồi liền đứng bật dậy chiêu tuyết cho vấn đề tính dục trong văn học và kêu gọi nhà văn nên viết về tình dục, tình yêu nồng nàn hơn, dĩ nhiên tình dục tình yêu chỉ là phương tiện để đi tới mục đích nghệ thuật là ca ngợi vẻ đẹp phồn thực cường tráng của con người…Cả cử tọa vỗ tay hoan hô những điều tâm huyết của nhà văn lão thành.
Tôi thì lại rút ra được một kinh nghiệm: Từ nay buổi sinh hoạt học thuật nào mà có các nhà văn tham dự thì cố gắng không thể bỏ. Và tôi đã làm như vậy và mãi sẽ như vậy để được hiểu biết hơn!
NGUYỄN THANH TÚ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn