Khi tôi về nhà số 4 rồi thì mới biết rằng mình là một trong bốn “anh giáo” hiện thời ở đây. Xếp theo thứ tự tuổi nghề thì như sau: Nguyễn Thanh Tú, Phạm Duy Nghĩa, tôi và Đoàn Minh Tâm. Đoàn Minh Tâm gọi là anh giáo cho “oai” chứ thực ra “giáo Tâm” chưa hề đứng trên bục giảng chính thức một ngày nào, chỉ thỉnh thoảng “đánh quả” vài cua gia sư cấp tốc, nhưng vì Đoàn Minh Tâm tốt nghiệp Đại học Sư phạm hẳn hoi nên xếp cùng hàng lối cũng không sai gì. Ba người còn lại đều là những “tay giáo có sừng, có mỏ” ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trước khi gia nhập nhà số 4.
Nguyễn Thanh Tú là anh giáo kì cựu nhất, về tuổi đời anh cũng nhiều nhất so với chúng tôi. Nguyễn Thanh Tú đã từng lăn lộn giảng dạy trên các bản làng, nếm đủ mùi vui buồn nghề dạy học, rồi thành chuyên viên sở giáo dục, giảng viên đại học và hiện thời là thành viên nhà số 4. Nhìn dáng đứng, bước đi thì thấy anh vẫn còn giữ cái chất nhà giáo sâu đậm lắm. Nghiêm túc, lặng lẽ. Anh đau chân mà vẫn chống nạng đi họp, ai thấy cũng xúc động như đang chứng kiến một ông thầy tận tụy, cố đến lớp vì chưa bố trí được người dạy thay. “Ông giáo Tú” cũng là một trong những tay cầu lông xuất sắc nhất nhà số 4, khi anh bị đau không chơi được, ai cũng thấy thiếu thiếu một thứ gì đó, và nhớ tiếng cười sảng khoái của anh khi giành được điểm số quan trọng trong những trận cầu “nảy lửa” giữa Ban văn xuôi và Ban phê bình, nhiều khi phải gọi thêm cả Ban thơ, Ban trị sự ra làm trọng tài…để tăng thêm phần chính xác.
Phạm Duy Nghĩa là một “anh giáo” từ vùng Sa Pa hoa đào, hoa mận di cư xuống. Có lẽ vì thế mà nhiều khi thấy anh đứng thẫn thờ ngắm những cô gái thướt tha đi bộ qua nhà số 4 phố Lý Nam Đế, hay khi những nữ cộng tác viên Ban thơ chầm chậm đi qua phòng anh. Diện áo sơ mi, luôn luôn sơ vin và cho dù đã xa bục giảng nhiều năm anh vẫn không bỏ được thói quen của một nhà giáo: cẩn thận, cầu toàn, đôi khi quá mức như anh từng tuyên bố “đã nhiễm vào người lâu quá, không bỏ được”. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng từng khích rằng: “Tướng ông là tướng giáo làng, phải bừa phứa một tí thì con gái nó mới theo” và thỉnh thoảng những cô học trò xinh đẹp của nhà văn Uông Triều từ Đại học Ngoại ngữ, Ngoại giao, Ngoại thương, Sư phạm đến thăm thầy, anh vẫn ngầm ý sắp đặt cho “giáo Nghĩa” làm quen nhưng có vẻ vẫn không ăn thua gì. Anh vẫn “lừng khừng” một cách khó hiểu. “Giáo Nghĩa” gần như là một “ca” gay cấn nhất trong việc chọn bạn gái ở nhà số 4, cả cơ quan luôn trong tình trạng hồi hộp khi thấy anh đi với một bóng hồng nào đấy…
Đoàn Minh Tâm là “tay giáo” trẻ nhất. Tâm không chọn nghề giáo nhưng tôi cho rằng, trong số những “anh giáo xuất thân” ở nhà số 4 thì Tâm chính là người phù hợp nhất. Chăm chỉ, “ngoan ngoãn”, thương học trò cả nam và nữ khi anh đến gia sư và rất ít khi nóng giận, to tiếng; có vẻ như là những phẩm chất…triển vọng của một nhà giáo tốt. “Giáo Tâm” hay kể về quãng thời sinh viên sư phạm “oanh liệt” của mình, nào cả nhà anh đã theo ngành sư phạm nên anh nhất quyết…không theo. Cứ nhìn cái dáng lõng thõng, nghềnh ngàng của Đoàn Minh Tâm tôi lại mang máng anh giáo Thứ của Nam Cao, hay là…
Anh giáo thứ tư là tôi. Ngày mới về nhà số 4, tôi luôn mang cặp mắt của anh giáo làng mà lơ ngơ nhìn quanh mọi thứ. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy bảo, cái chất nhà giáo trong cậu vẫn còn nhiều lắm, dần dần mà tẩy bớt đi, đây là quân đội, là văn chương, không thể cứ lành lành, nhạt nhạt được. Tôi cũng không biết có làm được như thế không, quen sống giữa phố núi quang rộng yên bình, nay về thủ đô thấy phố xá hiện đại mà chật hẹp, nhà cao tầng mà khó thấy mặt trời…
Tách ra khỏi môi trường sư phạm nhưng thỉnh thoảng mấy anh giáo chúng tôi vẫn “hành nghề”. Nguyễn Thanh Tú thỉnh thoảng vẫn đi giảng ở các trường Đại học, Cao đẳng theo đặt hàng; Phạm Duy Nghĩa lâu lâu lại có một chuyến đi dạy ở vùng xa xôi nào đó, mà sự hồi hộp bắt đầu từ khi mới xếp va li; Đoàn Minh Tâm những khi sắp đi dạy thì có vẻ hoạt bát và gọn gàng hơn, anh “đầu tư” vào y phục khi đứng trước học trò; còn tôi cũng may mắn không mất đi nghề của mình. Tôi chiêu mộ được một số học trò thuộc hàng “khủng long”, những học trò này đều hơn tuổi thầy và tính khí thuộc loại “nắng mưa” cho nên không phải khi nào cũng dễ dạy hoặc quở phạt, nhiều khi còn phải gọi điện hỏi, liệu hôm nay trò có muốn…học không để thầy còn dạy!
Các nhà văn ở nhà số 4, mỗi người xuất phát từ những điểm vùng khác nhau, nói theo kiểu ngoại giao là thống nhất trong đa dạng. Chúng tôi, những nhà văn xuất thân từ những anh giáo cũng có chút ít điểm riêng biệt, để rồi hòa đồng trong một ngôi nhà nhiều màu sắc, nhiều cá tính và niềm sáng tạo khác biệt. Những anh giáo nhà số 4 chắc không phải hối hận về ngày trước của mình, hẳn cũng ngẩng cao đầu về ngày này nơi đây, cho dù đôi khi thấy mệt vì thấy mình mang nhiều vai quá: nhà giáo, nhà báo, nhà văn, chiến sĩ. Không biết các anh giáo khác có nghĩ như tôi không?
UÔNG TRIỀU
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn