CLB Nghệ sĩ Trẻ thuộc Hội Mĩ thuật Việt Nam là nơi tập hợp các nghệ sĩ trẻ trong đó có nhiều gương mặt tài năng và cá tính. Triển lãm của các nghệ sĩ trẻ thuộc CLB vừa kết thúc tại 16 - Ngô Quyền. Đây cũng được coi như một hoạt động khép lại một nhiệm kì để mở ra một nhiệm kì mới với những gương mặt mới kế tiếp. Họa sĩ Đỗ Hiệp với vai trò Chủ nhiệm CLB 5 năm qua đã có những chia sẻ với VNQĐ Online về hoạt động nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ. |
- Anh có thể nói một chút về Triển lãm của CLB Nghệ sĩ Trẻ vừa diễn ra?
+ Xin chào VNQĐ Online! Câu lạc bộ Nghệ sĩ Trẻ chúng tôi vừa tổ chức 2 cuộc triển lãm liên tiếp mang tên "Mời bạn vào" và "Nghệ sĩ trẻ Việt Nam- Vietnamese Young Artist 2020 (VYA2020)” với thông điệp chào đón các nghệ sĩ trẻ mới và giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ cuối 7x và 8x đang hoạt động sôi nổi, có tiếng nói riêng trong nghệ thuật trẻ.
Về triển lãm VYA2020, chúng tôi có 29 nghệ sĩ 3 miền tham dự với những tác phẩm mới nhất cùng sự đa dạng về loại hình và chất liệu sáng tác như giấy dó, sơn dầu, sơn mài, gốm, màu tự nhiên (máu bò), sắt hàn, gỗ, giấy bồi, acrylic, mực bút bi... mang tới nhiều câu chuyện riêng chung trong đời sống đương thời. Triển lãm thu hút rất nhiều sự quan tâm của người yêu nghệ thuật cũng như các đơn vị truyền thông... Đó thực sự là niềm vui cho đời sống nghệ thuật đang sôi động trở lại sau mùa dịch.
- CLB Nghệ sĩ Trẻ - Hội Mĩ thuật Việt Nam ra đời từ những năm 90 của thế kỉ trước, với nhiều họa sĩ đã thành danh sau này. Đỗ Hiệp và những gương mặt họa sĩ trẻ đã tiếp tục dòng chảy ấy như thế nào?
+ Ồ! Chính xác là như vậy. Rất nhiều các thế hệ nghệ sĩ đàn anh đều đã có những khoảng thời gian gắn bó với CLB như họa sĩ Công Quốc Hà, Vũ Hồng Nguyên, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Xuân Long, NĐK Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Bình Chương, Hoàng Duy Vàng,.., có thể coi đó là truyền thống và niềm tự hào. Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp quản CLB, với tâm niệm tiếp bước và mong muốn dùng hết nguồn lực có được để hỗ trợ, động viên và tạo ra môi trường hoạt động cũng như kết nối các nghệ sĩ trẻ với nhau. Biết rằng nghệ thuật là thứ độc lập, song những sự kết nối ban đầu lại rất cần để các nghệ sĩ có thêm một chỗ dựa nữa trên hành trình cá nhân ấy. Cố gắng mở ra các chủ đề triển lãm thực tế và tìm kiếm những gương mặt 9x mới, đó là hướng đi xuyên suốt của chúng tôi. Bởi thế hệ 8x cũng đã phần nào tạo được chỗ đứng và lối đi riêng. Tất nhiên, những điều chúng tôi chưa làm được thì cũng rất nhiều.
- Triển lãm lần này có phải là một sự nhìn lại hoạt động của CLB trong nhiệm kì vừa qua? Và nếu phải đánh giá một chút về những gì các họa sĩ trẻ Việt Nam đã làm được 5 năm qua thì anh sẽ nói gì?
+ Cũng có thể nói triển lãm là một sự gặp gỡ quy mô nhỏ của thế hệ chúng tôi, tất nhiên không thể đầy đủ được rồi, song người xem cũng điểm ra được vài phần đời sống nghệ thuật trẻ hiện nay. Đang có những sự chín, chững chạc và ngập ngừng nữa.
5 năm qua, chúng tôi đã kết nối được với các nghệ sĩ 3 miền qua các triển lãm lớn như Today, Chòn Chòn, Nghệ sĩ trẻ 2020 cùng nhiều triển lãm nhóm và cá nhân hàng năm. Một số gương mặt trẻ đã tham gia như Phạm Huy Thông, Mai Duy Minh (Minh Kính), Phương Giò, Trần Tuấn (Tuấn Then), Huy An, Phạm Tuấn Tú, Bùi Thanh Tâm... CLB Nghệ sĩ Trẻ cũng được đánh giá về sự đổi mới trong cách hoạt động, tuyển chọn, tổ chức và tạo được dấu ấn riêng trong nhiệm kì.
5 năm qua rất nhanh, nhưng sự hồi hộp ngày đầu vẫn còn đó, bởi chúng tôi vẫn còn mong muốn quá nhiều thứ nữa mà chưa thành hiện thực bởi những lí do cả khách quan và chủ quan. Chẳng hạn như kết nối với các nghệ sĩ trẻ quốc tế, mở thêm các triển lãm cá nhân cho những gương mặt tiềm năng, tổ chức các workshop về nghề...
Chúng tôi mừng là đã tìm ra được một lứa 9x mới trong bối cảnh hiếm hoi, vắng vẻ các bạn trẻ thực hành nghệ thuật. Họ có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò của chúng tôi và mong rằng với nhiều điều thuận lợi cũng như bất lợi, các bạn ấy vẫn sẽ bước tiếp và làm được tốt hơn, nhiều hơn chúng tôi đã làm.
Chúng tôi rất hi vọng vào lớp 9x kế tiếp này.
Tác phẩm Quà của Biển bằng chất liệu nhôm đúc và đá, của nghệ sĩ trẻ Hoàng Mai Thiệp tại triển lãm VYA 2020. Ảnh Bảo An.
- Nhìn vào đời sống cá nhân cũng như hoạt động nghệ thuật của Đỗ Hiệp thì có thể thấy Hội Mĩ thuật Việt Nam nhiệm kì qua đã chọn được một thủ lĩnh thực thụ của nghệ sĩ trẻ. Còn về phần anh, vì sao anh “chọn” Hội? Anh có nghĩ mình hợp với việc quy tụ anh em trẻ trong hoạt động nghệ thuật?
+ Tôi là người thích giao lưu và đi chơi (cười). Có lẽ điều đó đã giúp tôi có được mối quan hệ rộng với anh em. Tôi cũng không hẳn là người "yêu Hội", nhưng tôi quý trọng sự quan tâm của Hội tới nghệ sĩ trẻ, mà tôi cũng là người hoạt động và phần nào trưởng thành hơn từ đó. Cảm thấy được phần trách nhiệm của mình, chúng tôi nghĩ "mình không làm thì ai sẽ làm", vậy là chúng tôi nhận lời, sau một thời gian dài "sợ việc". Chúng tôi có 5 người trong ban chủ nhiệm, đều là những thành viên hoạt động lâu dài ở CLB, hợp và cùng chí hướng, vui vẻ và hòa đồng, cùng đưa ra các ý tưởng cũng như "quyết sách" lâu dài. Tôi thấy vui vì sau 5 năm cũng góp được một chút gì đó cho hoạt động của CLB. Và có lẽ sau đây chúng tôi cũng sẽ có những cách thức hoạt động khác cho nghệ thuật trẻ với tư cách độc lập.
- Làm công tác hội tính kết nối rất quan trọng, mà nghệ sĩ, không phải ai cũng có kĩ năng này. Anh đã ứng xử thế nào với vai trò Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ Trẻ?
+ Tôi may mắn khi có nhiều anh em quý mến và ủng hộ, sẵn sàng nhận lời mời khi có chương trình, tất nhiên cũng có nhiều anh em "dỗi" khi mời người này mà không mời người kia. Nhưng nếu cứ đặt vấn đề "được và mất" thì không làm được việc, thôi cũng đành... Hội là hội chính trị - xã hội rồi mới tới nghề nghiệp nên phần nào cũng có những giới hạn, song các lãnh đạo hội vẫn luôn hết sức tìm cách ủng hộ chúng tôi. Đó là điều giữ chúng tôi ở lại để tiếp tục nhiệm vụ. Mong muốn làm sao để nhiều nhất những người được hỗ trợ mà không ảnh hưởng tới chuyên môn và tạo ra được cộng đồng tích cực là kim chỉ nam cho hoạt động của CLB. Hình ảnh của chúng tôi luôn ở phía sau và nhường không gian cho người khác, cố gắng tìm kiếm thêm nguồn lực để hỗ trợ chương trình và nghệ sĩ.
Một số tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ tại triển lãm VYA 2020. Ảnh Bảo An. | “Kết nối để hội tụ cho một dòng chảy thuần khiết của Văn hóa và Tâm hồn Việt nhưng can đảm đối diện với những nẻo ngoặt, khúc quanh tất yếu trong bức tranh toàn cảnh của Mĩ thuật Việt Nam đương đại. Một trang mới tinh đã sang tay các nghệ sĩ trẻ với sứ mệnh xoay thập kỉ bản lề khó cưỡng”. (Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam) |
- Gương mặt mĩ thuật trẻ Việt Nam hiện đang ở đâu? Chắc hẳn một nghệ sĩ nhiều tìm tòi và khát vọng như anh, lại phụ trách CLB Nghệ sĩ Trẻ của Hội đã nghĩ tới. Và câu trả lời là…
+ Là chính ở từ khóa “Mỹ thuật đương đại Việt Nam”, ở các triển lãm, hội trợ nghệ thuật trong và ngoài nước. Được làm nghề, sống tốt với nghề, và hạnh phúc với nghề, tôi nghĩ rằng đó là điều mà bất kì nghệ sĩ nào cũng khát khao.
Có thể nói trong bối cảnh hiện tại, các lứa nghệ sĩ 7x và 8x đang chính là đại diện của Mỹ thuật đương đại Việt nam, đang hừng hực, đang khao khát và hạnh phúc. Có một điều, tôi cho rằng rất cần chú ý, đó là lứa nghệ sĩ 7x và 8x rất chịu khó kết nối, hỗ trợ và tạo điều kiện cũng như không gian cho thế hệ sau mình. Đó là một sự thay đổi lớn.
- Thế hệ họa sĩ trước đó và lứa nghệ sĩ 8X các anh, anh có sự đối sánh nghệ thuật nào không?
+ Câu chuyện thế hệ luôn là đề tài hấp dẫn và khó cưỡng đối với mỗi người nghệ sĩ và ngay cả với những người quan tâm tới nghệ thuật. Ở đó, người ta có thể dùng phép đối chiếu và so sánh, về chủ đề, cách thực hành nghệ thuật cũng như mỗi quan hệ giữa các nghệ sĩ. Thế hệ đàn anh, tôi cho rằng các anh có đời sống cá nhân nhiều hơn so với chúng tôi (có thể chúng tối chưa đến lúc đó) nên câu chuyện nghệ thuật tự sự cũng nhiều và thâm thúy hơn. Thế hệ 8x thì nói về đời sống xã hội, môi trường sống quanh mình nhiều hơn. Chính vì vậy nên sự kết nối và thành lập các nhóm hoạt động, thực hành và chia sẻ nghệ thuật theo hướng cộng đồng, cũng như các hình thức thực hành nghệ thuật mới đa dạng theo trào lưu hơn. Tôi cho đó cũng là điểm khác biệt cốt lõi tạo ra sự phong phú đa dạng giữa các thế hệ.
- Người ta bình tán nhiều về vai trò của các hội đoàn, với Hội Mĩ thuật, anh thấy tổ chức hội đã mang lại cho các họa sĩ, đặc biệt là họa sĩ trẻ những cơ hội nghề nghiệp gì?
+ Một cánh én không làm nên mùa xuân. Tất nhiên là không có Hội thì vẫn có nghệ sĩ, nhưng cũng không thể phủ nhận, Hội đã hỗ trợ được rất nhiều cá nhân và tổ chức trong các hoạt động nghề. Đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, quãng đời đặc biệt cần sự lưu ý và hỗ trợ khi các điều kiện về vật chất, trải nghiệm cũng như không gian thực hành nghệ thuật còn thiếu, yếu. Sự kết nối của các triển lãm trẻ, triển lãm khu vực, trại sáng tác hay không gian triển lãm như chiếc phao tiếp sức cho họ trên bước đầu của hành trình nghệ thuật đầy ngỡ ngàng và biến động. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những cơ chế thoáng hơn, thực tế và thiết yếu hơn nữa dành cho nghệ sĩ trẻ, những người tiếp bước cho nghệ thuật nước nhà nở hoa.
- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ Online!
BẢO AN thực hiện
VNQD