Tiến sĩ, Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh Không thể phủ nhận một điều rằng, người đọc hiện nay có cảm giác đắn đo, hoài nghi, thậm chí là hoang mang trước các tác phẩm thơ đương đại. Khó đọc, khó hiểu, khó thuộc, khác với thơ truyền thống, chẳng biết có phải là thơ… đang là vấn đề nảy sinh trong quá trình tiếp cận thơ hiện nay. Để hiểu rõ hơn thực trạng ấy cũng như có được cái nhìn bao quát hơn về cảnh quan của thơ ca đương đại, VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh - tác giả được tặng thưởng thơ của VNQĐ năm 2019. Hiện chị là Tiến sĩ - Nghiên cứu viên Văn học nước ngoài tại Viện Văn học - Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam. |
- Chị thấy thơ trên Văn nghệ Quân đội như thế nào? Chúng tôi không ngại những đánh giá khắt khe hay những nhược điểm được chỉ ra, bởi vì đó chính là điều một tạp chí văn chương luôn cần để ngày càng hoàn thiện.
+ Là một bạn đọc nhiều năm của Văn nghệ Quân đội, tôi nhận thấy phong khí cởi mở của diễn đàn này thời gian gần đây khi thường xuyên cập nhật, giới thiệu những gương mặt thơ mới, những tác phẩm chất lượng, sáng tác của những tác giả trẻ ấn tượng. Tuy nhiên, có thể do tính chất tạp chí và đặc thù đối tượng độc giả mà Văn nghệ Quân đội hướng đến, những tác phẩm thơ được đăng tải trên diễn đàn phần lớn còn “hiền lành” và an toàn.
- Trước khi đến cuộc gặp gỡ, trò chuyện này, tôi đã nghĩ nhiều điều về thơ ca, và mong sẽ có dịp trao đổi cùng Thúy Hạnh. Tuy nhiên, điều đó hãy để sau một chút. Chị nghĩ đến điều gì khi nhận lời cuộc gặp gỡ trò chuyện về thi ca này? Ý tôi là chị có hi vọng sẽ bày tỏ được suy nghĩ gì của mình về thơ ca, vốn đang ấp ủ hay nung nấu, băn khoăn trong suy tư của mình?
+ Thực tình khi nhận lời mời của anh, tôi cảm thấy có chút ngần ngại và xấu hổ. Ưa sống và viết trong lặng lẽ, tôi không phải là người hợp với truyền thông. Tôi cho rằng sẽ hay hơn nếu có thể giữ khoảng cách với những gì mình viết, để tác phẩm hiện diện thay cho hiện hữu thực tế của tác giả, xác định giá trị và tự cất lên tiếng nói của chúng. Hơn nữa, có lẽ những phát ngôn đi sau tác phẩm chỉ nên công khai rộng rãi khi người ta đã có chút thành tựu để đảm bảo. Tôi chưa thấy mình có thành công nào đáng kể để trưng ra, và phía trước song hành với tôi luôn là thách thức là nỗ lực.
Với tôi, sáng tác thơ là một hành vi hoàn toàn cá nhân, nhưng đừng hiểu cá nhân trong thế đối lập nhị nguyên với cộng đồng, mỗi cá nhân là một vi lịch sử. Ở Việt Nam, tính cá nhân dễ bị hiểu nhầm là quay lưng lại với quần chúng hoặc thiếu trách nhiệm công dân, người ta mong chờ sự lên tiếng, tham dự của thơ vào đời sống xã hội nhiều hơn là sự vận động tự thân của nhà thơ trong việc khai thác những tiềm năng biểu hiện của ngôn ngữ. Riêng trong nghệ thuật, tôi tin rằng bản sắc cá nhân càng mạnh mẽ thì sự kiến tạo cái mới càng có tính khả thể.
Đứng trước câu hỏi dành cho mỗi nhà thơ: làm thế nào để tìm thấy được những kinh nghiệm cộng đồng thể hiện qua một bản ngã riêng biệt? Nghịch lí tồn tại ở chỗ này chăng? Những gì tạo nên ý nghĩa của người viết, khả năng làm phong phú hóa đời sống văn chương của anh ta lại chính ở việc anh ta có thể tách rời không gian quen thuộc của mình để trở thành một kẻ ngoại cuộc, trong quan hệ vĩnh hằng với tha nhân, hiện diện như một kẻ khác toàn phần, và vì thế, cô độc vô phương cứu chữa.
- Trước khi ra mắt tập Di chữ (2017), Thúy Hạnh đã từng xuất hiện trên một số diễn đàn thơ ca. Điều gì đã đưa chị đến với thơ ?
+ Internet mang đến một không gian tự do biểu đạt cho những cây bút trẻ chưa có mối quan hệ rộng trong mạng lưới thơ ca, nó cũng xóa bỏ việc văn chương chỉ thuộc về những cá nhân có đặc quyền. Những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Người Hà Nội từ năm 2007-2008 và sau đó là trên các diễn đàn Tổ quốc điện tử, Damau.org, Vanchuongviet.org. Có thể tôi sẽ tiếp tục công việc của mình tại trường đại học và chỉ làm thơ một cách nghiệp dư, nếu đời sống cá nhân không có một vài biến động.
Bản thân vốn yêu một lối sống kín đáo, nhưng thơ luôn tìm cách mở tôi ra. Nỗi cô đơn lọt lòng và trải nghiệm làm một người thất bại, cũng như những loay hoay giữa nhân quần và cảm giác không biết mình đang thuộc về không gian nào, ngoài ngôn ngữ, đã dẫn tôi về với thơ (và thơ tìm đến tôi) như một địa chỉ để tồn tại - là đầu tiên và biết đâu, cũng là cuối cùng.
- Vừa làm nghiên cứu văn học ở Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), vừa sáng tác thơ, chị có gặp khó khăn gì không? Có khi nào tư cách chủ thể này ảnh hưởng, chi phối, lấn át chủ thể khác trong chị? Chị xử lí vấn đề đó như thế nào, vì thực tế, diễn ngôn khoa học có những khác biệt căn bản với diễn ngôn nghệ thuật?
+ Tôi hoàn toàn không gặp một khó khăn nào, có chăng chỉ là tôi luôn cảm thấy cần nhiều thời gian hơn. Với tôi, hai chủ thể này không mâu thuẫn mà ngược lại. Nghiên cứu khoa học và sáng tác giống nhau ở chỗ đều đòi hỏi những yếu tố như sự sáng tạo, dấn thân và lao động miệt mài… - nhưng đó cũng là hai việc nhọc nhằn và thường không mang lại nhiều lợi nhuận.
Phụ nữ làm nghiên cứu hoặc viết văn thì vất vả gấp bội, vì bên cạnh việc hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình hoặc lo nỗi mưu sinh, họ đồng thời phải rất nỗ lực mới có thể cho ra được những sản phẩm chất lượng. Đôi khi tôi thấy bản thân mình bị mất cân bằng, nhưng tôi buộc phải nhanh chóng tỉnh táo lại.
Bìa tập thơ "Dĩ chữ" của Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Có thể tôi sẽ tiếp tục công việc của mình tại trường đại học và chỉ làm thơ một cách nghiệp dư, nếu đời sống cá nhân không có một vài biến động. Bản thân vốn yêu một lối sống kín đáo, nhưng thơ luôn tìm cách mở tôi ra. Nỗi cô đơn lọt lòng và trải nghiệm làm một người thất bại, cũng như những loay hoay giữa nhân quần và cảm giác không biết mình đang thuộc về không gian nào, ngoài ngôn ngữ, đã dẫn tôi về với thơ (và thơ tìm đến tôi) như một địa chỉ để tồn tại - là đầu tiên và biết đâu, cũng là cuối cùng. |
- Có quá nhiều quan niệm về thơ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, điều đó khiến cho những bàn luận nệ vào sách vở sẽ dẫn câu chuyện đến sáo rỗng, nhàm cũ. Bởi vậy, tôi muốn chúng ta nói về những điều thực tế nhất của đời sống thơ ca hiện nay. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta đang lạm phát thơ. Có nhiều sáng tác được gọi là thơ mà ít thi phẩm, có nhiều người làm thơ mà ít thi sĩ. Trong quan sát của chị, hiện tình thơ Việt Nam hiện nay như thế nào, cả về lực lượng và chất lượng?
+ Nếu chúng ta hiểu thơ Việt Nam đương đại là thơ viết bằng tiếng Việt, bao gồm cả các nhà thơ trong lãnh thổ Việt Nam lẫn các tác giả làm thơ bằng tiếng Việt sinh sống và sáng tác ở nước ngoài, thì sẽ thấy hiện lên một tổng phổ đa nguyên, đa sắc thái. Theo chủ quan của tôi, thơ Việt trong nước ở thời điểm hiện tại đang bị “loãng”, chỉ có những tiếng nói lẻ, những xuất hiện đơn độc do chúng ta thiếu những trào lưu, thiếu những cú hích văn hóa tạo đà cho những bước ngoặt nghệ thuật.
Sau một số thi tập có chất lượng từ vài tác giả đã định hình và có thể được xếp vào thế hệ trước (theo độ tuổi), thì điều đáng chờ đợi hơn hiện nay là sự bứt phá sáng tạo từ những cây bút trẻ vẫn đang trên đường tìm tòi và thể nghiệm.
- Nguyễn Thị Thúy Hạnh thường đọc thơ trên diễn đàn nào? Tác giả nào gây được ấn tượng với chị? Nhân đây, chị có thể chia sẻ một vài tên tuổi tác giả, tác phẩm mà mình quan tâm?
+ Một phần do tính chất công việc (nghiên cứu mảng văn học nước ngoài), một phần vì muốn xem thế giới họ đã và đang sáng tác thơ như thế nào, nên tôi thường đọc thơ nước ngoài qua nguyên tác hoặc bản dịch, chủ yếu là qua một số website văn học bằng tiếng Trung như: shigeku.org, zgshige.com, chinawriter.com.cn, chinapoesy.com... Tôi thích tác phẩm của nhiều nhà thơ thuộc thế hệ thứ ba của Trung Quốc như Vu Kiên, Âu Dương Giang Hà, Dương Lê, Trạch Vĩnh Minh, Vương Tiểu Ni, Hàn Đông… các nhà thơ thuộc phái tiên phong và thử nghiệm như Ngô Phi, Dương Lê, Trầm Hạo Ba, Ô Thanh… trẻ hơn, ở thế hệ 8x như Trịnh Tiểu Quỳnh, hoặc 9x như Dư Ấu Ấu... Đó là những nhà thơ rất cá tính, xác lập được bản sắc riêng, có tinh thần làm mới về ngôn ngữ và hình thức biểu hiện. Thỉnh thoảng, tôi tìm đọc thơ đương đại của các nước khác trên poets.org, poetryfoundation.org, lithub.com…
Những năm qua, tôi có theo dõi tình hình thơ Việt qua các trang văn học mạng bằng tiếng Việt, của cả trong và ngoài nước, mặc dù khó có thể nói là bao quát hết: vannghequandoi.com.vn, tapchisonghuong.com.vn, damau.org, tienve.org... Tuy nhiên, một số nhà thơ mà tôi đang quan tâm lại thường không xuất hiện qua dòng chính thống.
Hiện nay, bên cạnh những diễn đàn mạng của các tổ chức văn học trong và ngoài nước, theo tôi phải kể đến sự tồn tại độc lập của một số website, blog cá nhân thường xuyên dịch, giới thiệu mảng thơ nước ngoài được điều hành bởi những dịch giả trẻ đầy tâm huyết như: Nguyễn Huy Hoàng, Phan Quỳnh Trâm, Pháp Hoan… Chúng ta cảm ơn họ vì sự chung tay xây dựng một đời sống văn chương, một không gian đọc ngày càng rộng mở và đa dạng hơn, bởi bản chất của văn chương là luôn mong chờ những tiếng nói khác biệt.
- Trong giới hạn đọc của tôi, điều khiến tôi luôn suy nghĩ, lắm lúc đến buồn bực, là các thi sĩ - nếu ta có thể gọi như thế, dường như hơi dễ dãi với mình. Vẫn biết, cảm xúc là tự do, nhưng sự dễ dãi trong việc duy trì, tổ chức, triển khai mạch cảm xúc khi kiến tạo thi phẩm dẫn đến trạng thái vụn vặt, lan man; sự dễ dãi của tư duy dẫn đến hời hợt, nông cạn; sự dễ dãi của biểu đạt dẫn đến sến sáo, vụng về… Có phải tôi khắt khe quá, hay là tôi đã lầm lẫn ở đâu?
+ Kĩ thuật không phải là vấn đề duy nhất của sáng tác, nhưng lịch sử văn chương sẽ là gì nếu không phải là lịch sử liên tục đổi mới các hình thức văn học? Theo tôi, sự mở rộng vốn đọc có thể giúp nhà thơ tự học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Nếu ý thức cao độ về việc nâng cao chất lượng cho tác phẩm thì người viết sẽ tìm cách khắc phục những nhược điểm như anh đã nói, nhưng để cho ra đời một tác phẩm hay nhiều khi còn phụ thuộc vào yếu tố tài năng.
- Tôi cho rằng, nhà thơ không nên ăn bám vào bản năng. Tài năng, năng khiếu là yếu tố cần, nhưng có lẽ, việc không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, văn hóa, vốn sống, có hiểu biết về triết học, mĩ học… là điều kiện đủ. Hai yếu tố này sẽ khắc phục được sự tùy tiện, dễ dãi như chúng ta đã nói ở trên. Chị nghĩ sao về điều này?
+ Từ xưa đến nay, lao động chữ luôn là một công việc đầy khổ nhọc và thậm chí mang tới nhiều hệ lụy. Chắc không ai tự xem mình là nhà thơ lại không biết đến tuyên ngôn: “Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần” (Đọc hết vạn cuốn sách, hạ bút như có thần) và tinh thần vắt kiệt mình cho chữ nghĩa “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên) của Đỗ Phủ; hay cực đoan hơn, một chủ nghĩa khổ hạnh “thổ huyết ra mà viết” kiểu Lý Hạ. Vậy nên Apollinaire mới so sánh hình ảnh nhà thơ với con sâu (La chenille) - chỉ qua lao động vất vả, bền bỉ thì mới có thể trở thành một chú bướm huy hoàng. Làm thơ là một quá trình không ngừng phủ định và tự phủ định, để tái sinh những giá trị mới.
- Xét trên thang bậc giá trị tượng trưng của các loại hình nghệ thuật, thơ đứng ở vị trí chót đỉnh - cao nhất. Nhà thơ cũng là người được trọng vọng như là người giữ linh hồn của ngôn ngữ. Tuy vậy, có một thực tế là trong các câu chuyện hàng ngày, mỗi khi người ta nói đến thơ dường như ẩn kèm một sự cười cợt, dè bỉu hay chế nhạo. Đó không chỉ là định kiến từ xưa về thi sĩ như là kẻ nhếch nhác, giang hồ, viển vông, phi thực tế, mà còn là hệ lụy nảy sinh từ sự lẫn lộn giá trị, sự háo danh hay ảo tưởng của những người mang danh nhà thơ, của những văn bản được gọi là thơ như hiện nay. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
+ Đúng là ở ta, danh từ nhà thơ thường bị đem ra để cười cợt mua vui, được xem như một thứ nghiệp mà không phải nghề, mang số phận đánh cược mà nhiều khi trắng tay, phi lợi nhuận nên có vẻ vô tích sự. Nếu nhìn lại lịch sử văn học, những người mong sống một cuộc đời ấm êm sẽ càng ái ngại vì cái giá phải trả cho thơ có khi là long đong, là bạc phận...
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, thơ ca luôn bảo trì được sức mạnh của mình trong việc cung cấp một chốn dung thân, nơi trú ngụ ngôn từ cho những cá thể bị tổn thương và yếu thế. Nhà thơ là một cái cây dần dần lột bỏ những lớp vỏ cỗi già của định kiến, của diễn và giả, của mưu cầu được vinh danh, để giữ lại bên trong cái lõi tự tại và chân thật cốt tủy. Với lựa chọn này, thi nhân cần rất nhiều sự can đảm.
- Sáng tạo nghệ thuật, như cách nói của Dostoevsky, đã trao cho con người quyền năng của thượng đế, nhưng, lắm khi cũng mở cửa cho quỷ dữ. Nhìn về những biểu hiện dễ dãi trong thi ca (cùng với cách mà nó “trà trộn” trong đời sống văn chương) khiến chúng ta không thể không nghĩ đến sự lộng hành của trá ngụy. Tại đó, những thứ được gọi là “thơ” vẫn từng ngày làm hoen ố danh tiếng, phẩm giá của thơ. Từ cảm quan cá nhân của một người làm thơ, chị nghĩ sao về tình trạng ấy?
+ Mỗi thời đại, mỗi tư trào thơ ca, mỗi cá nhân nhà thơ sẽ có một định nghĩa riêng cho câu hỏi: “thế nào là thơ?”, và tự phản tư “thế nào là phi thơ?”. Sự khác biệt của những câu trả lời đã làm nên một lịch sử thơ ca phong phú của nhân loại. Quán tính hình dung thơ ca đích thực (chỉ và nên) biểu hiện cho những cái cao cả, đèm đẹp, hướng thượng sẽ hạn chế những bung phá cần thiết của người viết trong việc mở rộng cảm hứng, đề tài, chất liệu và cách biểu hiện trong thơ.
Thi nhân đương nhiên không được phép dễ dãi, trái lại, họ hoàn toàn có thể mạo hiểm với các hình thức đa dạng, phá vỡ cái đã có, tân tạo ngôn ngữ, dù những thử nghiệm này có thể dẫn đến một vài cú sốc trong sự tiếp nhận của người đọc.
- Thơ nói riêng và văn học - nghệ thuật nói chung, dù được nảy nở trên nền của cảm hứng, chủ đề nào (kể cả cái xấu, cái ác, cái nghịch dị) vẫn ẩn chứa năng lượng hướng thượng cho con người. Vì thế, tôi không lo ngại những thực hành sáng tạo giấu mình ở phía cái xấu, cái ác (như là một thứ định kiến). Chị nghĩ sao về những hiện tượng thơ ca được/ bị định danh là “thơ dơ, thơ rác” với hình thức xuất bản độc lập hoặc đăng tải trên một số diễn đàn văn học mạng?
+ Sự xuất hiện của dòng văn học mạng là một hiện tượng mang tính chất toàn cầu, có nhiều tác động tích cực đến quá trình hiện đại hóa của thơ ca thế giới. Internet hình thành nên một kiểu không gian văn chương mới, nơi chấp nhận và dung chứa mọi khác biệt về giới tính, thân phận, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc, tôn giáo, văn hóa…
Tại nước láng giềng Trung Quốc có sự phổ biến của (ít nhất) 27 quan điểm, trường phái sáng tác thơ khác nhau trên mạng, như thơ nửa thân dưới, thơ con đường thứ ba, thơ rác, thơ tầng thấp, thơ phi lí, thơ tiên phong, thơ nhảm, thơ hiện sinh, phi thơ, thơ hậu chính trị…. Những trào lưu thơ này gặp gỡ nhau ở một điểm chung: theo đuổi quyền tự do tuyệt đối trong sáng tác, nổi loạn với truyền thống và lịch sử, phá vỡ khung mĩ học cũ, mang lại đột phá trong cách viết.
Thơ Dơ, thơ Rác hay Phi thơ là tiếng nói của những bản ngã cứng đầu và sẵn sàng ném mình về phía tuyệt vọng, một thế hệ muốn giải phóng và làm giãn nở đường biên ngôn ngữ. Các nhà thơ sống với tinh thần, như Ionesco nói, “cái gọi là tiên phong, tức là tự do”.
Theo tôi, những cách tân hình thức, những khiêu khích thể loại và tiếng nói phản tư lẫn nổi loạn bằng ngôn ngữ của trào lưu thơ mạng giai đoạn này thực sự có thể kích hoạt được những khoái cảm thẩm mĩ. Tinh thần của nó gợi nhớ đến phong vị hiện đại mà thế hệ Beat trong văn học Mĩ sau Thế chiến thứ hai đã mang lại. Đương nhiên, những quan điểm văn học mới xuất hiện bao giờ cũng gây ra những tranh luận trái chiều.
Các trào lưu cách tân thơ trên mạng Trung Quốc, tuy không tới mức bị chính quyền cấm đoán, cũng gây ra những tranh cãi kịch liệt. Theo quan sát ban đầu của tôi, nếu như dòng thơ tự xuất bản thời kì Hậu Đổi mới ở Việt Nam tự/ bị xếp vào văn chương bên lề, thơ dòng phụ, thì các trào lưu thơ mạng Trung Quốc ngay từ đầu đã nghiêng về phía thực hành cách tân nghệ thuật, khiêu chiến với quan điểm sáng tác của thế hệ thơ cũ nhiều hơn (tuy không phải là không có) thể hiện thái độ chính trị.
Thơ mạng Việt Nam đầu những năm 2000 chủ yếu nằm trong vùng quan sát của giới sáng tác và cơ quan quản lí văn hóa; còn thơ mạng Trung Quốc - kể từ những tranh luận về thơ Triệu Lệ Hoa (2006) trở đi - lại có sự tham gia của số lượng lớn cộng đồng mạng. Chẳng hạn như việc đặt tên cho những bài thơ theo phong cách khẩu ngữ của Triệu Lệ Hoa là “thơ nước dãi” và hành vi phê phán, lan truyền, phỏng nhại thơ Triệu Lệ Hoa được thực hiện từ đông đảo cư dân mạng (do bất đồng về quan niệm thơ và xung đột với quan niệm thẩm mĩ của tác giả), từ đó khởi đầu cho trào lưu thơ pop styles rầm rộ trên network Trung Quốc trong khoảng 5 năm tiếp theo (2006-2010).
Vì thế, mặc dù đều có thể được xếp vào thơ ca tiên phong mở đường cho những thực hành đa dạng, trào lưu thơ Rác, Phi thơ của hai nước lại bắt đầu khác nhau và rẽ sang hai hướng cũng rất khác nhau... Cho đến nay, ở Trung Quốc có thể tìm thấy một số lượng lớn các bài báo, bài viết, công trình nghiên cứu về trào lưu thơ mạng đầu những năm 2000 được công khai trên dữ liệu số hóa của thư viện quốc gia (CNKI).
- Khoảng dăm năm lại đây, tôi có quan tâm đến vấn đề đạo đức và luân lí chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật. Vấn đề này tạm hình dung trên ba trụ cột: luân lí xã hội - luân lí tự thân - luân lí mĩ học. Diễn đạt ngắn gọn đó là ý thức trách nhiệm (đạo đức - luân lí) của chủ thể trước xã hội, nghệ thuật và tư cách nghệ sĩ của mình. Chị nghĩ sao về trách nhiệm đó của nhà thơ hiện nay?
+ Trách nhiệm của nhà thơ được thể hiện như thế nào? Đây là câu hỏi và là đòi hỏi của rất nhiều người đối với nhà thơ, ở mọi thời đại. Rốt cuộc thì nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật phải giữ mình trong thế cân bằng - và nghệ sĩ là người thực hiện vai trò môi giới trung gian giữa cuộc đời và tác phẩm? Chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hậu hiện đại… - mỗi trào lưu nghệ thuật có câu trả lời của chính nó, cũng như vậy, mỗi nghệ sĩ có lựa chọn của riêng mình phương cách ứng xử với đời sống.
Sẽ thật đẹp nếu thơ ca vừa can dự mạnh mẽ vào xã hội nhân sinh, vừa phát huy được những công năng nghệ thuật. Nhưng tôi thuộc dạng người viết muốn nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, viết thơ là một hành vi sáng tạo, là sự tự do khám phá ngôn ngữ, bản ngã và thế giới. Trách nhiệm của nhà thơ, đầu tiên và sau cùng, là viết tốt tối đa trong khả năng có thể, bằng tất cả sự thành thực.
Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh "Cái mới có thể bắt đầu theo cách thông thường là sự phủ định cái cũ, tìm kiếm những con đường còn chưa ai biết. Nhưng cách tân không phải là một hiện tượng đứt rễ, nó vẫn kế thừa, theo những tính chất khác nhau, của di sản văn chương dân tộc và thế giới. Theo tôi, một con đường chủ đạo dẫn đến cách tân là người viết có sự tương tác với những dòng tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ khác; tiếp thu những thành tựu văn học, trào lưu nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài". "Tác phẩm có thể không biểu đạt cho một tư tưởng triết học cụ thể nhưng vẫn có triết lí của người viết. Bản sắc tác giả theo tôi mới thực sự quan trọng. Tôi thích cách người viết có thể tự tạo ra một thứ “triết học” của riêng mình và thoải mái nhào nặn nó, cũng như được quyền đùa chơi với những tư tưởng triết học đã có hơn là đeo bám nó". |
- Chúng ta cứ nói hoài về cách tân, đến nỗi khái niệm này trở nên sáo rỗng hơn bao giờ hết. Bản chất của câu chuyện này là đem đến cái mới có giá trị. Vậy thì, chúng ta nên hiểu cách tân như thế nào cho đầy đủ nội hàm của nó trong sáng tạo nghệ thuật?
+ Khó có thể đưa ra một bộ tiêu chí hoặc mô hình hóa hành vi sáng tạo, vì nghệ thuật luôn tìm cách chống lại những ý nghĩa có sẵn. Nhưng nhìn chung, những cách tân có tính chất trào lưu, nhóm hoặc trường phái thường xảy ra khi lịch sử xuất hiện một thế hệ sáng tác mới, kèm theo đó là sự thay đổi mĩ học, sự biến đổi của ý thức xã hội.
Cái mới có thể bắt đầu theo cách thông thường là sự phủ định cái cũ, tìm kiếm những con đường còn chưa ai biết. Nhưng cách tân không phải là một hiện tượng đứt rễ, nó vẫn kế thừa, theo những tính chất khác nhau, của di sản văn chương dân tộc và thế giới. Theo tôi, một con đường chủ đạo dẫn đến cách tân là người viết có sự tương tác với những dòng tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ khác; tiếp thu những thành tựu văn học, trào lưu nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài.
Sự tiếp nhận này sẽ là tốt nhất nếu được thực hiện một cách hệ thống, tiếp nhận từ gốc, chứ không phải tiếp nhận cái ngọn, cái bề mặt. Tóm lại, ngoài việc đào sâu vào truyền thống văn hóa, mĩ học dân tộc, nhà thơ có thể sáng tạo ra cái mới nhờ buông mình ngụp lặn trong một nền văn hóa khác với nền văn hóa, ngôn ngữ mà anh ta đã lớn lên. Như anh biết đấy, văn hóa chỉ được định hình khi có từ hai nền văn hóa trở lên. Nguyên lí đó tạo nên sự va chạm, học hỏi, tiếp biến, đồng thời là cơ sở cho những khác biệt.
- Một nền văn hóa - văn học lớn như Trung Hoa, đến giờ họ cũng đã phải thốt lên, văn học Trung Hoa đang thiếu triết học. Điều đó, nhìn vào thơ Việt Nam đương đại, tôi cũng nhận thấy khá rõ. Vẫn mạch của câu chuyện vừa nói, là người nghiên cứu văn học Trung Quốc, lại sống trong khí quyển văn hóa - văn học Việt Nam, chị có suy nghĩ gì trước quan điểm thiếu vắng triết học trong văn chương?
+ Theo quan điểm của tôi, nền văn học Trung Quốc đương đại không thiếu vắng triết học. Chẳng hạn, các nhà văn của họ vẫn thích để lại ít hoặc nhiều, nông hoặc sâu dấu ấn triết học truyền thống Nho - Phật - Đạo trong tác phẩm như một dạng căn cước văn hóa, điều này còn thể hiện qua xu hướng nghiên cứu liên ngành (triết học - nhân học - văn học) của giới hàn lâm Trung Quốc - ít nhất cho đến thời điểm này.
Vấn đề mà nền văn học Trung Quốc hiện nay đang cần (chứ không hẳn thiếu) vẫn là những tác giả có nhân cách và tầm vóc văn hóa; những văn sĩ có tư tưởng riêng, độc lập; những cây bút không chịu thỏa hiệp một cách tinh vi để tự làm vừa khuôn khổ của một hệ thống.
Mặt khác, tôi nghĩ triết học trong văn chương nên chăng cần được hiểu một cách hết sức linh hoạt? Có triết học vay mượn và triết học được nhà văn kiến tạo, có triết học bên ngoài và triết học bên trong, có triết học “nửa thân trên” và triết học “nửa thân dưới”, có triết học là triết học và cũng có phản triết học là triết học.
Tác phẩm có thể không biểu đạt cho một tư tưởng triết học cụ thể nhưng vẫn có triết lí của người viết. Bản sắc tác giả theo tôi mới thực sự quan trọng. Tôi thích cách người viết có thể tự tạo ra một thứ “triết học” của riêng mình và thoải mái nhào nặn nó, cũng như được quyền đùa chơi với những tư tưởng triết học đã có hơn là đeo bám nó.
- F.Nietzsche từng nói, chỉ thi ca mới đứng ngang hàng với triết học. Có lẽ nhà triết học lừng danh này muốn nói đến phẩm tính tư tưởng ẩn sâu trong hình thức thi ca. Tuy nhiên, đó vẫn là cách diễn đạt của một tư tưởng gia. Dễ hiểu hơn, có lẽ chúng ta sẽ hình dung về một thứ thơ ẩn chứa vẻ đẹp từ nhịp điệu của ngôn ngữ, hình tượng, sự tròn đầy của ý tình - cảm xúc, sự trĩu nặng của suy tư. Chị nghĩ sao về những phẩm tính ấy của một thi phẩm đích thực?
+ Có lẽ thơ ca mãi mãi là một định nghĩa mở, một khái niệm luôn ở thì vận động. Sẽ không có giới hạn nào dành cho thơ ca hay nói cách khác, thơ là phi biên giới. Tôi đồng ý rằng những phẩm chất truyền thống của thơ ca mà anh đề cập tới ở trên đã tồn tại hàng nghìn năm và cho tới nay vẫn có ý nghĩa, nhưng tôi lại nghĩ sự kháng cự truyền thống, khám phá tính khả năng lẫn bất khả của ngôn ngữ, tìm kiếm cái phi nhịp điệu, phi hình tượng, phi hoàn thiện, phi lí như một thách thức về tư duy và trí tuệ - là tinh thần chung của chủ nghĩa hiện đại ở mọi nền văn học.
- Mộng mơ sinh hạ những bài thơ. Nhưng mộng mơ không phải là lí lẽ để ngụy biện cho sự rối rắm, phức tạp, tù mù - dù thơ có là “cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” (Phan Ngọc). Chị nghĩ sao khi không chỉ tôi, mà nhiều người khác cũng nhận thấy rằng có nhiều bài thơ thực sự là một thứ bày biện, uốn éo làm mệt lòng người đọc?
+ Tôi cho rằng nhà thơ sẽ tự lựa chọn khuynh hướng riêng theo thôi thúc của cá tính sáng tạo, có người thiên về ý tưởng mà giản dị về câu chữ, nhưng cũng có người theo đuổi sự cách tân về hình thức ngôn từ. Mỗi bài thơ có thể là một câu đố, một bí mật và một thách thức để người đọc giải mã, từ đó có nhiều đáp số về cách hiểu.
Thơ Đồ họa/ Graphic của T.Tzaza, thơ Tạo hình/ Calligrammes của G.Apollinaire, phái thơ Cụ thể/ Concrete ở Bzazil (Augusto de Campos, Haroldo de Campos, Décio Pignatari…), phái thơ Hình tượng/ Imagism ở Mĩ (E. Pound, E.E.Cummings, W.C.Williams…), phái thơ Thị giác/ Visual ở Đài Loan (Zhan Bing, Lin Hengtai, Bai Qiu, Chen Li…), phái thơ Ý tượng chủ quan tại Trung Quốc (Ngô Phi là đại diện) theo đuổi những thể nghiệm thơ hình ảnh, biến thơ ca thành nghệ thuật tạo hình; hoặc kết hợp táo bạo các yếu tố từ ngữ, thị giác và âm thanh trong không gian đồ họa; hoặc xem thơ như sự trở lại nguồn gốc của văn tự.
Ở Việt Nam, thơ của nhóm Xuân Thu Nhã Tập, thơ Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường và một số nhà thơ trẻ hiện nay… mang lại nhiều bất ngờ và khoái cảm thẩm mĩ về cách làm mới câu chữ. Cá nhân tôi chưa bao giờ mong thơ mình là một thứ thơ dễ hiểu. Tôi cho rằng kiếm tìm sự tự do trong nghệ thuật, giải phóng mọi nguồn năng lượng sáng tạo bên trong là mục đích đầu tiên của người nghệ sĩ chứ không phải việc đẽo tâm hồn cho vừa lòng độc giả. Chúng ta nên hoan nghênh mọi thử nghiệm về mặt hình thức biểu đạt và lắng nghe những lối nghĩ phản thường.
- Cảm ơn Nguyễn Thị Thúy Hạnh về cuộc trò chuyện thú vị này!
NGUYỄN THANH TÂM thực hiện
VNQD