Đức Anh sinh năm 1993 tại Kostroma, CHLB Nga, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Là tác giả các tiểu thuyết tâm lí li kì và trinh thám như “Tường lửa” (Nxb Hội Nhà văn, 2019), “Thiên thần mù sương” (Nxb Văn học, 2019). Sắp phát hành: “Đảo bạo bệnh” (Nxb Công an nhân dân, 2020). Tác phẩm của Đức Anh được đánh giá cao ở ý tưởng lạ, đa dạng đề tài và yếu tố bất ngờ, được lớp độc giả trẻ hôm nay đón nhận. Ngoài ra anh cũng là người am hiểu về thể loại văn học trinh thám và có những tiểu luận sắc sảo, sâu rộng về văn học trinh thám Việt. Anh là “Nhân vật tuần này” của VNQĐ Online. |
- Vài năm lại đây, anh xuất hiện khá nổi bật với các tiểu thuyết trinh thám như “Tường lửa” (2018), “Thiên thần mù sương” (2019), và sắp tới là “Đảo bạo bệnh” (2020). Vậy là liên tục, không ngừng nghỉ nhỉ? Hình như anh đã nhìn thấy một “miền đất hứa” của mình?
+ Tôi không nghĩ mình quá phù hợp với văn học trinh thám, tuy nhiên đây là cơ hội để tôi rèn giũa khả năng kể chuyện và tìm một lối nhỏ đi vào văn chương. “Tường lửa” tôi viết với ý thức muốn tạo ra một cái gì tương tự Dennis Lehane, mà không cần phải vay mượn chi tiết nào. Hai tác phẩm sau thì tôi đều nhận được lời mời từ đơn vị xuất bản. Về căn bản trong “cơn viết”, người ta có thể bùng nổ ý tưởng của tác phẩm tiếp theo ngay khi chưa hoàn thành tác phẩm đang viết. Cơn viết ấy còn được tiếp thêm trong giai đoạn tác giả nhận ra mình đã có độc giả riêng. Đó có thể là một cái bẫy. Nhưng thật ra trong tất cả các trải nghiệm của một người viết, cũng không nên quá kiêng dè những bẫy.
- Tôi có đọc một bài viết khá công phu của anh về văn học trinh thám với tiêu đề: Trò chơi của khiếm diện: “Văn học trinh thám Việt Nam 20 năm đầu thế kỉ XXI”, trong đó anh đưa ra một số nhận định như văn học trinh thám ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XX đến đầu XXI “có hồn nhưng thiếu xác”, “kiếp nghèo”, “tình bơ vơ”… căn cứ vào đâu để anh đưa ra nhận định ấy?
+ Có hồn nhưng thiếu xác nghĩa là đã có linh hồn nhưng lại chưa hình thành về mặt cấu trúc hay cốt truyện. Cảm giác như người ta có thể viết truyện trinh thám, nhưng vì một lí do nào đấy, lại không lựa chọn thể loại. Có một giai đoạn văn chương Việt Nam nệ hiện thực, đặc biệt là cuối thế kỉ XX. Các nhà văn thuở ấy luôn có mong muốn phản ánh một cái gì đó chứ không chịu chơi “văn chương nhà ga”. Nhưng cũng đừng hiểu lầm việc tôi đề cao văn học trinh thám mà chê bai văn học hiện thực (dường như trong một số thời điểm, có một tâm thức chê bai văn học hiện thực, một cái gì đó gần như chống lại văn học hiện thực. Quá nhiều hiện thực, khiến cho người ta khao khát một cái gì khác đi, chẳng hạn hậu hiện đại gì đó). Tôi chính là một độc giả trung thành của nhà văn Lê Lựu và nhà văn Chu Lai. Tôi nghĩ chính các phẩm chất của văn học hiện thực sẽ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc viết trinh thám.
- Anh lí giải nguyên nhân của tình trạng “chưa định hình” của văn học trinh thám Việt Nam giai đoạn đó như thế nào? Thực trạng ấy mang lại cho chúng ta “định hình” gì về xã hội, văn hóa, người sáng tác, thị trường, thị hiếu, người đọc…
+ Xã hội Việt Nam biến đổi quá nhanh. Hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XX, một thời kì vừa giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội thời hậu chiến, vừa xây dựng cuộc sống mới và đã như vậy lại còn trải qua một giai đoạn bao cấp rồi chuyển dịch kinh tế thị trường. Tất cả những việc ấy mới bắt đầu đi vào ổn định từ những năm 2000 thì lại đúng thời điểm Internet bắt đầu bùng nổ. Đôi khi tôi ước mình sinh vào thế hệ 8x đời đầu để quan sát rõ hơn các biến đổi chóng mặt ấy. Ở Hà Nội, trong những phen tụ tập ở các quán rượu (có bốn quán rượu nổi tiếng đến mức được gọi đùa là Thăng Long tứ trấn), tôi vẫn thấy các anh chị 7x hoặc 8x đời đầu ngân nga những nhạc khúc hoài niệm của danh ca Ngọc Tân một thời, và tất nhiên, luôn có các ca khúc Rock sầu muộn của Nirvana, nhưng bên cạnh đó, không bao giờ thiếu được các ca khúc về Tây Nguyên, hay đặc biệt “Giấc mơ Chapi” của Trần Tiến (Cứ để ý mà xem, mọi cuộc tuý tửu cuồng ca ở thủ đô, thế nào cũng có Ở nơi ấy, tôi đã thấy, trên ngọn núi cao…). Nó làm cho tôi ngay lập tức có cảm giác về một lớp thị dân luôn luôn yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn… Phải chăng những biến đổi quá nhanh của đời sống đô thị khiến cho người ta mang theo ác cảm với những gì không thật, những mánh lới, sa đoạ của kinh tế mới và từ ấy thắp lên một giấc mộng rừng già, hướng về bản nguyên?
Tôi nghĩ rằng nếu chỉ nhìn từ một dòng sách nhỏ như văn học trinh thám thì khó có thể ra được hình ảnh của độc giả một thời. Nhưng rõ ràng văn học trinh thám chỉ thực sự phát triển khi đời sống đô thị phát triển ở mức nào đó. Tôi nghĩ là mình có thể nói rõ luôn cái “mức” này: đó là khi người ta đã được đô thị “luyện” thành, không còn sốc, không còn bất ngờ gì với tấn trò đời nơi phố hội. Đó là lúc người ta có thể giễu cợt được nó. Bởi lẽ, yếu tính của văn học trinh thám là sự giễu cợt.
Tác giả Đức Anh trong buổi ra mắt tác phẩm thứ hai, "Thiên thần mù sương", của anh. Ảnh: NVCC
- “Bản chất của sách trinh thám không phải để lưu danh lại, mà là để biến mất, đọc để quên đi”. Tôi không hiểu cách diễn đạt của anh ở trong bài viết vừa dẫn lắm. Ý anh muốn nói ở đây là gì?
+ À đó chỉ là một cách nói đùa của tôi. Đọc để quên đi có hàm ý: văn học trinh thám phần lớn không phải các tác phẩm có giá trị đọc lại, và hầu như người ta sẽ quên khá nhanh cốt truyện. Đó vẫn luôn là một hình thức văn chương giải trí, nhưng giải trí ở mức độ thưởng ngoạn, đáng tiền. Các nhà văn trinh thám không có ước vọng trở thành các đại văn hào, thậm chí có nhiều nhà văn trinh thám tài năng lại tuyên xưng chỉ quan tâm đến tiền kiếm được, chẳng hạn Mickey Spillane.
Tự nhiên tôi nghĩ đến mình. Khi tôi viết, tôi lấy tên thật làm bút danh Đức Anh, không phải tôi cố tình mờ nhạt mà là tôi cảm thấy để như thế tự nhiên hơn. Tôi rất sợ tên kêu. Giá tôi lấy Khương Đức Anh gì đó, thì tên tôi trên google sẽ rõ hơn (và như thế tiện hơn khi đi đâu quên chứng minh thư hoặc lúc cần khoe khoang với ai). Nhưng đối với tôi thì quan trọng là truyện đọc được, đáp ứng tiêu chí của riêng tôi và bạn đọc. Sau này, khi viết văn xuôi hiện đại, tôi sẽ lấy bút danh khác.
- Trinh thám là thể loại có tính giải trí, dựa trên những nguyên tắc hay kĩ thuật, đưa người đọc vào một “trò chơi” li kì, bí ẩn, kinh dị, bất ngờ… Như anh nói, dường như nó không đòi hỏi quá cao về mặt “văn” mà chú trọng ở phương diện “kể” (kĩ thuật) và “chuyện”. Như thế, có phải từ trong tư tưởng, ý nghĩ, anh đã tự hạ thấp yêu cầu đối với chính thể loại mà mình theo đuổi?
+ Tôi thấy cũng giống như các dòng văn chương khác, văn học trinh thám cũng rất đa dạng, có nhiều nhà văn viết đẹp và có nhiều nhà văn viết rất chán, chỉ được cái kể chuyện hay. Song, sau cùng thì yếu tố được ưu tiên là các kĩ thuật kể chuyện. Người đọc ngày nay cũng biến đổi. Quá trình viết tôi nhận ra rằng các độc giả của mình ở thế hệ 2000 có kiểu đọc rất khác, rất khó miêu tả. Nhưng những kĩ thuật của văn học trinh thám thời kì 2005 không còn lừa được họ nữa, các đề tài tưởng như mới như bệnh tâm thần phân liệt, sát nhân thông minh, biến thái, những phụ nữ xinh xắn quỷ quyệt vân vân… đã cũ lắm rồi.
Tôi nhận ra rằng ở thời điểm này của văn học trinh thám Việt Nam, không nên cầu toàn mà nên tạm viết các tác phẩm đọc được, cũng không nên biểu diễn văn chương, nên viết không quá dày, và bán được sách đã. Vì người ta còn nghi ngờ và định kiến với trinh thám Việt Nam rất nhiều. Nhưng ở một thời điểm khác, có thể là khoảng vài năm nữa, các yêu cầu, tiêu chí sẽ ngày càng khắt khe hơn.
- Có sự tiếp nối, thay đổi nào từ “Tường lửa” đến “Thiên thần mù sương” và “Đảo bạo bệnh” không ở anh? Ý tôi là, sở trường ấy có được phát huy liên tục, mạnh mẽ, tối đa hay cùng kiệt trong chuỗi tác phẩm của anh? Anh có nghĩ đến việc ngày nào đó sẽ hết vốn hay mệt mỏi, thậm chí là chán nản với chính sở trường của mình?
+ Không. Tôi thấy ba tác phẩm của tôi tương đối khác nhau. Tôi nghĩ có sự tăng tiến và có sự thuyên giảm một số yếu tố. “Tường lửa” có thể xếp vào văn xuôi hiện đại, và thực ra nhiều độc giả của tôi đọc nó không với ý thức đọc trinh thám, cứ xem các bài cảm nhận trên Goodreads sẽ thấy. Nhưng đến “Thiên thần mù sương” và “Đảo bạo bệnh”, tính trinh thám tăng dần, sự say sưa, ham thể nghiệm với câu chữ cũng ít đi. Có những độc giả thất vọng về tôi và lại có những độc giả mới thích tôi. Song tôi tự nhận thấy tôi cũng có chút bản năng của một nhà phê bình. Tôi thường xuyên tự quan sát mình và tôi nghĩ có thể tôi sẽ đi tiếp con đường này, với bút danh này.
Tôi hay nghĩ về sự hết vốn, nghĩ nhiều bỗng tôi yêu sự hết vốn. Một người đã viết được đến hết vốn nghĩa là thành thực với mình. Hết vốn, người ta buộc phải lao đi mà sống, để lấy vốn. Người ta cũng phải cởi mở hơn để đọc những thứ mà ít khi người ta đọc hoặc thấp hơn tiêu chí thẩm mĩ của họ. Cũng như vậy, phải giao du thêm với nhiều típ người, trong đó có những kẻ ta không thực sự ưa để mà nhặt nhạnh bụi quý. Để hiểu về một vùng đất, một con người, thậm chí chỉ để khám phá nội tâm của một người Việt Nam cụ thể, cũng là một công việc mà các nhà văn đều hiểu là không hề dễ dàng.
Tôi tự nhận là ẩn sau vẻ ngoài trông hơi nhút nhát, tôi dám sống lắm. Tôi đã làm cả những thứ chuyện mà tôi không bao giờ dám cả tự thừa nhận với mình. Song tôi cũng lại rất khá trong việc nhận ra cái hay của kẻ khác. Tôi luôn có cảm giác người khác thú vị hơn mình nhiều. Tôi thích giao du, thay đổi nơi sinh sống hay mò vào những nơi không thuộc về mình. Tính hiếu kì không ngớt là một hồng phước số phận ban cho tôi.
Tôi tự nhận là ẩn sau vẻ ngoài trông hơi nhút nhát, tôi dám sống lắm. Tôi đã làm cả những thứ chuyện mà tôi không bao giờ dám cả tự thừa nhận với mình. Song tôi cũng lại rất khá trong việc nhận ra cái hay của kẻ khác. Tôi luôn có cảm giác người khác thú vị hơn mình nhiều. Tôi thích giao du, thay đổi nơi sinh sống hay mò vào những nơi không thuộc về mình. Tính hiếu kì không ngớt là một hồng phước số phận ban cho tôi. |
- Tôi đọc “Thiên thần mù sương” của anh và thấy nó khá rời rạc, đôi chỗ tù mù. Thú thực, có lúc tôi nghĩ rằng đó là kĩ thuật truyện kể - yếu tính của thể loại trinh thám, nó thử thách hoặc dẫn dắt người đọc tham gia vào câu chuyện, nhưng rồi tôi không sao thỏa hiệp với mình được, tôi cảm giác có lẽ anh chưa nhập vào chính câu chuyện của mình (chưa nhuyễn) hoặc kĩ thuật có vẻ hơi lộ liễu. Xin lỗi anh nếu tôi chưa thực sự thấu hiểu kĩ thuật Book-end, nhưng đó có phải là ngụy biện không khi cho rằng, mọi thứ rời rạc sẽ được sáng tỏ ở cuối truyện?
+ Có nhiều người bỏ lửng khi đọc “Thiên thần mù sương”. Nhưng những ai đã đọc đến hết thì đều nói với tôi rằng đó là tác phẩm khó quên. Ở tác phẩm này tôi bộc lộ một vài điểm yếu là giấu cái bí mật căn cốt của câu chuyện quá lâu, đến tận gần cuối, nên người ta sẽ chóng thấy phi lí ở phần đầu. Nhưng “Thiên thần mù sương” mà dựng phim thì sẽ rõ hơn nhiều đó. Tôi cũng chịu ảnh hưởng khi xem phim của Christopher Nolan, nên yêu thích viết ra vài thứ hại não, rồi xâu kết chúng lại ở cuối tác phẩm. Kĩ thuật Book-end là việc cảnh cuối truyện và cảnh đầu truyện giống hệt nhau (đọc chương một và vĩ thanh, sẽ thấy rõ), thật ra đó là một kĩ thuật để làm màu, sau này thì tôi thấy không quá cần thiết. Sau “Thiên thần mù sương”, chắc sợi dây kinh nghiệm của tôi đã dài cả mét, đủ để trói nghiến một số thứ lại. Nhưng sau cùng, mặc dù không phải là người ưa khen, nhưng tôi biết ai đã yêu thích hay chê bai “Thiên thần mù sương” là họ đã yêu thích hoặc chê bai thật lòng.
- Đức Anh này! Tiểu luận về lịch sử, diện mạo văn học trinh thám mà anh viết trên tạp chí phê bình online Zzz Review đọc rất thú vị. Nó cho thấy tác giả có phông nền tri thức về văn học trinh thám, không chỉ trong nước. Mô tả được lịch sử, đồng thời có những nhận định đánh giá, so sánh giữa các tác giả, nhìn thấy mối liên hệ của họ (ảnh hưởng, vay mượn, học tập… hay tiếp nối, vượt qua), điều đó nói lên công phu đọc, quan sát, xâu chuỗi của anh. Tôi cũng nhận ra những kinh nghiệm khá phong phú mà anh có đối với thể loại trinh thám. Tuy nhiên, tôi lại thấy chính tác phẩm của anh chưa thể hiện hết hoặc phản ánh đúng năng lực, tri thức hay kinh nghiệm đó. Dễ hiểu hơn, tôi có thể hài lòng, thậm chí là học thêm được nhiều kiến thức, và khá khâm phục anh từ tiểu luận, nhưng, tiểu thuyết của anh lại chưa thuyết phục được tôi. Anh nghĩ sao về điều này? Và anh không giận tôi đấy chứ?
+ Trời ơi, tôi giận lắm! Tôi viết công phu thế mà nhà phê bình chưa đọc ra? Đùa vậy chứ, tôi rất cảm kích khi nhà phê bình đã đọc cả tiểu luận và tiểu thuyết của tôi cũng như đã thẳng thắn nhận xét. Tôi nghĩ viết là một cách thực hành để phân tích, đánh giá. Quan trọng hơn, tôi có một chút lí thuyết để biết mình đúng sai ở đâu cho việc khắc phục. Tôi đã viết, tôi đã có độc giả, có thị trường, có người yêu thích và chê bai. Như thế nghĩa là tôi đã chào sân thành công rồi. À tôi cũng có thể nguỵ biện thêm một chút, nếu anh cho phép, rằng văn học trinh thám có rất nhiều trường phái, mỗi tác phẩm dường như chỉ chiều được một kiểu độc giả nào đó. Ngay cả các tác giả đỉnh cao ở nước ngoài in ở Việt Nam, vẫn bị chê như thường. Cũng là một tác phẩm, người này thấy cực hay người kia thì chê nhạt nhẽo, anh cứ vào Hội thích truyện trinh thám trên Facebook thì thấy. Điều quan trọng nhất là luôn phải thu thập phản hồi, lại gần độc giả của mình.
Việc tôi tham gia viết tiểu luận về văn học trinh thám, và lại còn là một tiểu luận thuộc dạng đọc được, đã đẩy về tôi một áp lực nho nhỏ. Giá như tôi viết tiểu luận vào thời điểm sự nghiệp của tôi chín hơn thì có lẽ tôi cũng ít bị xoi mói tác phẩm hơn. Nhưng đời việc gì đến sẽ đến.
- Các nhà văn viết trinh thám dường như đều có học tập hay ảnh hưởng từ các cây bút gạo cội trong và ngoài nước. Anh có ảnh hưởng ai không? Nếu có, anh xử lí áp lực “huyền thoại tỏa bóng” đó như thế nào?
- Tôi chịu ảnh hưởng lớn của một nhà văn mới mất là Carlos Ruiz Zafon, người đã tạo ra những tác phẩm trinh thám mà ngay cả những độc giả không bao giờ ưa văn học trinh thám cũng yêu thích và thán phục. Nhiều người bảo tôi viết như văn học dịch chính vì đây. Sau này nhờ các phản hồi, tôi nhận ra cần phải thuần Việt hơn. Thật may tôi cũng có vốn đọc văn học Việt không quá tệ. Đọc nhiều văn học Việt, tôi lại càng thấy con đường của Tiếng Việt mới là đúng đắn. Tôi nghĩ với một số tác phẩm đầu tay, đến thời điểm này tôi đã có một chút gì đó của riêng mình rồi.
- Cảm ơn Đức Anh vì cuộc trò chuyên cởi mở, thẳng thắn này! Chúc anh tiếp tục và liên tục có những tác phẩm mới trong thời gian tới.
Hai tiểu thuyết "Tường lửa" và "Thiên thần mù sương" đã xuất bản của Đức Anh và tiểu thuyết "Đảo bạo bệnh" sắp được Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành. "Tôi khá thích thú với cách mà Đức Anh hình dung về tương lai: Việt Nam năm 2038 là nơi các tập đoàn lớn thống trị cuộc sống của chúng ta: chúng ta sinh ra ở bệnh viện của tập đoàn, đi học ở trường của tập đoàn, làm việc ở những cơ sở trực thuộc tập đoàn hoặc có quan hệ đối tác mật thiết, dùng điện thoại, phương tiện do tập đoàn sở hữu, người thời thượng phải thưởng thức nghệ thuật ở cơ sở do tập đoàn bảo hộ và uống cafe ở quán mang tên tập đoàn... Liệu còn địa hạt nào mà tập đoàn không thể thao túng? Hệ lụy từ những vấn đề đang nhức nhối của xã hội hiện tại sẽ kéo dài đến tương lai, thao túng cuộc đời của những con người tương lai. Những thứ được gợi ra thật đáng sợ: con lai vô thừa nhận của những quận Gangnam trong lòng các thành phố lớn ở Việt Nam, truyền thông bẩn,... Cách anh xây dựng cốt truyện thú vị, cách viết văn chương khá lạ so với các tác giả trinh thám Việt Nam". (Độc giả có nick Scarlett Ha review "Thiên thần mù sương" của Đức Anh trên Goodreads) |
NGUYỄN THANHTÂM thực hiện
VNQD