VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà báo Thu Uyên: Chúng tôi không cam lòng chia li khán giả truyền hình

Thứ Hai, 20/07/2020 08:00

Đã quá lâu tôi không còn xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia li (NCHCCCL) một cách đều đặn cho đến khi biết tin chương trình phải ngừng phát sóng trên truyền hình. Tôi tự thấy bản thân cũng đã bị cuốn theo quá nhiều chương trình khác mà quên mất rằng tôi đã từng cùng bố mẹ đón chờ chương trình này đến như thế nào. Phải chăng trách nhiệm xã hội của tôi có vấn đề hay tôi đã quá vô tâm, như nhiều người khác, chỉ giật mình khi người sáng lập chương trình, chị Thu Uyên lên tiếng chia sẻ “Chúng tôi quá túng thiếu, chúng tôi cần trách nhiệm xã hội, cần mọi người giúp một tay”. Và tôi đã tìm đến chị. Nhà báo Thu Uyên nói với tôi rằng, 3/5 các cuộc li tán có lí do từ chiến tranh, và với độ lùi hàng nửa thế kỉ, nếu không cấp bách và quyết liệt đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm - đoàn tụ thì nhiều người sẽ không có cơ hội gặp lại mẹ của mình.

- Chào chị Thu Uyên! Tôi đến với chị từ VNQĐ Online. Tôi thấy dường như lúc nghỉ hưu rồi chị có vẻ còn bận bịu hơn lúc đang công tác? Có phải sau nghỉ hưu chị vẫn dành hết thời gian cho NCHCCCL?

+ Cảm ơn chị đã quan tâm! Khi tôi nhận quyết định về hưu cách đây gần 3 năm, ba tôi có gửi cho tôi nghe lại một bản nhạc của Boccherini, Fandango. Tuyệt đẹp, vô cùng thú vị, lại cũng hết sức thanh thản. Và ba viết: “Ba hình dung cuộc đời của con từ khi được về hưu sẽ thanh thản và sướng vui như thế này”. Trước đó tôi cũng thường nghĩ, bao giờ về hưu mình sẽ đan cái này, đọc cái kia, nấu cái nọ - tôi có quá nhiều dự định cho cuộc sống của riêng mình.

Nhưng, NCHCCCL vẫn còn đó, công việc tìm kiếm và kể chuyện chia li - đoàn tụ trên truyền hình vẫn không vì tôi về hưu mà được nghỉ chút nào. Thậm chí là nặng nề hơn. Khi tôi không còn có thể kêu gọi tài trợ cho chương trình truyền hình mang tên NCHCCCL. Tôi nói với ba: Có lẽ con dừng đây ba ơi. Ba tôi bảo: Con mệt rồi, con dừng đi, nhưng nếu được, con hãy tìm cách để có người nào nhận thay con trách nhiệm với các gia đình li tán nhé.

Tôi cũng mang NCHCCCL – hoạt động thiện nguyện đoàn tụ người thân miễn phí duy nhất ở nước ta - và chương trình truyền hình cùng tên đi “gả” cho nhiều người bạn giỏi giang, làm công tác thiện nguyện hoặc sản xuất chương trình. Tuy nhiên, cũng chưa có ai nhận, thì tôi phải gắng tiếp, cho đến khi NCHCCCL có nền tảng vững chắc, cho việc tìm kiếm và đoàn tụ cho những người chịu cảnh li tán không bị dừng hay đứt đoạn nữa, lúc ấy tôi mới được nghỉ, thanh thản và sướng vui.

Đầu tháng 7/2020 nhà báo Thu Uyên, người sáng lập và duy trì chương trình Như chia hề có cuộc chia li buộc lòng phải lên tiếng về việc chương trình kết nối những cuộc chia li kéo dài 13 năm qua sẽ phải dừng phát sóng vì không có kinh phí duy trì do không kêu gọi được tài trợ. Ngay sau đó, một số tổ chức, cá nhân đã lên tiếng ủng hộ chương trình, điển hình là ca sĩ Hà Anh Tuấn đã ủng hộ NCHCCCL số tiền 3 tỉ đồng để chương trình có thể tiếp tục.

- Về việc phải dừng chương trình trên sóng truyền hình vừa rồi, chị đã nói là chị cũng sai khi không làm rõ rằng chương trình không thu được quảng cáo và là chương trình thiện nguyện. Vậy chắc hẳn tới đây sự vận hành sẽ có những thay đổi?

+ Tôi nhận sai về việc không nói rõ với mọi người là đây không chỉ là một chương trình truyền hình, mà bao quanh nó là cả một hoạt động xã hội rộng lớn, vì mục đích nhân đạo. Số tiền tài trợ để sản xuất một show truyền hình không đủ trang trải cho cả hoạt động nền tảng, là tìm kiếm, kết nối và đoàn tụ.

Nay, sau khi đã buộc phải công bố dừng việc sản xuất chương trình truyền hình vì không có kinh phí, chúng tôi đã được nhiều nghệ sĩ, nhân sĩ như Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Ca sĩ Hà Anh Tuấn và đông đảo công chúng ủng hộ, đóng góp. Đến nay thì NCHCCCL đã có khả năng tái khởi động lại. Về quy mô và hình thức thì chúng tôi đang cân nhắc. Tiêu chí quan trọng nhất là chi tiêu hiệu quả nhất từng đồng tiền được nhận cho mục đích đoàn tụ, và lan tỏa những câu chuyện nhân văn một cách rộng rãi hơn.

Nhà báo Thu Uyên cùng các cựu chiến binh trong trương chình trực tiếp "Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam".

- 13 năm thực hiện chương trình và 134 số phát sóng, những tình nguyện viên và cả chị nữa, tôi thấy đều rất khó kiềm chế cảm xúc trước những cuộc đoàn tụ phát sóng trực tiếp. Với tên gọi Như chưa hề có cuộc chia li, chị và mọi người có bao giờ nghĩ là chương trình có ngày sẽ phải xa khán giả không?

+ Chương trình truyền hình NCHCCCL đã có lúc tạm dừng 6 tháng rồi lại tiếp tục, nhưng chúng tôi không cam lòng chuẩn bị cho cuộc chia li với khán giả truyền hình, cho đến lúc không gồng mình mà gánh vác được nữa. Truyền hình, dù đã qua giai đoạn hưng thịnh nhất trong lịch sử của nó, thì vẫn cứ là nơi mà nhiều gia đình cùng quây quần ngồi theo dõi. Là nơi mà những người thiệt thòi có thể tiếp cận với hoạt động đoàn tụ người thân và những câu chuyện nhân văn mà không cần phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính nối internet.

Nhân nói đến đây, xin kể một câu chuyện nhỏ: Một nhân vật đã cho biết, anh thất lạc gia đình từ 5 tuổi, lang thang nơi ga tàu, chẳng bao giờ biết đến truyền hình, đánh nhau chịu án tù, nhờ thế mà được ngồi yên xem NCHCCCL. Và chương trình đã thay đổi được anh, khi hết hạn tù, anh đi bộ hơn 100km về Hà Nội và nhờ một người gặp trên đường đưa đến văn phòng NCHCCCL ngay để trình bày nguyện vọng tìm lại người thân. Sau đó chúng tôi đã tìm được cho anh gia đình, quê quán. Thật là may mắn!

- Có phải “Trái tim ta luôn sống vì nhau” (chương trình số 134) mà chị đã lên tiếng “cứu” chương trình và đang đẩy mạnh hoạt động kêu gọi ủng hộ cho NCHCCCL, cũng là đánh thức phần trách nhiệm xã hội trong mỗi người?

+ Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực sự lên tiếng kêu gọi hỗ trợ cho NCHCCCL, vì nếu nó mất đi, biết bao giờ và biết có ai mới dựng nên một hoạt động như thế, hoàn toàn miễn phí, hoàn toàn yêu thương, dành cho những gia đình đang bị phân li. Nhiều hoạt động xã hội lẽ ra phải xuất phát từ thiện tâm thì thường bị biến tướng ra sao; rồi những hoạt động cần chuyên môn cao như tìm kiếm và xử lí thông tin nếu mà không đủ vững thì sẽ như thế nào… Cho nên, chúng tôi đã nghĩ, thật tiếc cho xã hội nếu NCHCCCL không còn vận hành được nữa, chỉ vì lí do kinh phí. Vì đội ngũ NCHCCCL là một đội ngũ có nghề, có kinh nghiệm, nhưng quan trọng hơn là tuyệt đối trong sáng và thiện tâm.

Nhà báo Thu Uyên phỏng vấn tại thực địa.

- Thời gian này, tôi thấy trên trang fanpage cũng như kênh Youtube của chương trình có vẻ đang tăng lượt theo dõi, tôi thấy sau sự cố vừa rồi xã hội có vẻ bị đánh động và đang vào cuộc để đưa NCHCCCL trở lại. Chị nghĩ sao về điều này?

+ Chúng tôi có một trang Fanpage “Như chưa hề có cuộc chia li”, một kênh YouTube “Như chưa hề có cuộc chia li Official” – trên đó có các thông báo tìm kiếm, những câu chuyện chia li - đoàn tụ và cả hậu đoàn tụ. Càng có nhiều người vào đăng kí theo dõi chúng tôi càng mừng, chúng tôi càng được yên tâm là NCHCCCL đang làm tốt nhiệm vụ quan trọng thứ hai của mình, là lan tỏa những giá trị nhân bản, tình người, gia đình, quê hương, tổ quốc và những kiến thức lịch sử, văn hóa thông qua những câu chuyện có thực.

Chúng tôi đang xây dựng lại đội ngũ Tình nguyện viên, để cùng chúng tôi phân tích những trường hợp li tán cụ thể, đóng góp những ý kiến và suy luậntừ góc nhìn và kiến thức của họ, nhất là về thực địa. Sự tham gia này đối với chúng tôi rất quan trọng, bởi vì các cuộc tìm kiếm sẽ sớm đi đến đích hơn khi có sự chung sức của những người nhiệt tâm trong xã hội. Đây là công việc thiện nguyện, tùy theo sự lựa chọn của từng tình nguyện viên, phù hợp điều kiện về thời gian và công việc của họ. Bạn đọc nào quan tâm, xin hãy gửi thư điện tử cho chúng tôi về địa chỉ timnguoithan@haylentieng.vn để cùng chung tay trong hoạt động này.

- Chị đã từng nói “không có gì mong hơn là độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất” (chương trình số 57), nhưng để có hòa bình thống nhất chúng ta phải trả giá. Hầu hết các cuộc li tán đều bắt nguồn từ chiến tranh. Ở cương vị của người đứng đầu nhóm làm chương trình, chị thấy việc xã hội ứng xử với vấn đề hậu chiến này như thế nào? Nó có bị chìm lấp bởi các vấn đề bề nổi thiết thân với mỗi cá nhân, mỗi gia đình hơn hay không?

+ Khoảng ba phần năm các cuộc li tán hiện chúng tôi đã ghi nhận và lập hồ sơ có liên quan trực tiếp đến chiến tranh. Số còn lại đều có ít nhiều yếu tố hậu chiến, đời sống khó khăn. Với những cuộc li tán xảy ra trong chiến tranh, thì chiều dài của chúng đã là nửa thế kỉ và hơn thế. Không cấp bách và quyết liệt tìm kiếm đoàn tụ cho họ, thì liệu vài năm nữa, những người chị, em, con có còn gặp lại nhau không? Những đứa con có được gặp lại mẹ trên đời này nữa không?

Những người đã côi cút gần cả chặng đời đã sống, họ thường hay cắn răng chịu đựng. Họ ít nghĩ rằng nỗi đau riêng lại có người sẵn sàng chia sẻ. Trong khi, họ đã nghị lực biết bao để sống tốt. Họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Những người như thế, chúng ta có thể ngay đầu ngõ, hay cùng tầng, nhưng nếu không hỏi, sẽ không ai biết họ tha hương và lạc mất người thân. Dù chìm lấp thì chúng ta cũng không được bỏ qua họ, đó là trách nhiệm xã hội.

NCHCCCL phát sóng số đầu tiên ngày 1/12/2007. Hiện chương trình vẫn còn 30.000 hồ sơ đang trong quá trình tìm kiếm. Tuy nhiên, nhân lực tính đến khi chương trình dừng phát sóng chỉ còn 09 người. Ngay sau một tuần tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản của báo Vietnamnet, chương trình đã nhận được 504 lượt ủng hộ của người yêu thích với số tiền gần 300 triệu đồng.

- “Tại sao bỏ tôi lại?”, “Tại sao không quay về tìm?”… 30.000 hồ sơ đang tìm kiếm, 20.000 hồ sơ không có manh mối, những người làm chương trình đang trăn trở nhất điều gì thưa chị?

+ Chúng tôi chỉ có một trăn trở duy nhất là cần làm nhanh và nhanh hơn nữa. Muốn vậy phải có kinh phí. Hiện chúng tôi có hai thành viên Đội Tìm kiếm, bốn thành viên Đội Xử lí thông tin. Nếu có tăng lên thành mười hai người, số tìm ra và đoàn tụ sẽ tăng lên có lẽ không chỉ gấp đôi, mà gấp ba.

- Nói một chút về bản thân chị cũng như các anh chị trong nhóm, thì khi làm chương trình, điều lớn nhất các anh chị thu được cho mình là gì?

+ Chúng tôi học được cách sống từ chính công việc của mình. Có bạn từ lúc ra trường, vào làm việc tại NCHCCCL, nay cũng đã gần 40 tuổi rồi. Các anh lớn cũng gắn bó với tra cứu hồ sơ cho NCHCCCL khi còn làm việc bên công an, nay lại về đây trực tiếp tìm kiếm. Chúng tôi trân trọng các giá trị, trách nhiệm và tình yêu thương ấy.

- Có vẻ như NCHCCCL đã choán hết thời gian và mối quan tâm của chị. Thế còn kế hoạch nghỉ ngơi thì…

+ Tôi sẽ dành một năm rưỡi để vừa làm vừa “luyện quân”, cố gắng đủ khỏe để làm việc đó. Sau đó chỉ mong được rút, hoặc cùng lắm là làm cố vấn khi các bạn cần đến kiến thức của tôi trong nghề này.

- Cảm ơn chị cùng những anh chị trong đội ngũ NCHCCCL vì những tâm huyết với chương trình. Chúc chị sẽ thực hiện được mong muốn của mình!

THU OANH thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)